DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Quyết định giám đốc thẩm số 02/2008/KDTM-GĐT ngày 10-01-2008 về vụ án tranh chấp hợp đồng cho thuê tài chính

Số hiệu

02/2008/KDTM-GĐT

Tiêu đề

Quyết định giám đốc thẩm số02/2008/KDTM-GĐT ngày 10-01-2008 về vụ án tranh chấp hợp đồng cho thuê tài chính

Ngày ban hành

10/01/2008

Cấp xét xử

Giám đốc thẩm

Lĩnh vực

Kinh tế

 

Quyết định giám đốc thẩm số02/2008/KDTM-GĐT ngày 10-01-2008 về vụ án tranh chấp hợp đồng cho thuê tài chính

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

            ……………

            Ngày 10 tháng 01 năm 2008, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án kinh doanh thương mại tranh chấp về hợp đồng cho thuê tài chính giữa các đương sự:

            Nguyên đơn: Công ty cho thuê tài chính KEXIM Việt Nam; có trụ sở tại lầu 9, Diamond Plaza, 34 Lê Duẩn, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh; do ông Lê Hữu Trí tham gia tố tụng theo giấy ủy quyền ngày 24-6-2005 của ông Hyung Jong Noh, Tổng Giám đốc công ty.

            Bị đơn: Chủ doanh nghiệp tư nhân sản xuất Thắng Lợi là ông Đinh Nhâm, địa chỉ: 122/11 Thoại Ngọc Hầu, phường 18, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

            Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Lưu Thị Lộc; địa chỉ: 113/54/6 đường TCH05, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 thành phố Hồ Chí Minh.

NHẬN THẤY:

            Theo đơn khởi kiện đề ngày 23/5/2005 của Công ty cho thuê tài chính KEXIM Việt Nam và các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thì:

            Ngày 18-02-2004, Công ty cho thuê tài chính KEXIM Việt Nam (sau đây gọi tắt là Công ty KEXIM) và doanh nghiệp tư nhân sản xuất Thắng Lợi (sau đây gọi tắt là Doanh nghiệp Thắng Lợi) ký hợp đồng cho thuê tài chính số K2004014 với nội dung chính như sau:

            Công ty KEXIM cho Doanh nghiệp Thắng Lợi thuê một máy thêu vi tính loại 330 MMX 559 MM, 9 màu, 20 đầu, Model SWF/CWE 920-55 xuất xứ Hàn Quốc, trị giá 50.000 USD; thời hạn cho thuê 60 tháng (bao gồm 3 tháng ân hạn), ngày bắt đầu thuê là ngày 25-7-2004; lãi xuất thuê/năm: LIBOR(3 tháng)+2.4%; lịch thanh toán tiền thuê : Doanh nghiệp Thắng Lợi sẽ thanh toán tiền thuê vào ngày 25 hàng tháng; trường hợp không thanh toán đúng hạn thì phải trả lãi quá hạn bằng  1,5 lần mức lãi suất thông thường nêu trên.

            Để đảm bảo cho việc thanh toán theo hợp đồng, ông Đinh Nhâm và bà Lưu Thị Lộc (vợ ông Đinh Nhâm) đã ký hợp đồng số K2004014MA ngày 18-02-2004 (BL 103-108) thế chấp căn nhà số 113/54/6 đường TCH05, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh cho công ty KEXIM; có xác nhận ngày 25-02-2004 của Ủy ban nhân dân phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh .

            Thực hiện hợp đồng, ngày 01-3-2004 Doanh nghiệp Thắng Lợi ký  quỹ  78.820.000 đồng tương đương  5.000USD cho Công ty KEXIM; ngày 13-3-2004 công ty KEXIM đã giao tài sản thuê cho Doanh nghiệp Thắng Lợi ; Doanh nghiệp Thắng Lợi đã thanh toán tiền thuê được 4 kỳ (4 tháng). Sau đó Doanh nghiệp Thắng Lợi không thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Công ty KEXIM khởi kiện, yêu cầu Doanh nghiệp Thắng Lợi bồi thường thiệt hại 48.702,27USD và lãi suất nợ quá hạn 10,89 USD/ ngày kể từ ngày 16-5-2005 cho đến ngày thanh toán toàn bộ số nợ và thanh toán toàn bộ các chi phí liên quan đến việc thu hồi nợ, trong đó có chi phí luật sư

            Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số56/2006/KDTM-ST ngày 23-02-2006, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định.

            “…Chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, buộc Doanh nghiệp Thắng Lợi do ông Đinh Nhâm làm chủ phải thanh toán cho Công ty KEXIM số tiền 156.015.160 đồng.

            Thu hồi, phát mãi tài sản thuê là máy thêu vi tính loại 330 MMX 550 MM do Doanh nghiệp Thắng Lợi quản lý để thanh toán khoản tiền còn thiếu.

            Trong trường hợp  sau khi thu hồi, xử lý tài sản thuế, nếu số tiền thu được không đủ thanh toán số nợ, Công ty KEXIM có quyền yêu cầu phát mãi tài sản thế chấp là căn  nhà số 113/54/6 đường TCH05, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh để thu hồi nợ…”

            Ngày 04-4-2006, ông Đinh Nhâm có đơn kháng cáo yêu cầu xét xử lại.

            Tại bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 55/2006/DSPT ngày 11-7-2006, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh quyết định: Chấp nhận kháng cáo của bị đơn, sửa bản án sơ thẩm:

            “…Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, buộc bị đơn Doanh nghiệp Thắng Lợi do ông Đinh Nhâm làm chủ phải thanh toán cho công ty cho thuê tài chính KEXIM Việt Nam số tiền 63.106.670 đồng.

            Khấu trừ 78.820.000 đồng Doanh nghiệp Thắng Lợi đã ký quỹ cho bên Công ty cho thuê tài chính KEXIM Việt Nam, ông Đinh Nhâm còn được nhận lại 15.713.200 đồng.

            Buộc Công ty cho thuê tài chính KEXIM Việt Nam có quyền thu hồi lại tài sản thuê và ông Đinh Nhâm chủ Doanh nghiệp tư nhân sản xuất Thắng Lợi phải trả lại máy thêu vi tính loại 300MMx 550 MM, 9 màu, 20 đầu, Model SWF/CWE   920-55, xuất xứ Hàn Quốc hiện do Doanh nghiệp tư nhân sản xuất Thắng Lợi quản lý để tại địa chỉ 122/11 Thoại Ngọc Hầu, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh.

            Giải tỏa tài sản thế chấp là căn nhà số 113/54/6 đường TCH05, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh.

            Ngày 28-8-2006 Công ty KEXIM có đơn đề nghị xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.

            Tại Quyết định kháng nghị số07/2007/KN-KT ngày 06-8-2007 đối với bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 55/2006/DSPT ngày 11-7-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm nêu trên; giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật.

            Tại Kết luận số16/KL-AKT ngày 03-10-2007 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và tai phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao giữ nguyên quan điểm đã nêu trong kết luận số16/KL-AKT nêu trên của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đề nghị  Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm nêu trên; giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật.

XÉT THẤY:

            Hợp đồng thuê tài chính giữa Công ty KEXIM và Doanh nghiệp Thắng Lợi được ký kết  giữa  hai doanh nghiệp đều có mục đích lợi nhuận. Quá trình thực hiện hợp đồng có phát sinh tranh chấp, các bên không tự giải quyết được, Công ty KEXIM  khởi kiện ra Tòa, Tòa kinh tế Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thụ lý và giải quyết là đúng với quy định tại điểm m khoản 1 Điều 29; điểm a khoản 1 Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự.

            Tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số16/2001/NĐ-CP ngày 02-5-2001 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Công ty cho thuê tài chính quy định: “Cho thuê tài chính là hoạt động tín dụng trung và dài hạn thông qua việc cho thuê máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển và các động sản khác trên cơ sở hợp đồng cho thuê giữa bên cho thuê và bên thuê. Bên cho thuê cam kết mua máy móc thiết bị, phương tiện… theo yêu cầu của bên thuê và nắm quyền sở hữu đối với các tài sản cho thuê. Bên thuê sử dụng tài sản thuê và thanh toán tiền thuê trong suốt thời hạn thuê đã được các bên thỏa thuận.

            Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điểu 27 Nghị định số16/2001/NĐ-CP ngày 02-5-2001 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Công ty cho thuê tài chính thì bên cho thuê có quyền chấm dứt hợp đồng cho thuê tài chính trước hạn khi “ bên thuê không trả tiền thuê theo quy định trong  hợp đồng cho thuê tài chính”. Việc Doanh nghiệp Thắng Lợi không trả tiền thuê hàng tháng liên tục trong 4 tháng là vi phạm Điều 7 hợp đồng thuê tài chính và những quy định tại Nghị định vừa nêu của chính phủ nên Công ty KEXIM có quyền chấm dứt hợp đồng trước thời hạn theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Nghị định số16/2001/NĐ-CP nêu trên thì bên thuê (Doanh nghiệp Thắng Lợi) “phải thanh toán ngay toàn bộ số tiền thuê còn lại cho bên thuê”. Nếu bên thuê không thanh toán được tiền thuê, bên cho thuê (Công ty KEXIM) có quyền thu hồi ngay lập tức tài sản cho thuê và Doanh nghiệp Thắng Lợi “ phải bồi thường thiệt hại vật chất” cho Công ty KEXIM. Sau khi thu hồi tài sản cho thuê, Công ty KEXIM “có quyền chuyển nhượng hoặc cho bên khác thuê tài sản”.

            Theo thỏa thuận của các bên thì “giá trị tổn thất hàng hóa” được hiểu bao gồm: Tổng số tiền thuê chưa thanh toán kể cả lãi quá hạn; giá trị còn lại và bất cứ các khoản khác phải trả theo hợp đồng thuê.

            Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của Công ty KEXIM; buộc Doanh nghiệp Thắng Lợi phải bồi thường cho Công ty KEXIM giá trị tổn thất thỏa thuận và chi phí luật sư; thu hồi, phát mãi tài sản để thanh toán tiền còn thiếu; trong trường hợp sau khi thu hồi phát mãi tài sản thuê, nêu số tiền thu không đủ thanh toán số nợ thì Công ty KEXIM có quyền yêu cầu phát mãi tài sản thế chấp là có căn cứ, đúng pháp luật.

            Tòa án cấp phúc thẩm không căn cứ vào các quy định của pháp luật về cho thuê tài chính để giải quyết mà lại giải quyết như một tranh chấp về hợp đồng thuê tài sản thông thường, chỉ buộc Công ty KEXIM nhận lại tài sản cho thuê và giải chấp tài sản thế chấp là không đúng với quy định của pháp luật về cho thuê tài chính, gây thiệt hại cho Công ty KEXIM.

            Về việc ghi ký hiệu bản án, Tòa án cấp sơ thẩm ghi: “Bản án số56/2006/KDTM-ST” là đúng với quy định tại điểm 2.3 mục 2 phần I Nghị quyết số01/2005/NQ-HĐTP ngày 31-3-2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Còn Tòa án cấp phúc thẩm ghi : “Bản án số 55/2006/DSPT” là không đúng với quy định trên. Đúng ra, phải ghi là : “ Bản án số55/2006/KDTM-PT”.

            Khi giải quyết vụ án kinh doanh thương mại này, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm còn sai sót về việc xác định tư cách  bị đơn. Theo quy định tại khoản 3 Điều 143 Luật doanh nghiệp 2005 thì: “Chủ doanh nghiệp tư nhân là nguyên đơn, bị đơn hoặc Tòa án hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ và lợi ích liên quan trước Trọng tài hoặc Tòa án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp” và tại khoản 4 Điều 143 Luật doanh nghiệp quy định: “Chủ doanh nghiệp tư nhân là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp”. Do vậy, trong vụ án này, phải xác định chủ Doanh nghiệp tư nhân sản xuất Thắng Lợi  - ông Đinh Nhâm là bị đơn mới đúng. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định doanh nghiệp tư nhân sản xuất Thắng Lợi là bị đơn trong vụ án này là không chính xác.

            Bởi các lẽ trên và căn cứ vào khoản 3 Điều 297 và khoản 2 Điều 299 Bộ luật tố tụng dân sự.

QUYẾT ĐỊNH:

            1.Huỷ bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 55/2006/DSPT ngày 11-7-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân  dân tối cao tại thành phố  Hồ Chí Minh về tranh chấp hợp đồng cho thuê tài chính giữa Công ty cho thuê tài chính KEXIM Việt Nam với chủ Doanh nghiệp tư nhân sản xuất Thắng Lợi.

            2.Giao hồ sơ cho Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử lại phúc thẩm theo đúng quy định của pháp luật.

                                         

            Lý do bản án phúc thẩm bị hủy:

            Tòa án cấp phúc thẩm không căn cứ vào các quy định của pháp luật về cho thuê tài chính để giải quyết vụ án mà lại giải quyết như một hợp đồng dân sự bình thường là không đúng pháp luật. Tòa án cũng sai sót trong việc xác định tư cách bị đơn.

  

 

  •  2943
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…