DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Pháp luật bó tay trước “chiêu” người bị kết án đẻ liên tục

 

Hỏi:

Tại Bản án hình sự sơ thẩm ngày 13/9/2007, Tòa án tuyên phạt bà Hoàng Kim Loan 15 tháng tù giam về “Tội chứa mại dâm”. Bà Loan không kháng cáo, nhưng được Tòa cho phép hoãn chấp hành hình phạt tù do đang mang thai. Ngày 1/2/2008, bà Loan sinh con gái là Nguyễn Thị Thu Hiền. Được hoãn chấp hành hình phạt tù để nuôi con nhỏ, 3 năm sau, ngày 3/11/2011, bà Loan lại sinh thêm một con gái, đặt tên là Nguyễn Thị Trà My.

Bà Loan có được tiếp tục hoãn hay được miễn đi tù không?

(Mai Văn Thắng, quận Hà Đông, Hà Nội)

Trả lời:

Bà Loan không kháng cáo nên bản  án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật sau 15 ngày kể từ 13/9/2007 là ngày Tòa tuyên án.

Ngày 2/10/2007, Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP hướng dẫn: “Người bị xử phạt là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi. Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù mà người bị kết án lại có thai hoặc phải tiếp tục nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì vẫn được hoãn cho đến khi đứa con sau cùng đủ 36 tháng tuổi”.

Bà Loan sinh con gái Nguyễn Thị Thu Hiền ngày 1/2/2008. Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, bà Loan được hoãn chấp hành hình phạt tù đến ngày 1/2/2011 khi cháu bé được 36 tháng tuổi.

Nhưng, vào thời điểm 1/2/2011, khi cháu Thu Hiền 36 tháng tuổi, bà Loan lại có thai (dẫn đến sự việc ngày 3/11/2011, sinh thêm một con gái là Nguyễn Thị Trà My), nên vẫn theo hướng dẫn nêu trên, bà Loan tiếp tục được hoãn chấp hành hình phạt tù 36 tháng, tính từ ngày 3/11/2011, tức là  được hoãn đến 3/11/2014.

Tuy nhiên, căn cứ khoản 3, Điều 8 Bộ Luật Hình sự, bà Loan chỉ bị xử phạt 15 tháng tù giam, có nghĩa là hành vi mà bà thực hiện thuộc loại “tội phạm ít nghiêm trọng” (tù 3 năm trở xuống), nên khi áp dụng hình phạt tù trường hợp này, phải căn cứ quy định về “thời hiệu thi hành bản án”.

Tại khoản 1 Điều 55, Bộ Luật Hình sự giải thích: “Thời hiệu thi hành bản án hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó người bị kết án không phải chấp hành bản án đã tuyên”. Tiếp đó, căn cứ điểm A, khoản 2 Điều 55, Bộ Luật Hình sự, thời hiệu thi hành bản án hình sự được quy định là “5 năm đối với các trường hợp xử phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử phạt tù từ 3 năm trở xuống”.

Do chỉ bị xử phạt 15 tháng tù (trường hợp “xử phạt tù từ 3 năm trở xuống”) nên thời hiệu thi hành bản án đối với bà Loan là 5 năm (tính từ tháng 9/2007 -thời điểm bản án có hiệu lực- đến tháng 9/2012). Tuy nhiên, ngày 3/11/2011, sinh thêm một con gái (Nguyễn Thị Trà My) nên bà Loan tiếp tục được hoãn chấp hành hình phạt tù 36 tháng nữa (tức hoãn đến 3/11/2014).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực (9/2007), thời hạn bà Loan được hoãn chấp hành hình phạt tù (2 lần) là 7 năm (2007-2014). Căn cứ khoản 1 Điều 55 Bộ Luật Hình sự, bà Loan “không phải chấp hành bản án đã tuyên”, tức là được miễn chấp hành hình phạt 15 tháng tù, vì đến  3/11/2014, thời hiệu (5 năm) thi hành bản án đã hết.

Luật Hình sự quy định thời hiệu thi hành bản án hình sự được tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (khoản 3 Điều 55). Tuy nhiên, luật cũng quy định một cách chặt chẽ: "Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này người bị kết án lại phạm tội mới, thì thời gian đã qua không đựơc tính và thời hiệu tính lại kể từ ngày phạm tội mới. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này người bị kết án cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã, thì thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu tính lại kể từ ngày người đó ra trình diện hoặc bị bắt giữ" (vẫn khoản 3 Điều 55)./.

 

(Đăng báo Pháp luật Việt Nam, số ra ngày 04/8/2014)

(Luật gia, Nhà báo Nguyễn Chấn - Chuyên viên cao cấp tại Hãng Văn phòng Luật NewVision) 

 

 

  •  4994
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…