DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Nhận diện tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ (khoản 2 Điều 51 BLHS 2015 SĐ, BS 2017)

Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) đã kế thừa quy định của các BLHS trước đó, tiếp tục quy định tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (TTGN TNHS) để Hội đồng xét xử (HĐXX) cân nhắc khi quyết định hình phạt. Tuy nhiên, TTGN TNHS tại khoản 2 Điều 51 BLHS 2015 SĐ, BS 2017 chưa được quy định cụ thể dẫn đến việc áp dụng không  thống nhất.

Cụ thể, khoản 2 Điều 51 BLHS 2015 SĐ,BS 2017 quy định: "Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là TTGN, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án". So với khoản 2 Điều 46 BLHS 1999 SĐ, BS 2009, quy định hiện hành đã thay cụm từ "phải ghi rõ trong bản án" thành "phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án". Tuy nhiên, quy định hiện hành cũng chỉ quy định chung mà chưa nêu cụ thể "tình tiết giảm nhẹ khác" là tình những tiết nào?

Theo điểm c Mục 5 Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP, có 08 tình tiết được xem là các TTGN khác. Cụ thể:

(1). Vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột bị cáo là người có công với nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự như: anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, người mẹ Việt Nam anh hùng, nghệ sỹ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú hoặc các danh hiệu cao quý khác theo quy định của Nhà nước;

Thực tế áp dụng, tình tiết này còn được mở rộng ra các đối tượng là "ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cháu ruột gọi người phạm tội là ông, bà nội, ngoại”. Vì các đối tượng này cùng nằm trong hàng thừa kế thứ nhất và thứ hai.

Đối với "các danh hiệu cao quý khác", thực tế áp dụng HĐXX còn chấp nhận các hình thức khen thưởng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, chống Mỹ cứu nước như: Dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt Ngụy,...

(2). Bị cáo là thương binh hoặc có người thân thích như vợ, chồng, cha, mẹ, con (con đẻ hoặc con nuôi), anh, chị, em ruột là liệt sỹ;

(3). Bị cáo là người tàn tật do bị tai nạn trong lao động hoặc trong công tác, có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

Nhiều trường hợp, bị cáo là người tàn tật do tai nạn giao thông, hoả hoạn,... vẫn được áp dụng tình tiết này.

(4). Người bị hại cũng có lỗi;

(5). Thiệt hại do lỗi của người thứ ba;

(6). Gia đình bị cáo sửa chữa, bồi thường thiệt hại thay cho bị cáo;

Thực tế áp dụng, chủ thể thực hiện sửa chữa, bồi thường thiệt hại đã được mở rộng có thể là bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên,... của người phạm tội, bởi suy cho cùng ai thực hiện việc bồi thường cũng như nhau - đều muốn nhanh chóng khắc phục hậu quả.  

(7). Người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khoẻ của người bị hại, gây thiệt hại về tài sản;

(8). Phạm tội trong trường hợp vì phục vụ yêu cầu công tác đột xuất như đi chống bão, lụt, cấp cứu.

Ngoài ra, khi xét xử, tuỳ từng trường hợp cụ thể và hoàn cảnh cụ thể của người phạm tội mà HĐXX có thể xem xét thêm một số tình tiết khác là TTGN, nhưng phải ghi rõ trong bản án.

Việc xác định TTGN khác cần cân nhắc đảm bảo điều kiện: thực sự giảm nhẹ tính chất tội phạm; nhân thân đặc biệt của bị cáo; bị cáo thực sự còn khả năng cải tạo;....  để tránh áp dụng tuỳ tiện.

Như vậy, có thể thấy TTGN TNHS có sự phân hoá rất đa dạng tuỳ theo từng vụ việc cụ thể. BLHS không thể dự trù hết được nên việc bổ sung thêm các tình tiết giảm nhẹ tại Nghị quyết này và các văn bản khác là rất cần thiết, góp phần việc xác định hình phạt vừa đảm bảo tính răn đe vừa thể hiện tính nhân đạo, giáo dục người phạm tội của pháp luật.

  •  35650
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…