DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Những suy diễn sai Luật vẫn được nhiều người tin theo

Tố chất cần thiết mà người học Luật buộc phải có đó là “chân thật”, nghĩa rằng có sao nói vậy, nhưng thực tế lại tồn tại nhiều trường hợp suy diễn không đúng sự thật của pháp luật nhưng vẫn được nhiều người tin theo. Đơn cử những trường hợp sau:

1. Chuyện không bảo có

Hiện hành chế định Luật hợp đồng được điều chỉnh bởi nhiều văn bản luật khác nhau: Bộ luật Dân sự 2005, Luật Thương mại 2005, Luật Xây dựng 2003… và các luật này lại không đồng nhất với nhau về cùng một vấn đề.

Đơn cử, mức phạt vi phạm hợp đồng trong Bộ luật Dân sự là do các bên thỏa thuận, Luật Thương mại là tối đa không được vượt quá 8%, Luật Xây dựng tối đa không được vượt quá 12% vì vậy thực tiễn đặt ra câu hỏi trong trường hợp nào được áp dụng luật nào?

Quan điểm được phần lớn ủng hộ là: Hợp đồng Dân sự áp dụng Bộ luật Dân sự, Hợp đồng Thương mại áp dụng Luật Thương mại, Hợp đồng Xây dựng áp dụng Luật Xây dựng. Thoạt đầu có vẻ hợp lý tuy nhiên thực tiễn thì khó lòng xác định hợp đồng nào là hợp đồng nào.

Nếu miễn cưỡng chấp nhận thì Hợp đồng Dân sự và Hợp đồng Xây dựng có thể nhận biết được qua hai điều luật sau:

- Điều 388 Bộ luật Dân sự 2005: “Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.

- Điều 107 Luật Xây dựng 2003:

“1. Hợp đồng trong hoạt động xây dựng được xác lập cho các công việc lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng công trình, khảo sát xây dựng, thiết kế công trình, giám sát, thi công xây dựng công trình, quản lý dự án xây dựng công trình và các công việc khác trong hoạt động xây dựng.

2. Hợp đồng trong hoạt động xây dựng được xác lập bằng văn bản phù hợp với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Tuỳ theo quy mô, tính chất của công trình, loại công việc, các mối quan hệ của các bên, hợp đồng trong hoạt động xây dựng có thể có nhiều loại với nội dung khác nhau.”

Còn Hợp đồng Thương mại thì rất khó xác định

Luật Thương mại 2005 không hề đề cập gì đến khái niệm hợp đồng Thương mại. Thực tiễn nhiều người suy diễn rằng “Hợp đồng thương mại là hợp đồng nhằm yếu tố sinh lợi mà ít nhất một bên là thương nhân”.

Tuy nhiên, cách suy diễn trên không đúng với câu chữ của luật định. Bởi lẽ, Luật Thương mại 2005 không đề cập gì đến hợp đồng Thương mại phải có một bên là thương nhân. Cụ thể như sau:

Điều 2 quy định về Đối tượng áp dụng:

1. Thương nhân hoạt động thương mại theo quy định tại Điều 1 của Luật này.

2. Tổ chức, cá nhân khác hoạt động có liên quan đến thương mại.

Mặt khác, tại khoản 1 điều 3 giải thích khái niệm Hoạt động thương mại, theo đó: “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.”

Như vậy, có thể hiểu Hợp đồng Thương mại là Hợp đồng nhằm mục đích sinh lợi, mà sinh lợi gồm: lời và lợi ích.

Lợi ích được hiểu dưới dạng vật chất hoặc phi vật chất, suy đến cùng từ “sinh lợi” có nghĩa bao trùm rộng lớn, thế nên Hợp đồng nào cũng có thể xác định là hợp đồng Thương mại (không vì mục đích lời cũng là lợi ích).

Kết ý: Luật thương mại 2005 không hề đề cập tới khái niệm Hợp đồng Thương mại nhưng thực tiễn lại suy diễn ra khái niệm Hợp đồng thương mại không đúng với câu chữ của Luật.

2. Chuyện có nói không

Điều 111. Tội hiếp dâm Bộ luật Hình sự 1999 quy định: Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.”

Với câu chữ của điều luật trên có thể hiểu tội danh hiếp dâm không hề phân biệt chủ thể là nam hay nữ mà bao hàm tất cả. Mặt khác, chẳng có văn bản nào trong hệ thống pháp luật nước nhà quy định chỉ có nam mới là chủ thể của tội danh này.

Vậy mà, thực tiễn nhiều người cho rằng: chỉ có nam mới là chủ thể của tội này và bảo vệ ý kiến bằng dẫn chứng: khoa học pháp lý hình sự nói thế, giảng viên nói thế … Trong khi bỏ qua yếu tố quan trọng “chỉ có Luật mới có giá trị pháp lý và mang tính bắt buộc thực hiện còn những dẫn chứng trên chỉ mang tính tham khảo”.

Kết ý: Trong trường hợp này thực tiễn đã suy diễn theo hướng “chuyện có nói không”.

 

  •  12466
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…