DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Phân biệt đối xử trong tuyển dụng, doanh nghiệp bị xử lý thế nào?

>>> 5 cách nhận biết công ty tuyển dụng lừa đảo

>>> Nguời lao động “sợ” tăng lương – Vì sao?

Phân biệt đối xử hiện nay vẫn là thực trạng phổ biến trong tuyển dụng lao động. Có thể, đối với một số công việc nhất định nào đó, vì tính chất công việc mà người sử dụng lao động có những lý do riêng nên đưa ra tiêu chí tuyển dụng thể hiện sự “phân biệt đối xử”.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách chung nhất thì không khó bắt gặp những tiêu chí tuyển dụng mang tính bất bình đẳng trên thị trường tuyển dụng ngày nay. Nó có thể là những tiêu chí như: “chỉ tuyển nam/nữ”, “ưu tiên người có ngoại hình ưa nhìn”, “chỉ tuyển lao động nữ độc thân”, “chỉ tuyển người không tôn giáo” hay thậm chí “ưu tiên con em cán bộ, nhân viên hiện đang công tác tại doanh nghiệp” (đây là cách tuyển dụng "ưu tiên con cháu trong nhà" đã từng được Agribank đưa ra trong thông báo tuyển dụng công khai khiến dư luận xôn xao, chê trách: "Đối tượng ưu tiên là: con cán bộ hiện đang công tác tại các chi nhánh, văn phòng đại diện, các đơn vị thuộc Trụ sở chính của Agribank chưa có người con nào làm việc tại Agribank (con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp) được cộng 30 điểm (thang điểm 100); trường hợp có từ 02 người con trở lên tham dự kỳ thi cũng chỉ cộng điểm ưu tiên cho 01 người con”). Rõ ràng, việc ưu tiên cho người này hay chỉ tuyển dụng những đối tượng này đồng nghĩa với việc tước đi phần cơ hội của người kia trong tuyển dụng và sử dụng lao động.

Xét theo các quy định pháp luật hiện hành, việc tuyển dụng với những tiêu chí trên là những hành vi vi phạm pháp luật lao động. Chúng ta có thể dẫn giải hàng loạt các quy định thể hiện nghiêm cấm sự phân biệt đối xử trong tuyển dụng và sử dụng lao động, đó là: 

+ Đều 35 Hiến pháp 2013 có quy định quyền công dân như sau: "Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu".

Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 5 Bộ luật Lao động 2012, người lao động có quyền:“Làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử”. Mặt khác, việc phân biệt đối xử trong lao động cũng được quy định là hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 1 Điều 8 Bộ luật lao động 2012: “Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, tôn giáo, nhiễm HIV, khuyết tật hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.”

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 9 Luật Việc Làm 2013 cũng đưa ra quy định nghiêm cấm tương tự: “Phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp” là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.

Chính vì thế, để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, Chính phủ đã ban hành Nghị định 88/2015/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22-8-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó khoản 3 Điều 4a có quy định rõ:

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, tôn giáo, nhiễm HIV, khuyết tật trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý lao động.

Thanh tra lao động sẽ là cơ quan có nhiệm vụ “thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về lao động” (khoản 1 Điều 237 Bộ luật lao động 2012). Do đó, đây sẽ là cơ quan tiến hành kiểm tra làm rõ để xác định các vi phạm liên quan đến hành vi phân biệt đối xử trong tuyển dụng lao động để có căn cứ xử phạt hành chính các doanh nghiệp có hành vi vi phạm.

 

  •  8883
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…