DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Phạm tội chưa đạt, hiểu thế nào cho đúng

Phạm tội chưa đạt được hiểu theo Điều 15 Bộ luật hình sự hiện hành là việc cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt theo quy định pháp luật.
 
Khi quyết định hình phạt trong trường hợp phạm tội chưa đạt, ngoài việc phải áp dụng điểm, khoản, điều luật quy định về tội phạm đó, cần phải áp dụng Điều 57 Bộ luật hình sự hiện hành để quyết định hình phạt, cụ thể:
 
Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt được quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.
Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.
 
Tôi xin giới thiệu với các luật sư đồng nghiệp, những người học luật các bản án về tình tiết phạm tội chưa đạt đối với các tội danh cụ thể như tội giết người, tội hiếp dâm, tội trộm cắp tài sản, tội cướp tài sản, cướp giật tài sản…
 
1. Về tình tiết phạm tội chưa đạt đối với tội Giết người:
Đa số các bản án về tội Giết người áp dụng tình tiết phạm tội chưa đạt là do bị cáo thực hiện hành vi gây thương tích với tính chất và mức độ hành vi nguy hiểm có khả năng gây chết người, tuy nhiên hậu quả chết người không xảy ra do khách quan, nằm ngoài ý chí của bị cáo.
 
2. Về tình tiết phạm tội chưa đạt đối với tội Hiếp dâm:
Đối với tội phạm Hiếp dâm nói chung (Hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi…) thì thường Tòa án xác định tội phạm hoàn thành khi thực hiện được hành vi giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác đối với nạn nhân. Tại Bản án sơ thẩm số 16/2019/HS-ST của Tòa án nhân dân huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang, vì nạn nhân khép chặt chân nên hung thủ không cho dương vật vào được nhưng vẫn thực hiện cọ sát và xuất tinh thì vẫn thuộc trường hợp tội phạm đã hoàn thành. Các trường hợp khác mặc dù đã có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực nhằm thực hiện việc giao cấu với nạn nhân nhưng việc giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác chưa được thực hiện thì vẫn thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.
 
3. Về tình tiết phạm tội chưa đạt đối với tội trộm cắp tài sản:
Đối với tội trộm cắp tài sản, tội phạm được hoàn thành khi người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản. Đối với vật nhỏ gọn thì được coi là chiếm đoạt từ thời điểm người phạm tội đã giấu được tài sản đó trong người. Trường hợp tài sản chiếm đoạt không phải là vật nhỏ gọn như trên thì thời điểm hoàn thành khi đã mang tài sản ra khỏi nơi bảo quản.
 
4. Về tình tiết phạm tội chưa đạt đối với tội cướp tài sản, cướp giật tài sản:
Đối với tội cướp tài sản được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội đã thực hiện hành vi dùng bạo lực hoặc đe doạ dùng ngay tức khắc vũ lực hoặc hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được, bất kể là người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản hay không.
 
Đối với tội cướp giật tài sản được coi là tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm người phạm tội giật được tài sản từ người khác kể cả trường hợp người phạm tội bỏ lại tài sản để tẩu thoát.
 
  •  7523
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…