DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Đỗ Văn Quang và các bị cáo khác phạm tội "Cố ý gây thương tích"

Số hiệu

28/2007/HS-GĐT

Tiêu đề

Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Đỗ Văn Quang và các bị cáo khác phạm tội "Cố ý gây thương tích"

Ngày ban hành

10/12/2007

Cấp xét xử

Giám đốc thẩm

Lĩnh vực

Hình sự

……..

Ngày 10 tháng 12 năm 2007, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên toà giám đốc thẩm  xét xử vụ án hình sự đối với:

1. Đỗ Văn Quang sinh năm 1983; trú tại thôn Xuân Phúc, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình; nghề nghiệp: làm ruộng; con ông Đỗ Đức Dậu và bà Nguyễn Thị Thục; bị bắt giam ngày 20-6-2006.

2. Đỗ Khắc Hoàn sinh năm 1984; trú tại thôn Xuân Thành, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình; nghề nghiệp: làm ruộng; con ông Đỗ Khắc Mới và bà Đào Thị Hồng; bị bắt giam ngày 23-6-2006.

3. Lương Thanh Toàn sinh năm 1984; trú tại thôn Xuân Thành, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình; nghề nghiệp: làm ruộng; con ông Lương Thế Triệu và bà Phạm Thị Nhung; bị bắt giam ngày 23-6-2006.

4. Đỗ Đình Hợi sinh năm 1982; trú tại thôn Xuân Thành, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình; nghề nghiệp: làm ruộng; con ông Đỗ Đình Thực và bà Nguyễn Thị Bản; bị bắt giam ngày 23-6-2006.

Người bị hại: anh Nguyễn Văn Hai sinh năm 1986 (đã chết).

Người đại diện hợp pháp của người bị hại: ông Nguyễn Văn Mẫn và bà Văn Thị Tin (là bố và mẹ của anh Hai); trú tại thôn Hệ, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

NHẬN THẤY:

Tối ngày 19-6-2006 trong khi Lương Thanh Toàn, Đỗ Văn Quang, Đỗ Khắc Hoàn, Đỗ Đình Hợi, Nguyễn Văn Mạnh, Đỗ Đức Toàn, Vũ Huy Mạnh, Lương Văn Thủy, Nguyễn Duy La, Nguyễn Văn Việt và một số bạn gái của Lương Thanh Toàn đang ngồi tại cổng Nhà máy phân lân Ninh Bình uống nước mía, thì có anh Hoàng Mậu Tám đi xe máy chở anh Vũ Như Quỳnh và anh Nguyễn Văn Hai đi qua. Thấy mọi người trong quán nhìn ra thì anh Quỳnh chửi đệm "Đ. mẹ chúng mày nhìn gì". Vũ Huy Mạnh, Đỗ Đức Toàn nghe thấy và nói "chúng nó chửi kìa". Nghe anh Quỳnh nói lại "chúng mày thích chết thì lên đây", thì Lương Văn Thủy, Vũ Huy Mạnh và Đỗ Đức Toàn nói với cả bọn "đuổi theo đánh cho chúng nó một trận". Cả bọn đứng dậy lấy xe máy, nổ máy lên xe đuổi theo (Đỗ Đức Toàn chở Nguyễn Văn Mạnh; Đỗ Đình Hợi chở Vũ Huy Mạnh; Nguyễn Văn Việt chở Đỗ Khắc Hoàn và Lương Thanh Toàn; Lương Văn Thủy chở Nguyễn Duy La và Đỗ Văn Quang). Chạy  được khoảng 500 mét thì bọn chúng đuổi kịp xe máy của anh Tám. Đỗ Đức Toàn cho xe máy vượt lên chặn đầu xe máy của anh Tám lại, còn Nguyễn Văn Mạnh xuống xe nói "thằng nào chửi". Anh Quỳnh, anh Tám, anh Hai xuống xe máy và anh Quỳnh nói "tao Quỳnh Ân đây mà". Nguyễn Văn Mạnh đến tát anh Quỳnh và bảo "tao đang say rượu đây, thích gì". Cùng lúc đó Việt, Hợi, Thủy đi tới, xuống xe và cùng lao tới chỗ anh Quỳnh, anh Tám và anh Hai. Thấy đông người với thái độ hung hăng, nên anh Quỳnh và anh Tám bỏ chạy. Nguyễn Văn Mạnh, Việt đuổi theo anh Quỳnh và anh Tám, nhưng không kịp nên quay lại. Anh Hai một mình chạy ngược lại theo chiều hướng của xe máy đi đến, rẽ trái chạy theo bờ mương nước. Quang, Hoàn, Thanh Toàn và Hợi đuổi theo anh Hai. Khi chạy được khoảng 50 mét thì anh Hai bị trượt ngã xuống mương nước. Quang chạy tới, túm vai áo anh Hai giật ngược lại đấm vào mặt anh Hai. Nghe anh Hai nói "không phải em nói", thì Quang nói lại "em ún gì mày, hôm nay tao đánh cho mày chừa cái thói ấy đi", rồi túm cổ áo, chẹn cổ của anh Hai ghì kéo, đấm liên tiếp vào mặt anh Hai. Cùng lúc đó Hoàn, Lương Thanh Toàn đến và Hoàn nói "anh kéo nó vào đây". Quang túm cổ áo anh Hai kéo sát vào bờ mương, chẹn cổ đẩy tỳ lưng anh Hai vào bờ mương, hai chân ở dưới nước mặt ngửa lên. Hoàn và Lương Thanh Toàn đá, đạp và đấm vào đầu, mặt và bụng anh Hai nhiều cái. Khi thấy anh Hai không còn phản ứng gì, thì Quang, Hoàn và Lương Thanh Toàn không đánh nữa. Quang nói với Hoàn và Lương Thanh Toàn lên trước rồi Quang lôi anh Hai lên bờ mương để ở tư thế nằm trên bờ mương, hai chân vẫn thả dưới nước. Khi Quang, Hoàn và Lương Thanh Toàn đi lên, thì Hợi chạy đến hỏi Quang "nó đâu rồi tao đấm vài quả". Không thấy Quang nói gì, Hợi chạy xuống thấy anh Hai nằm bất tỉnh, Hợi nói "lúc nãy mày chửi gì" và đấm hai quả vào mồm anh Hai. Thấy anh Hai không phản ứng gì, Hợi bỏ lên đường rồi cả bọn đi về. Sáng ngày 20-6-2006 phát hiện anh Hai nằm chết ở dưới mương nước.

Tại Bản giám định pháp y số110/PY ngày 20-6-2006, Tổ chức giám định pháp y tỉnh Ninh Bình kết luận: Nguyễn Văn Hai chết do ngạt thở (ngạt cơ học phối hợp ngạt nước) trên người nạn nhân bị đa chấn thương, chấn thương sọ não kín, xuất huyết não, màng não, chấn thương phần mềm vùng mặt, cổ, ngực trái. Các vết thương, các chấn thương vùng đầu, mặt, cổ và ngực trái do vật tày chắc tạo nên.

Tại Cáo trạng số01/KSĐT-P1A ngày 24-10-2006, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình truy tố các bị cáo về tội "cố ý gây thương tích" theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 77/2006/HSST ngày 18-12-2006, Toà án nhân dân tỉnh Ninh Bình áp dụng khoản 3 Điều 104, điểm d khoản 1 Điều 48, các điểm b và p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự; xử phạt Đỗ Văn Quang 11 năm tù, Đỗ Khắc Hoàn 10 năm tù, Lương Thanh Toàn 10 năm tù, Đỗ Đình Hợi 09 năm tù đều về tội “cố ý gây thương tích”; áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự; Điều 610 Bộ luật dân sự buộc các bị cáo Quang, Hoàn, Toàn và Hợi phải có trách nhiệm liên đới bồi thường tiếp cho ông Nguyễn Văn Mẫn và bà Văn Thị Tin (là người đại diện hợp pháp của người bị hại) 24.900.000 đồng; chia phần mỗi bị cáo phải bồi thường là 6.225.000 đồng, tiếp tục quản lý số tiền 5.000.000 đồng  mà gia đình các bị cáo đã nộp tại thi hành án dân sự tỉnh Ninh Bình, để đảm bảo việc thi hành án cho các bị cáo.

Ngày 22-12-2006 Lương Thanh Toàn làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 01-01-2007 Đỗ Văn Quang làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 02-01-2007, người đại diện hợp pháp của người bị hại là ông Nguyễn Văn Mẫn kháng cáo tăng hình phạt và tăng tiền bồi thường đối với các bị cáo.

Tại bản án hình sự phúc thẩm số 185/2007/HSPT ngày 20-3-2007, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội áp dụng khoản 3 Điều 104, điểm d khoản 1 Điều 48, các điểm b và p khoản 1 và  khoản 2 Điều 46, Điều 42 Bộ luật hình sự, Điều 610 Bộ luật dân sự; xử phạt Đỗ Văn Quang 13 năm tù, Đỗ Khắc Hoàn 12 năm tù, Lương Thanh Toàn 12 năm tù, Đỗ Đình Hợi 11 năm tù đều về tội “ cố ý gây thương tích"; về trách nhiệm dân sự buộc các bị cáo Đỗ Văn Quang, Đỗ Khắc Hoàn, Lương Thanh Toàn và Đỗ Đình Hợi phải liên đới bồi thường tiếp cho ông Nguyễn Văn Mẫn và bà Văn Thị Tin là người đại diện hợp pháp của người bị hại 19.900.000 đồng chia đều mỗi bị cáo phải bồi thường 4.975.000 đồng (số tiền 5.000.000 đồng, gia đình các bị cáo đã nộp trước khi xét xử sơ thẩm tại Thi hành án tỉnh Ninh Bình theo biên lai số 36199 ngày 18-12-2006 được trao trả cho gia đình người bị hại).

Tại quyết định kháng nghị số 21/ 2007/ HS-TK ngày 24-8-2007, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm huỷ bản án hình sự phúc thẩm nêu trên và bản án hình sự sơ thẩm số 77/2006/ HSST ngày 18-12-2006 của Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình; giao hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao để điều tra lại theo thủ tục chung.

Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

XÉT THẤY:

Xuất phát từ nguyên cớ nhỏ nhặt vì một câu chửi của Vũ Như Quỳnh (người cùng đi trong nhóm với anh Nguyễn Văn Hai) mà Đỗ Văn Quang, Đỗ Khắc Hoàn, Lương Thanh Toàn, Đỗ Đình Hợi đuổi theo túm cổ áo, chẹn cổ, đấm đá nhiều cái vào vùng đầu, mặt và ngực anh Hai (là những vị trí có tính nguy hiểm cao đến tính mạng con người), làm anh Hai bị chết do ngạt thở cơ học, đa chấn thương, chấn thương sọ não kín, xuất huyết não, màng não, chấn thương phần mềm vùng mặt, cổ, ngực trái. Khi anh Hai đã bất tỉnh không còn có phản ứng gì thì Đỗ Đình Hợi vẫn tiếp tục đấm anh Hai 02 quả vào mồm. Đánh, đấm xong các bị cáo bỏ mặc anh Hai trong tình trạng bất tỉnh, giữa cánh đồng với tư thế nửa người trên bờ mương nước, hai chân cắm dưới bùn trong đêm khuya. Tuy trong bản giám định pháp y có kết luận Nguyễn Văn Hai chết do ngạt thở (ngạt cơ học phối hợp ngạt nước) nhưng tại phiên toà sơ thẩm, Giám định viên của Hội đồng giám định pháp y tỉnh Ninh Bình vẫn giữ nguyên ý kiến kết luận tại giám định pháp y số 110/PY ngày 20-6-2006 về nguyên nhân chết của anh Nguyễn Văn Hai, đồng thời giải thích :" nguyên nhân chính dẫn đến việc anh Hai bị chết chủ yếu do ngạt cơ học, do lực tác động, chèn ép vào phần cổ anh Hai tạo ra, các bị cáo đánh anh Hai đã chết ngay sau đó, với các thương tích trên cơ thể anh Hai nếu có cấp cứu kịp thời thì cũng không thể sống được". Như vậy, hành vi phạm tội của các bị cáo cấu thành tội "giết người" với tình tiết phạm tội có tính chất côn đồ được quy định tại điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự.

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, Toà án cấp sơ thẩm đã có quyết định trả hồ sơ đề nghị Viện kiểm sát truy tố các bị cáo về tội "giết người" theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự, nhưng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Bình không thay đổi Cáo trạng và chỉ truy tố Đỗ Văn Quang cùng các đồng phạm khác về tội "cố ý gây thương tích". Theo quy định taị Điều 196 Bộ luật tố tụng hình sự, thì "Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố", nên Tòa án cấp sơ thẩm chỉ kết án các bị cáo về tội "cố ý gây thương tích" là đúng giới hạn của việc xét xử theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xử phạt bị cáo Quang 11 năm tù, bị cáo Hoàn và Toàn mỗi bị cáo 10 năm tù, bị cáo Hợi 09 năm tù là quá nhẹ.

Do có kháng cáo tăng hình phạt của người đại diện hợp pháp của người bị hại, Tòa án cấp phúc thẩm quyết định tăng mức hình phạt đối với bị cáo: Quang 13 năm tù, Hoàn và Toàn mỗi bị cáo 12 năm tù, Hợi 11 năm tù đều về tội "cố ý gây thương tích" cũng là chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với tính chất, mức độ và hậu quả do hành vi phạm tội mà các bị cáo đã gây ra. Tòa án cấp phúc thẩm nhận định" hành vi của các bị cáo lẽ ra phải bị truy tố và xét xử về tội giết người mới chính xác" là đúng nhưng lại cho rằng không cần phải kiến nghị để truy tố, xét xử về tội "giết người" và do đó không có thông báo cho người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là không đúng với quy định tại Điều 274 Bộ luật tố tụng hình sự.

Trong vụ án còn một số đối tượng như Nguyễn Văn Mạnh và Đỗ Đức Toàn đã dùng xe máy đuổi theo xe máy của anh Hoàng Mậu Tám chặn đường buộc anh Tám, anh Quỳnh và anh Hai dừng xe lại. Nguyễn Văn Mạnh có hành vi gây gổ tát anh Quỳnh, Đỗ Đức Toàn đã có hành vi hô hào kích động mọi người đuổi theo để đánh anh Hai làm anh Hai bị chết. Hành vi của Nguyễn Văn  Mạnh và Đức Toàn có đủ các dấu hiệu cấu thành của tội "gây rối trật tự công cộng", nhưng chưa được điều tra, truy tố là còn bỏ lọt tội phạm.

Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 285, Điều 287 và Điều 289 Bộ luật tố tụng hình sự,

QUYẾT ĐỊNH:

1. Huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 185/2007/HSPT ngày 20-3-2007 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và bản án hình sự sơ thẩm số 77/2006/ HSST ngày 18-12-2006 của Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Bình.

2. Giao hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao để điều tra lại theo thủ tục chung.

Lý do bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm bị hủy:

Chỉ vì một nguyên cớ nhỏ nhặt, cá bị cáo đã tấn công bị hại với cường độ lớn vào những vùng nguy hiểm trên cơ thể, nên hành vi phạm tội của các bị cáo phải bị xét xử về tội “giết người” mới đúng. Vụ án còn bỏ lột tội phạm. Do đó, cần phải điều tra lại.

  •  4431
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…