DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Phân biệt “Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe” và “Tạm giữ giấy tờ xe”

Khi người tham gia giao thông do có hành vi vi phạm nên trong nhiều trường hợp đã bị cảnh sát giao thông hoặc người có thẩm quyền ra quyết định “Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe” hoặc quyết định “Tạm giữ giấy tờ xe” và hai quyết định trên thường được mọi người gọi với cái tên chung là “Thu giữ giấy tờ xe”. Câu hỏi vẫn hay được nhiều người thắc mắc đặt ra: Người vi phạm có thể tiếp tục được phép điều khiển phương tiện không khi rơi vào các trường hợp trên không? Và nếu câu trả lời là CÓ thì liệu có thời hạn giới hạn việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi không có giấy tờ xe không?

Như mình đã nói ở trên, “Thu giữ giấy tờ xe” là thuật ngữ thường được sử dụng chung để nói về 02 hình thức: “Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe” và “Tạm giữ giấy tờ xe”. Tuy nhiên, câu trả lời của câu hỏi vừa đề cập phía trên sẽ khác hoàn toàn khác nhau tùy từng hình thức bởi, hai hình thức này có những điểm khác biệt dẫn đến những hậu quả pháp lý cũng khác nhau.

Và cụ thể, “Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe” và “Tạm giữ giấy tờ xe” có những điểm khác biệt như sau:

TIÊU CHÍ

TƯỚC QUYỀN SỬ DỤNG GIẤY PHÉP LÁI XE

TẠM GIỮ GIẤY TỜ XE

Hình thức xử phạt

Là “hình thức xử phạt bổ sung” chỉ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính là: cảnh cáo hoặc phạt tiền.

Là “biện pháp ngăn chặn” để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt.

Trường hợp áp dụng

Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép.

Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự:

- Giấy phép lái xe;

-Hoặc giấy phép lưu hành phương tiện;

-Hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện

->cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt.

Thời hạn

- Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành.

- Người có thẩm quyền xử phạt giữ giấy phép trong thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép.

- Thời hạn tạm giữ giấy phép là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ.

Lưu ý: Thời hạn tạm giữ giấy phép có thể vượt quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nếu rơi vào trường hợp ngoại lệ được quy định tại khoản 8 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.

=>Về đại thể, thời hạn tạm giữ giấy phép là cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt theo thời hạn được ghi tại biên bản vi phạm.

Hậu quả

Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép thì cá nhân, tổ chức KHÔNG được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép.

-Trong thời hạn bị tạm giữ thì cá nhân, tổ chức VẪN được phép điều khiển phương tiện.

- Nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện hoặc đưa phương tiện ra tham gia giao thông, sẽ bị áp dụng xử phạt như hành vi không có giấy tờ (khoản 2 Điều 78 Nghị định 46/2016/NĐ-CP).


Như vậy, căn cứ theo những quy định trên thì chúng ta có thể đưa ra kết luận sau:

Nếu bị “tước giấy phép lái xe”  thì bạn KHÔNG được điều khiển xe:

Trong thời gian bị tước giấy phép lái xe thì coi như bạn không có bằng lái xe. Do đó bạn không được quyền lái xe. Nếu vẫn cố ý lái xe trong thời gian bị tước bằng và bị cảnh sát giao thông kiểm tra, thì sẽ bị phạt lỗi “Không có giấy phép lái xe” theo khoản 5 và khoản 7 Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP:

+ Đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000

+ Đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.


Nếu bị “tạm giữ giấy phép lái xe” thì bạn vẫn CÓ THỂ lái xe trong thời hạn hạn ghi trong biên bản xử phạt:

Ở đây bản chất là tạm giữ chứ không phải tước quyền, do đó trong thời hạn bị tạm giữ trên biên bản, bạn vẫn có quyền điều khiển xe bình thường. Nếu trường hợp sau khi bị tạm giữ mà lại bị cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ thì có thể trình biên bản tạm giữ giấy phép ra là vẫn coi như có bằng lái và được xem là bạn không vi phạm.

Như vậy, biên bản tạm giữ giấy phép sẽ giúp thay bằng lái đang bị cơ quan có thẩm quyền tạm giữ (để không bị lỗi “không có giấy phép lái xe”). Bởi vậy, bạn nên luôn giữ biên bản tạm giữ trong người để chứng minh giấy tờ còn thiếu của mình đang bị tạm giữ.

Ngoài ra, nếu sau thời hạn trên biên bản tạm giữ mà bạn chưa nộp phạt để lấy bằng về, lúc đó nếu bị cảnh sát giao thông thổi phạt kiểm tra giấy tờ thì lúc đó bạn sẽ bị phạt lỗi “Không có giấy phép lái xe” (vì biên bản chỉ thay bằng lái trong thời hạn tạm giữ mà thôi).


Căn cứ pháp lý:

Luật xử lý vi phạm hành chính 2012;

+ Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

 

  •  5129
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…