DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Người vừa câm vừa điếc có xem là mất năng lực hành vi dân sự?

Người vừa câm vừa điếc có xem là mất năng lực hành vi dân sự?

Nhiều người vẫn thường cho rằng người vừa câm vừa điếc là người mất năng lực hành vi dân sự, do đó, họ không thể tự mình thực hiện các giao dịch mà phải thông qua người giám hộ/người đại diện.

Đối chiếu với các quy định pháp lý liên quan đến vấn đề này, liệu nhận định trên đã đúng hay chưa?

Hiện nay, theo quy định tại Điều 21 Bộ luật dân sự 2015 khi xem xét năng lực hành vi dân sự của một người, chúng ta cần chia ra các trường hợp sau:

- TH1: Dưới chưa đủ sáu tuổi

Trong trường hợp này họ không có năng lực hành vi dân sự. Mọi giao dịch dân sự do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

- TH2: Từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi

Đối với trường hợp này, họ có năng lực hành vi dân sự chưa đầy đủ. Do đó, khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

- TH3: Từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi

Những người rơi vào trường hợp này được tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng

- TH4: Từ đủ 18 tuổi trở lên

Họ được tự mình xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự.

Như vậy, về nguyên tắc, khi cá nhân đủ tuổi thành niên (mười tám tuổi) thì đương nhiên có năng lực hành vi dân sự. Năng lực này được ghi nhận cho cá nhân mà không cần bất kỳ thủ tục nào. Tuy nhiên, người đủ mười tám tuổi có thể rơi vào trường bị mất năng lực hành vi dân sự. Xong, để tránh những sự tùy tiện, pháp luật quy định cá nhân chỉ bị mất năng lực hành vi dân sự khi thỏa mãn một số điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 22 Bộ luật dân sự 2015:

 “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định”.

Theo đó, một người chỉ bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự khi thỏa mãn hai nhóm điều kiện:

- Điều kiện về nội dung: Gồm

+ Bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác;

+ Không thể nhận thức;

+ Không thể làm chủ được hành vi.

- Điều kiện về tố tụng tư pháp: Phải có quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Mặt khác, theo Điều 23, 24 Bộ luật dân sự 2015 thì người vừa câm vừa điếc không đương nhiên rơi vào trường hợp người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hay người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Bởi, theo các điều luật này để xác định có có rơi vào các trường hợp trên hay không đều phải cần đến thủ tục tố tụng tư pháp. Theo đó, họ sẽ cần đến người giám hộ khi Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Từ những quy định trên, chúng ta đưa ra kết luận người vừa câm vừa điếc không đương nhiên được coi là người mất năng lực hành vi dân sự hay người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hay người hạn chế năng lực hành vi dân sự. Nếu họ có đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi thì tùy theo độ tuổi mà tự mình thực hiện các giao dịch dân sự theo quy định pháp luật.

Xét trong thực tiễn xét xử, Tòa án dân sự Tòa án nhân dân tối cao đã từng ra một quyết định về vụ việc liên quan đến vấn đề xác định năng lực dân sự của người bị vừa câm vừa điếc từ nhỏ, đó là Quyết định số 376/2008/DS-GĐT ngày 22/12/2008. Theo nội dung phần xét thấy tại Quyết định này, Tòa án nhân dân tối cao cho rằng chưa thể khẳng định người vừa câm vừa điếc từ nhỏ thuộc diện mất năng lực hành vi dân sự và việc có mất năng lực hành vi dân sự hay không còn phải kiểm tra lại theo thủ tục luật định.

XÉT THẤY:

Theo quy định tại Điều 22 của Bộ luật dân sự thì chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định. Như vậy thì không ai đương nhiên bị mất năng lực hành vi dân sự, nếu không có quyết định của Tòa án tuyên bố họ mất năng lực hành vi dân sự. Trong trường hợp này, theo lời khai của các đương sự thì tuy bà Tâm bị câm điếc từ nhỏ nhưng chưa có quyết định của Tòa án tuyên bố bà Tâm mất năng lực hành vi dân sự, nên việc cử giám hộ cũng như việc bà Đạt tự nguyện làm giám hộ cho bà Tâm không có cơ sở để chấp nhận. Việc yêu cầu Tòa án tuyên bố bà Tâm mất năng lực hành vi dân sự của người có quyền, lợi ích liên quan là việc dân sự được quy định tại khoản 1 Điều 26 của Bộ luật tố tụng dân sự. Theo quy định tại khoản 3 Điều 62 của Bộ luật dân sự và nếu bà Tâm bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, thì do bà Tâm không có chồng, con và không còn cha mẹ nên bà Tâm không có người giám hộ đương nhiên, nên sau khi có quyết định của Tòa án tuyên bố bà Tâm mất năng lực hành vi dân sự, thì thủ tục cử người giám hộ cho bà Tâm được thực hiện theo quy định tại các Điều 63, 64 của Bộ luật dân sự và các Điều 29, 30 của Nghị định số 158/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về Đăng ký và quản lý hộ tịch. Việc Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng bà Đạt được ông Cường, bà Thúy, bà Tình ủy quyền và ngày 09/01/2007 Uỷ ban nhân dân xã đã nhất trí bà Đạt là người giám hộ cho bà Tâm để công nhận tư cách khởi kiện của bà Đạt là không đúng. Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng thủ tục cử người giám hộ là không đúng, nhưng lại viện dẫn khoản 2 Điều 62 của Bộ luật dân sự để cho rằng ông Bản là người giám hộ đương nhiên của bà Tâm và để ổn định bản án sơ thẩm nên đã chấp nhận tư cách khởi kiện của bà Đạt đại diện cho bà Tâm với tư cách là người giám hộ cũng là không đúng.

Vì vậy, Hội đồng giám đốc thẩm Tòa Dân sự Tòa án nhân dân tối cao thấy cần phải hủy bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Mỹ Hào và bản án dân sự phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên, giao  hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên giải quyết sơ thẩm lại vụ án theo hướng: Căn cứ Điều 169 của Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án nhân dân huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên thông báo để bà Đạt bổ sung đơn khởi kiện. Cụ thể: bà Đạt hoặc người có quyền, lợi ích liên quan phải thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án tuyên bố bà Tâm mất năng lực hành vi dân sự và thực hiện thủ tục cử người giám hộ cho bà Tâm theo đúng quy định tại các Điều 22, 63, 64 của Bộ luật dân sự; các Điều 29, 30 của Nghị định số 158/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về Đăng ký và quản lý hộ tịch, nếu đến hết thời hạn do Tòa án cấp sơ thẩm quy định mà bà Đạt hoặc người có quyền, lợi ích liên quan không thực hiện các thủ tục nêu trên thì căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 192 của Bộ luật tố tụng dân sự quy định trong trường hợp “Người khởi kiện không có quyền khởi kiện” để đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

Vì các lẽ trên và căn cứ vào khoản 2 Điều 291, khoản 3 Điều 297 và Điều 299 của Bộ luật tố tụng dân sự,

QUYẾT ĐỊNH:

Chấp nhận kháng nghị số 148/QĐ- KNGĐT-V5 ngày 21/10/2008 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Huỷ bản án dân sự sơ thẩm (…) và bản án dân sự phúc thẩm (…) về vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất” giữa nguyên đơn là bà Tâm do bà Đạt đại diện với bị đơn là ông Bằng.

Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên giải quyết sơ thẩm lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

(Trích “Vấn đề bảo hộ người mất năng lực hành vi dân sự” tác giả Đỗ Văn Đại và Nguyễn Thanh Thư, đăng trên Tạp chí khoa học pháp lý số 05/2011)

 

  •  13483
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…