Chào bạn
Mình xin được trao đổi với bạn như sau
Thứ nhất
Bạn hỏi quá trình hòa giải sẽ tiến hành mấy lần. Theo quy định tại Điều 205; Điều 207 và Điều 208 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và Điều 54 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, thì không quy định bắt buộc phải hòa giải mấy lần. Tùy vào từng vụ án và tính chất vụ việc, quyền lợi của các bên, mà Tòa án sẽ quyết định hòa giải mấy lần. Thường là ít nhất 2 lần trong mỗi vụ án.
Bạn hỏi thời gian từ khi hòa giải đến khi xét xử xong mọi việc là bao lâu. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, thì thời hạn chuẩn bị xét xử là 4 tháng. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan, thì có thể gia hạn không quá 2 tháng.
Thứ hai
Bạn hỏi Tòa án sẽ giải quyết như thế nào về quyền nuôi cháu lớn. Theo quy định tại (đoạn 2) khoản 3 Điều 208 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và khoản 2 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con (điều kiện về ăn ở, sinh hoạt, học tập, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách, đạo đức...); và nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên cũng là một tiêu chí để Tòa án xem xét quyết định.
Thứ ba
Bạn hỏi về tài sản.
Về tài sản có: Theo quy định tại Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, thì tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân do tạo lập nên, hay do được thừa kế, được tặng cho, nếu không có căn cứ để chứng minh đó là tai sản riêng của mỗi bên, thì tài sản đó được coi là tài sản chung. Khi ly hôn, giải quyết vấn đề chia tài sản, theo quy định tại Điều 59 (Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn) Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, có tính đến các yếu tố như công sức tạo lập, duy trì và phát triển...Vì vậy, trong trường hợp của bạn, thì bên vợ sẽ được chia phần tài sản nhiều hơn do nguồn gốc tài sản là bố mẹ vợ mua cho hai vợ chồng.
Về tài sản nợ: Theo quy định tại Điều 37 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, thì trường hợp vợ, chồng có các khoản nợ, khoản vay, mà số tiền vay nợ này được dùng để bảo đảm nhu cầu cuộc sống của cả gia đình bạn, thì đó là tài sản nợ chung của gia đình và nghĩa vụ trả nợ chia đều cho cả hai vợ, chồng.
Thứ tư
Bạn hỏi về việc Tòa án có giải quyết việc trả lại bố mẹ vợ khoản tiền cho vay không.
Trong trường hợp bố mẹ vợ có đơn yêu cầu và có căn cứ chứng minh (giấy tờ cho vay hoặc chồng bạn thừa nhận có vay...) thì Tòa án sẽ giải quyết khoản nợ này theo quy định tại Điều 37; Điều 45 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:
Nếu chứng minh được khoản nợ này là tài sản nợ chung của gia đình thì nghĩa vụ trả nợ là sẽ chia đôi.
Nếu chứng minh được khoản nợ này là tài sản nợ riêng của chồng thì nghĩa vụ trả nợ là của người chồng.
Hy vọng câu trả lời của mình sẽ giúp được bạn phần nào. Thân ái!