DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ ĐÈN TÍN HIỆU GIAO THÔNG

Đèn tín hiệu giao thông là một thiết bị ra đời từ năm 1920, được dùng để điều khiển giao thông ở những giao lộ có lượng phương tiện lưu thông lớn (thường là ngã ba, ngã tư đông xe qua lại). Đây là một thiết bị quan trọng không những an toàn cho các phương tiện mà còn giúp giảm ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Nó được lắp ở tâm giao lộ hoặc trên vỉa hè. Đèn tín hiệu giao thông có thể hoạt động tự động hay cảnh sát giao thông điều khiển.

 

Một số quy định về đèn tín hiệu giao thông

1. Theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ ban hành kèm Thông tư 06/2016/TT-BGTVT

 Ở nơi đường giao nhau vừa có đèn tín hiệu vừa có biển báo hiệu và vạch sơn thì lái xe phải tuân theo hiệu lệnh của đèn tín hiệu.Trường hợp đèn tín hiệu tắt hoặc có đèn tín hiệu vàng nhấp nháy thì lái xe phải tuân theo biển báo hiệu và vạch sơn theo thứ tự hiệu lực đã quy định.Theo đó, khi đồng thời bố trí các hình thức báo hiệu có ý nghĩa khác nhau cùng ở một khu vực, người tham gia giao thông phải chấp hành loại hiệu lệnh theo thứ tự như sau:

- Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.

- Hiệu lệnh của đèn tín hiệu.

- Hiệu lệnh của biển báo hiệu.

- Hiệu lệnh của vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường.

Người tham gia giao thông điều khiển phương tiện giao thông khi thấy đèn tín hiệu như sau:

- Đèn xanh: cho phép đi.

- Đèn vàng: báo hiệu sự thay đổi tín hiệu của đèn từ xanh sang đỏ.

Khi tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “Vạch dừng xe”, nếu không có vạch sơn “Vạch dừng xe” thì phải dừng phía trước đèn tín hiệu theo chiều đi.

Trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn “Vạch dừng xe” thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau để tránh nguy hiểm.

+ Tín hiệu vàng nhấp nháy: báo hiệu được đi nhưng phải chú ý và thận trọng quan sát, nhường đường cho người đi bộ sang đường hoặc các phương tiện khác theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.

- Đèn đỏ: báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng xe. Nếu không có vạch sơn “Vạch dừng xe”, thì phải dừng trước đèn tín hiệu theo chiều đi.

2. Căn cứ khoản 3 điều 10 Luật giao thông đường bộ 2008 về hệ thống báo hiệu đường bộ:

 “3. Tín hiệu đèn giao thông có ba mầu, quy định như sau:

 a) Tín hiệu xanh là được đi;

b) Tín hiệu đỏ là cấm đi;

c) Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường“.

Theo đó, người tham gia giao thông phải chấp hành theo hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông. Trong đó, tín hiệu xanh là được đi, tín hiệu đỏ là cấm đi và tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

3. Một số loại đèn tín hiệu phụ điều khiển giao thông đường bộ 

a. Căn cứ theo quy định tại Khoản 10.2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2016/BGTVT về báo hiệu đường bộ, thì theo đó đèn tín hiệu ngoài ba dạng đèn chính còn được bổ sung một số đèn phụ:

 

Đèn phụ có hình mũi tên hoặc các hình có ký hiệu phù hợp với quy định của Quy chuẩn này, được lắp đặt trên mặt phẳng ngang với đèn tín hiệu xanh. Các hình trên đèn phụ có thể là hình một loại phương tiện giao thông hoặc hình người đi bộ.

Đèn tín hiệu kèm đồng hồ đếm ngược có tác dụng báo hiệu thời gian có hiệu lực của đèn chính; màu của số trên đồng hồ đếm ngược phải sử dụng cùng màu với tín hiệu của đèn chính đang có tác dụng hiệu lệnh.

Đèn tín hiệu có hình chữ thập màu đỏ báo hiệu xe phải dừng lại. Trong trường hợp xe đã ở trong nút giao thì phải nhanh chóng đi ra khỏi nút giao.

b. Ý nghĩa của các loại đèn phụ: Theo quy định tại khoản 10.4 QCVN41:2016/BGTVT thì các loại đèn tín hiệu phụ điều khiển giao thông có ý nghĩa sau:

- Nếu đèn phụ có hình của một loại phương tiện giao thông nào đó xanh thì chỉ loại phương tiện đó được phép đi.

- Khi tín hiệu mũi tên màu xanh được bật sáng cùng một lúc với tín hiệu đỏ hoặc vàng thì các phương tiện đi theo hướng mũi tên 

- Khi tín hiệu mũi tên màu đỏ được bật sáng cùng lúc với tín hiệu đèn chính màu xanh thì phương tiện không được đi theo hướng mũi tên. 

- Khi tín hiệu màu đỏ có hình của một loại phương tiện nào đó bật sáng cùng lúc với tín hiệu đèn chính màu xanh thì loại phương tiện đó không được đi. 

Quy định xử phạt đối với lỗi vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

Đối với xe ô tô: Theo khoản 5, điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP sẽ bị Phạt tiền từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng . Ngoài ra căn cứ vào điểm b, khoản 12, điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP người lái xe ô tô còn bị tịch thu giấy phép lái xe từ 1 đến 03 tháng

Đối với xe máy: Theo điểm b, khoản 4, điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đến 400.000 đồng Ngoài ra căn cứ vào điểm b khoản 12 điều 6 thì người vi phạm còn bị tịch thu giấy phép lái xe từ 01 đến 03 tháng.

Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dung: Căn cứ điểm g Khoản 4 Điều 7 Nghị định 46/2016/NĐ-CP bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng

Xử phạt vi phạm giao thông đối với người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác: Căn cứ điểm h, khoản 2 Điều 8 Nghị định 46/2016/NĐ-CP thì người vi phạm bị từ 60.000 - 80.000 đồng

Hi vọng mọi người nắm những kiến thức cơ bản để chấp hành luật giao thông được tốt và lưu thông an toàn!

  •  28876
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…