DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Đỗ Như Bình phạm tội "Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ"

Số hiệu

06/2008/HS-GĐT

Tiêu đề

Quyết định giám đốc thẩm về vụ án Đỗ Như Bình phạm tội "Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ"

Ngày ban hành

16/05/2008

Cấp xét xử

Giám đốc thẩm

Lĩnh vực

Hình sự

……..

Ngày 16 tháng 5 năm 2008, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với: 

Đỗ Như Bình sinh năm 1985; thường trú tại thôn Phú Hòa, xã Phú Riềng, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước; nghề nghiệp: làm nông; con ông Đỗ Xuân Nhữ và bà Đỗ Thị Ninh.

Người bị hại: anh Đỗ Như Quảng sinh năm 1985 (đã chết).

Người đại diện hợp pháp của người bị hại:

1. Bà Trịnh Thị Ánh (là mẹ đẻ của anh Quảng); trú tại thôn 3, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

2. Bà Vũ Thị Huyền (là mẹ kế của anh Quảng); trú tại thôn Phú Bình, xã Phú Riềng, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án: anh Lê Đình Hòa; trú tại ấp Phú An, xã Phú Trung, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước.

NHẬN THẤY:

Khoảng 19 giờ 30 phút ngày 07-4-2005, Đỗ Như Bình không có giấy phép lái xe nhưng vẫn điều khiển xe môtô (dung tích 97,5cm3, không biển số) chở anh Đỗ Như Hùng và anh Đỗ Như Quảng (là anh, em họ với Bình) từ hướng xã Phú Riềng đi xã Phú Trung trên đường ĐH 312 với vận tốc khoảng 60 km/h. Khi xe của Bình đi tới khu vực thôn Phú An, xã Phú Trung, huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước thì Quảng bảo Bình quay xe lại để tìm quán uống nước, nên Bình cho xe chuyển hướng sang phần đường bên trái. Do Bình không quan sát khi sang đường và không bóp còi, không bật đèn tín hiệu xin rẽ nên anh Lê Đình Hòa đang điều khiển xe môtô (biển số 93H2-0655) chạy cùng chiều ở phía sau xử lý không kịp đã đụng vào phía sau bên trái xe của Bình. Tai nạn xảy ra làm anh Quảng chết trên đường đến bệnh viện, anh Hòa và anh Hùng bị thương tích nhẹ nhưng từ chối giám định và không yêu cầu bồi thường.

Anh Hòa đã bồi thường cho bà Vũ Thị Huyền 5.000.000 đồng để chi phí mai táng cho anh Quảng. Bà Huyền kê khai chi phí mai táng cho anh Quảng là 9.220.000 đồng. Bà Trịnh Thị Ánh ủy quyền cho bà Huyền cùng họ hàng nhận các khoản bồi thường và lo mai táng cho người bị hại.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 30/2006/HSST ngày 03-4-2006, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước áp dụng điểm a khoản 2 Điều 202; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự, xử phạt Đỗ Như Bình 3 (ba) năm tù về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”; “ghi nhận sự thỏa thuận giữa bị cáo, người liên quan và đại diện bị hại như sau: bị cáo Đỗ Như Bình có trách nhiệm bồi thường cho đại diện bị hại số tiền 17.000.000 đồng. Anh Lê Đình Hòa có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho đại diện bị hại số tiền 3.000.000 đồng.”

Ngày 10-4-2006, bà Trịnh Thị Ánh kháng cáo đề nghị cho bị cáo Đỗ Như Bình được hưởng án treo và xin giảm tiền bồi thường.

Tại bản án hình sự phúc thẩm số 746/2006/HSPT ngày 19-6-2006, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm về phần trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm b khoản 2 Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự sửa phần trách nhiệm dân sự: “ghi nhận sự tự nguyện của đại diện hợp pháp bị hại (Trịnh Thị Ánh) như sau: bị cáo Đỗ Như Bình không phải bồi thường cho đại diện hợp pháp bị hại 17.000.000 đồng theo bản án sơ thẩm.

Ngày 11-4-2007, bà Vũ Thị Huyền có đơn khiếu nại không đồng ý với quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm về phần trách nhiệm dân sự, vì quyết định này ảnh hưởng đến quyền lợi kinh tế của bà, việc Tòa án cấp phúc thẩm không triệu tập bà tham gia phiên tòa phúc thẩm với tư cách người đại diện hợp pháp của người bị hại là không đúng.

Tại quyết định số31/QĐ-VKSTC-V3 ngày 09-11-2007, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 746/2006/HSPT ngày 19-6-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh về phần trách nhiệm dân sự và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy bản án hình sự phúc thẩm nêu trên và bản án hình sự sơ thẩm số 30/2006/HSST ngày 03-4-2006 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước về phần dân sự; giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định pháp luật, với lý do: việc Toà án cấp sơ thẩm không tuyên cụ thể phần bồi thường cho bà Trịnh Thị Ánh, bà Vũ Thị Huyền là thiếu sót; Toà án cấp phúc thẩm không triệu tập bà Huyền tham gia phiên toà, tuyên chấp nhận yêu cầu của bà Ánh về vấn đề không buộc bị cáo phải bồi thường là vi phạm quyền lợi của bà Huyền.

Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

XÉT THẤY:

Theo lời khai của bà Trịnh Thị Ánh thì anh Đỗ Như Quảng là con của bà Ánh và ông Đỗ Như Xuân (2 người không có đăng ký kết hôn). Khi anh Quảng được khoảng 7 tháng tuổi, bà Ánh và ông Xuân không sống chung nữa. Bà Ánh nuôi anh Quảng cho tới khi anh Quảng được khoảng 5 tuổi thì ông Xuân đón anh Quảng về nuôi (lúc này ông Xuân đã lập gia đình với bà Vũ Thị Huyền). Năm 2001, sau khi ông Xuân chết, anh Quảng vẫn tiếp tục ở với bà Huyền. Bà Huyền cũng khai là bà đã cùng ông Xuân nuôi anh Quảng từ nhỏ cho tới khi anh Quảng chết và bà đã lo toàn bộ chi phí mai táng cho anh Quảng. Tòa án cấp sơ thẩm xác định bà Ánh và bà Huyền tham gia tố tụng với tư cách người đại diện hợp pháp của người bị hại là đúng. Tuy chỉ có bà Ánh kháng cáo về phần hình phạt và bồi thường thiệt hại theo hướng có lợi cho bị cáo, nhưng Tòa án cấp phúc thẩm không triệu tập bà Huyền tham gia phiên tòa là vi phạm Điều 245 Bộ luật tố tụng hình sự (bà Huyền là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo). Việc Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu của bà Ánh về việc không buộc bị cáo bồi thường 17.000.000 đồng là không có lợi cho bà Huyền (ngoài khoản 9.220.000 đồng mà bà Huyền đã chi phí mai táng thì bà Huyền cũng còn phải được hưởng 1/2 số tiền tổn thất tinh thần).

Tại cơ quan điều tra, bà Ánh không yêu cầu bồi thường, nhưng uỷ quyền cho bà Huyền nhận tiền bồi thường để lo mai táng cho anh Quảng. Đây là sự thoả thuận giữa 2 người về việc nhận tiền bồi thường; do đó, Toà án cấp sơ thẩm không tuyên cụ thể số tiền bị cáo phải bồi thường cho từng người đại diện hợp pháp của người bị hại là không trái pháp luật.

Bởi các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 285 và Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự;

QUYẾT ĐỊNH:

1. Huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 746/2006/HSPT ngày 19-6-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh về phần bồi thường thiệt hại; giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật. 

2. Các quyết định khác của bản án hình sự phúc thẩm nêu trên không bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm tiếp tục có hiệu lực pháp luật.

Lý do bản án phúc thẩm bị hủy một phần:

Tòa án cấp phúc thẩm đã không triệu tập người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo tham gia phiên tòa và quyết định việc bồi thường thiệt hại không có lợi cho người này.

  •  3564
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…