DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Nhập nhằng giữa tội giết người và cố ý gây thương tích

 
 
Cùng một hành vi nhưng khi đánh giá động cơ, mục đích phạm tội của bị cáo cơ quan tố tụng nhiều nơi "lúng túng" khi xác định tội danh, dẫn tới cơ quan này thì cho rằng hành vi đó là "giết người", nhưng nơi khác lại cho rằng chỉ phạm tội "cố ý gây thương tích" và ngược lại.
 

Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM vừa xử phúc thẩm đã tuyên phạt bị cáo Dương Thế Duy (27 tuổi, ngụ TP Tân An, tỉnh Long An) mức án 6 năm tù về tội "cố ý gây thương tích". Đáng chú ý, trước đó bị cáo này bị truy tố và xét xử đến 2 tội danh "giết người" và "cố ý gây thương tích".

Theo nội dung vụ án, tối 1/5/2011, Đặng Đình Duy (tự Duy sida, 27 tuổi, ngụ Long An) đi cùng Nguyễn Minh Trung (22 tuổi, ngụ Long An) bằng xe môtô trên đường Châu Thị Kim, phường 4, TP Tân An thì thấy Dương Thế Duy đang ngồi uống rượu cùng bạn bè trước cửa hàng bán điện thoại di động Ánh Dương. Đình Duy và Trung liền ghé vào rủ Thế Duy đi nhậu tiếp nhưng người này từ chối.

Cho rằng Thế Duy "chê", không thèm nhậu chung với mình nên Đình Duy kiếm cớ gây sự với Thế Duy, dẫn đến hai bên cãi cọ với nhau. Sau đó, Thế Duy về nhà, còn Đình Duy cùng Trung đi nhậu. Sau khi nhậu xong, Đình Duy mang theo dao rồi kêu Trung chở đến nhà Thế Duy nằm trên đường Thủ Khoa Huân, phường 1, TP Tân An để nói chuyện.

 

Bị cáo Dương Thế Duy.

 

Tại đây, trong lúc cãi nhau, bị Đình Duy lấy dao mang theo đâm 1 nhát trúng vào tay, Thế Duy liền chạy vào nhà lấy dao đâm trả. Hậu quả là cả hai đều bị thương tích đầy người. Trong lúc hai bên đang giằng co nhau thì Thế Duy bị Trung đứng phía sau chụp cánh tay đang cầm dao. Đang trớn, Thế Duy gạt mạnh tay về phía sau thì mũi dao trúng vào bụng Trung, thương tích 35%. Qua giám định thương tật của Đình Duy là 12% vĩnh viễn.

Với hành vi phạm tội như trên, VKSND tỉnh Long An ra cáo trạng truy tố Dương Thế Duy về tội giết người có tính chất côn đồ theo điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS và tội "cố ý gây thương tích" theo khoản 3 Điều 104 BLHS. Đồng quan điểm với VKS, tòa án cấp sơ thẩm nhận định hành vi phạm tội của bị cáo đã cấu thành 2 tội danh như cáo trạng đã quy kết, từ đó tuyên phạt Thế Duy 7 năm tù về tội giết người và 3 năm tù về tội cố ý gây thương tích, tổng hợp hình phạt là 10 năm tù. Riêng đối với hành vi của nạn nhân Đặng Đình Duy gây thương tích cho bị cáo, tòa án cấp sơ thẩm cho rằng thuộc thẩm quyền điều tra của cấp huyện, TP, cơ quan điều tra chuyển hồ sơ theo thẩm quyền xem xét, do đó không đề cập đến tại phiên tòa này.

Sau khi bản án tuyên, bị cáo đã làm đơn kháng cáo. Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm vào ngày 17/10, thực hành quyền công tố tại tòa, đại diện VKSND tối cao đề nghị HĐXX bỏ tội giết người mà VKS và Tòa án cấp sơ thẩm đã quy kết bị cáo. Theo nhận định của VKS, lỗi trong vụ án này bắt đầu từ phía bị hại, xem xét toàn diện vụ án thì thấy bị cáo chỉ phạm tội cố ý gây thương tích. Đồng quan điểm với VKS, HĐXX cấp phúc thẩm cũng nhận định, tội giết người chỉ cấu thành khi hành vi của bị cáo có chủ ý, mục đích từ trước.

Trong vụ án này bị cáo là người bị chém trước, sau đó bị cáo mới có hành vi tấn công lại nên không thể kết tội bị cáo cố ý giết người mà chỉ phạm tội cố ý gây thương tích. Do bị cáo cố ý gây thương tích cho 2 người nên mức án về tội này cũng tăng lên. Từ những nhận định như trên nên HĐXX đã chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo, tuyên bị cáo chỉ phạm tội "cố ý gây thương tích" và tuyên mức án như trên.

Cách đó không lâu, TAND TP HCM xử phúc thẩm đã bác đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Nguyễn Văn Kiệm (21 tuổi, ngụ Kiên Giang), giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo này mức án 8 năm tù về tội "cố ý gây thương tích". Tuy nhiên, trong phần nhận định, HĐXX cho rằng, hành vi của bị cáo này đã cấu thành tội giết người nhưng tòa án cấp sơ thẩm chỉ nhận định cố ý gây thương tích là chưa đánh giá đúng mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo gây ra. Do vụ án không có kháng cáo của bị hại và kháng nghị của VKS nên HĐXX cho biết sẽ báo cáo vụ việc lên giám đốc thẩm, đề nghị hủy án để xét xử bị cáo về tội giết người.

Theo nội dung vụ án, Nguyễn Văn Kiệm làm thuê cho gia đình ông Huỳnh Văn Hiệp (ngụ phường Long Trường, quận 9) và được người này cho ở cùng nhà. Trong quá trình ở chung với gia đình, Kiệm nảy sinh tình cảm với con gái ông Hiệp là chị H.T.C.N. nhưng bị chị này từ chối. Từ đó, Kiệm rất tức tối và nảy sinh ý định chém ông Hiệp để trả thù.

Rạng sáng 25/1, thấy ông Hiệp vào nhà vệ sinh, Kiệm lấy dao đứng chờ sẵn bên ngoài. Khi ông Hiệp vừa đi ra thì bị Kiệm dùng dao đâm trượt, con dao trúng vào tường gãy cán. Sau đó, Kiệm lấy một con dao khác chém nạn nhân 17 nhát vào vùng đầu, trán, mặt, bả vai… Sau đó, người nhà nạn nhân phát hiện tri hô, Kiệm mới bỏ đi. Theo giám định, ông Hiệp bị thương tật 51% vĩnh viễn. Với hành vi phạm tội như trên, Kiệm chỉ bị VKS và TAND quận 9 truy tố và xét xử về tội "cố ý gây thương tích" theo khoản 3 Điều 104 BLHS.

Được biết, để "phân biệt" hai tội danh này TAND Tối cao đã có nhiều văn bản hướng dẫn để thẩm phán phân biệt khi xử lý. Cụ thể như Công văn số03/1987-TAND TC ngày 22/10/1987 của TAND Tối cao, Nghị quyết 01 ngày 19/4/1989, Nghị quyết 04 ngày 29/11/1986 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao để hướng dẫn…

Tuy nhiên, các văn bản này cũng vẫn còn chung chung, chưa cụ thể từng hành vi. Vì vậy, khi ngồi xét xử để định tội danh nhiều HĐXX cũng chủ yếu là dựa vào công cụ gây án và vùng trọng yếu bị tác động trên người nạn nhân, ngay cả khái niệm "vùng trọng yếu" cũng dễ dàng chấp nhận là đầu, ngực, bụng của bị hại. Hoặc cũng HĐXX, chỉ dựa vào ý thức chủ quan bằng mặt khách quan của hành vi phạm tội… mà định tội bị cáo.

Theo: cand.com.vn

 

  •  8125
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…