DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa như mong muốn

 

(VietQ.vn) - Quyền lợi của người tiêu dùng chưa được đảm bảo chắc chắn là bởi luật chưa được thực thi một cách nghiêm túc; và trong một chừng mực nào đó, những bất cập của pháp luật cũng ngăn cản con đường pháp luật trở nên hữu hiệu như mong muốn của người tiêu dùng. 
Người tiêu dùng: "Chờ được vạ, má đã sưng" (Bài 6)

Người tiêu dùng: "Chờ được vạ, má đã sưng" (Bài 5)

Người tiêu dùng: "Chờ được vạ, má đã sưng" (Bài 4)

Người tiêu dùng: "Chờ được vạ, má đã sưng" (Bài 3)

Ở 6 bài trước, Chất Lượng Việt Nam đã đưa ra các góc nhìn khác nhau về quyền cũng như nghĩa vụ của người tiêu dùng hiện nay. Ở bài cuối này, mời bạn đọc tiếp tục theo dõi cuộc trao đổi giữa PV Chất Lượng Việt Nam với ông Lê Cao - Chuyên gia pháp lý Công ty luật hợp danh FDVN (Đà Nẵng), nhằm khái quát lại toàn bộ tiến trình thực thi luật pháp và việc áp dụng Luật bảo vệ người tiêu dùng trên thực tế.

Thực tế từ trước đến nay cho thấy không nhiều trường hợp người tiêu dùng được đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình khi khiếu tố. Phải chăng hệ thống pháp luật của chúng ta chưa đầy đủ để thực hiện công việc này, thưa ông?

Từ năm 1999, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng. Hiện nay, ngoài Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2011, thì Bộ luật Dân sự 2005, Bộ luật Hình sự 1999, Luật thương mại 2005, Luật cạnh tranh, Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa… cũng có những quy định bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, vấn đề thực thi có hiệu quả các quy định pháp luật trên thực tế vẫn chưa cho thấy hiệu quả như mong muốn.
 
Đồ chơi không đảm bảo chất lượng được bán ra ngoài thị trường đến tay người tiêu dùng
Đồ chơi không đảm bảo chất lượng được bán ra ngoài thị trường đến tay người tiêu dùng
 
Quyền lợi của người tiêu dùng chưa được đảm bảo chắc chắn là bởi luật chưa được thực thi một cách nghiêm túc; và trong một chừng mực nào đó, những bất cập của pháp luật cũng ngăn cản con đường pháp luật trở nên hữu hiệu như mong muốn của người tiêu dùng. Điều này rất cần nghiêm túc đánh giá, nhìn nhận lại để tránh thiệt hại cho người dân.
 
Theo quy định hiện hành, người tiêu dùng có những quyền gì liên quan đến việc bảo đảm sự an toàn cho sức khỏe, tính mạng hoặc vấn đề được bồi thường thiệt hại?
 
Cá nhân có quyền được bảo đảm về tính mạng, sức khỏe, thân thể theo quy định tại Điều 32 Bộ luật dân sự 2005. Ở khía cạnh là người tiêu dùng, khoản 1, Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định rõ việc người tiêu dùng được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hoá, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.
 
Tại khoản 8, Điều 10 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010 cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ không bảo đảm chất lượng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người tiêu dùng.
 
Còn đối với vấn đề bồi thường thiệt hại về tài sản của người tiêu dùng thì khoản 6, Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hoá, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.
 
Dư luận thời gian qua xôn xao về trường hợp hàng loạt vụ cháy xe gây thiệt hại về sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng. Trong các trường hợp đang diễn ra, trách nhiệm cụ thể như thế nào?
 
Như đã nói trên, nếu nguyên nhân gây cháy xe là do hàng hóa không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, tính năng, công dụng... như đã công bố, cam kết thì trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng thuộc về tổ chức, cá nhân kinh doanh xe (ôtô, xe gắn máy). Còn nếu là do xăng, dầu kém chất lượng, không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thì trách nhiệm thuộc về cá nhân, tổ chức kinh doanh xăng, dầu.
 
Ở đây, tổ chức, cá nhân kinh doanh cụ thể là ai?
 
Theo khoản 2, Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2005 thì kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.
 
Theo khoản 2, Điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tổ chức phải bồi thường thiệt hại là tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa bao gồm: a) Tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa; b) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa; c) Tổ chức, cá nhân gắn tên thương mại lên hàng hóa hoặc sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại cho phép nhận biết đó là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa; d) Tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa có khuyết tật cho người tiêu dùng trong trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Còn theo khoản 6, Điều 3 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007 thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh là tổ chức, cá nhân tổ chức và thực hiện việc sản xuất (người sản xuất), nhập khẩu (người nhập khẩu), xuất khẩu (người xuất khẩu), bán hàng, cung cấp dịch vụ (người bán hàng).
 
Như vậy, đối với từng trường hợp cụ thể thì người sản xuất, người nhập khẩu, người xuất khẩu hoặc người bán hàng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng.
 
Vậy còn trách nhiệm bồi thường quy định như thế nào?
 
Theo Điều 61 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 thì người nhập khẩu phải bồi thường thiệt hại cho người bán hàng hoặc người tiêu dùng khi hàng hóa gây thiệt hại do lỗi của người sản xuất, người nhập khẩu không bảo đảm chất lượng hàng hóa. Người bán hàng phải bồi thường thiệt hại cho người mua, người tiêu dùng trong trường hợp thiệt hại phát sinh do lỗi của người bán hàng không bảo đảm chất lượng hàng hóa. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo thoả thuận giữa các bên có liên quan hoặc theo quyết định của toà án hoặc trọng tài.
 
Nhà chức trách kiểm tra lô hàng thuốc lá lậu
Nhà chức trách kiểm tra lô hàng thuốc lá lậu
 
Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 cũng loại trừ những trường hợp người sản xuất, người nhập khẩu, người bán hàng phải bồi thường thiệt hại trong những trường hợp như: a) Người tiêu dùng sử dụng hàng hóa đã hết hạn sử dụng; b) Đã hết thời hiệu khiếu nại, khởi kiện; c) Đã thông báo thu hồi hàng hoá có khuyết tật đến người tiêu dùng nhưng người mua, người tiêu dùng vẫn mua, sử dụng hàng hoá đó; d) Sản phẩm, hàng hoá có khuyết tật do tuân thủ quy định bắt buộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đ) Trình độ khoa học, công nghệ của thế giới chưa đủ để phát hiện khả năng gây mất an toàn của sản phẩm tính đến thời điểm hàng hoá gây thiệt hại; e) Thiệt hại phát sinh do lỗi của người mua, người tiêu dùng.
 
Nếu người tiêu dùng thấy thiệt hại của mình do cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hóa, sản phẩm gây ra thì phải làm gì để bảo vệ quyền lợi?
 
Người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện đối với tố chức, cá nhân đã sản xuất, cung ứng sản phẩm, hàng hóa gây thiệt hại cho mình. Do đó, nếu thấy rằng việc cháy xe không do lỗi của người tiêu dùng, không thuộc về những rủi ro khách quan mà có những căn cứ cho thấy nguyên nhân đến từ xe hoặc nhiên liệu mà xe sử dụng thì người tiêu dùng phải thực hiện các quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện của mình để tự bảo vệ quyền lợi của mình.
 
Vấn đề này không chỉ riêng trong các thiệt hại do cháy xe mà còn nhiều thiệt hại hàng ngày do chất lượng sản phẩm, hàng hóa gây ra nữa. Người dân phải quen với việc sử dụng quyền chính đáng mà pháp luật quy định để bảo vệ mình.
 
Nếu một người dân bị cháy xe ô tô khởi kiện nhà sản xuất để đòi bồi thường, ai sẽ đứng ra xác định thiệt hại cháy xe do lỗi của nhà sản xuất hay doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu kém chất lượng?
 
Hiện nay việc tìm nguyên nhân gây cháy xe đang được các cơ quan có thẩm quyền trong chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình đánh giá phân tích theo trách nhiệm của các cơ quan này ở khía cạnh quản lý nhà nước.
 
Còn về vấn đề thiệt hại xảy ra do cháy xe, người dân chúng ta cũng không cần phải chờ một quyết định công bố mang tính khuyến cáo từ phía các cơ quan chức năng đối với sản phẩm, hàng hóa mà chúng ta sử dụng. Nếu có căn cứ cho thấy bị xâm phạm, thì với tư cách người tiêu dùng, chúng ta có thể yêu cầu tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
 
Khi xảy ra tranh chấp, cơ quan, tổ chức giải quyết tranh chấp sẽ chỉ định hoặc các bên đương sự thoả thuận đề nghị cơ quan, tổ chức có chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện việc kiểm tra, thử nghiệm, giám định sản phẩm, hàng hoá tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trình tự thủ tục thực hiện của tổ chức giám định buộc phải tuân theo pháp luật; và từng trường hợp cụ thể phải có kết luận giám định, từ đó có thể chứng minh lỗi của bên nào trong các bên tranh chấp.

Qua đây, ông đánh giá thế nào về vấn đề thực thi pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng hiện nay?
 
Như chúng ta thấy, dường như không ít người tiêu dùng đang rất lúng túng trong việc nắm rõ quyền của mình. Nhiều trường hợp bị thiệt hại (như cháy xe) mà không do lỗi của mình nhưng ít người nhận thấy việc cần tìm người có trách nhiệm đối với thiệt hại để đòi được bồi thường.
 
Điều này cho thấy, dù đã có nhiều văn bản quy định về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng nhưng trên thực tế, người tiêu dùng lại ít được bảo vệ, từ đó hình thành thói quen xem nhẹ quyền của mình. Nhiều trường hợp pháp luật không thường xuyên được thực thi trên thực tế, dẫn đến việc mua phải một miếng thịt hư, vài ki lô gam rau củ hỏng hay gặp phải chiếc xe ôtô kém chất lượng... nhiều khi nằm trong lối mòn ý nghĩ: không thể trả lại hoặc đòi bồi thường. Người tiêu dùng cần phải lên tiếng, phải hành động quyết liệt hơn để bảo vệ quyền của mình.
 
Còn về mặt quản lý nhà nước, việc tuyên truyền phổ biến pháp luật trong trường hợp này không hẳn là đọc luật cho người tiêu dùng nghe và hiểu, mà các cơ quan có thẩm quyền về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, quản lý thị trường phải làm hết trách nhiệm của mình, để trước hết là ngăn chặn sự lưu thông của sản phẩm, hàng hóa gây hại cho người tiêu dùng; hai nữa là thể hiện trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng một cách cụ thể khi thiệt hại thực tế xảy đến cho họ.
 
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
 
Mai Anh Tuân - Ngọc Hương

Báo Chất lượng Việt Nam: http://vietq.vn/khieu-nai-online/phan-hoi/11-nguoi-tieu-dung-cho-duoc-va-ma-da-sung-bai-cuoi

  •  4017
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…