DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Quyết định giám đốc thẩm đối với Phan Thanh Tuấn và những bị cáo khác bị kết án về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"

Số hiệu

26/2010/HS-GĐT

Tiêu đề

Quyết định giám đốc thẩm đối với Phan Thanh Tuấn và những bị cáo khác bị kết án về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"

Ngày ban hành

20/09/2010

Cấp xét xử

Giám đốc thẩm

Lĩnh vực

Hình sự

 

Quyết định giám đốc thẩm số26/2010/HS-GĐT ngày 20/9/2010 của hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Ngày 20 tháng 9 năm 2010, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao mở phiên toà giám đốc thẩm xét xử vụ án hình sự đối với:

1. Phan Thanh Tuấn sinh năm 1966; đăng ký nhân khẩu thường trú tại thôn Yên Lãng 1, xã Yên Thọ, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; trình độ văn hóa 10/10; nghề nghiệp: nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Yên Thọ; con ông Phan Vi Báo và bà Lê Thị Loan; có vợ và 02 con; bị bắt giam từ ngày 08-12-2007 (hiện đã thi hành xong hình phạt tù) .

2. Nguyễn Hữu Thành (Nguyễn Văn Các) sinh năm 1959; đăng ký nhân khẩu thường trú tại thôn Yên Hợp, xã Yên Thọ, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; trình độ văn hóa 10/10; nghề nghiệp: nguyên Bí thư đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Yên Thọ và Chánh văn phòng huyện uỷ huyện Đông Triều; con ông Nguyễn Văn Ngỏng và bà Phạm Thị Vít (đều đã chết) ; có vợ và 02 con; đi thi hành án từ ngày 23-6-2009.

3. Trần Xuân Nhanh sinh năm 1961; đăng ký nhân khẩu thường trú tại thôn Yên Lãng 2, xã Yên Thọ, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; trình độ văn hóa 10/10; nghề nghiệp: nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Bí thư đảng uỷ xã Yên Thọ; con ông Trần Văn Thái và bà Vũ Thị Thoát (đều đã chết); có vợ và 02 con; đi thi hành án từ ngày 16-8-2010.

4. Nguyễn Văn Nhuần sinh năm 1957; đăng ký nhân khẩu thường trú tại thôn Yên Lãng 3, xã Yên Thọ, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; trình độ văn hóa 10/10; nghề nghiệp: nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Yên Thọ; con ông Nguyễn Văn Thập (đã chết) và bà Nguyễn Thị Rỉ; có vợ và 04 con; đi thi hành án từ ngày 01-6-2009; hiện đã thi hành xong hình phạt tù.

5. Trần Văn Ngân sinh năm 1949; đăng ký nhân khẩu thường trú tại thôn Yên Hợp, xã Yên Thọ, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; trình độ văn hóa 7/10; nghề nghiệp: nguyên cán bộ địa chính xã Yên Thọ; con ông Trần Văn Tạo và bà Nguyễn Thị Giả (đã chết); có vợ và 04 con; bị bắt giam từ ngày 08-12-2007 .

6. Thân Văn Năm sinh năm 1957; đăng ký nhân khẩu thường trú tại thôn Yên Lãng 2, xã Yên Thọ, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; trình độ văn hóa 10/10; nghề nghiệp: nguyên cán bộ kế toán tài chính xã Yên Thọ; con ông Thân Văn Cử và bà Vũ Thị Biết (đều đã chết) có vợ và 04 con; đi thi hành án từ ngày 01-6-2009; hiện đã thi hành xong hình phạt tù.

Trong vụ án còn có 11 bị cáo khác bị kết án về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Ngoài ra, ông Nguyễn Quang Lứa - Giám đốc Công ty TNHH Hà Thành cũng bị Cơ quan điều tra khởi tố về các tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (với vai trò giúp sức) và “ Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, nhưng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh không phê chuẩn.

NHẬN THẤY:

Thực hiện Chỉ thị số18/1999/CP-TTg ngày 01-7-1999 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số1980/QĐ-UB của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về “một số biện pháp đẩy mạnh việc hoàn thành cấp Giấy chúng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nông thôn vào năm 2000 ", nên tháng 3-2003, lãnh đạo xã Yên Thọ gồm Nguyễn Hữu Thành - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Phan Thanh Tuấn - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân; Trần Văn Dưỡng- Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Nguyễn Tiến Vỹ- Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Trần Xuân Nhanh - Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Đảng uỷ xã; Nguyễn Văn Nhuần- Chủ tịch Hợp tác xã nông nghiệp xã Yên Thọ cùng với Trần Văn Ngân - cán bộ địa chính xã, Thân Vãn Năm - kế toán tài chính ngân sách xã đã họp triển khai chủ trương trên. Trong quá trình thực hiện, phát hiện có nhiều hộ dân kê khai diện tích đất ở để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tăng so với diện tích đất nộp thuế hàng năm nên xuất phát từ lợi ích cục bộ địa phương Thành, Tuấn, Dưỡng, Vỹ, Nhanh, Ngân, Năm đã bàn bạc và thống nhất hợp thức hoá bằng cách ghi thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất tăng thành khoản thu hoa lợi công sản hoặc tiền phạt, mục đích để không phải nộp số tiền này cho ngân sách Nhà nước mà dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng ở thôn, xã. Từ tháng 3-2003 đến tháng 6-2006, cán bộ xã Yên Thọ đã hợp thức hoá cho hơn 100 hộ dân, với tổng số tiền là 317.583.600 đồng.

Ngoài ra, tháng 7-2003 các bị cáo còn triển khai kế hoạch xây dựng đường bê tông nông thôn và 11 nhà văn hoá cộng đồng của thôn với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Kinh phí xây dựng được Uỷ ban nhân dân huyện Đông Triều cấp một phần (519 triệu đồng), các cá nhân và cơ quan đóng trên địa bàn xã ủng hộ một phần (khoảng hơn 200 triệu). Uỷ ban nhân dân xã và 09 trưởng thôn đã tiến hành ký hợp đồng với Nguyễn Quang Lứa - Giám đốc Công ty TNHH Hà Thành để xây dựng đường bê tông và nhà văn hoá cộng đồng tại các thôn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do không đủ tiền trả cho Công ty TNHH Hà Thành, nên Thành, Tuấn, Dưỡng, Vỹ, Nhanh, Nhuần thống nhất chỉ đạo các thôn tiến hành thu hồi đất nông nghiệp canh tác kém hiệu quả, đất gò đồi, ao hồ để bán lấy tiền trả cho Công ty TNHH Hà Thành. Thực hiện chủ trương này, Uỷ ban nhân dân xã và các thôn đã tiến hành bán đất cho các cá nhân có nhu cầu mua hoặc giao đất cho Công ty TNHH Hà Thành bán. Tiền bán đất các trưởng thôn nộp cho xã hoặc trả cho Công ty TNHH Hà Thành hoặc người mua đến trả cho Công ty TNHH Hà Thành, có hộ được Công ty TNHH Hà Thành lập chứng từ thu tiền bằng phiếu thu nội bộ, có hộ do Nguyễn Quang Lứa trực tiếp viết giấy biên nhận tiền. Số tiền đó được quyết toán bù trừ vào các công trình Công ty TNHH Hà Thành đang thi công tại thôn, xã. Sau khi thu được tiền bán đất, Ngân lập hồ sơ bán đất đưa cho Tuấn, Dưỡng hoặc Nhuần ký trước, đưa các trưởng thôn ký sau, đề nghị Uỷ ban nhân dân huyện cấp bìa đỏ cho những người mua đất. Những hồ sơ này đều ghi lùi nguồn gốc sử dụng đất, từ đất nông nghiệp, đất gò đồi ao hồ thành đất ở ổn định từ trước năm 1993 . Vì vậy, từ tháng 7-2003 đến tháng 6-2006, Uỷ ban nhân dân xã và 09 trưởng thôn đã thu hồi 33 .657,57 m2 và bán được 31.618,5 m2 cho 109 hộ dân; trong đó Uỷ ban nhân dân xã bán 7.326 m2, 09 trưởng thôn bán 24.592,5 m2. Hậu quả làm mất cân đối chung cho ngân sách Nhà nước hơn 4,7 tỷ đồng.

Trong quả trình xây dựng, Phan Thanh Tuấn và Trần Văn Dưỡng đồng ý cho các thôn và Công ty TNHH Hà Thành tăng đơn giá xây dựng cơ bản cao hơn so với giá được duyệt, gây thiệt hại số tiền là 153.483 .280 đồng.

Đối với Trần Văn Ngân, ngoài việc cùng các bị cáo khác thực hiện những hành vi nêu trên, Ngân còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình mua 414 m2 đất giá 24.000.000 đồng và lập hồ sơ xin cấp bìa đỏ cho con rể là Hoàng Văn Mậu 100 m2 tại thôn Yên Hợp, trong khi diện tích đất trên không phải là đất ở từ năm 1993. Ngoài ra, Ngân còn thu 29.000.000 đồng tiền sử dụng đất của 3 cá nhân nhưng không nộp ngân sách Nhà nước mà chiếm đoạt.

* Về hành vi của Nguyễn Quang Lứa:

Trong quá trình xây dựng các công trình tại xã Yên Thọ, Nguyễn Quang Lứa đã nhận rất nhiều đất tại xã, sau đó làm bìa đỏ tách bán thu lợi nhuận cao, nhưng lại hạch toán bù trừ vào công trình rất thấp. Theo Kết luận số 511/UBND ngày 29-6-2007 của Đoàn thanh tra liên ngành huyện Đông Triều thì tổng cộng Nguyễn Quang Lứa đã nhờ 13 người khác đứng tên mua 13 suất đất, sau đó tách thành 33 suất đất, bán thu chênh lệch là 964.332.000 đồng. Cơ quan điều tra kết luận: sau khi cân đối các khoản tiền mà Nguyễn Quang Lứa thu của các thôn và xã YênThọ, trừ đi số tiền thi công các công trình tại xã Yên Thọ Lứa được hưởng, thì Lứa đang chiếm giữ số tiền 2.746.212.572 đồng, cộng với số tiền 153.483.280 đồng do quyết toán tăng đơn giá so với dự toán được duyệt; tổng số tiền Lứa đang chiếm giữ là 2.899.695.852 đồng.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 172/2008/HSST ngày 26-12-2008, Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh áp dụng khoản 1 Điều 281; khoản 2 (áp dụng thêm điểm p khoản 1 đối với Phan Thanh Tuấn, Trần Xuân Nhanh, Thân Văn Năm, Nguyễn Văn Nhuần; điểm s khoản 1 đối với Nguyễn Văn Nhuần) Điều 46; áp dụng thêm Điều 53 Bộ luật hình sự đối với Trần Xuân Nhanh và Than Văn Năm, xử phạt Nguyễn Hữu Thành 24 tháng tù, Phan Thanh Tuấn 20 tháng tù, Trần Xuân Nhanh 18 tháng tù, Thân Văn Năm và Nguyễn Văn Nhuần 12 tháng tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; áp dụng khoản 1 Điều 281; điểm c khoản 2 Điều 278; các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47, Điều 50 Bộ luật hình sự, xử phạt Trần Văn Ngân 12 tháng tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và 24 tháng tù về tội "Tham ô tài sản"; tổng hợp hình phạt chung buộc Trần Văn Ngân phải chấp hành là 36 tháng tù; thời hạn tù tính từ ngày 08-12-2007. Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về tội danh và hình phạt đối với 11 bị cáo khác (trong đó có 2 bị cáo xử phạt 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, 9 bị cáo xử phạt 06 tháng cải tạo không giam giữ); quyết định xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Trong các ngày 02-01-2009 và 06-01-2009, Phan Thanh Tuấn, Trần Văn Ngân kháng cáo xin giảm hình phạt. Trong các ngày 03-01-2009, 05-01-2009 và 06-01-2009, Trần Xuân Nhanh, Nguyễn Hữu Thành, Thân Văn Năm và Nguyễn Văn Nhuần kháng cáo xin hưởng án treo.

Tại bản án phúc thẩm số 186/2009/HSPT ngày 30-3-2009, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội áp dụng khoản 2 Điều 238; điểm a khoản 2 Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự, đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với Phan Thanh Tuấn và Trần Văn Ngân (do các bị cáo rút kháng cáo tại phiên toà), không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Hữu Thành, Trần Xuân Nhanh, Nguyễn Văn Nhuần, Thân Văn Năm, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Đồng thời, Toà án cấp phúc thẩm kiến nghị Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét theo trình tự giám đốc thẩm đối với bản án hình sự sơ thẩm nêu trên về việc áp dụng điều luật và mức hình phạt đối với các bị cáo trong vụ án; kiến nghị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh xem xét và truy xét trách nhiệm pháp lý đối với ông Nguyễn Quang Lứa.

Tại Kháng nghị giám đốc thẩm số06/QĐ-VKSTC-V3 ngày 17-3-2010, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 186/2009/HSPT ngày 30-3-2009 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội, đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm huỷ các quyết định của bản án hình sự phúc thẩm nêu trên và huỷ các quyết định của bản án hình sự sơ thẩm số 172/2008/HSST ngày 26-12-2008, của Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh phần xét xử đối với các bị cáo Phan Thanh Tuấn, Nguyễn Hữu Thành, Trần Xuân Nhanh, Nguyễn Văn Nhuần, Trần Văn Ngân, Thân Văn Năm về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật, với lý do: hành vi phạm tội của các bị cáo đã phạm vào các tình tiết định khung tăng nặng là "phạm tội có tổ chức", "phạm tội nhiều lần”, "gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều 281 Bộ luật hình sự. Toà án cấp sơ thẩm chỉ xét xử các bị cáo theo khoản 1 Điều 281 Bộ luật hình sự là không đúng, dẫn đến quyết định mức hình phạt quá nhẹ. Đối với Nguyễn Quang Lứa là giám đốc của Công ty TNHH Hà Thành, mặc dù không có chức vụ, quyền hạn trong việc cấp, bán đất tại xã Yên Thọ, nhưng Lứa đã có hành vi giúp sức tích cực cho các cán bộ thôn, xã trong việc thu hồi, bán đất trái pháp luật, thu lợi bất chính là 2.746.212.572 đồng; do đó Lứa đồng phạm với các bị cáo khác về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Ngoài ra, việc Lứa nâng giá quyết toán công trình chiếm đoạt số tiền 153.438.280 đồng là có dấu hiệu của tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Việc không quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Quang Lứa để điều tra, xử lý là đã bỏ lọt tội phạm.

Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

XÉT THÂY:

1.Về việc áp dụng điều luật:

Hành vi phạm tội của các bị cáo làm mất cân đối ngân sách của Nhà nước hơn 4,7 tỷ đồng, làm thất thoát tài sản của Nhà nước vào cá nhân (theo kết luận của Cơ quan điều tra thì hành vi phạm tội của các bị cáo đã tạo điều kiện cho Nguyễn Quang Lứa chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng), làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình chính trị xã hội tại địa phương như gây khiếu kiện kéo dài, hàng loạt các cán bộ chủ chốt ở xã Yên Thọ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, làm mất lòng tin trong quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương. Do đó, hành vi phạm tội của các bị cáo thuộc trường hợp "gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại điểm c khoản 2 Điều 281 Bộ luật hình sự, có khung hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Toà án cấp sơ thẩm áp dụng khoản 1 Điều 281 Bộ luật hình sự đối với các bị cáo và chỉ xử phạt Nguyễn Hữu Thanh 24 tháng tù, Phan Thanh Tuấn 20 tháng tù, Trần Xuân Nhanh 18 tháng tù Thân Văn Năm 12 tháng tù, Nguyễn Văn Nhuận 12 tháng tù, Trần Văn Ngân 12 tháng tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là quá nhẹ và không đúng điều khoản. Trong vụ án còn có 11 bị cáo khác, nhưng do mức độ phạm tội của các bị cáo ít nghiêm trọng hơn và hiện nay đã hết thời hiệu kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng tăng nặng đối với các bị cáo này nên không xem xét.

Theo nhận định của Kháng nghị thì hành vi phạm tội của các bị cáo còn thuộc trường hợp quy định tại các điểm a (phạm tội có tổ chức) và b (phạm tội nhiều lần) khoản 2 Điều 281 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, thực chất sự liên kết của các bị cáo trong vụ án không phải là sự câu kết để cùng thực hiện tội phạm mà sự liên kết đó được pháp luật quy định sẵn các bị cáo đã lợi dụng những chức vụ, quyền hạn được giao để cùng thực hiện hành vi phạm tội. Hơn nữa, hành vi phạm tội của các bị cáo diễn ra trong một thời gian dài và liên tục, không thể xác định được thời điểm bắt đầu cho đến khi hoàn thành của một hành vi phạm tội; do đó, không có căn cứ áp dụng hai tình tiết định khung nêu trên đối với các bị cáo.

2. Về việc truy có trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Quang Lứa:

Theo lời khai của các bị cáo Trần Xuân Nhanh, Phan Thanh Tuấn, Trần Văn Ngân, Thân Văn Năm và của chính Nguyễn Quang Lứa, thì Công ty TNHH Hà Thành do Nguyên Quang Lứa làm giám đốc có liên quan chặt chẽ đến việc bán đất trái pháp luật của các cán bộ thôn, xã. Cụ thể, Uỷ ban nhân dân xã và các trưởng thôn giao đất cho Nguyễn Quang Lứa và Lứa mượn tên những cá nhân khác (là những người thân, quen) để mua đất với giá thấp, sau đó làm các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rồi tách ra bán với giá cao, thu lợi lớn. Số tiền mua đất, Lứa bù trừ vào giá trị của công trình đang xây dựng tại thôn, xã. Theo kết luận của Cơ quan thều tra, với hành vi nêu trên Lứa đã chiếm hưởng 2.746.212.572 đồng.

Đối với số tiền 153.483.280 đồng, theo lời khai của Phan Thanh Tuấn thì trong quá trình thi công, các trưởng thôn đề nghị được tăng đơn giá so với đơn giá được duyệt và Thường trực lãnh đạo xã đã họp, thống nhất cho phép các thôn được thực hiện theo đơn giá báo cáo. Do đó, cần xác định rõ lại số tiền này có phải chỉ mình Lứa chiếm hưởng hay không? Phan Thanh Tuấn, Trần Văn Dưỡng và các trưởng thôn có liên quan đến số tiền này không?

Như vậy, hành vi của Nguyễn Quang Lứa có dấu hiệu của tội "Lợi dựng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” với vai trò người giúp sức. Cơ quan điều tra đã hai lần đề nghị Viện kiểm sất nhân dân tỉnh Quảng Ninh phê chuẩn quyết định khởi tố đối với Nguyễn Quang Lứa, nhưng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh đều không phê chuẩn là không đúng và bỏ lọt tội phạm. Do vậy, Hội đồng Thẩm phán kiến nghị cần điều tra, truy tố và xét xử đối với Nguyễn Quang Lứa trong cùng vụ án này.

Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 285 và Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự,

QUYẾT ĐỊNH:

Huỷ bản án hình sự phúc thẩm số 186/2009/HSPT ngày 30-3-2009 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội và bản án hình sự sơ thẩm số 172/2008/HSST ngày 26-12-2008 của Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh về các quyết định đối với các bị cáo Phan Thanh Tuấn, Nguyễn Hữu Thành, Trần Xuân Nhanh, Nguyễn Văn Nhuần, Trần Văn Ngân, Thân Văn Năm về tội “ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; giao hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao để điều tra lại theo thủ tục chung.

Lệnh tạm giam số 26C/TA-LTG ngày 20 tháng 9 năm 2010 của hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Căn cứ vào Điều 287 Bộ luật tố tụng hình sự;

Căn cứ vào quyết định giám đốc thẩm số26/2010/HS-GĐT ngày 20-9-2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

Xét thấy cần thiết tiếp tục tạm giam bị cáo để bảo đảm cho việc điều tra lại vụ án

RA LỆNH:

1.Tạm giam bị cáo Trần Văn Ngân sinh năm 1949; đăng ký nhân khẩu thường trú tại thôn Yên Hợp, xã Yên Thọ, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Bị Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh xét xử sơ thẩm và Toà phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 1 Điều 281 Bộ luật hình sự. Thời hạn tạm giam kể từ ngày 20-9-2010 cho đến khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao thụ lý lại vụ án.

2.Trại giam Hang Son thuộc Công an tỉnh Quảng Ninh nơi đang giam giữ Trần Văn Ngân có trách nhiệm thi hành Lệnh này.

 

  •  5430
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…