DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Phương pháp học Luật bằng tiếng Anh của Thủ khoa Học viện Ngọai giao

Phương pháp giải quyết khó khăn trong việc đọc tài liệu bằng tiếng Anh của thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc Học viện Ngoại giao là rèn khả năng đọc nhanh, nhớ kỹ. 

"Chúng em phải đọc các bài báo từ tạp chí quốc tế như The Economist, The New York Times…, nghe tin tức thời sự trên các kênh truyền thanh quốc tế, sau đó phân tích, bình luận và trình bày quan điểm của mình trước mọi người. Việc học tiếng Anh ở trường đại học không chỉ đòi hỏi nắm vững từ vựng, ngữ pháp, các kỹ năng mà còn phải trau dồi kiến thức xã hội, rèn luyện tư duy phản biện nữa", Trinh cho biết.

thu-khoa-hoc-vien-ngoai-giao-1-6056-3893

Thủ khoa tốt nghiệp loại xuất sắc đầu tiên sau hơn 20 năm của Học viện Ngoại giao - Nguyễn Phạm Ngọc Trinh. Ảnh: NVCC.

Những đòi hỏi mới của môn tiếng Anh khiến nữ sinh Học viện Ngoại giao phải thay đổi phương pháp học cho phù hợp. Thay vì đặt nặng chuyện "luyện đề" để thi bằng này bằng nọ như thời phổ thông, Ngọc Trinh chuyên tâm luyện tập từng kỹ năng, cứ lập chiến lược cụ thể, thấy mình yếu cái gì thì rèn thêm ngay. Ví dụ rèn kỹ năng nghe - nói, em thường nghe tin BBC, sau đó cố gắng viết lại, rồi tập đọc theo băng. "Những ngày đầu em viết sai nhiều lắm. Có tin nói giọng Anh-Ấn ban đầu em chẳng nghe được, nhưng qua thời gian dần dần quen tai", Trinh kể.

Nữ thủ khoa đầu ra của Học viện Ngoại giao tâm sự, ở đại học không có kiểu "trả bài" như cấp ba nên sinh viên luôn phải chủ động tìm tòi, nắm bắt thông tin thời sự, các vấn đề đang nóng trong xã hội. Có lần vào thi nói tiếng Anh, sau khi Trinh trình bày bài cô giáo còn hỏi về tình hình biển Đông, vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc. "Nếu không chịu khó đọc báo nghe tin thì sẽ ăn quả bí liền", Trinh cười chia sẻ.

Theo cựu sinh viên khoa Luật Quốc tế, đặc thù ngành học của mình là học các môn chuyên ngành đều bằng tiếng Anh. Luật quốc tế luôn đòi hỏi sinh viên phải đọc nhiều phán quyết của các tòa án hay trọng tài quốc tế, nên muốn học tốt thì phải đọc được hết những pháp quyết tiếng Anh đó. Chưa kể đến các bài viết học thuật của học giả quốc tế hay nghị quyết của Liên Hợp Quốc thường được giảng viên giao đọc ở nhà. Ngoài ra, các kỹ năng khác cũng rất cần vì bài giảng của thầy cô và các giờ thảo luận đều bằng tiếng Anh. Đặc biệt, nhiều môn học thi cuối kỳ lớp Trinh phải làm các phiên tòa giả định bằng ngoại ngữ.

"Đầu tiên em đọc lướt tóm tắt các phán quyết trước, xác định đâu là phán quyết, nội dung mình cần tìm. Có thể cả phán quyết dài chỉ một vài đoạn hay vài câu là liên quan đến vấn đề mình phải nghiên cứu thôi. Vừa đọc vừa có quyển sổ bên cạnh để ghi lại những ý hay. Cách đọc này giúp em tiết kiệm được thời gian và tăng chất lượng đọc", em chia sẻ.

"Học tiếng Anh nói chung và tiếng Anh chuyên ngành Luật nói riêng thường rất dễ nản nên các bạn cần xác định rõ mục tiêu, xây dựng phương án hợp lý để có động lực học tập, luôn luôn tiến tới. Việc học theo chuyên đề, có phương pháp như: tập trung vào cái mình cần nhất, yếu nhất trước; lập ra một danh sách rồi chia giờ học từng kỹ năng mỗi ngày… Cứ làm như thế bạn sẽ tạo thành thói quen để nếu ngày nào không học lại thấy thiếu thiếu", thủ khoa đầu tiên đạt loại tốt nghiệp xuất sắc của Học viện Ngoại giao bật mí.

Ngọc Trinh chia sẻ thêm bí kíp tạo hứng thú cho việc học. Ví dụ một bạn thích mảng Luật quốc tế và thích "chém gió", vậy để luyện kỹ năng đọc hiểu, bạn có thể đọc những vụ việc thú vị vừa xảy ra hoặc những vấn đề nóng liên quan đến Việt Nam, sau đó kể lại, thảo luận với bạn bè bằng tiếng Anh. Dần dần bạn sẽ thấy luật cũng không quá khô khan. 

"Cuối cùng, quan trọng nhất bạn đừng bao giờ bỏ cuộc giữa chừng mà hãy luôn cố gắng hết mình, rồi bạn sẽ được hồi đáp xứng đáng", nữ thủ khoa nói.

Nguồn: Vnexpress.net
  •  2650
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…