DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Những điều khoản sai sót có thể làm hợp đồng vô hiệu

>>> Tất tần tật các văn bản liên quan đến hợp đồng

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự - theo Điều 385 Bộ luật dân sự 2015.

Trong thực tế cuộc sống, chúng ta sử dụng rất nhiều hợp đồng, nhưng chủ yếu là hợp đồng miệng, còn hợp đồng bằng văn bản ít được sử dụng, hay được sử dụng trong các giao dịch có giá trị lớn.

Trong thời gian vừa qua, có rất nhiều trường hợp sau khi giao kết hợp đồng bằng văn bản rồi, đến khi xảy ra tranh chấp thưa kiện nhau ra Tòa thì hỡi ôi hợp đồng đó bị tuyên vô hiệu và rồi các bạn cũng biết đấy, các bên phải thực hiện nghĩa vụ sau khi Tòa án tuyên.

Do vậy, trước khi ký kết hợp đồng các bạn cần kiểm tra kỹ các nội dung, điều khoản để tránh trường hợp trên xảy ra.

Sau đây là chia sẻ những lý do mà hợp đồng bị tuyên vô hiệu hoặc có thể bị tuyên vô hiệu:

(Vì đây là một bài chia sẻ nên mình rất mong nhận được đóng góp ý kiến từ các bạn)

1. HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Theo Điều 50 của Bộ luật lao động 2012 thì hợp đồng lao động bị vô hiệu trong trường hợp:

- Vô hiệu toàn bộ:

+ Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động trái pháp luật;

+ Người ký kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền;

+ Công việc mà hai bên đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc bị pháp luật cấm;

+ Nội dung của hợp đồng lao động hạn chế hoặc ngăn cản quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động.

- Vô hiệu từng phần:

Nội dung phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng.

Lưu ý: Trường hợp một phần hoặc toàn bộ nội dung của HĐLĐ quy định quyền lợi của người lao động thấp hơn quy định trong pháp luật lao động, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội dung hợp đồng lao động bị hạn chế các quyền khác thì một phần hoặc toàn bộ nội dung đó bị vô hiệu.

Khi ký kết hợp đồng lao động cần kiểm tra:

Thứ nhất, thẩm quyền bên sử dụng lao động ký kết đã đúng chưa?

Thứ hai, công việc sẽ làm có trái pháp luật không?

Thứ ba, có điều khoản nào cản trở quyền thành lập, gia nhập công đoàn không?

Thứ tư, xem toàn bộ nội dung có trái pháp luật lao động không? Các bạn có thể xem các thỏa thuận trái pháp luật tại đây.

Hỏi thêm: Mình có một thắc mắc như thế này, tại Bộ luật lao động 2012 Điều 23 có quy định các nội dung chủ yếu phải có tại hợp đồng lao động, tuy nhiên, nếu không có đầy đủ các nội dung đó thì loại hợp đồng lao động đó có bị tuyên vô hiệu không?

2. HỢP ĐỒNG GIAO KẾT GIỮA CÔNG TY VỚI CÁC ĐỐI TƯỢNG LÀM VIỆC TẠI CÔNG TY

Nếu không đáp ứng đủ các điều kiện sau đây thì hợp đồng vô hiệu:

Tại Công ty TNHH 2 thành viên trở lên:

Phải được Hội đồng thành viên chấp thuận bằng văn bản khi ký kết hợp đồng giữa công ty với:

- Thành viên, người đại diện theo ủy quyền của thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty;

- Người có liên quan của thành viên, người đại diện theo ủy quyền của thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty;

- Người quản lý công ty mẹ, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ;

- Người có liên quan của người quản lý công ty mẹ, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ.

Tại Công ty TNHH 1 thành viên:

Điều kiện:

i. Phải được Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Công ty, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc và Kiểm soát viên quyết định khi ký kết hợp đồng giữa công ty với:

- Chủ sở hữu công ty và người có liên quan của chủ sở hữu công ty;

- Thành viên Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên;

- Người có liên quan của thành viên Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên;

- Người quản lý của chủ sở hữu công ty, người có thẩm quyền bổ nhiệm những người quản lý đó;

- Người có liên quan của người quản lý của chủ sở hữu công ty, người có thẩm quyền bổ nhiệm những người quản lý đó.

ii. Các bên ký kết hợp đồng hoặc thực hiện giao dịch là những chủ thể pháp lý độc lập, có quyền, nghĩa vụ, tài sản và lợi ích riêng biệt;

iii. Giá sử dụng trong hợp đồng hoặc giao dịch là giá thị trường tại thời điểm hợp đồng được ký kết hoặc giao dịch được thực hiện;

iv. Chủ sở hữu công ty tuân thủ đúng nghĩa vụ quy định tại khoản 4 Điều 76 Luật doanh nghiệp 2014.

Tại Công ty cổ phần:

Điều kiện:

i. Phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận khi ký kết hợp đồng giữa công ty với:

- Cổ đông, người đại diện ủy quyền của cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và những người có liên quan của họ;

- Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người có liên quan của họ;

- DN mà thành viên HĐQT, Kiểm soát viên, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc và người quản lý khác của công ty có sở hữu phần vốn góp hoặc cổ phần; tỷ lệ và thời điểm sở hữu phần vốn góp hoặc cổ phần đó hoặc DN mà những người có liên quan của những người nêu trên cùng sở hữu hoặc sở hữu riêng phần vốn góp hoặc cổ phần trên 10% vốn điều lệ.

Lưu ý:

- Đối với các hợp đồng có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá tài sản DN ghi trong báo cáo tài chính, gần nhất hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty.

- Đối với các hợp đồng khác ngoài hợp đồng nêu trên sẽ do Đại hội đồng cổ đông chấp thuận.

Căn cứ Điều 67, 86, 162 Luật doanh nghiệp 2014

3. HỢP ĐỒNG DÂN SỰ KHÁC

Nếu nội dung của hợp đồng có 1 trong các yếu tố sau đây thì vô hiệu:

- Vi phạm pháp luật, trái với đạo đức xã hội

- Giả tạo

- Hợp đồng do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện

- Nhầm lẫn

- Bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép

- Hợp đồng do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình

- Không tuân thủ về hình thức (tức trong giao kết hợp đồng đó buộc phải tuân thủ hình thức, nhưng các bên không tuân thủ, ví dụ như mua bán nhà buộc phải làm hợp đồng nhưng các bên không thực hiện. Tuy nhiên, trường hợp này có điều khoản ngoại lệ, không làm hợp đồng vô hiệu, đó là khi các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ)

- Đối tượng hợp đồng không thực hiện được (các bạn nên nhớ là đối tượng, chứ không phải là chủ thể nhé)

Hỏi thêm: Tại Điều 405 của Bộ luật dân sự 2015 có quy định về hợp đồng theo mẫu, tức là những loại hợp đồng theo quy định phải theo mẫu, thế nhưng, nếu như giao dịch đó không đựơc xác lập theo hợp đồng mẫu này có bị xem là vô hiệu không?

Căn cứ Bộ luật dân sự 2015

  •  50903
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

5 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…