DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Những rủi ro pháp lý mà doanh nghiệp thường mắc phải - Sự cần thiết phải triển khai thực hiện Đề án tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp

Triển khai thực hiện Nghị định số 66/2008/NĐ-CP và Quyết định số 585/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Xây dựng mạng lưới tư vấn pháp luật cho Doanh nghiệp trên các địa bàn kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng Câu lạc bộ Luật sư Long Biên tiến hành tọa đàm về việc triển khai Đề án nêu trên.

Tham dự tọa đàm Luật sư Ngô Thế Thêm - Văn phòng Luật sư Doanh Gia - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội có tham luận tại hội nghị, rất mong đón nhận được những đóng góp tiếp theo của bạn đọc để kịp thời đóng góp cho Ban chỉ đạo của chương trình, xây dưng trương trình ngày càng hoàn thiện hơn, chất lượng hơn

THAM LUẬN

NHỮNG RỦI RO PHÁP LÝ MÀ DOANH NGHIỆP THƯỜNG MẮC PHẢI

 

Người thực hiện: Luật sư Ngô Thế Thêm

Đơn vị thực hiện: Văn phòng luật sư Doanh Gia

 

NỘI DUNG THAM LUẬN

 

  1. Rủi ro trong việc tranh chấp giữa các thành viên công ty.
    1. Việc hình thành và phát triển công ty một cách ngẫu hứng, tự phát nhiều khi chỉ là một hợp đồng giao dịch có thể đem đến lợi nhuận là đã có thể thành lập ngay một doanh nghiệp. Khi thành lập các doanh nghiệp thì không xác định các kế hoạch phát triển, định hướng phát triển, cơ cấu tổ chức và vận hành doanh nghiệp. Việc kêu gọi đầu tư và hợp tác kinh doanh giữa các sáng lập viên hay cổ đông sáng lập còn sơ sài, ngẫu hứng và không có tính kế hoạch. Doanh nghiệp sau khi thành lập và hoạt động không có phương hướng, không có đóng góp vốn hoặc có nhưng rất ít, việc phân chia lợi nhuận không rõ ràng và dẫn đến không thực hiện được việc phát triển doanh nghiệp, thành viên không hợp tác, thậm chí khi tranh chấp hay các thành viên muốn giải thể doanh nghiệp cũng không thực hiện được, vòng đời doanh nghiệp ngắn và sức khỏe của doanh nghiệp rất yếu, các thành viên xảy ra tranh chấp, bỏ doanh nghiệp không hoạt động hoặc đẩy trách nhiệm về người đại diện theo pháp luật, người cầm con dấu và đứng tên trên đăng ký kinh doanh.
    2. Việc góp vốn và cơ chế phân chia lợi nhuận, ghi nhận công sức đóng góp cũng có những cách hiểu khác nhau, xuất phát từ việc vốn điều lệ chỉ là cam kết góp nên các thành viên thường góp rất ít hoặc không góp nhưng lại đưa ra số vốn điều lệ rất lớn. Các thành viên luôn nghĩ mình có số vốn lớn và nghĩ rằng có ghi trên điều lệ công ty là đương nhiên có tài sản mà không biết rằng việc cam kết đó gắn liền với trách nhiệm, công ty kinh doanh có thể lãi, hòa hoặc lỗ, trong trường hợp lãi thì lợi nhuận không tương xứng với số vốn góp, còn lỗ thì nghĩa vụ lại luôn tương xứng với số vốn góp. Tài sản của công ty chưa được tách biệt với tài sản của từng chủ sở hữu, việc xác định công sức đóng góp không được rõ ràng, việc phân chia lợi nhuận cũng không xác định được các điều kiện cần và đủ để phân chia nên đã dẫn đến mâu thuận, phá vỡ liên kết làm ăn và nhiều khi còn phá làm mất cả tình bạn có được trước khi kinh doanh làm ăn với nhau.
    3. Giải pháp chung cho những trường hợp này là vẫn rất cần sự tư vấn pháp luật, tư vấn ngay từ khi có ý định kinh doanh cho các chủ sở hữu, sáng lập viên và cổ đông sáng lập. Tư vấn theo hướng nên xác định được rõ dự án đầu tư, xây dựng doanh nghiệp để thực hiện dự án đầu tư, xác định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư. Ký kết các hợp đồng hợp tác trước đăng ký kinh doanh theo Điều 14 Luật Doanh nghiệp, xác định quy mô, lộ trình và kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp trong tương lai, có như vậy mới hạn chế và chấm dứt được những rủi ro pháp lý nêu trên và tạo ra được những doanh nghiệp thực sự, doanh nghiệp đúng nghĩa và có thể phát triển, đứng vững trên thị trường.
  2. Rủi ro trong việc tranh chấp với chính người lao động của đơn vị mình.
    1. Việc ký kết hợp đồng lao động, việc tuyển dụng và lựa chọn người lao động không phù hợp. Nhiều khi người lao động và người sử dụng lao động mới chỉ nhìn vào các công việc mà xác định nhu cầu cần lao động, còn người lao động lại chỉ nhìn vào việc cần việc làm nên các bên đã ký kết hợp đồng lao động mà không có những hiểu biết nhất định về các vấn đề phát sinh trong tương lai, không bảo đảm được việc giữ chân người lao động, người lao động không nhận được sự an tâm và tâm huyết khi cống hiến cho người sử dụng lao động. Nhiều tranh chấp về lao động phát sinh, những vướng mắc về lao động, nội quy lao động, khen thưởng, kỷ luật. Người sử dụng lao động thì chấm dứt công việc của người lao động một cách tùy tiện hoặc sa thải trái quy định còn người lao động thì tự ý nghỉ việc. Người sử dụng lao động thì vi phạm thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi hay việc làm thêm giờ, quá giờ hoặc bố trí công việc không phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ hay không đúng với nội dung hợp đồng đã ký kết. Người lao động đặc biệt là lao động có chất lượng khi nghỉ việc khỏi doanh nghiệp không chỉ làm cho doanh nghiệp mất đi người lao động, nhân lực của doanh nghiệp, nhiều khi có làm thiệt hại, giảm sút đáng kể về doanh số, số lượng khách hàng do chính người lao động đang trực tiếp quản lý và rất có thể người lao động này lại trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp và cạnh tranh lớn cho chính doanh nghiệp.
    2. Làm rõ vai trò của người lao động, công việc phải làm và những kiến thức cần thiết của người lao động. Khi ký kết hợp đồng lao động, doanh nghiệp phải cung cấp các quy định cần thiết cho người lao động, người lao động nhận thức được vai trò của mình, làm việc vì doanh nghiệp. Xác định các công việc cụ thể phải làm theo bản mô tả công việc, các công việc phải tuân thủ theo sự điều hành, quản lý, các công việc tuân thủ nội quy, quy chế của doanh nghiệp, các lao động chuyên môn như kế toán phải bảo đảm tính độc lập, chịu trách nhiệm về nghề nghiệp của mình và các lao động làm việc về pháp chế, văn phòng phải có kiến thức về pháp luật, xây dựng văn bản quản lý, điều hành, văn bản hành chính, nội bộ phù hợp với pháp luật.
    3. Tạo điều kiện yên tâm và xây dựng lòng tin cho người lao động cũng như việc phấn đấu, trách nhiệm của người lao động với công ty. Ngay đối với người chủ sử dụng lao động, người chủ doanh nghiệp cũng cần có những kiến thức pháp luật về lao động, tuân thủ và thực hiện tốt các hợp đồng lao động đã ký kết. Người lao động có hiểu được pháp luật về lao động, hiểu được các quyền và nghĩa vụ của mình, xác định được vai trò, vị trí của mình trong công ty thì hoạt động của doanh nghiệp mới tốt được, có như vậy mới hạn chế được những rủi ro phát sinh từ người lao động trong chính doanh nghiệp mình.
  3. Rủi ro trong việc tổ chức vận hành hoạt động và cơ cấu nội bộ của công ty.
    1. Doanh nghiệp thường thiếu hoặc không có hệ thống các nội quy, quy chế nội bộ của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp trong hồ sơ pháp lý của mình chỉ có Bản đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận mẫu dấu, một số doanh nghiệp thì có thêm bản Điều lệ, phần lớn các doanh nghiệp không có hệ thống các văn bản nội bộ như: Biên bản, quyết định, nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Chủ sở hữu và đại bộ phận các doanh nghiệp là thiếu Quy chế tổ chức hoạt động của Doanh nghiệp, các quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban giám đốc, các phòng ban chuyên môn, Nội quy lao động, Thỏa ước lao động tập thể, Quy chế quản lý và sử dụng con dấu… hệ thống các biểu mẫu, văn bản hành chính nội bộ…
    2. Nhiều doanh nghiệp tuy có một số các nội quy, quy chế quản lý doanh nghiệp nhưng phần lớn là do cán bộ copy hay sao chép từ các doanh nghiệp khác nhau hoặc do cán bộ tự xây dựng nhưng lại không đồng bộ, không hợp lý, có những quy định còn trái với pháp luật, không phù hợp với thực tế hoạt động của doanh nghiệp mình, ở địa phương mình.
    3. Việc thiếu hệ thống các văn bản nội bộ nói trên đã dẫn đến việc áp dụng và xử lý các tình huống thiếu cơ sở pháp lý, mang tính tùy tiện, cả nể nhiều khi các doanh nghiệp còn mang tính doanh nghiệp gia đình, người quen, dẫn đến bất công trong cách xử lý, người lao động tâm lý chán nản, đối phó, làm cho xong. Chủ doanh nghiệp cũng khó xử lý trong trường hợp là người thân, người nhà của mình khi có vi phạm, đây chính là những nguyên nhân tiềm ẩn những mâu thuẫn trong nội bộ doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp mất đi sức mạnh, sự liên kết và quyết tâm trong chính nội bộ của doanh nghiệp. Hoạt động tư vấn pháp luật thường xuyên sẽ mang đến cho doanh nghiệp hệ thống quản trị nội bộ doanh nghiệp, các nội quy, quy chế áp dụng và vận hành cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, khi đó những rủi ro nêu trên chắc chắn sẽ không mắc phải và doanh nghiệp vững tâm trong hoạt động của mình.
  4. Rủi ro trong hoạt động kinh doanh.
    1. Rủi ro trong hoạt động kinh doanh chủ yếu tập trung vào việc xác lập, ký kết và thực hiện các hợp đồng kinh doanh thương mại. Ngay từ khâu chuẩn bị các nội dung cho việc ký kết hợp đồng, phần lớn các doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng không có được hồ sơ năng lực, hồ sơ pháp lý của doanh nghiệp, các giấy tờ kèm theo như Đăng ký kinh doanh, bản sao điều lệ, giấy tờ nhân thân của người đại diện, văn bản ủy quyền, phân quyền, các hồ sơ về năng lực tài chính…Nhiều khi doanh nghiệp chỉ tập trung vào nội dung các hợp đồng giao dịch, chỉ ký cho được hợp đồng giao dịch, luôn luôn nghĩ rằng rủi ro không xảy ra với mình mà chưa tập trung đến các yếu tố khác như: Điều kiện thực hiện hợp đồng, thời hạn thực hiện hợp đồng, chất lượng của hàng hóa, dịch vụ và điều kiện đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ, kết quả thực hiện, phương thức thanh toán tiền, điều kiện dừng, tạm dừng thực hiện công việc, phương án giải quyết tranh chấp, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp, các chế tài áp dụng, thời gian và quy trình khởi kiện, nơi khởi kiện nếu bên đối tác vi phạm; tính có hiệu lực của hợp đồng và đặc biệt là hiệu quả của hợp đồng mang lại.
    2. Nhiều khi vì công việc, vì muốn có được hợp đồng mà các doanh nghiệp đã chấp nhận những rủi ro, chưa có ý thức tư vấn pháp luật trước khi ký kết hợp đồng. Khi tranh chấp xảy ra thường lúng túng trong các giải quyết, các văn bản, thông báo, công văn trao đổi không được thực hiện đúng quy trình, gửi không hợp lệ hay đối tác không có mặt tại nơi cư trú, thiếu hồ sơ khởi kiện, không có các thông tin về nhân thân và về doanh nghiệp bị kiện, thiếu các thông tin về kinh tế, khó khăn trong công việc khởi kiện. Khi khởi kiện được rồi thì khó khăn trong công việc thu hồi tài sản, thực hiện bản án... Nguyên nhân thì có nhiều nhưng phần lớn là do công tác chuẩn bị, công tác tư vấn pháp luật toàn diện từ việc chuẩn bị hồ sơ đến việc ký kết, thực hiện và xử lý những rủi ro pháp lý phát sinh.
    3. Những hợp đồng, giao dịch khi được tư vấn pháp luật, được chỉnh sửa cho phù hợp với pháp luật, phù hợp với tình hình kinh doanh thì doanh nghiệp phần nào doan nghiệp đã hình dung được thương vụ làm ăn này và có những dự phòng cho những tình huống xấu nhất hoặc không lâm vào những trường hợp bất ngờ để về sau doanh nghiệp tự mình lại trách mình.
  5. Rủi ro trong các hoạt động vay vốn tín dụng.
    1. Vốn là điều vô cùng cần thiết trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất, thương mại… Khi thực hiện việc vay vốn tín dụng doanh nghiệp thường mắc phải những vấn đề pháp lý như: Vay vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn, lãi suất cho vay, chi phí quản lý, tài sản bảo đảm, kế hoạch trả nợ…phần nhiều các doanh nghiệp đổ vỡ đều do vướng vào việc vay vốn tín dụng. Nhiều khi cần vốn kinh doanh doanh nghiệp đã có vay vốn cho bằng được mà không tính đến các hiệu quả sử dụng vốn vay. Chưa có những tư vấn pháp luật cần thiết để có thể thực hiện việc vay vốn, kế hoạch sử dụng vốn, bảo đảm an toàn vốn vay. Chưa phân tích các yếu tố cần thiết về việc đánh giá dự án vay vốn, khả năng thu hồi vốn vay, khả năng thanh toán của đối tác, những rủi ro pháp lý giữa hợp đồng giao dịch với đối tác, cân nhắc khả năng sử dụng vốn vay và quyết định vay vốn ở thời điểm thích hợp.
    2. Do nhu cầu cần vốn và vì mục đích cần vốn cộng với việc tư vấn cho xong việc của cán bộ tín dụng đã đẩy doanh nghiệp vào thế không có đường lui. Các ông chủ, bà chủ doanh nghiệp đã không nhận thức được việc vay vốn là phải có phương án kinh tế khả thi, trong thời hạn vay vốn phải bảo đảm được việc trả gốc, trả lãi và còn có lãi cho doanh nghiệp sau khi đã trừ đi những chi phí. Phương án xử lý tài sản bảo đảm chỉ là phương án cuối cùng khi thực hiện thu hồi vốn, khi doanh nghiệp có những khoản vay vốn không hợp lý sẽ chịu hậu quả của việc nợ tín dụng, lãi suất kéo dài và doanh nghiệp sẽ kiệt sức trước những phương án giãn nợ, hạ lãi suất, cơ cấu nợ của ngân hàng và doanh nghiệp chỉ làm để trả nợ. Do đó chủ doanh nghiệp và bản thân doanh nghiệp phải được tư vấn pháp lý liên quan đến việc vay vốn tín dụng, hiểu bản chất của việc vay vốn tín dụng và làm chủ được việc vay vốn tín dụng để doanh nghiệp không lâm vào việc suy thoái kinh tế và kiệt quệ sức khỏe vì vốn tín dụng, ngân hàng.

Trên đây là một số vướng mắc, rủi ro pháp lý mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường gặp phải. Thực tiễn trong quá trình tư vấn, giải quyết các vụ việc của doanh nghiệp các luật sư nhận thấy rằng các chủ doanh nghiệp thường chưa quan tâm nhiều đến các các rủi ro nêu trên, chỉ khi được phân tích, hướng dẫn họ mới nhận ra những giá trị từ việc tư vấn pháp luật, sự cần thiết phải có sự tư vấn pháp luật, pháp luật như là liều thuốc luôn bảo đảm sức khỏe cho doanh nghiệp. Từ thực tiễn nêu trên cũng khó có thể trách các chủ doanh nghiệp, do những điều kiện nhất định mà họ chưa thể tiếp cận hay hiểu biết sâu sắc về pháp luật được, cần hơn nữa một hệ thống tư vấn, hỗ trợ pháp luật từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước về doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân các cấp, các tổ chức, các cộng tác viên tư vấn pháp luật. Hy vọng Đề án 585 của Chính phủ sau khi triển khai thực hiện sẽ đạt được những mục tiêu chung, cũng như mục tiêu cụ thể hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở những địa bàn kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn, khắc phục được phần lớn những rủi ro pháp lý nêu trên của doanh nghiệp, xây dựng được đội ngũ doanh nghiệp vững mạnh, an toàn về pháp lý.

Thực tế thì các doanh nghiệp còn gặp phải rất nhiều những rủi ro về pháp lý khác nhau, những rủi ro nêu trên chỉ là một trong những rủi ro phổ biến mà các luật sư phát hiện trong quá trình tiếp xúc, tư vấn và thực hiện dịch vụ pháp lý cho doanh nghiệp. Các luật sư cũng mong muốn các doanh nghiệp ngày càng hạn chế những rủi ro nêu trên và phát triển bền vững, lớn mạnh trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay.

 

Luật sư Ngô Thế Thêm

 

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ DOANH GIA

  •  10300
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…