DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Nguyễn Lê Kiên phạm tội "Gây rối trật tự công cộng"

Số hiệu

19/2007/HS-GĐT

Tiêu đề

Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Nguyễn Lê Kiên phạm tội "Gây rối trật tự công cộng"

Ngày ban hành

09/07/2007

Cấp xét xử

Giám đốc thẩm

Lĩnh vực

Hình sự

……..

Ngày 09  tháng 7 năm 2007, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử  vụ án hình sự đối với:

Nguyễn Lê Kiên sinh năm 1982; trú tại ấp Bửu II, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu; con ông Nguyễn Tấn Thuận và bà Nguyễn Thị Xuyên; bị bắt giam từ ngày 25-11-2003 đến ngày 08-8-2006.

(Trong vụ án này còn có bị cáo Nguyễn Quốc Sử bị xử phạt 18 năm tù về tội giết người; Nguyễn Tấn Bạch bị xử phạt 2 năm tù về tội che giấu tội phạm”.

Người bị hại:  anh Tôn Văn Công sinh năm 1976 (đã chết). Người đại diện hợp pháp của người bị hại: ông Tôn Văn Việt (là bố đẻ của người bị hại); trú tại ấp Bửu II, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.

NHẬN THẤY:

Vào khoảng 19 giờ ngày 26-3-2003 Nguyễn Lê Kiên, Nguyễn Quốc Sử, Nguyễn Văn Thường, Bùi Quốc Tuấn, Trần Văn Mừng, Nguyễn Văn Thơ cùng uống rượu tại quán của chị Nguyễn Thị Hiền ở ấp Bửu II, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Khi uống rượu, Sử trực tiếp sang bàn bên mời anh Trương Văn Sol uống rượu cùng. Được vài ly, anh Sol từ chối không uống nữa, thì Sử lấy con dao (theo Sử mô tả thì đây là loại dao có lưỡi xếp vào cán dao, cán dao bằng mủ màu vàng dài khoản 10cm, rộng khoảng 2-3cm, mũi dao hình dạng hơi bầu, lưỡi dao có một bên thì bén, một bên bằng) trong túi quần đặt trên bàn đe doạ buộc anh Sol phải tiếp tục uống. Liền lúc đó, Kiên lấy con dao này kề vào người anh Sol buộc anh Sol phải uống rồi bỏ con dao vào túi quần. Sau khi trả tiền cả nhóm rủ nhau lên quán Óc Len để uống tiếp. Khi ra khỏi quán Sử đòi lại và Kiên trả con dao cho Sử. Khi đi cách quán chị Hiền 40m, Kiên và Thường gặp các anh Tôn Văn Công và Phạm Văn Linh đi ngược chiều nên đã dừng lại nói chuyện, số còn lại tiếp tục đi. Kiên rủ Linh đi uống rượu, nhưng Linh từ chối. Kiên nắm tay Linh kéo đi, thì Công ngăn kéo Linh trở lại. Thấy vậy Kiên quay sang cự cãi với Công và dùng tay đẩy vào ngực Công làm cho Công bị mất thăng bằng ngã ngồi giữa lộ, dẫn tới Công và Kiên xô xát với nhau. Lúc này Linh trực tiếp dùng tay ôm Kiên và gọi Thường can Công ra không cho Kiên và Công đánh nhau. Trong lúc đánh nhau Kiên chửi Công nhiều lần với nội dung đánh chết mẹ mày luôn.

Nguyễn Quốc Sử đang cùng Tuấn, Mừng và Thơ đi trước, nghe tiếng la lối và xô xát nhau, thì Sử quay trở lại. Nhìn thấy Kiên và Công đang đối mặt nhau, Sử cho rằng Công đánh Kiên nên đã lấy con dao từ trong túi quần ra đâm vào bụng Công nhiều nhát. Do Thường đang ôm để can Công nên cũng bị đâm một nhát vào tay trái. Sau khi đâm Công xong thì Sử bỏ đi. Phát hiện Công bị đâm, Linh gọi Kiên, Thường cứu giúp, cùng lúc đó anh Sol chạy xe đến và cùng Linh đưa Công đi cấp cứu. Trên đường đi Công đã tử vong. Nguyễn Tấn Bạch được Sử cho biết việc vừa đâm Công cùng kế hoạch trốn, nên kêu Sử về nhà Bạch để Bạch đi cầm điện thoại giùm Sử lấy tiền cho Sử đi trốn. Nguyễn Văn Sử đã trốn ra Hải Phòng đến ngày 09-4-2003 về đầu thú tại Công an huyện Đông Hải.

Sau khi xảy ra vụ án, gia đình Nguyễn Văn Sử và Nguyễn Lê Kiên đã tự nguyện bồi thường cho gia đình  anh Tôn Văn Công số tiền là 35.500.000 đồng.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 38/HSST  ngày 28-4-2004, Toà án nhân dân tỉnh Bạc Liêu áp dụng khoản 1 Điều 245, các điểm b và p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự; xử phạt Nguyễn Lê Kiên 18 tháng tù về tội “gây rối trật tự công cộng”; áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93, các điểm b và p khoản 1 Điều 46, Điều 69, Điều 74 Bộ luật hình sự xử phạt Nguyễn Quốc Sử 14 năm tù về tội “giết người”; áp dụng khoản 1 Điều 313, điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 60 Bộ luật hình sự xử phạt Nguyễn Tấn Bạch 12 tháng tù về tội “che giấu tội phạm”, nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách 18 tháng; về trách nhiệm dân sự, ghi nhận sự tự nguyện giữa gia đình Nguyễn Quốc Sử và Nguyễn Lê Kiên với gia đình  anh Tôn Văn Công về số tiền là 35.500.000 đồng nên không đặt ra xem xét lại.

Ngày 07-5-2004 Nguyễn Quốc Sử kháng cáo xin giảm hình phạt; ngày 10-5-2004 ông Tôn Văn Việt kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt đối với Sử và xem xét trách nhiệm đối với các tên khác đã tham gia giết con ông.

Tại bản án hình sự phúc thẩm số 1683/HSPT ngày 22-7-2004, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định huỷ bản án hình sự sơ thẩm nêu trên; giao hồ sơ vụ án cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 05/2005/HSST  ngày 14-01-2005, Toà án nhân dân tỉnh Bạc Liêu áp dụng khoản 1 Điều 245, các điểm b và p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự; xử phạt Nguyễn Lê Kiên 2 năm tù về tội “gây rối trật tự công cộng”; áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93, các điểm b và p khoản 1 Điều 46, Điều 69, Điều 74 Bộ luật hình sự; xử phạt Nguyễn Quốc Sử 16 năm tù về tội “giết người”; áp dụng khoản 1 Điều 313, điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự; xử phạt Nguyễn Tấn Bạch 2 năm tù về tội “che giấu tội phạm”; về trách nhiệm dân sự, buộc bị cáo Nguyễn Quốc Sử bồi thường tổn thất về tinh thần cho gia đình nạn nhân Tôn Văn Công 5.000.000đồng do ông Tôn Văn Việt (cha của anh Công) đại diện nhận.

Ngày 27-01-2005 nguyễn Quốc Sử kháng cáo xin giảm hình phạt.

Ngày 17-01-2005 Nguyễn Tấn Bạch kháng cáo xin được hưởng án treo.

Ngày 25-01-2005 ông Tôn Văn Việt kháng cáo đề nghị xem xét lại vụ án.

Tại bản án hình sự phúc thẩm số 651/HSPT ngày 22-4-2005, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định giữ nguyên quyết định của bản án hình sự sơ thẩm đối với Nguyễn Tấn Bạch; áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93, các điểm b và p khoản 1 Điều 46 và Điều 69, Điều 74 Bộ luật hình sự; xử phạt Nguyễn Quốc Sử 18 năm tù về tội “giết người”. Huỷ bản án hình sự sơ thẩm số 05/2005/HSST ngày 14-01-2005 của Toà án nhân dân tỉnh Bạc Liêu đối với Nguyễn Lê Kiên; giao hồ sơ vụ án cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại đối với Nguyễn Lê Kiên.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 89/2005/HSST  ngày 23-11-2005, Toà án nhân dân tỉnh Bạc Liêu áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93, điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự; xử phạt Nguyễn Lê Kiên 15 năm tù về tội “giết người”.

Ngày 28-11-2005 Nguyễn Lê Kiên kháng cáo kêu oan.

Ngày 07-12-2005 ông Tôn Văn Việt là người đại diện hợp pháp của người bị hại kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với Kiên và giám định lại độ tuổi của Nguyễn Quốc Sử để xử tăng hình phạt đối với bị cáo Sử.

Tại bản án hình sự phúc thẩm số 1131/2006/HSPT ngày 08-8-2006, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh áp dụng khoản 1 Điều 245 Bộ luật hình sự; xử phạt Nguyễn Lê Kiên 02 năm tù về tội “gây rối trật tự công cộng”; căn cứ vào Điều 227 Bộ luật tố tụng hình sự, tuyên bố trả tự do cho Nguyễn Lê Kiên ngay tại phiên toà nếu bị cáo Kiên không bị tạm giam về một tội phạm nào khác.

Tại Quyết định kháng nghị số18/QĐ-VKSTC-V3 ngày 22-6-2007, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 1131/2006/HSPT ngày 08-8-2006 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm tuyên huỷ bản án hình sự phúc thẩm nêu trên; giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh để xét xử phúc thẩm lại theo hướng xử phạt bị cáo Nguyễn Lê Kiên về tội "giết người".

XÉT THẤY:

Tòa án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm, áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn để xét xử Nguyễn Lê Kiên về tội "gây rối trật tự công cộng" chủ yếu chỉ căn cứ vào lời khai của Nguyễn Lê Kiên và Nguyễn Quốc Sử mà chưa xem xét và làm rõ toàn diện các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cũng như diễn biến của sự việc.

Các tài liệu và chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cho thấy: Nguyễn Lê Kiên cùng bị cáo Nguyễn Quốc Sử và một số người khác đã cùng nhau uống rượu tại quán của chị Nguyễn Thị Hiền. Kiên biết Sử có dao và chính Kiên đã sử dụng con dao đó để đe dọa anh Sol. Khi ra khỏi quán chính Kiên đã đưa lại con dao đó cho Sử. Trên đường đi Nguyễn Lê Kiên biết cùng đi với mình còn có các anh Thường, Sử, Thơ, Tuấn, Mừng (là bạn của Kiên) cho nên khi đánh nhau với anh Tôn Văn Công, Kiên nhận thức được rằng nếu Kiên có gặp sự tấn công nào sẽ có các "chiến hữu" ứng cứu. Khi đánh nhau với anh Công, Kiên vừa đánh vừa chửi và la to nhiều lần câu: "Đ. mẹ tao đánh mày chết mẹ". Những lời chửi, la này của Kiên như báo hiệu cho các "chiến hữu" biết là mình đang gặp nguy hiểm. Thực tế từ những hành vi đó của Kiên thì Thường có ôm anh Công can ngăn và Sử đã dùng dao đâm nhiều nhát vào anh Công dẫn đến cái chết của anh Công. Khi  anh Công đã bị Sử đâm, thì Kiên không có phản ứng gì can ngăn và sau đó không tích cực cứu chữa.

Những vấn đề trên đây cùng với diễn biến sự việc anh Công bị đâm chưa được làm rõ tại phiên tòa phúc thẩm. Nếu qua xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa có đủ căn cứ kết luận các vấn đề nêu trên thì phải kết án Nguyễn Lê Kiên về tội "giết người" như kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Vì các lẽ trên và căn cứ vào khoản 3 Điều 285, Điều 287 và Điều 289 Bộ luật tố tụng hình sự,

QUYẾT ĐỊNH:

Hủy bản án hình sự phúc thẩm số 1131/2006/HSPT ngày 08-8-2006 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh; giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.                                                 

Lý do bản án phúc thẩm bị hủy:

Cần xem xét lại hành vi của bị cáo có phạm tội “giết người” như Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt hay không

  •  4097
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…