DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Quy định mới về hóa đơn, chứng từ (Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP)

Ngày 8/ 5/2015, Bộ Tài chính; Bộ Công Thương; Bộ Công an và Bộ Quốc Phòng đã ban hành Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP quy định chế độ hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường. Thông tư này thay thếThông tư liên tịch số 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA ngày 12/5/2011 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015. Theo đó, một số nội dung chính mới thay đổi, bổ sung lần này như sau:

Một là: Về phạm vi điều chỉnh.

Thông tư này bỏ quy định việc không áp dụng đối với hàng hóa đưa từ nước ngoài vào kho ngoại quan, kho bảo thuế; vào các địa điểm làm thủ tục hải quan chờ làm thủ tục hải quan; hàng hoá vận chuyển từ kho ngoại quan này sang kho ngoại quan khác; hàng lưu giữ trong kho ngoại quan, kho bảo thuế; Hàng hoá tạm nhập - tái xuất, hàng hoá tạm xuất - tái nhập; hàng hoá nhập khẩu để thực hiện các dự án đầu tư; Hàng hoá là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để thực hiện các hợp đồng gia công cho thương nhân nước ngoài; các hợp đồng sản xuất hàng xuất khẩu; Hàng hoá nhập khẩu chuyển cửa khẩu; hàng hoá chuyển cảng; hàng quá cảnh đang chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan; Hàng hoá nhập khẩu là tài sản của cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp; hàng hoá mua bán, trao đổi của cư dân biên giới; hàng hoá là hành lý của cá nhân trong định mức miễn thuế; Hàng hoá là quà biếu, quà tặng; hàng hoá viện trợ nhân đạo; hàng hoá là hàng mẫu không thanh toán; hàng hoá của cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các cá nhân làm việc tại các cơ quan tổ chức này; hàng hoá tạm nhập khẩu, tạm xuất khẩu của cá nhân được Nhà nước cho miễn thuế; tài sản di chuyển của tổ chức, cá nhân.

Hai là: Về đối tượng áp dụng.

Thông tư này bổ sung về đối tượng áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công hàng xuất khẩu được phép tiêu thụ tại Việt Nam. Về cơ quan có thẩm quyền quản lý, Thông tư mới quy định cụ thể thêm những đơn vị như: Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển.

Ba là: Về thời hạn xuất trình hoá đơn, chứng từ.

Thông tư mới quy định cụ thể hơn đối với hàng hoá nhập khẩu của cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu đang bày bán, để tại kho, bến, bãi thuộc quyền sử dụng trong việc xuất trình hóa đơn, chứng từ  như: Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải xuất trình bản sao hóa đơn, chứng từ có đóng dấu của cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu để có căn cứ xác định hàng hóa nhập khẩu là hợp pháp; Trong thời hạn 24 giờ liên tục, kể từ thời điểm kiểm tra, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu phải xuất trình đầy đủ hoá đơn, chứng từ bản chính chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa theo quy định. Trường hợp cuối thời hạn 24 giờ liên tục, kể từ thời điểm kiểm tra nếu trùng vào thời gian nghỉ theo quy định thì việc xuất trình hồ sơ được thực hiện vào thời gian làm việc tiếp theo thời gian nghỉ và cơ quan kiểm tra phải ghi rõ thời gian, địa điểm yêu cầu xuất trình vào biên bản;  Tại thời điểm kiểm tra, nếu cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hoá nhập khẩu chưa xuất trình được hoá đơn, chứng từ để có căn cứ xác định tính hợp pháp của hàng hóa nhập khẩu thì cơ quan kiểm tra hàng hoá tiến hành tạm giữ hàng hóa theo đúng quy định của pháp luật để xác minh tính hợp pháp của hàng hóa.

Bốn là: Những quy định cụ thể về hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu vận chuyển từ cửa khẩu nhập khẩu vào nội địa.

Đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu do cơ sở sản xuất, kinh doanh trực tiếp nhập khẩu khi vận chuyển từ cửa khẩu vào nội địa phải có hóa đơn, chứng từ theo từng trường hợp cụ thể như: Trường hợp hàng hóa nhập khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan khi vận chuyển phải có tờ khai hàng hóa nhập khẩu đã được cơ quan Hải quan quyết định thông quan hoặc giải phóng hàng; Trường hợp hàng hoá nhập khẩu chưa hoàn thành thủ tục hải quan bao gồm hàng hóa nhập khẩu đưa về bảo quản, hàng hóa nhập khẩu vận chuyển về nơi làm thủ tục hải quan khác với cửa khẩu nhập thì khi vận chuyển từ cửa khẩu nhập vào nội địa phải có tờ khai hàng hóa nhập khẩu đã được cơ quan Hải quan chấp thuận theo quy định. Cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu phải thực hiện đúng theo những nội dung phê duyệt của cơ quan Hải quan;

Đối với hàng hoá nhập khẩu là hành lý của người nhập cảnh vào Việt Nam vượt quá tiêu chuẩn được miễn thuế thì phải khai hải quan và thực hiện các quy định của pháp luật về thuế, chính sách quản lý hàng hóa nhập khẩu. Khi vận chuyển hàng hoá vào nội địa phải có bản chính tờ khai hải quan có xác nhận đã hoàn thành thủ tục hải quan và bản chính biên lai nộp thuế nhập khẩu (nếu có).

Trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu thu mua gom hàng cư dân biên giới nhập khẩu để vận chuyển vào nội địa Việt Nam thì phải có hóa đơn, chứng từ theo từng trường hợp cụ thể.

Đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập - tái xuất, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu phải có chứng từ theo từng trường hợp cụ thể như: Trường hợp hàng hóa kinh doanh tạm nhập - tái xuất vận chuyển và lưu giữ tại các địa điểm theo quy định pháp luật trong nội địa phải có tờ khai tạm nhập đã được cơ quan Hải quan quyết định thông quan và biên bản bàn giao hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất; Trường hợp đăng ký tờ khai tái xuất tại Chi cục Hải quan cửa khẩu tạm nhập và thực hiện việc tái xuất qua cửa khẩu khác cửa khẩu tạm nhập thì việc vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu tạm nhập đến cửa khẩu tái xuất phải có tờ khai tái xuất đã thông quan; khi vận chuyển đảm bảo nguyên trạng hàng hóa, đúng tuyến đường, đúng thời gian, cửa khẩu xuất đã đăng ký.

Năm là: Quy định cụ thể về hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trong thị trường nội địa.

Đối với hàng hoá là sản phẩm gia công hoàn chỉnh nhập khẩu tại chỗ; nguyên, phụ liệu của các hợp đồng gia công cho thương nhân nước ngoài hoặc các hợp đồng nhập nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu được phép tiêu thụ tại thị trường Việt Nam thì hoá đơn, chứng từ thực hiện như: Trường hợp cơ sở sản xuất, gia công hàng xuất khẩu vận chuyển, lưu kho và bày bán tại cửa hàng hạch toán phụ thuộc cùng địa bàn tỉnh, thành phố phải có bản sao tờ khai hải quan hàng nhập khẩu và Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ; Trường hợp cơ sở sản xuất, gia công hàng xuất khẩu vận chuyển, lưu kho và bày bán tại cửa hàng trực thuộc khác địa bàn hoặc cửa hàng trực thuộc cùng địa bàn hạch toán độc lập thì phải có bản sao tờ khai hải quan hàng nhập khẩu và Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ hoặc hoá đơn theo quy định; Trường hợp cơ sở sản xuất, gia công hàng xuất khẩu bán cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác thì phải có hoá đơn theo quy định. Đối với nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu phục vụ hợp đồng gia công, sản phẩm gia công bán vào nội địa theo chỉ định của đối tác thuê gia công thì phải có tờ khai hải quan đã xác nhận thông quan theo quy định.

Trường hợp cơ sở sản xuất, gia công hàng xuất khẩu vận chuyển bán thành phẩm, nguyên, nhiên, vật liệu để gia công lại tại cơ sở gia công khác thì phải có Hợp đồng gia công lại kèm theo Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ và Lệnh điều động.

Trên đây là một số nội dung chính mới thay đổi, bổ sung quy định chế độ hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015. Hy vọng sẽ góp phần trong công tác quản lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, hàng hoá là sản phẩm gia công hoàn chỉnh nhập khẩu tại chỗ; nguyên, phụ liệu của các hợp đồng gia công cho thương nhân nước ngoài hoặc các hợp đồng nhập nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu được phép tiêu thụ tại thị trường Việt Nam./.

Theo Tổng Cục Thuế: 
- Ng.Hg (Link: http://goo.gl/WuNka3)

  •  5866
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…