DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

NHỮNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT CẦN LƯU Ý TRONG TRANH CHẤP THỪA KẾ

Thừa kế là một quan hệ pháp luật dân sự chủ yếu dựa trên cơ sở quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân. Do đó, các tranh chấp về thừa kế chủ yếu là tranh chấp thừa kế theo pháp luật. Ngay cả trong trường hợp tranh chấp thừa kế theo di chúc thì hầu hết các đương sự trong vụ án tranh chấp đều có quan hệ gia đình, huyết thống, hôn nhân.

1. Đặc điểm huyết thống
 
Huyết thống là đặc điểm cơ bản của quan hệ thừa kế, tranh chấp thừa kế. Cụ thể, trên cơ sở huyết thống:
 
- Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định những người thừa kế và 03 hàng thừa kế theo pháp luật (vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, dì ruột, cháu ruột).
 
- Điều 652 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định thừa kế thế vị trên cơ sở quan hệ trực hệ giữa ông bà, cha mẹ, cháu, chắt.
 
- Điều 644 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc có: cha, mẹ, vợ, chồng, con chưa thành niên, con đã thành niên mà không có khả năng lao động.
Thực tế, các tranh chấp thừa kế được xét xử tại các cấp tòa án hầu hết căn cứ vào các quy định này.
 
2. Đặc điểm hôn nhân
 
Hôn nhân là đặc điểm cơ bản thứ hai của quan hệ tranh chấp thừa kế. Vì vậy, trên cơ sở hôn nhân:
 
- Điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định người có quan hệ hôn nhân là vợ, chồng thuộc hàng thừa kế thứ nhất.
 
- Điều 655 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định việc thừa kế trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung, vợ chồng đang xin ly hôn hoặc đã kết hôn với người khác. Theo đó, nếu hôn nhân còn tồn tại thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản trong trường hợp đã chia tài sản chung, đã xin ly hôn mà chưa được ly hôn hoặc đã được Tòa án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật. Người đang là vợ, là chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản.
 
- Điều 644 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định vợ, chồng thuộc những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc.
 
3. Đặc điểm nuôi dưỡng
 
Nuôi dưỡng cũng là một đặc điểm của thừa kế được pháp luật quy định cụ thể:
 
- Theo điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015, con nuôi, cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau; được thừa kế theo pháp luật; được thừa kế thế vị (Điều 652).
 
- Điều 654 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế: Những người này được thừa kế di sản của nhau và được thừa kế di sản theo quy định về thừa kế thế vị (Điều 652), thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ (Điều 653).
 
Trước đây, một số tranh chấp về thừa kế có vấn đề con nuôi thực tế rất phức tạp do có sự tranh luận trong chứng minh về quan hệ con nuôi, nhưng từ ngày 17-6-2010, Luật nuôi con nuôi được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01-01-2011. Điều 50 luật này đã quy định rất cụ thể về vấn đề con nuôi thực tế (không có đăng ký con nuôi) như sau:
 
“1. Việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được đăng ký trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Luật nuôi con nuôi năm 2010 có hiệu lực, nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
 
a) Các bên có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi;
b) Đến thời điểm Luật nuôi con nuôi năm 2010 có hiệu lực, quan hệ cha, mẹ và con vẫn đang tồn tại và cả hai bên còn sống;
c) Giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con.
 
2. Sau khi được đăng ký, quan hệ nuôi con nuôi quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật nuôi con nuôi năm 2010 có giá trị pháp lý kể từ thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi.
 
3. Chính phủ quy định chi tiết thủ tục đăng ký nuôi con nuôi quy định tại Điều này, bảo đảm thuận lợi và phù hợp với điều kiện thực tế của nhân dân ở các vùng, miền.”
 
Vì vậy, từ ngày 01-01-2016, việc đăng ký việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau trước ngày 01-01-2011 đã chấm dứt.
 
Trích: Sổ tay Luật sư Tập 2 - Tập 2 - Kỹ năng hành nghề luật sư trong tố tụng hình sự, hành chính, dân sự.

 

  •  9907
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…