DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Nghị định hợp lòng dân

 

Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng và theo đề nghị của Tổng Thanh tra Chính phủ, ngày 8/8/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định 90/2013/NĐ-CP quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, có hiệu lực từ ngày 30/9/2013.

 

Trong những năm gần đây, các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan có thẩm quyền ban hành đều thể hiện bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta là “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”. Tuy nhiên, khi vào cuộc sống, việc áp dụng pháp luật lại có “vấn đề”, đặc biệt là áp dụng pháp luật trong lĩnh vực đất đai, đến mức Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã bày tỏ sự lo ngại tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi nhận xét tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân với các quyết định hành chính về đất đai đến nay là “rất nghiêm trọng”; rằng các quyết định hành chính có “tỷ lệ sai đến một nửa”.
 
Nghị định 90/2013/NĐ-CP đi vào cuộc sống, buộc người có thẩm quyền phải giải trình hoạt động công vụ theo yêu cầu của cả công dân thay vì từ trước đến nay,  họ chỉ quen giải trình với các… “ông anh”, “bà chị” cấp trên để trong nhiều trường hợp, được... “đóng cửa bảo nhau”; còn đối với yêu cầu của công dân, giải trình hay không thì... “tùy thích”!  
 
Nay, Chính phủ không cho phép “đóng cửa bảo nhau” mà buộc phải “công khai” nội dung giải trình. Có lẽ đây là quy định mang tính “nhắc nhở” hoặc “răn đe” các công chức từng làm trái trong áp dụng pháp luật gây hại cho dân mà... không hề biết “sợ”!
 
Chính phủ giao Tổng Thanh tra phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành Nghị định 90/2013/NĐ-CP. Những nội dung đáng quan tâm và cần được hướng dẫn chu đáo nằm ở quy định tại Điều 5 Nghị định: “Những nội dung không thuộc phạm vi trách nhiệm giải trình”, đó là: “Các nội dung đã được giải trình hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết; các yêu cầu giải trình sau 90 ngày, kể từ ngày cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi của cơ quan Nhà nước tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.
 
Theo đó, Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ nên giải thích rõ ràng thế nào là “các nội dung đã được giải trình” hoặc “đã được cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết”? Có phải “không thuộc phạm vi trách nhiệm giải trình” của cơ quan có thẩm quyền ngay cả trong các trường hợp “các nội dung đã được giải trình” trái với quy định của pháp luật hoặc “đã được cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết” trái với quy định của pháp luật? Có phải “không thuộc phạm vi trách nhiệm giải trình” đối với các yêu cầu giải trình sau 90 ngày, kể từ ngày cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi của cơ quan Nhà nước tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình” ngay cả trong trường hợp quyết định, hành vi của cơ quan Nhà nước trái pháp luật?
 
Tại điểm b, khoản 1 Điều 4 Nghị định 90/2013/NĐ-CP, Chính phủ quy định: Việc thực hiện và áp dụng pháp luật về trách nhiệm giải trình phải tuân theo nguyên tắc “bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân”.

 
Hy vọng, nguyên tắc nêu trên được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện đúng khi ban hành các quy định hướng dẫn thi hành Nghị định 90/2013/NĐ-CP - một văn bản quy phạm pháp luật hợp lòng dân.

 

Nguyễn Chấn
 
 
 
 

 

  •  3214
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…