DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Nghị quyết của Quốc hội: Dưới luật, ngang luật hay trên luật?

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật BHVBQPPL) được ban hành ngày 22/06/2015. Hệ thống Văn bản quy phạm pháp luật (HTVBQPPL) được liệt kê chi tiết tại Điều 4 Luật này. Có thể hiểu, HTVBQPPL được sắp xếp theo thứ tự hiệu lực pháp lý giảm dần, cao nhất là Hiến pháp, rồi đến các Luật…

Có một vấn đề đó là Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực như thế nào? Tại Điều 4 của Luật BHVBQPPL, Nghị quyết (là VBQPPL) của Quốc hội được xếp ở hàng thứ hai, ngang với Luật và xếp dưới Hiến pháp. Như vậy có thể thấy, Nghị quyết (là VBQPPL) của Quốc hội có hiệu lực thấp hơn Hiến pháp (đạo luật mẹ).

Quan điểm thứ nhất: Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực pháp lý ngang với các luật, và đã được sắp xếp theo đúng trật tự như thế tại Điều 4 Luật BHVBQPPL 2015.

Quan điểm thứ hai: Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực pháp lý thấp hơn các luật. Trong khi Bộ luật, luật quy định những vấn đề ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống xã hội, điều chỉnh các quan hệ xã hội quan trọng thì Nghị quyết của Quốc hội nhiều trường hợp chỉ điều chỉnh những vấn đề nhỏ hẹp hơn nhiều. Hơn nữa, có những nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn việc tham gia các Điều ước quốc tế phải căn cứ vào Luật Điều ước quốc tế. Như thế có thể thấy Nghị quyết của Quốc hội có giá trị thấp hơn Luật.

Quan điểm thứ ba: Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực pháp lý cao hơn luật.

Chúng ta đã biết Quốc Hội từng sử dụng Nghị quyết số 51/2001/QH10 để sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Điều này không trái với Luật BHVBQPPL trước đây (2008) hoặc Luật BHVBQPPL hiện hành (2015) với quy định VBQPPL chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng VBQPPL của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó. Quốc hội là cơ quan đã ban hành Hiến pháp, và Hiến pháp chỉ có thể được sửa đổi, bổ sung bởi một văn bản của Quốc hội. Bởi vì không thể dùng một VBQPPL có hiệu lực pháp lý thấp để sửa đổi, bổ sung một VBQPPL có hiệu lực pháp lý cao hơn nên phải chăng Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực pháp lý cao hơn cả Hiến pháp (và cũng sẽ có hiệu lực cao hơn các luật)?

Theo mình, tùy vào từng trường hợp mà cả ba quan điểm trên đều đúng. Trong thực tế, tùy vào nghị quyết cụ thể, hiệu lực của Nghị quyết do Quốc hội ban hành có thể có giá trị ngang luật, dưới luật hoặc thậm chí cao hơn luật. Tuy nhiên, điều này lại gây ra rắc rối, ít nhất là trong khoa học pháp lý khi xếp loại giá trị pháp lý các VBQPPL. Vì thế, Luật BHVBQPPL 2015 đã giải quyết được một phần khi xếp Nghị quyết (là VBQPPL) của Quốc hội ngang hàng với luật, và chỉ những nghị quyết tại Khoản 2 Điều 15 của Luật BHVBQPPl 2015 mới được xem là VBQPPL.

Đối với vấn đề Nghị quyết có giá trị pháp lý cao hơn Luật (duy nhất trường hợp Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp), nên quy định tại chính Hiến pháp về cách thức và tên gọi của loại văn bản dùng để sửa đổi Hiến pháp. Hiến pháp là đạo luật quan trọng nhất, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp cần tuân thủ quy trình thủ tục nghiêm ngặt. Quy định tên gọi khác cho loại văn bản dùng để sửa đổi, bổ sung Hiến pháp sẽ giúp đơn giản hóa vấn đề xếp loại giá trị các VBQPPL như hiện nay

  •  12327
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…