DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Quy định về chia thừa kế đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài

PHẠM HOÀI NGÂN - HOÀNG THỊ NGUYỆT NGA (Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương) - Theo quy định tại Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 , thừa kế là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống, tài sản để lại được gọi là di sản. Tuy nhiên, không phải tất cả các vụ án tranh chấp về thừa kế, các quy định của pháp luật đều được hiểu và áp dụng một cách thống nhất, đúng luật. Một trong số đó phải kể đến các vụ án về chia thừa kế đối với đương sự là người Việt Nam định cư ở nước ngoài


Tình huống minh họa:

Bài viết này tác giả xin nêu ra một tình huống minh họa sau đó đưa ra các phân tích, bình luận đối với vấn đề này.

Cụ K và cụ B là vợ chồng, có một con chung là bà H. Quá trình sinh sống có tạo lập được 01 thửa đất có diện tích 200m2. Trên đất có 01 căn nhà cấp 4 tại phường P, thành phố H. Năm 1978 cụ B chết, bà H xuất cảnh bất hợp pháp sang Hoa Kỳ và hiện mang quốc tịch Hoa Kỳ và đã thôi quốc tịch Việt Nam. Cụ K sống một mình, đến năm 2013 thì chết không để lại di chúc. Khi cụ K sống có cho cháu ruột mình là anh D ở cùng để tiện chăm sóc lúc cụ già yếu, ốm đau. Sau khi cụ K mất, nhà và đất trên ông D trực tiếp quản lý và sử dụng.

Năm 2016, bà H về nước và làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Ông D làm đơn khởi kiện yêu cầu tranh chấp di sản thừa kế vì ông cho rằng ông đã sống cùng và chăm sóc cụ K khi già yếu, khi cụ K chết chính ông là người lo đám tang cho cụ K. Đồng thời, quá trình sinh sống cùng cụ K ông còn xây dựng, cải tạo công trình phụ và làm mái nên ông yêu cầu chia cho ông được hưởng 1 kỷ phần thừa kế bằng của bà H.

TAND thành phố H căn cứ Điều 651 BLDS 2015 xác định trong trường hợp này bà H là người thừa kế duy nhất của cụ K và cụ B và xác định di sản thừa kế của cụ K và cụ B là nhà, đất nói trên.

Tòa án xác định ông D là người có công sức trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, lo toàn bộ ma chay cho cụ K nên chia cho ông D 100m2 đất và chia cho bà H ngôi nhà cấp 4 cùng với 100m2 đất nhưng giao toàn bộ hiện vật (đất) đối với phần thừa kế của bà H cho ông D và ông D có trách nhiệm thanh toán cho bà H toàn bộ giá trị di sản thừa kế mà bà H được chia do bà H không đủ điều kiện đứng tên quyền sở hữu nhà, đất theo quy định của pháp luật.

Về vấn đề bà H là người Việt Nam định cư ở nước ngoài có được nhận di sản thừa kế là nhà, đất hay không hay quyết định của TAND thành phố H là đúng khi giao cho ông D được nhận toàn bộ di sản của cụ K và cụ B vì bà H không đủ điều kiện được đứng tên quyền sử dụng đất như trong tình huống minh họa nêu trên trong thực tế còn nhiều cách hiểu khác nhau.

Bình luận

Tác giả cho rằng, mọi quyết định, phán quyết đưa ra đều phải căn cứ vào các quy định của pháp luật, phải tuân thủ nguyên tắc thượng tôn pháp luật khi giải quyết các vụ việc. Việc hiểu và áp dụng pháp luật cũng phải thực sự chính xác, đầy đủ thì mới đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của các bên đương sự, tạo niềm tin cho nhân dân vào một nền tư pháp trong sạch, vì nhân dân. Có thể thấy, việc giải quyết tranh chấp thừa kế có yếu tổ nước ngoài hiện nay thuận lợi hơn rất nhiều bởi BLDS 2015 đã bổ sung trong phần thứ năm quy định về pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nhiều nội dung mới quan trọng.

Tuy nhiên, khi giải quyết tranh chấp thừa kế mà có người Việt Nam định cư ở nước ngoài đối với di sản là động sản thường không gặp nhiều khó khăn nhưng đối với di sản là bất động sản thì vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc, khó khăn. Nguyên nhân là do việc hiểu và áp dụng pháp luật chưa chính xác, chưa thống nhất.

Trong tình huống trên, chúng tôi cho rằng ông D chỉ là người có công chăm sóc cụ K, là cháu của cụ K, việc Tòa án xác định ông D không phải là người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật là đúng. Tuy nhiên, việc giao toàn bộ nhà đất cho ông D trong khi bà H không đồng ý là không đúng với quy định, xâm phạm quyền dân sự của cá nhân theo quy định tại Điều 3, quyền định đoạt tài sản theo quy định tại Điều 192, Điều 194 BLDS năm 2015 cũng như các luật khác có liên quan.

TAND thành phố H căn cứ Điều 8 Luật Nhà ở năm 2014 và Điều 186 Luật Đất đai năm 2013 xác định bà H không đủ điều kiện được đứng tên quyền sử dụng đất là có căn cứ nhưng lại giao toàn bộ hiện vật (đất) đối với phần thừa kế của bà H cho ông D và ông D có trách nhiệm thanh toán cho bà H toàn bộ giá trị di sản thừa kế mà bà H được chia cho bà H mà không có sự đồng ý của bà H là không có cơ sở.

Trong trường hợp này, Tòa án không thể chỉ căn cứ vào việc bà H không thuộc đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật để không chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất (không chia hiện vật) cho bà mà phải căn cứ vào khoản 3, khoản 4 Điều 186 Luật Đất đai năm 2013 để giải quyết vấn đề. Cụ thể:

“3. Trường hợp tất cả người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đều là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều này thì người nhận thừa kế không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế theo quy định sau đây:

a ) Trong trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế được đứng tên là bên chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất;

b) Trong trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất thì người được tặng cho phải là đối tượng được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 179 của Luật này và phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở, trong đó người nhận thừa kế được đứng tên là bên tặng cho trong hợp đồng hoặc văn bản cam kết tặng cho;

c) Trong trường hợp chưa chuyển nhượng hoặc chưa tặng cho quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế hoặc người đại diện có văn bản ủy quyền theo quy định nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại cơ quan đăng ký đất đai để cập nhật vào Sổ địa chính.

4. Trường hợp trong số những người nhận thừa kế có người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam còn những người khác thuộc diện được nhận thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai mà chưa phân chia thừa kế quyền sử dụng đất cho từng người nhận thừa kế thì những người nhận thừa kế hoặc người đại diện có văn bản ủy quyền theo quy định nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại cơ quan đăng ký đất đai để cập nhật vào sổ địa chính.

Sau khi giải quyết xong việc phân chia thừa kế thì cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người thuộc đối tượng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì phần thừa kế được giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều này.”

Theo đó, trường hợp này bà H không đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định nhưng vẫn được quyền chuyển nhượng hoặc tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế. Và việc tặng cho hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thừa kế phải tuân theo các quy định nêu trên. Như vậy, việc chia di sản thừa kế cho bà H là quyền sử dụng đất mới đúng. Việc không chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất cho bà mà chia giá trị quyền sử dụng cho bà H là không có căn cứ, không đúng pháp luật.

Đây là một vấn đề rất hay gặp trong thực tiễn giải quyết các vụ án tranh chấp thừa kế có người thừa kế là người Việt Nam định cư ở nước ngoài do đó cần phải lưu ý khi giải quyết, tránh việc án bị hủy, sửa.

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn).

  •  2817
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…