DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Nhiều trẻ vị thành niên phạm pháp do chưa hiểu luật

Nhiều trẻ vị thành niên phạm pháp do chưa hiểu luật
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh (người thứ 3 từ phải sang) tại lễ ra mắt.

Ngày 25/11/2011 Hội Luật gia Việt Nam và Tổ chức Plan tại Việt Nam tổ chức lễ ra mắt cuốn truyện tranh "Lỡ bước" và "Vấp ngã". Đây là hai cuốn truyện tranh về giáo dục pháp luật cho người chưa thành niên trong khuôn khổ dự án "Ngăn ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật và hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng" do nguồn tài chính của tổ chức Plan trong giai đoạn 2006 - 2011. Phát biểu tại lễ ra mắt, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh cho biết: "Hai cuốn truyện tranh này góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật cho trẻ em, phòng chống hiện tượng trẻ em vi phạm pháp luật, đảm bảo quyền của trẻ em trong hoạt động tư pháp".

Không biết mình đang phạm tội

 

Một trong những nguyên nhân khiến trẻ vị thành niên phạm tội ngày càng nhiều là do chưa hiểu biết về pháp luật. Có nhiều trường hợp các em chỉ nghĩ là một trò đùa mà không hề nhận thức được mình đang phạm tội. Xuất phát từ điều này lần đầu tiên một cuốn truyện tranh mang nội dung giáo dục pháp luật đã ra đời để bổ khuyết cho những thiết sót về kiến thức của trẻ vị thành niên.

Vấn đề tư pháp người chưa thành niên không chỉ là mối quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước Việt Nam, mà còn là mối quan tâm thường xuyên của mỗi gia đình, mỗi tổ chức và toàn xã hội. Tuy nhiên đa số trẻ em vi phạm pháp luật đều hạn chế về những kiến thức pháp luật nói chung và kiến thức về tư pháp người chưa thành niên nói riêng.

ông Lê Kinh Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường Giáo dưỡng số 2, đánh giá rằng: "Hiện nay có nhiều trẻ còn chưa hiểu biết về pháp luật. Nhiều trẻ em phạm tội mà chưa biết rằng mình đang phạm tội...Trường chúng tôi không có con số thống kê cụ thể về số trẻ vị thành niên trong những năm qua tăng lên bao nhiêu. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng một trong những nguyên nhân nhiều trẻ phạm pháp là do các cháu chưa có kiến thức về pháp luật. Vì thế chúng ta cần phải giáo dục và cung cấp thêm những hiểu biết về pháp luật cho các cháu".

Từ thực tế trên,  Hội Luật gia Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Plan tại Việt Nam xây dựng và phát hành 2 ấn phẩm để cung cấp những kiến thức pháp luật cho trẻ vị thành niên. Điều đặc biệt, hai ấn phẩm đó là những cuốn truyện tranh có hình ảnh đẹp và bắt mắt truyền tải những kiến thức về pháp luật. Một cuốn nói về qui trình xử lý hình sự, cuốn còn lại nói về việc xử lý hành chính đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật.

ông Sven Coppens, Giám đốc chương trình của tổ chức Plan tại Việt Nam cho rằng: "Hiện có nhiều trẻ em Việt Nam còn chưa hiểu biết về luật. Đó là một trong những nguyên nhân để ra đời hai cuốn sách này. Cuốn sách thân thiện với trẻ em bởi nó được lấy ý kiến của các thầy cô trường giáo dưỡng và của chính những học viên nơi đây. Quá trình xây dựng đã được các học viên góp ý. Các em vừa đọc truyện tranh vừa hiểu biết được quyền hạn và bổn phận của mình tránh nguy cơ vi phạm pháp luật".

 

Linh hoạt trong cách truyền tải

 

Phó Chánh văn phòng Hội Luật gia Việt Nam, ông Nguyễn Văn Huệ, người tham gia biên soạn sách chia sẻ, hai cuốn truyện tranh này được những người biên soạn nghiên cứu rất kỹ. Nó không chỉ chú ý đến mặt luật pháp liên quan đến trẻ vị thành niên mà còn quan tâm đến đặc điểm tâm lý của các cháu ở lứa tuổi này. Cả "Lỡ bước" và "Vấp ngã" đều được sự góp ý của những học viên của các trường giáo dưỡng. Chính tiêu đề "Lỡ bước" là do học sinh Trường Giáo dưỡng số 2 góp ý.

ông Huệ cũng cho rằng nếu truyền tải kiến thức pháp luật như quy định thì sẽ rất khô cứng và trẻ vị thành niên sẽ khó tiếp cận. Tuy nhiên truyền tải bằng các câu truyện tranh thì các em sẽ dễ dàng tiếp cận hơn nhiều.

Cũng đánh giá khá cao, ông Lê Kim Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường Giáo dưỡng số 2 cho rằng, việc truyền đạt những kiến thức pháp luật khô cứng qua hình thức truyện tranh là hoàn toàn khả thi. Hai cuốn này đã có nghiên cứu về đặc điểm tâm lý lứa tuổi để có hình ảnh phù hợp, hấp dẫn.

Mảng giáo dục pháp luật trong nhà trường phổ thông hiện nay còn hạn chế. Vì vậy ông Thanh cho rằng nên đưa nhiều kiến thức về pháp luật vào trong giáo dục ở trường phổ thông. Tuy cần thiết nhưng cũng phải lựa chọn những nội dung pháp luật cho phù hợp với từng lứa tuổi. Có thể càng cấp học càng cao thì lượng kiến thức pháp luật đưa vào nhiều hơn. Bên cạnh đó cần giáo dục trẻ em sống đúng pháp luật bằng nhiều hình thức trên mọi phương diện của cuộc sống. Có nâng cao hiểu biết của học sinh thì mới giảm được trẻ vị thành niên gây án.

ông cũng cho biết, với những trẻ vị thành niên đã phạm pháp,  Trường Giáo dưỡng số 2 cũng tự soạn thảo những giáo án luật liên quan đến trẻ em để giáo dục giải thích cho các cháu hiểu. Khi hiểu biết rồi, trẻ vị thành niên sẽ tự liên hệ với những việc làm trước đây của mình và rồi tự điều chỉnh mình.

 

Góp phần tăng sự hiểu biết pháp luật

 

Thông qua  những hành vi vi phạm pháp luật phổ biến trong thực tế, hai cuốn truyện tranh đã tóm tắt quy trình tố tụng hình sự và xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên một cách hấp dẫn, dễ hiểu. Nó giúp các em nắm rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia tố tụng, xử lý vi phạm hành chính cũng như các quy định liên quan đến tư pháp với người chưa thành niên. Cuốn truyện tranh này góp phần làm tăng sự hiểu biết pháp luật từ đó giảm nguy cơ vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết. Cuốn truỵện tranh đặc biệt này được thực hiện với sự hợp tác của Tổng cục VIII (Bộ Công an), Cục bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), 4 trường giáo dưỡng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai, Nam Định.

(sưu tầm)


  •  5811
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…