DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Phim Việt lắm “sạn pháp luật”


Theo phapluattp.vn:
Xem những bộ phim có các cảnh quay về công an, thẩm phán…, khán giả có chút hiểu biết đều dễ dàng phát hiện những lỗi ngô nghê về pháp lý.

Phim Việt những năm gần đây phát triển nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên, rất nhiều bộ phim truyền hình hiện nay, dù đang được phát sóng vào “giờ vàng” vẫn bị cả giới trong nghề lẫn khán giả kêu ca rất nhiều về mặt chất lượng. Đặc biệt, các bộ phim liên quan đến lĩnh vực pháp luật đã được sản xuất một cách cẩu thả, tự ý “cải cách pháp luật”. Đó là do nhà sản xuất không có đội ngũ tư vấn về pháp luật hoặc do sự thiếu hiểu biết của các đạo diễn, diễn viên?...

Muốn bắt… cứ bắt

Đôi mắt ân tình của đạo diễn Xuân Cường - Quốc Hùng từng được đánh giá là một phim hình sự, tình cảm đặc sắc của phim Việt. Thế nhưng theo một số khán giả am hiểu pháp luật, nếu xét về góc độ pháp lý, phim này có nhiều điểm sai.

Bộ phim trên vừa được phát sóng trên Đài Truyền hình Vĩnh Long (THVL1). Vào buổi phát sóng tối 5-9, phim có đoạn hai chiến sĩ công an đến nhà nhân vật tên Kim để bắt tên Tài vì Tài bị nghi là đã viết thư nặc danh và bỏ một quả mìn tại văn phòng luật sư Vĩnh Kỳ. Đến nhà ông Kim, hai chiến sĩ công an đã yêu cầu ông Kim gọi Tài ra. Khi Tài xuất hiện, hai chiến sĩ công an liền hô: “Anh đã bị bắt”. Quá bất ngờ, Tài hỏi hai chiến sĩ công an để biết lý do thì được trả lời: “Sẽ cho biết sau”.

Theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, cơ quan điều tra, công an phải cho biết lý do khi bắt người. Thế nhưng trong phim, các nhân vật công an đã… ngang như cua nói rằng sẽ cho biết sau.

Cũng trong phim này, vào buổi phát sóng tối 7-9, lý do cơ quan điều tra trả tự do cho Tài được nhân vật luật sư Vĩnh Kỳ cho rằng: Do cơ quan điều tra chưa có chứng cứ để truy tố nên viện kiểm sát (VKS) không phê chuẩn. Đáng nói, Vĩnh Kỳ - nhân vật luật sư tài ba - lại có những hiểu biết nông cạn về luật pháp. Bởi cơ quan điều tra không có quyền truy tố mà chỉ có quyền đề nghị VKS truy tố. Trong trường hợp này, có khả năng do chưa có đủ căn cứ nên VKS đã không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của cơ quan điều tra.

Luật Việt hay… luật nước ngoài?

Tệ hại hơn, trong bộ phim Tình như tia nắng của đạo diễn Trương Dũng (phát sóng vào đầu năm nay), ở tập 35 của phim, hai chiến sĩ công an đã bắt nhân vật tên Tường và vợ ngay tại sân bay để đưa về tòa án xét xử sơ thẩm với lý do… có đơn tố cáo ông Tường và vợ chiếm đoạt tài sản.

Tại phiên tòa xét xử vợ chồng ông Tường, khi luật sư bên nguyên yêu cầu Hiểu Khang làm chứng thì bị ngăn cản. Thấy vậy, một vị hội thẩm nhân dân có ý kiến: “Đề nghị thân nhân của bị cáo không được ngăn cản người làm chứng”. Đây là phiên tòa dân sự nên không thể có “bị cáo”. Chỉ trong vụ án hình sự mới có “bị cáo”.

Vậy mà tiếp đó, chủ tọa phiên tòa lại có ý kiến: “Chủ tọa, thẩm phán, bồi thẩm đoàn vào nghị án, sau 30 phút sẽ tuyên án. Đề nghị nguyên cáo, bị cáo giữ trật tự…”. Có lẽ nhân vật chủ tọa này quên rằng pháp luật Việt Nam hiện hành không có khái niệm “bồi thẩm đoàn” và không còn sử dụng từ “nguyên cáo”.

Ngoài ra, diễn biến tại phiên tòa còn làm cho người xem không biết đây là phiên tòa dân sự hay hình sự, cũng như phiên tòa được xét xử theo luật pháp Việt Nam hay một nước nào đó.

Thật khó chấp nhận việc một bộ phim nói về pháp luật nhưng lại không được trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật. Việc cẩu thả của các nhà sản xuất, công tác phê duyệt phim đã làm cho khán giả cảm thấy mình bị xúc phạm. Vô tình các bộ phim đầy “sạn pháp luật” này đã gây ảnh hưởng xấu đến việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới người dân.

Hệ quả của việc làm nhanh, làm ẩu

Tôi không biết nhiều về pháp luật để luôn biết rằng chi tiết pháp luật nào đó là đúng hay sai. Nhưng nhiều lúc xem phim thấy các chi tiết về luật đó sai rõ ràng so với hiểu biết của mình.

Đó là hệ quả của việc làm nhanh, làm ẩu. Rất nhiều phim truyền hình Việt bây giờ chỉ mất một ngày quay cho một tập phim. Kịch bản thì đưa kiểu cuốn chiếu: Phim vừa quay tác giả vừa viết tiếp. Đạo diễn cứ theo kịch bản mà làm, không nghiên cứu kỹ. Diễn viên mải chạy show, không còn thời gian tìm hiểu về vai diễn nên cứ mường tượng về luật sư, công an… như thế nào thì diễn thế ấy. Ngay cả khâu biên tập phim cũng mang nhiều cảm tính, khó chặn được những chi tiết sai về chuyên môn, để những cái sai vô tư lên sóng.

Nhà báo XUÂN HƯỚNG, chuyên về mảng phê bình phim

Không quá khó để đảm bảo chính xác

Thiết nghĩ không quá khó để nhặt các hạt “sạn pháp luật” ngay từ đầu. Bởi trong án hình sự, mọi thủ tục bắt bớ, điều tra, xét xử đều được quy định thống nhất ở Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong án dân sự, các quy định về những người tham gia tố tụng, thủ tục giải quyết vụ án… nằm trọn ở Bộ luật Tố tụng dân sự…

Người làm phim hình sự buộc phải phân biệt khởi tố (thuộc thẩm quyền của cơ quan công an) khác truy tố (thuộc thẩm quyền của VKS), bị can (cách gọi người có hành vi phạm tội ở giai đoạn điều tra) khác bị cáo (cách gọi người có hành vi phạm tội ở giai đoạn xét xử). Theo tuần tự tố tụng, khi thấy có sự việc phạm tội, công an có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra; điều tra xong thì chuyển hồ sơ sang VKS để nơi đây truy tố bị can ra tòa. Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo, phía bên trên có hội đồng xét xử (HĐXX). Bên phải của HĐXX có kiểm sát viên VKS giữ quyền công tố - buộc tội. Bên trái HĐXX là bàn của thư ký tòa án, bên dưới là bàn của luật sư…

Qua phim nước ngoài, khán giả có thể nhận ra những khác biệt thú vị trong cách xử lý của các cơ quan tố tụng hay cách tổ chức phiên tòa giữa nước bạn với nước mình. Chẳng rõ các phim đó chính xác đến mức nào nhưng rõ ràng đó là cách giới thiệu, phổ biến pháp luật rất lôi cuốn. Vì vậy, các hãng phim Việt nên nhờ các luật gia, luật sư, giảng viên luật… thẩm định những yếu tố pháp lý trong kịch bản để không tạo “vị đắng” cho người xem.

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO

Làm mỗi bộ phim như một lần đi học

Tôi rất dốt về những chuyện ở tòa án. Vậy nên khi làm phim về những ký sự pháp đình của nhà báo Phạm Vũ, tôi phải mất nhiều thời gian và công sức tìm hiểu về lĩnh vực này.

Để hiểu rõ công việc của tòa án, tôi đã gặp gỡ và nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ một luật sư nổi tiếng, một chánh án và nhiều thẩm phán. Tôi cũng được nhà báo Phạm Vũ - chuyên viết mảng tòa án - hỗ trợ rất nhiều. Ngoài ra, tôi còn đọc tất cả ký sự pháp đình khác của nhà báo Thủy Cúc, các sách luật, các nghị quyết, bộ luật có liên quan đến vụ án mình làm phim. Rảnh rỗi, tôi tham gia các phiên tòa để có thực tế, gặp người thân của phạm nhân, vào trại cai nghiện nơi phạm nhân từng ở… để tìm hiểu.

Phải hiểu biết mình mới tự tin làm đúng theo cảm xúc, mới truyền được niềm tin cho khán giả. Không chỉ mình tôi tìm hiểu về đề tài phim của mình, cả tác giả kịch bản phim của tôi là nhà báo Hoài Hương cũng phải tìm hiểu rất nhiều về tòa án.

Với tôi, làm mỗi bộ phim giống như một lần mình đi học, phải lao vào tìm hiểu một lĩnh vực mới để có những sự hiểu biết mới. Bởi lẽ một đạo diễn dù giỏi đến đâu cũng không thể am tường mọi thứ về cuộc sống.

Đạo diễn TƯỜNG PHƯƠNG

HÒA BÌNH ghi

Theo phapluattp.vn

(Nguyễn nguyên - Sưu tầm)


  •  6024
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…