DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Pháp điển hóa - Công cụ hữu hiệu xóa bỏ “9 không”

1:39' 1/8/2011
Hình minh họa
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thực trạng kém chất lượng của hệ thống văn bản pháp luật có thể gói gọn trong “9 không”: không đầy đủ, không rõ ràng, không cụ thể, không tương thích, không minh bạch, không tiên liệu trước, không hợp lý, không hiệu quả và không hiệu lực. Để xóa bỏ những hạt sạn đó yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải từng bước xây dựng và hoàn thiện Bộ Pháp điển.

“9 không” trong chất lượng

Số lượng văn bản quy phạm pháp luật nước ta trong thời gian gầy đây có xu hướng tăng dần lên, ngày càng đa dạng về thể loại. Cùng với tình trạng cồng kềnh về số lượng, nhiều ý kiến cho rằng, hiện có không ít văn bản quy phạm pháp luật kém chất lượng, có thể gói gọn trong “9 không”: không đầy đủ, không rõ ràng, không cụ thể, không tương thích, không minh bạch, không tiên liệu trước, không hợp lý, không hiệu quả và không hiệu lực.

Tại phiên họp bàn về công tác xây dựng và giám sát thi hành pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII đã xác định 41 văn bản quy phạm pháp luật có quy định chồng chéo, mâu thuẫn nhau. Tình trạng mâu thuẫn giữa các văn bản được thể hiện cụ thể ở sự quy định khác nhau về việc xử lý hành vi liên kết lũng đoạn giá thị trường trong Luật Cạnh tranh 2004 và Pháp lệnh Giá 2002… Hay mới đây, theo Kết quả rà soát các quy định của Luật Đất đai và pháp luật về khiếu nại, khởi kiện và việc giải quyết khiếu nại, khởi kiện vụ án hành chính về đất đai cho thấy, những văn bản này có nhiều mâu thuẫn, chồng chéo. Điển hình là về thẩm quyền giải quyết khiếu nại, quyền khởi kiện vụ án hành chính và thẩm quyền giải quyết của Tòa án, Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính và về thời hiệu khiếu nại.

Đi liền với những quy định chồng chéo, mâu thuẫn là sự thường xuyên thay đổi, tính ổn định không cao của hệ thống văn bản dưới luật đã làm giảm hiệu lực của văn bản luật, dẫn tới khó khăn trong việc thực hiện và tác động xấu đến sự ổn định của quan hệ xã hội nhất là quan hệ kinh tế. Cùng với đó, rất nhiều văn bản pháp luật có tính quy phạm thấp, thiếu đi những quy tắc xử sự cụ thể mà chủ thể phải thực hiện. Còn tồn tại những luật “khung”, luật “ống” trong khi đó nhiều lĩnh vực quan hệ xã hội đòi hỏi phải được điều chỉnh cụ thể và chi tiết.

Số lượng văn bản lớn đi liền với tình trạng kém chất lượng về nội dung cùng với việc chưa được hệ thống hóa, pháp điển hóa đã khiến cho người sử dụng hay thậm chí là cán bộ của chính cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực cũng khó xác định độ chính xác cũng như độ tin cậy của văn bản.

Pháp điển hóa - công cụ xóa bỏ “9 không”

Để tiến tới xóa bỏ tình trạng “9 không” trong hệ thống văn bản pháp luật, pháp điển hóa được coi là công cụ vô cùng hiệu quả. Hiểu một cách chung nhất, pháp điển hóa là việc thu thập, tổ chức lại, công bố, cập nhập liên tục toàn bộ quy phạm pháp luật đang có hiệu lực thi hành thành một Bộ pháp điển được sắp xếp theo đề mục. Do đó, Bộ Pháp điển là tập hợp của toàn bộ các quy định hiện đang có hiệu lực.

Theo Báo cáo đánh giá tác động về Dự thảo Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, việc ban hành Bộ pháp điển có ý nghĩa vô cùng lớn. Bộ Pháp điển được xây dựng thuận tiện cho người sử dụng trong việc tra cứu và tìm kiếm văn bản, xác định được văn bản pháp luật nào không còn hiệu lực thi hành đồng thời yên tâm hơn về độ chính xác của văn bản pháp luật. Cùng với đó, những quy định ch��ng chéo, mâu thuẫn sẽ không còn tồn tại, giảm thiểu tình trạng cồng kềnh về số lượng góp phần tăng hiệu quả, tăng tính khả thi của văn bản pháp luật.

Từ những ý nghĩa trên đây cho thấy quá trình xây dựng Bộ pháp điển đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn về công sức, trí tuệ, kinh phí của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân. Do đó, việc quyết định giá trị pháp lý của Bộ pháp điển cần phải có sự cân nhắc, thận trọng.

Xung quanh vấn đề xác định giá trị của Bộ Pháp điển cũng có rất nhiều ý kiến. Có ý kiến cho rằng chỉ nên xây dựng Bộ pháp điển có giá trị tra cứu và tham khảo và cũng có ý kiến cho rằng nên trao cho Bộ pháp điển giá trị sử dụng như một văn bản quy phạm pháp luật…

Theo các chuyên gia thuộc Văn phòng Quốc hội thì việc xây dựng Bộ Pháp điển chỉ có giá trị tham khảo sẽ làm giảm động lực và tính nghiêm túc trong quá trình pháp điển; sẽ không đảm bảo được mục tiêu làm minh bạch hóa hệ thống pháp luật và làm cho việc cập nhật Bộ pháp điển trở nên khó khăn hơn. Hơn nữa, nếu Bộ pháp điển không có giá trị sử dụng như một văn bản quy phạm pháp luật sẽ dẫn tới tình trạng tồn tại rất nhiều hình thức văn bản khác nhau. Do đó, cần thiết phải trao cho Bộ Pháp điển giá trị pháp lý như một văn bản quy phạm pháp luật.

Hy vọng, trong thời gian không xa nữa, Bộ pháp điển Việt Nam ra đời sẽ là công cụ hữu hiệu để xóa bỏ tình trạng “9 không” trong hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam hiện nay.

Thu Trang
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân


Kê dép, ngồi chơi xơi nước để chờ...chờ cái dòng màu đỏ ! Chờ 9 không....để mong xoá bỏ những hạt sạn (như đầu bài báo nói), em chỉ mong xoá bỏ 1 phần của những hạt sạn là tốt lắm lắm rồi.

  •  19023
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…