DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

PHÁT TÁN HÌNH ẢNH, CLIP GHI HÌNH NGƯỜI KHÁC LÊN MẠNG INTERNET LÀ HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT

Với sự phát triển của khoa học công nghệ, sự nhanh nhạy của công nghệ thông tin, trong thời gian gần đây có rất nhiều những hình ảnh của cá nhân, những clip ghi hình, những đoạn ghi âm được phát tán trên mạng internet. Sự lan truyền trong các trang mạng xã hội nhanh đến mức chóng mặt, những bình luận đều ít nhiều gây ảnh hưởng đến người có hình ảnh, clip bị phát tán.

Theo những quy định của Pháp luật thì hành vi của người phát tán hình ảnh, clip có được xem là vi phạm pháp luật hay không? Và mức độ xử lý như thế nào?

Bài viết mang tính chất dẫn cứ những Điều luật quy định về hành vi này và xử lý đối với người có hành vi vi phạm.

1. Hành vi phát tán clip không được xem là việc tố cáo và người phát tán không phải là người tố cáo

Đối với những hình ảnh, clip được người đăng nhằm mục đích tố giác hành vi vi phạm của người có hình ảnh và có mặt trong nội dung clip được phát tán trên mạng internet mà không được gửi đến các cơ quan chức năng để đề nghị xử lý có xem là hành vi vi phạm pháp luật thì không được xem là việc tố cáo.

Theo Luật Tố cáo 2011 có hiệu lực 01/7/2012 định nghĩa về khái niệm Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức”

“Điều 9. Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo

1. Người tố cáo có các quyền sau đây:

Gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật

…………….

2. Người tố cáo có các nghĩa vụ sau đây:

a) Nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình;

b) Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được;

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình”

2. Người phát tán hình ảnh, clip là hành vi vi phạm và phải bồi thường thiệt hại, công khai xin lỗi

Việc tuỳ tiện đưa hình ảnh của người khác lên mạng sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm bí mật đời tư.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 31, Bộ luật Dân sự "Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác".

Khoản 3 Điều 31 còn quy định: “Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”

“Điều 38 (BLDS). Quyền bí mật đời tư

1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”

Bộ luật Dân sự cũng quy định về việc bồi thường những thiệt hại do dnah dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

“Điều 611. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm…

Người có hành vi vi phạm phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra và phải xin lỗi, cải  chính công khai:

“Điều 307. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất, trách nhiệm bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần.

2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

3. Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại”

3. Hành vi phát tán hình ảnh, clip có thể xem xét để xử lý Hình sự

Luật Công nghệ thông tin đã có những quy định rõ ràng, cụ thể hơn về trách nhiệm đối với việc thu thập, xử lý, sử dụng, lưu trữ thông tin cá nhân của người khác trên môi trường mạng. Đối với việc đưa thông tin, hình ảnh trái phép lên mạng máy tính gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự theo Điều 226 Bộ Luật Hình sự

“Điều 226. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu  đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”

Với những clip đánh ghen, lột quần áo mang những yếu tố nhạy cảm, phản cảm nhưng người đưa lên mạng internet phát tán đã có dấu hiệu của hành vi làm nhục người khác, xâm phạm danh dự, uy tín của người khác. Theo quy định tại Điều 121 Bộ Luật Hình sự:

“Điều 121.  Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của ngƣời khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai   năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”

Đối với trường hợp người phát tán những clip mang tính chất nhằm lưu truyền và phổ biến văn hóa phạm đồi trụy thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ Theo quy định tại Điều 253 Bộ Luật Hình sự:

Điều 253. Tội truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ

1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có tính chất đồi truỵ, cũng như có hành vi khác truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ thuộc một trong các trừơng hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Ngoài ra, hành vi phát tán hình ảnh, clip ghi hình người khác lên mạng nhằm mục đích “tống tiến”, chiếm đoạt tài sản thì cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 135 Bộ luật Hình sự:

“Điều 135. Tội cưỡng đoạt tài sản

1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác  uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm”

Nhận thức được đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật sẽ ngăn chặn sớm được những hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật gây ra.

LS. Đinh Xuân Hồng

Công ty Luật Luật Sư Riêng

 

  •  41672
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…