DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Những vấn đề cần chứng minh trong điều tra các loại tội phạm xâm phạm sở hữu

Hoạt động điều tra trong vụ án hình sự là nhiệm vụ của cơ quan có thẩm quyền điều tra (Công an). Tuy nhiên, dưới góc độ người học luật, khi xác định một người có phạm tội hay không cũng cần không ít kỹ năng.

Các tội phạm xâm phạm sở hữu bao gồm các tội được quy định tại điều 168 đến điều 180 Bộ Luật Hình sự 2015:

+ Tội cướp tài sản (Điều 168);

+ Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169);

+ Tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170);

+ Tội cướp giật tài sản (Điều 171);

+ Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172);

+ Tội trộm cắp tài sản (Điều 173);

+ Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174);

+ Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175).

+ Tội chiếm giữ trái phép tài sản (Điều 176);

+  Tội sử dụng trái phép tài sản (Điều 177).

+ Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178);

+ Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (Điều 179);

+ Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản (Điều 180).

Căn cứ vào các Điều từ 168 đến 180 Bộ luật Hình sự và Điều 85 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, trong quá trình điều tra các tội phạm xâm phạm sở hữu cần chứng minh những vấn đề cơ bản sau:

Một là: Có vụ xâm phạm sở hữu xảy ra hay không?

Để chứng minh làm rõ vấn đề này cần tiến hành khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai người bị hại, lấy lời khai những người làm chứng… để thu thập tài liệu chứng cứ làm rõ hành vi chiếm đoạt tài sản, vũ khí, công cụ phương tiện mà thủ phạm đã sử dụng khi thực hiện tội phạm, thiệt hại do tội phạm gây ra.

Hai là: Thời gian và địa điểm xảy ra

Vấn đề thời gian và địa điểm xảy ra tội phạm xâm phạm sở hữu cần được làm rõ, vì đây là cơ sở để tiến hành những biện pháp điều tra ban đầu, truy bắt người phạm tội theo dấu vết nóng, xác định phạm vi đối tượng gây án, những người làm chứng về vụ án. Để làm rõ thời gian và địa điểm xảy ra tội phạm xâm phạm sở hữu cần tiến hành các biện pháp khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai người bị hại, người làm chứng, hỏi cung bị can.

Ba là: Thủ đoạn gây án.

Những tài liệu về thủ đoạn gây án và che giấu tội phạm có thể thu thập được trong quá trình khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai người bị hại, hỏi cung bị
can…

Bốn là: Công cụ, phương tiện thủ phạm sử dụng để thực hiện tội phạm.

Trong quá trình điều tra cần làm rõ được đặc điểm, chủng loại, nguồn gốc của những công cụ, phương tiện và vũ khí mà thủ phạm sử dụng khi gây án. Để thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh làm rõ vấn đề này và phát hiện thu giữ cần tiến hành các biện pháp khám nghiệm hiện trường, khám xét, hỏi cung bị can, trưng cầu giám định…

Năm là: Những tài sản bị chiếm đoạt.

Chứng minh làm rõ số lượng, chủng loại, giá trị, đặc điểm, nguồn gốc của những tài sản bị chiếm đoạt là căn cứ để xác định có tội phạm xâm phạm sở hữu xảy ra hay không, mức độ thiệt hại và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Những tài liệu phản ánh về những tài sản bị chiếm đoạt có thể thu thập được thông qua các biện pháp lấy lời khai người bị hại, người làm chứng, khám xét, hỏi cung bị
can…

Sáu là: Người bị hại trong vụ án xâm phạm sở hữu.

Trong quá trình điều tra cần chứng minh làm rõ người bị hại là ai, trường hợp người bị hại bị thương thì phải làm rõ đặc tính, mức độ thương tích và mối liên hệ nhân quả giữa vết thương tích với hành vi dùng vũ lực của người phạm tội bằng cách trưng cầu giám định. Đặc tính và mức độ thương tích là cơ sở để cá thể hoá hành vi phạm tội, mức độ hình phạt cũng như xác định mức độ bồi thường thiệt hại do hành vi tội phạm gây ra.

Bảy là: Người thực hiện hành vi phạm tội

Trong quá trình điều tra cần chứng minh làm rõ những ai là người thực hiện hành vi phạm tội? Họ tên tuổi, địa chỉ của các bị can phạm tội xâm phạm sở hữu, khi thực hiện hành vi phạm tội có đồng phạm hay không? Nếu có đồng phạm cần chứng minh làm rõ vai trò, vị trí của từng bị can trong vụ án. Đặc biệt chú ý làm rõ đặc điểm nhân thân của từng bị can trong vụ án. Khi đánh giá vai trò vị trí của từng bị can trong vụ án cần căn cứ vào nội dung của sự bàn bạc, thoả thuận và hành vi cụ thể của từng bị can trong quá trình gây án. Nếu băng, ổ nhóm tội phạm xâm phạm sở hữu hoạt động đã lâu thì phải làm rõ được từng giai đoạn hoạt động của băng, ổ nhóm, tất cả những vụ án do băng, ổ nhóm tội phạm gây ra và vai trò của từng đối tượng trong từng vụ án.

Tám là: Động cơ và mục đích phạm tội.

Động cơ và mục đích phạm tội xâm phạm sở hữu được phản ánh chủ yếu ở động cơ tư lợi và mục đích chiếm đoạt tài sản, bên cạnh đó cũng có động cơ huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Để làm rõ vấn đề này cần phải đánh giá đặc điểm hành vi phạm tội, quan hệ của thủ phạm với người bị hại, đặc điểm nhân thân của thủ phạm và giá trị của tài sản mà thủ phạm định chiếm đoạt hay đã chiếm đoạt, định huỷ hoại hoặc làm hư hỏng hay đã huỷ hoại hoặc làm hư hỏng.

Chín là: Chứng minh làm rõ những tình tiết tăng nặng, những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, những nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh tội phạm.

Nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện những vấn đề cần chứng minh nêu trên trong từng vụ án sẽ định hướng cho Điều tra viên thực hiện yêu cầu của pháp luật, đó là chứng minh làm rõ sự thật của từng vụ án cụ thể một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ. Tuy vậy, những vấn đề cần phải chứng minh trong điều tra tội phạm xâm phạm sở hữu nêu trên chưa phải đã hết. Mức độ cụ thể hoá những vấn đề cần chứng minh này phụ thuộc vào từng điều kiện cụ thể và từng tội danh trong nhóm các tội phạm xâm phạm sở hữu được quy định trong Bộ luật Hình sự.

 

  •  17099
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…