DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Nếu có hai quốc tịch, đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc sẽ bị xử lý thế nào?

 

Đến nay Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa nhận được báo cáo nào của ĐBQH Phạm Phú Quốc về việc có thêm quốc tịch Síp.

ĐBQH Phạm Phú Quốc

Đại biểu Quốc hội không thể có hai quốc tịch

Liên quan đến thông tin đại biểu Phạm Phú Quốc (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) có quốc tịch Síp, trao đổi với PV Báo Giao thông, TS. Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Quốc hội khẳng định, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) không thể có hai quốc tịch.

Ông Quyền phân tích, Luật Quốc tịch khi mới ban hành quy định: Công dân Việt Nam chỉ có một quốc tịch Việt Nam, không được có quốc tịch thứ hai, ai muốn nhập quốc tịch khác phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam. Sau đó, Luật Quốc tịch được sửa đổi, có mở ra một số trường hợp có thể có hai quốc tịch, là những trường hợp đấu tranh vì hoà bình, vì độc lập dân tộc, vì khoa học, vì đầu tư nước ngoài, vì đại đoàn kết toàn dân... nhằm kêu gọi Việt kiều đã mang quốc tịch các nước, có thể về Việt Nam để làm khoa học và cống hiến. ĐBQH không thuộc diện này.

Quan trọng hơn, theo nguyên tắc pháp quyền, công dân được làm những gì pháp luật không cấm, nhưng công chức, viên chức và cán bộ cơ quan Nhà nước chỉ được làm những điều pháp luật cho phép. Không có pháp luật nào cho phép ĐBQH nhập quốc tịch khác.

Ngoài ra, theo ông Quyền, để vào quốc tịch Síp phải có số tiền rất lớn, mà theo thông tin tới hiện tại, ông Quốc chưa kê khai tài sản này, tức vi phạm nguyên tắc kê khai tài sản.

Quy trình xử lý

Xác nhận tới thời điểm hiện tại, ĐBQH Phạm Phú Quốc chưa kê khai việc có quốc tịch Síp với bất cứ cơ quan nào của Quốc hội, ông Trần Văn Tuý, Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội khẳng định: "Trong quá trình làm đại biểu Quốc hội, nếu có thay đổi về lý lịch, đại biểu phải báo cáo với cơ quan quản lý".

Về quy trình xử lý, theo ông Tuý, trước mắt, ĐBQH Phạm Phú Quốc thuộc Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh nên vị này phải báo cáo, giải trình sự việc đến cơ quan này. Sau đó, Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh phải xác minh từ cơ quan quản lý hộ chiếu, hộ tịch, xem đại biểu Phạm Phú Quốc có hai hộ chiếu, hộ tịch hay không, thời điểm nhận hộ chiếu Cộng hòa Síp là khi nào để có báo cáo cụ thể đến Quốc hội.

Sau đó, Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh sẽ yêu cầu Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh (là cơ quan tổ chức hiệp thương giới thiệu ông Phạm Phú Quốc ứng cử ĐBQH khóa XIV) cho ý kiến về việc này. Khi nhận được báo cáo từ Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh, Ban Công tác đại biểu sẽ tập hợp toàn bộ hồ sơ trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để đưa ra quyết định cuối cùng về trường hợp của ông Phạm Phú Quốc.

Điều tra việc "bỏ số tiền lớn mua quốc tịch Síp"?

Nguyên ĐBQH Lê Như Tiến cho rằng, việc ĐHQH Phạm Phú Quốc có thêm quốc tịch Đảo Síp từ năm 2018 nhưng đến nay (2020) không khai báo, chỉ đến khi báo chí vào cuộc thì mới thừa nhận thì đây là cái sai lớn và thể hiện sự thiếu trung thực của vị đại biểu này.

"Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần sớm vào cuộc xác minh, nếu đúng như phản ánh thì cần có biện pháp xử lý, bãi nhiệm tư cách ĐBQH của những người thiếu trung thực trong việc khai báo quốc tịch như vậy để cảnh báo cho những trường hợp khác. Không thể chấp nhận một ĐBQH – đại diện tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam lại có quốc tịch thứ 2 ngoài Việt Nam", ông Tiến nói và nhắc lại trường hợp bãi nhiệm 1 ĐBQH khi phát hiện đại biểu này có thêm quốc tịch Malta.

Nguyên ĐBQH Lê Như Tiến cũng cho rằng, cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng để làm rõ có hay không việc vị đại biểu này bỏ số tiền rất lớn để mua quốc tịch Síp.

“Tôi nghĩ cơ quan lãnh sự của Việt Nam tại Đảo Síp hoàn toàn có thể làm rõ được việc mua quốc tịch hay là được người nhà bảo lãnh. Như báo chí nước ngoài phản ánh việc mua quốc tịch Síp là số tiền không hề nhỏ so với thu nhập bình quân của người Việt Nam, vì đây là hộ chiếu Schengen – hộ chiếu có thể đi được 27 nước trong các nước châu Âu. Nếu bỏ tiền ra mua thì cần xác minh số tiền đó từ đâu mà có và động cơ mục đích của việc mua hộ chiếu đó là gì”, ông Tiến nói.

Ông Lê Như Tiến nêu ra quan điểm: “Nếu ĐBQH có hai quốc tịch thì chúng ta cần phải đặt ra mối lo ngại về việc nếu xảy ra chuyện gì đó ở trong nước, họ sẽ chạy trốn ra nước ngoài. Đặc biệt là hộ chiếu Schengen, nếu người có hộ chiếu này bỏ trốn thì rất khó khăn trong việc truy nã. Từ đó, chúng ta cần có những quy định chặt chẽ của pháp luật để ngăn cản tình huống này”.

Cùng bàn về nội dung này, ĐBQH Phạm Văn Hoà cho rằng: "Không thể nào Quốc hội Việt Nam lại có người có quốc tịch nước ngoài, dù người đó vẫn còn cả quốc tịch Việt Nam và dù người đó có mua hay nhập quốc tịch nước ngoài bằng cách nào đi nữa".

Đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng khi đã có ý định nhập quốc tịch nước khác thì suy nghĩ, tư tưởng, nhận thức của người đại biểu đó cần phải xem xét lại. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng phải xem xét kỹ trường hợp này, nên cho thôi làm nhiệm vụ ĐBQH giống như trường hợp nữ đại biểu trước đây cũng nhập quốc tịch nước ngoài.

Vừa qua, Al Jazeera - một tờ báo nước ngoài phản ánh thông tin về tài liệu mật của Chính phủ Cộng hòa Síp cho thấy hàng chục quan chức cấp cao và gia đình của họ tại một số nước đã mua "hộ chiếu vàng" của Síp trong giai đoạn từ cuối năm 2017 đến cuối năm 2019. Để có được tấm hộ chiếu này có người phải bỏ ra số tiền rất lớn là 2,5 triệu đô la.

Đáng chú ý, tờ Al Jazeera phản ánh, trong số những người mua hộ chiếu của Síp có ông Phạm Phú Quốc (đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM). Trả lời trên báo chí, ông P.P.Q thừa nhận mình hiện nay đang có quốc tịch Đảo Síp. Được biết ông P.P.Q nhập quốc tịch Đảo Síp từ năm 2018.

Sự việc này đang khiến dư luận xôn xao bởi nhiều người cho rằng một vị đại biểu Quốc hội đại diện cho nhân dân Việt Nam thì không thể mang quốc tịch nào khác ngoài Việt Nam.

Theo Báo Giao thông

  •  3834
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…