DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Quyết định giám đốc thẩm số 03/2005/HĐTP-HS Ngày 26-01-2005 Về vụ án Phan Ngọc Hạnh phạm các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Trốn khỏi nơi giam”

Số hiệu

03/2005/HĐTP-HS

Tiêu đề

Quyết định giám đốc thẩm số03/2005/HĐTP-HS Ngày 26-01-2005 Về vụ án Phan Ngọc Hạnh phạm các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Trốn khỏi nơi giam”

Ngày ban hành

26/01/2005

Cấp xét xử

Giám đốc thẩm

Lĩnh vực

Hình sự

 

Quyết định giám đốc thẩm số03/2005/HĐTP-HSNgày 26-01-2005 Về vụ án Phan Ngọc Hạnh phạm các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Trốn khỏi nơi giam”

Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao

...

Tại phiên toà ngày 26 tháng 01 năm 2005 xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án hình sự đối với:

Phan Ngọc Hạnh (tức Trần Ngọc Phong, Lê Thanh Hùng) sinh năm 1966; trú tại 11/3 khu phố 1, phường Tam Hoà, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai; khi phạm tội là Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Đồng Nai UPA; con ông Phan Văn Toại và bà Đặng Thị Nghĩa (đã chết); có vợ và 3 con; bị bắt giam ngày 12-4-1995, trốn trại ngày 06-6-1998; bị bắt giam lại ngày 17-10-2000.

Nhận thấy:

Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm kết luận về các hành vi phạm tội của Phan Ngọc Hạnh như sau:

Ngày 24-5-1994 Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cấp giấy phép thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Đồng Nai UPA, do Phan Ngọc Hạnh làm giám đốc, Ngô Ngọc Căn làm phó giám đốc, với ngành nghề kinh doanh nước khoáng đóng chai, gia công sản xuất đá xây dựng, kinh doanh thương mại. Trong quá trình hoạt động kinh doanh Hạnh, Căn đã dùng thủ đoạn gian dối như ký kết hợp đồng kinh tế mua bán hàng hoá, mua bán quyền sử dụng đất và nhà ở của các cá nhân nhưng chỉ đặt cọc một số tiền để làm tin rồi dùng các giấy tờ sở hữu nhà, đất của chủ sở hữu đem thế chấp tại Ngân hàng và các đơn vị kinh tế để được bảo lãnh mua hàng trả chậm hoặc để được ứng tiền; từ đó, chiếm đoạt tiền và tài sản của các đơn vị kinh tế và cá nhân với tổng số tiền 20.441.725.496 đồng và 300 lượng vàng; cụ thể như sau:

- Công ty chế biến kinh doanh nông thổ sản Bộ Thương mại (gọi tắt là Công ty AGRIMEX) 606.845.500 đồng;

- Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Nam Khang 3.629.222.000 đồng;

- Công ty trách nhiệm hữu hạn Diên Hồng 267.000.000 đồng;

- Chi nhánh Công ty xuất nhập khẩu Ninh Bình 500.000.000 đồng;

- Công ty vật tư tổng hợp Tiền Giang 131.825.118 đồng;

- Công ty dịch vụ sản xuất Hồ Tây 12.907.214.476 đồng;

- Bà Bùi Thị Thu Hồng 2.450.000.000 đồng;

- Ông Đỗ Hồng Chinh 300 lượng vàng.

Ngày 12-4-1995, Phan Ngọc Hạnh bị bắt về các hành vi phạm tội này. Ngày 02-6-1998 do bị bệnh nên Hạnh được đưa vào điều trị tại Bệnh viện Trưng Vương. Ngày 06-6-1998, lợi dụng sơ hở của cảnh sát bảo vệ Hạnh đã bỏ trốn, đến ngày 16-10-2000 bị bắt theo lệnh truy nã.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 1470/HSST ngày 19-8-2003, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139; khoản 1 Điều 311; điểm d khoản 1 Điều 50 Bộ luật hình sự xử phạt Phan Ngọc Hạnh tử hình về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 03 năm tù về tội “trốn khỏi nơi giam”, tổng hợp hình phạt buộc bị cáo Phan Ngọc Hạnh phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là tử hình.

Ngày 21-8-2003, Phan Ngọc Hạnh có đơn kháng cáo xin giảm hình phạt với lý do: bị cáo không chiếm đoạt, số tiền còn nợ là do làm ăn thua lỗ, một số khoản nợ chỉ là quan hệ dân sự.

Tại bản án hình sự phúc thẩm số 412/HSPT ngày 09-3-2004, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã giữ nguyên các quyết định của bản án hình sự sơ thẩm.

Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số33/2004/HS-TK  ngày 19-10-2004, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 412/HSPT ngày 09-3-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

xét thấy:

Phan Ngọc Hạnh đã dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác, Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm kết án về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là đúng.

Tuy nhiên, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thì không phải tất cả các hành vi mà Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm kết luận đối với bị cáo đều là hành vi phạm tội mà cần xem xét lại một số hành vi để có kết luận chính xác đúng pháp luật; cụ thể như sau:

* Về hành vi chiếm đoạt 606.845.500 đồng của Công ty chế biến kinh doanh nông thổ sản Bộ Thương mại (AGRIMEX).

Từ ngày 14-3-1994 đến ngày 15-8-1994 Phan Ngọc Hạnh ký 05 hợp đồng kinh tế bán cho Công ty chế biến kinh doanh nông thổ sản Bộ Thương mại (AGRIMEX) 9000 tấn sắt, 4000 tấn thép, 8000 tấn nhựa đường (tổng giá trị là 47.799.000.000 đồng) với phương thức: Công ty trách nhiệm hữu hạn Đồng Nai UPA tìm nguồn hàng, ứng tiền trước của AGRIMEX (phải chịu lãi suất 3,5%/tháng) để thanh toán cho các đơn vị có hàng sau đó bán lại hàng cho AGRIMEX để trừ vào số tiền đã ứng. Từ ngày 29-3-1994 đến ngày 18-4-1995 Hạnh đã giao cho AGRIMEX được 5.601,208 tấn sắt, 860,752 tấn thép, 3.425,375 tấn nhựa đường tổng trị giá là 27.028.349.800 đồng và trả được 6.943.800.000 đồng. Tổng cộng số tiền Hạnh đã trả được cho AGRIMEX là 33.972.149.800 đồng, so số tiền Hạnh phải thanh toán cho AGRIMEX là 34.678.995.300 đồng, thì còn thiếu 706.845.500 đồng. Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra thu hồi thêm được 100.000.000 đồng trả cho AGRIMEX, như vậy số tiền Hạnh còn nợ AGRIMEX là 606.845.500 đồng.

Tuy nhiên, qua các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thì tổng số tiền mà Hạnh phải thanh toán cho AGRIMEX là 34.678.995.300 đồng, nhưng trong đó có cả số nợ cũ là 4.011.691.700 đồng chuyển nợ từ Trung tâm SITIMEX do Hạnh làm phó giám đốc trước đây, 400.000.000 đồng do Hạnh vay của AGRIMEX (có thế chấp giấy tờ nhà đất) và số tiền lãi phải trả do ứng tiền của AGRIMEX là 1.371.205.400 đồng. Số tiền Hạnh thực nhận để thực hiện 05 hợp đồng kinh tế chỉ có 28.896.098.200 đồng, trong khi thực tế Hạnh đã thanh toán bằng hàng và tiền cho AGRIMEX giá trị tổng cộng là 33.972.149.800 đồng. Như vậy, nếu tính cả số nợ cũ, tiền vay, tiền lãi phải trả như đã nêu trên thì Hạnh còn phải thanh toán cho AGRIMEX 706.845.500 đồng (chưa trừ 100.000.000 đồng mà Cơ quan điều tra đã thu hồi), nhưng nếu so với số tiền thực nhận thì Hạnh đã thanh toán nhiều hơn số tiền đã nhận là 5.076.051.600 đồng. Mặc dù hiện nay Hạnh vẫn còn phải trả cho AGRIMEX 606.845.500 đồng, nhưng đây là nghĩa vụ phải thanh toán nợ trong quan hệ kinh tế. Vì vậy, việc buộc Phan Ngọc Hạnh phải chịu trách nhiệm hình sự về “tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với khoản nợ 606.845.500 đồng là không đúng.

* Về hành vi chiếm đoạt 2.450.000.000 đồng của bà Bùi Thị Thu Hồng.

Từ tháng 7-1994 đến tháng 8-1994 Phan Ngọc Hạnh nhiều lần vay của bà Bùi Thị Thu Hồng với tổng số tiền 2.450.000.000 đồng với lãi suất 5% đến 7,5%/tháng, thời hạn thanh toán từ một đến hai tháng. Theo lời khai của bà Hồng, khi Hạnh không có tiền trả Hạnh đã đưa một số giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất cho bà để làm tin.

Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm kết luận bị cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Hồng là không phù hợp với quy định của pháp luật. Việc Hạnh vay tiền bà Hồng diễn ra trong một thời gian dài, được thực hiện nhiều lần và đều thể hiện sự tự nguyện của cả hai bên; Hạnh không dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của bà Hồng; do đó, việc kết luận Hạnh phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với khoản tiền này là không có căn cứ.

* Về hành vi chiếm đoạt 300 lượng vàng của ông Đỗ Hồng Chinh.

Ngày 16-3-1995 Phan Ngọc Hạnh ký hợp đồng mua căn nhà số 65 Huỳnh Đình Hai, phường 14, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh của vợ chồng ông Đỗ Hồng Chinh và bà Hán Thị Tựu với giá 350 lượng vàng. Phương thức thanh toán: Hạnh đưa trước 50 lượng vàng và 100 triệu đồng, vợ chồng ông Chinh sẽ làm giấy uỷ quyền và giao toàn bộ giấy tờ căn nhà có chứng nhận của Phòng Công chứng nhà nước thành phố Hồ Chí Minh để Hạnh thế chấp thực hiện dịch vụ mua bán trả chậm. Trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày Phòng Công chứng nhà nước thành phố Hồ Chí Minh chứng nhận, Hạnh phải trả nốt cho ông Chinh số vàng còn lại và sau 20 ngày từ khi giao đủ tiền hai bên làm thủ tục giao nhận nhà. Trong hai ngày 16 và 17-3-1995 Phan Ngọc Hạnh đã giao cho vợ chồng ông Chinh 250 triệu đồng (tương đương 50 lượng vàng). Ngày 17-3-1995 tại Phòng Công chứng nhà nước thành phố Hồ Chí Minh vợ chồng ông Chinh đã làm giấy cam kết thế chấp căn nhà 65 Huỳnh Đình Hai cho Ngân hàng công thương thành phố Hồ Chí Minh để bảo lãnh cho Phan Ngọc Hạnh vay 4 tỷ đồng. Do Hạnh không trả đủ tiền mua nhà theo đúng hợp đồng nên ngày 24-3-1995 việc cam kết nêu trên đã bị Phòng Công chứng huỷ bỏ theo đề nghị của vợ chồng ông Chinh. Tuy nhiên, ngày 27-3-1995 Phan Ngọc Hạnh vẫn sử dụng hồ sơ căn nhà này để bảo lãnh cho các đối tác kinh doanh khác, đây là hành vi bất hợp pháp.

Mặc dù hợp đồng mua bán nhà giữa vợ chồng ông Đỗ Hồng Chinh với Phan Ngọc Hạnh đã được ký kết, Hạnh đã nộp tiền đặt cọc nhưng việc mua bán chưa được thực hiện đến cùng, Hạnh không trả hết số tiền mua nhà và việc sang tên trước bạ ngôi nhà chưa được tiến hành nên căn nhà này vẫn thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông Đỗ Hồng Chinh. Hiện nay gia đình ông Chinh đang ở tại căn nhà này và ông Chinh yêu cầu xin được xử lý việc đặt cọc mua bán căn nhà theo thủ tục tố tụng dân sự. Thế nhưng, Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm kết luận Phan Ngọc Hạnh chiếm đoạt 300 lượng vàng (phần tiền mua nhà chưa trả) của vợ chồng ông Đỗ Hồng Chinh là không có căn cứ.

Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm còn buộc Phan Ngọc Hạnh phải chịu trách nhiệm hình sự đối với khoản tiền 988.654.476 đồng tiền lãi phát sinh trong quá trình Hạnh thực hiện các hợp đồng kinh tế với Công ty Hồ Tây; 44.921.598 đồng tiền lãi phát sinh và 5.480.000 đồng bồi thường tiền thuê xe, trong quá trình Hạnh thực hiện các hợp đồng kinh tế với Công ty vật tư Tiền Giang là không đúng quy định của pháp luật.

Toà án cấp phúc thẩm kết án Phan Ngọc Hạnh 03 năm tù về tội “trốn khỏi nơi giam” là đúng, hình phạt này đã bị tổng hợp với hình phạt tử hình về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung của cả hai tội là tử hình. Vì vậy, cần huỷ quyết định tổng hợp hình phạt tại bản án hình sự phúc thẩm số 412/HSPT ngày 09-3-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh, để Toà án cấp phúc thẩm khi xét xử phúc thẩm lại tổng hợp hình phạt chung của hai tội theo đúng quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, căn cứ vào Điều 285 và Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự;

Quyết định:

Huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 412/HSPT ngày 09-3-2004 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh; giao hồ sơ vụ án cho Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tiếp tục tạm giam bị cáo Phan Ngọc Hạnh đến khi Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh thụ lý lại vụ án.

____________________________________________

- Lý do huỷ bản án phúc thẩm:

1. Toà án cấp phúc thẩm xác định không chính xác các khoản tiền mà bị cáo đã lừa đảo chiếm đoạt;

2. Toà án các cấp đã buộc bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các khoản tiền lãi là không đúng.

- Nguyên nhân dẫn đến việc huỷ bản án phúc thẩm:

1. Thiếu sót trong việc cân nhắc và đánh giá chứng cứ;

2. Vận dụng không đúng quy định của pháp luật khi xác định tài sản chiếm đoạt.

 

  •  4742
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…