DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Nhận định pháp lý về vụ lừa đảo của cty Đa cấp Liên Kết Việt

 

MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH PHÁP LÝ XUNG QUANH SAU VỤ LỪA ĐẢO CỦA CÔNG TY ĐA CẤP LIÊN KẾT VIỆT !

 

Ngày 19/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố Lê Xuân Giang - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Liên kết sản xuất Thương mại Việt Nam (Công ty Liên kết Việt), Nguyễn Thị Thủy - Phó tổng giám đốc Công ty Liên kết Việt cùng 5 đồng phạm khác.

 

Lê Xuân Giang được xác định là người đứng đầu, lập ra Công ty Liên kết Việt, đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP.

Quá trình xác minh, Cơ quan công an làm rõ Công ty Liên kết Việt được thành lập từ năm 2010, đến năm 2014 được Bộ Công Thương cấp phép kinh doanh đa cấp.

Các mặt hàng kinh doanh của Công ty Liên kết Việt khá nghèo nàn, chỉ gồm một số máy làm sạch, máy chăm sóc sức khỏe và thực phẩm chức năng và được thực hiện kinh doanh dưới hình thức bán hàng đa cấp nhằm lừa đảo người tiêu dùng.

Cơ quan công an ước tính đã có khoảng 45.000 người tham gia nộp khoảng 1.900 tỉ đồng vào mạng lưới đa cấp của Công ty Liên kết Việt.

Tuy nhiên, đến thời điểm bắt giữ Lê Xuân Giang, số dư trong tài khoản của Công ty này chỉ còn 45 tỉ đồng.

 

Đáng chú ý, cơ quan chức năng phát hiện các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe có dấu hiệu làm nhái các sản phẩm của các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, nhiều loại giấy tờ bằng khen do Bộ Quốc phòng tặng Công ty này cũng được xác định là giả mạo.

Vạch trần vụ lừa đảo của công ty đa cấp liên kết Việt

 

Trước thông tin về vụ việc, PV báo Pháp luật đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Phó Giám đốc Công ty Luật NewVision Law để làm rõ trách nhiệm pháp lý và bản án cho "công ty lừa đảo" này.

 

Phóng viên (PV): Thưa luật sư, kết quả điều tra ban đầu cho thấy hậu quả thiệt hại kinh tế, thậm chí đảo lộn cuộc sống của người dân từ hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của Công ty Liên Kết Việt. Vậy hình thức lừa đảo của Công ty Liên Kết Việt ở đây là gì? Và qua vụ án này, mạng lưới bán hàng đa cấp ở Việt Nam sẽ ra sao thưa luật sư?

 

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng cầm đầu Công ty này rõ ràng là có tổ chức, có sự câu kết chặt chẽ của nhiều đối tượng, thể hiện rõ sự gian dối từ phương thức, động cơ, mục đích bằng việc quảng bá, nhân danh, mạo mượn hình ảnh thiếu trung thực nhằm tạo lòng tin cho các bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản.

Số người bị hại và khoản tiền mà “Liên kết Việt” đã lừa đảo chiếm đoạt trong vụ án này là đặc biệt lớn (con số đến 45.000 người và gần 2.000 tỷ đồng) sẽ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cũng như nhiều hệ lụy tiêu cực nặng nề đối với bị hại và niềm tin của người dân dành cho mô hình Bán hàng đa cấp, làm cho mô hình bán hàng đa cấp ở Việt Nam rất khó phát triển sau vụ án này.

Ảnh hưởng của mô hình kinh doanh đa cấp gây hậu quả rất lớn đối với người dân và xã hội vì nó biến tướng thành lừa đảo và lan rộng trên phạm vi rất lớn.

Ở đây phải nói cũng có một phần trách nhiệm của Cơ quan Nhà nước và một số vị có chức vụ đã vô tình gián tiếp tiếp tay cho Công ty này lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người dân và làm ảnh hưởng tới uy tín của nhiều tổ chức.

 

PV: Như cơ quan điều tra đã thông tin thì 7 vị lãnh đạo của Công ty Liên Kết Việt phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". 

Công ty Liên Kết Việt không chỉ lừa đảo người dân mà còn làm giả Bằng khen của Thủ tướng và một số giấy tờ khác. Luật sư nhận định như thế nào về kết quả điều tra ban đầu của Cơ quan điều tra? Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý thì Công ty Liên Kết Việt còn phạm tội danh gì nữa, thưa Luật sư?

 

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn: Trên cơ sở chuỗi những hành vi vi phạm pháp luật hình sự của Công ty Liên Kết Việt, tôi cho rằng các đối tượng không chỉ thực hiện duy nhất hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" mà các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải đưa ra ánh sáng, xử lý nghiêm minh, thích đáng đối với một loạt các hành vi và tội danh tương ứng.

Cụ thể, những đối tượng này đã liền lúc phạm các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức"; tội "Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp"; "Kinh doanh trái phép"; "Sản xuất hàng giả” theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Thứ nhất, hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức được thể hiện rõ thông qua “Kết quả xác minh tại Ban thi đua khen thưởng Trung ương cho thấy trong hồ sơ lưu trữ không có tài liệu nào thể hiện Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng khen cho Công ty Liên kết Việt”.

Hành vi này xâm phạm trật tự quản lý hành chính Nhà nước, tổ chức và xâm phạm sự hoạt động bình thường, uy tín của cơ quan Nhà nước, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước về con dấu, tài liêu hoặc giấy tờ khác.

Đây là hành vi của người không có thẩm quyền cấp các giấy tờ đó nhưng đã tạo ra các giấy tờ đó bằng những phương pháp nhất định để coi nó như thật.

Trên thực tế, để tạo hình ảnh thì các đối tượng đã trang trọng treo tại trụ sở công ty đồng thời đưa lên website với mục đích quảng bá, chỉ khi điều tra mới phát hiện những tài liệu đó là giả.

Vậy trên cơ sở đó, Cơ quan điều tra cần thiết mở rộng điều tra về hành vi này, đủ dấu hiệu cần khởi tố bổ sung về tội danh “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” - theo quy định tại Điều 267 Bộ luật Hình sự.

Thứ hai, hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thể hiện qua việc Công ty Liên Kết Việt có bán, phân phối ra thị trường máy vật lý trị liệu GREAT-12 in tem nhãn và logo sản phẩm của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và máy khử độc Ozone (G13) dán mác đơn vị sản xuất lắp ráp là Công ty BQP hợp tác với Công ty Thanh Hà - Bộ Quốc phòng nhưng thực tế Bệnh viện 108 và Công ty Thanh Hà - Bộ Quốc phòng không hợp tác, liên doanh liên kết, nghiên cứu khoa học gì với Công ty Liên Kết Việt.

Trong trường hợp Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Công ty Thanh Hà đã đăng ký bảo hộ theo quy định của pháp luật tại Cục Sở hữu trí tuệ và có quy mô thương mại lớn thì rõ ràng Công ty Liên Kết Việt đã sử dụng những nhãn hiệu này một cách bất hợp pháp nhằm phục vụ cho mục đích kinh doanh, thậm chí còn cần phải xem xét hoạt động kinh doanh có trái phép hay không, hàng hóa sản phẩm có phải là hàng giả, hàng nhái hay không theo quy định tại Điều 171 tội "Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp".

Thứ ba, trong quá trình điều tra, truy tố xét xử đối với các hành vi vi phạm pháp luật của Công ty Liên Kết Việt, các cơ quan tiến hành tố tụng chắc chắn sẽ xem xét, mở rộng điều tra xác minh về những hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả và Kinh doanh trái phép.

Vì trong vụ án này đã có một số dấu hiệu liên quan về “hàng giả” được quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013-NĐ-CP, theo đó hàng giả được chia làm 3 loại: hàng giả về nội dung, hàng giả về hình thức, hàng giả cả nội dung và hình thức.

Như vậy, những sản phẩm do Công ty Liên Kết Việt mang bán, phân phối ra thị trường thực sự có giá trị sử dụng hay không, có vi phạm về mặt hình thức hay không, theo tôi các cơ quan chức năng cần thiết phải giám định để làm rõ hành vi.

Trong quá trình điều tra, nếu xét thấy hoạt động kinh doanh của Công ty Liên Kết Việt không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Giả sử, Công ty Liên Kết Việt kinh doanh không đúng với nội dung đăng ký cũng cần phải được cơ quan điều tra làm rõ để xử lý về hành vi này.

 

PV: Vậy, với những tình tiết của vụ án như Luật sư đưa ra, ông nhận định về mức hình phạt trong vụ án kinh doanh đa cấp này như thế nào, thưa Luật sư?

 

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn: Với tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do các đối tượng là “lãnh đạo” của Công ty Liên Kết Việt đã thực hiện một cách có tổ chức, sau khi điều tra, truy tố và tổng hợp hành vi, tổng hợp hình phạt (nếu có) và căn cứ các quy định của pháp luật nêu trên thì các đối tượng khó có thể thoát được mức án tù chung thân và những hình phạt bổ sung như tịch thu tài sản, phạt tiền...”. Ngoài ra còn có thể khởi tố thêm về hành vi kinh doanh trái phép hoặc kinh doanh không đúng với ngành nghề theo Giấy Đăng ký kinh doanh được cấp nếu qua quá trình điều tra Cơ quan điều tra thấy có đủ dấu hiệu tội phạm.

 

PV: Thưa Luật sư, làm thế nào để một người dân bình thường phân biệt được một công ty bán hàng đa cấp hợp pháp và bất hợp pháp?

 

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn: Nếu như giả sử những người tham gia chịu khó một chút thì có thể tìm hiểu rất dễ các văn bản quy phạm pháp luật, hiện rất hệ thống và rõ ràng, có thể phân biệt được điều này.

Bán hàng đa cấp bất chính đã được quy định rất rõ ở Điều 48 của Luật Cạnh tranh và Điều 5 của Nghị định 42 của Chính phủ về quản hoạt động bán hàng đa cấp, về những hành vi cấm đối với doanh nghiệp và người tham gia.

Đồng thời, để kiểm tra những doanh nghiệp đã được cơ quan quản lý Nhà nước chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp thì có thể tham khảo trên website của Cục Quản lý cạnh tranh, ở đó có công khai danh sách các công ty bán hàng đa cấp hợp pháp và các thông tin liên quan lĩnh vực này.

 “Ảnh hưởng của mô hình kinh doanh đa cấp gây hậu quả rất lớn đối với người dân và xã hội vì nó biến tướng thành lừa đảo và lan rộng trên phạm vi rất lớn. Ở đây phải nói cũng có một phần trách nhiệm của Cơ quan Nhà nước và một số vị có chức vụ đã vô tình gián tiếp và tiếp tay cho Công ty trên để chiếm đoạt tiền của người dân và làm ảnh hưởng tới uy tín của nhiều tổ chức và lãnh đạo”, luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết thêm.

 

PV: Trân trọng cảm ơn Luật sư!

 

Trân trọng./.

 

 

  •  3363
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…