DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Nên để tiêu đề là Đơn tố cáo hay Khiếu nại hay Kêu cứu? và gửi đơn đi đâu?

Các bác cho em hỏi với nội dung đơn như sau thì em nên để tiêu đề đơn là gì?

Đơn tố cáo hay Khiếu nại hay Kêu cứu? Và gửi đơn về đâu?

Nội dung đơn như vậy có cần chỉnh sửa gì không ạ?

 

Tôi tên là: NGUYỄN THỊ H                           Giới tính: Nữ

Sinh ngày 03/3/198x

Đăng ký HKTT tại: Tổ , khu , KH, Hạ Long, Quảng Ninh.

Điện thoại: 09xx.xxx.xxx

Hiện đang công tác tại công ty Cổ phần AK – Chi nhánh Quảng Ninh.

Tôi làm đơn này để kính đề nghị các cơ quan chức năng, các cơ quan báo chí giúp tôi bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng như sau:

1. Ngày 09/01/2013, tôi được tuyển vào công ty Cổ phần AK – Chi nhánh Quảng Ninh, sau đó chuyển sang vị trí PR-Marketing của cửa hàng Quảng Ninh. Ngày 22/01/2014, tôi nhận được thông báo của phòng Nhân sự về việc học việc cho vị trị Cửa hàng trưởng Quảng Ninh; từ tháng 02/2014 thì thử việc với vị trị Cửa hàng trưởng Quảng Ninh. Đến ngày 01/3/2014, công ty mới ký Hợp đồng lao động với tôi.

Do không hiểu biết nên tôi cũng không có thắc mắc gì vào thời điểm đó, nhưng trong quá trình làm việc tôi thấy không chỉ tôi mà rất nhiều nhân viên khác của công ty cũng bị như tôi. Do đó tôi đã tự mình tìm hiểu các quy định của pháp luật và nhận thấy rằng: Khoản 1, Điều 18, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định rằng: “Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động...”. Như vậy, điều này đồng nghĩa rằng rất nhiều người lao động, trong đó có tôi đã không được ký hợp đồng lao động đúng thời hạn quy định và cũng đi kèm với đó là không được thực hiện các quyền lợi về tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN cũng như các quyền lợi khác được pháp luật và quy chế của công ty quy định.

Chính vì lẽ này, tôi tha thiết kính mong các ban ngành, cơ quan, tổ chức… làm rõ vấn đề này để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho tôi cũng như nhiều người lao động khác.

2. Để được vào làm việc ở công ty, tôi phải nộp ký quỹ là 2.000.000 đồng, việc này được áp dụng với tất cả các nhân viên khối bán hàng của công ty (có phiếu biên nhận kèm theo).

Sau khi tìm hiểu tôi được biết, khoản 2, Điều 20, Bộ luật Lao động có quy định: “Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.”. Như vậy hóa ra từ trước tới nay công ty đã chiếm dụng bất hợp pháp tiền của người lao động, cá nhân tôi là 2.000.000 đồng, nhưng tất cả nhân viên trong khối bán hàng thì tôi không tưởng tượng được là con số sẽ lên đến bao nhiêu?

Vì vậy, rất mong các quý cơ quan chức năng và báo chí làm rõ vấn đề này để đảm bảo quyền lợi cho người lao động cũng như nâng cao việc chấp hành các quy định pháp luật của doanh nghiệp.

3. Ngày 01/3/2014, công ty ký Hợp đồng lao động với tôi và bắt đầu tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN cho tôi.

- Mức lương chính quy định trong hợp đồng khởi điểm bậc 1, hệ số 1,27 là 3.300.000 đồng/tháng, trong quá trình công tác thì đến nay mức lương cứng tôi được công ty điều chỉnh lên mức 4.500.000 đồng/tháng (có bảng lương hàng tháng và sao kê chuyển tiền của công ty qua ngân hàng kèm theo).

- Quyết định số 1000/QĐ-DK ngày 18/8/2015 của công ty về việc Ban hành chính sách lương và thưởng đối với khối bán hàng tại Hà Nội, Hồ Chí Minh và tỉnh cũng quy định công thức như sau: Tổng thu nhập = Lương cứng + Lương doanh số + Các khoản tiền thưởng + Các khoản phụ cấp khác.

- Qua tìm hiểu thì tôi được biết khoản 2, Điều 5, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có quy định: “Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động...”. Điểm a, khoản 1, Điều 13, Luật Bảo hiểm Y tế năm 2008 (Đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế năm 2014) cũng quy định: “Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% tiền lương tháng,…”. Khoản 2, Điều 41, Luật Việc làm năm 2013 quy định: “Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được tính trên cơ sở tiền lương của người lao động.” và ý thứ 2, khoản 1, Điều 90, Bộ luật Lao động năm 2012 cũng quy định: “Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.”. Như vậy theo tôi nhận thấy thì mức đóng BHXH, BHYT, BHTN phải được tính dựa trên cơ sở tổng thu nhập thực lĩnh hàng tháng của tôi theo Quyết định số 1000/QĐ-DK ngày 18/8/2015 của công ty.

- Tuy nhiên ngày 20/5/2016, tôi nhận được thông tin từ phòng Nhân sự về việc công ty đang tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN ở mức 3.900.000 đồng/tháng. Ngày 01/6/2016, trong buổi làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Văn D – Giám đốc công ty và ông Nguyễn Đức T – Giám đốc chi nhánh Quảng Ninh tôi có hỏi về việc này thì được ông Đặng Thành C – Luật sư của công ty trả lời là đóng như vậy là đúng.

Từ những căn cứ trên tôi kính đề nghị các cơ quan chức năng, các cơ quan báo chí giúp tôi xem xét xem việc công ty tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN ở mức 3.900.000 đồng/tháng cho tôi là đúng hay sai quy định của pháp luật?

4. Trong quá trình làm việc, tôi được ký hợp đồng với công ty Cổ phần AK, nhưng không hiểu sao lại thường xuyên phải làm việc và chịu sự chỉ đạo của lãnh đạo công ty Cổ phần BK. Trước đó tôi nghĩ là công ty Cổ phần AK là công ty con của công ty Cổ phần BK nên vẫn thực hiện các mệnh lệnh kinh doanh của cấp trên. Song tới gần đây tôi mới được biết là 2 công ty này hoàn toàn độc lập và không phải là công ty mẹ con. Thế nhưng lại cùng kinh doanh 1 thương hiệu IVM trên toàn quốc, cùng sử dụng chung 1 hệ thống email để chỉ đạo công việc và quản lý hệ thống bán hàng, nhân sự… Tôi không hiểu ban lãnh đạo của 2 công ty làm như vậy là có mục đích gì, nếu 2 công ty có ký kết hợp tác kinh doanh đi nữa thì cũng không thể có chuyện lãnh đạo của công ty này lại điều hành nhân sự của công ty kia.

Vì vậy, kính đề nghị các cơ quan chức năng và các cơ quan báo chí cần làm rõ vấn đề này để đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh cho cộng đồng các doanh nghiệp (nếu đó là hành vi trái pháp luật) và cũng là đảm bảo quyền lợi cho người lao động như tôi không phải cùng lúc chịu sự điều hành của lãnh đạo 2 công ty (trong khi tôi chỉ ký hợp đồng lao động với 1 công ty).

5. Ngày 30/11/2015, tôi bắt đầu được công ty cho nghỉ chế độ thai sản theo các quy định hiện hành của Bộ luật Lao động năm 2012. Đến ngày 01/6/2016 sẽ hết thời gian nghỉ chế độ trên, nên do đó ngày 21/4/2016, tôi đã gửi thư cho phòng Nhân sự và phòng Bán lẻ về việc chuẩn bị đi làm trở lại theo quy định. Nhưng phía công ty đã cử ông Phan Hải B - Trưởng phòng Bán lẻ và ông Nguyễn Minh H – Quyền trưởng phòng Nhân sự thương lượng với tôi về việc bố trí tôi sang làm công việc khác với lý do vị trí Quản lý cửa hàng Chi nhánh Quảng Ninh đã được công ty bố trí cho người khác làm thay thế. Trong quá trình trao đổi, ông B có nói ý với tôi về việc nhân sự mới thay tôi trong quá trình tôi nghỉ “là người nhà của bà Dương Thúy H-Giám đốc Dự án của công ty” để cho tôi đồng ý với đề xuất của công ty. Tôi nhận thấy việc này là không đúng với Hợp đồng lao động mà tôi đã ký với công ty và không phù hợp với các quy định hiện hành của Bộ luật Lao động nên đã nhiều lần có ý kiến không đồng tình. Sau đó công ty lại thương lượng với tôi với nhiều phương án khác, tôi đã rất thiện chí thương lượng và cũng chọn lấy 1 phương án, đồng thời cũng nêu ra một số điều khoản bổ sung vào phương án đó. Tuy nhiên công ty lại không chấp nhận các điều khoản này và cho rằng chỉ có công ty mới được đưa ra điều khoản còn tôi thì không được và cho rằng tôi không thiện chí.

- Ngày 30/5/2016, tôi nhận được thông báo của phòng Nhân sự công ty về việc đi làm trở lại và phân công nhiệm vụ cho tôi làm nhân viên bán hàng tại cửa hàng Chi nhánh Quảng Ninh; tôi nhận thấy việc này là không đúng với hợp đồng lao động mình đã ký và không phù hợp với các quy định hiện hành của Bộ luật Lao động nên đã trả lời phòng Nhân sự là không đồng ý với quyết định nêu trên cũng như có đơn khiếu nại gửi công ty.

- Ngày 31/5/2016 tôi nhận được email của phòng Nhân sự và 9:00 ngày 01/6/2016 tôi nhận được Thông báo số 31.5/TB-DJK ngày 31/5/2016 của công ty CP AK “về việc Ban giám đốc công ty xuống làm việc trực tiếp với tôi tại cửa hàng”. Tôi đã thực hiện đúng theo thông báo, có mặt tại cửa hàng đúng giờ để làm việc, tuy nhiên thành phần làm việc của công ty lại có thêm sự xuất hiện của 02 người (bà Nguyễn Thị Mai Tr – Trợ lý pháp lý và ông Đặng Thành C – Luật sư của công ty) không có tên trong thông báo làm việc; song với tinh thần rất thiện chí hợp tác tôi vẫn đồng ý làm việc. Tại buổi làm việc, ông C đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại về việc công ty cam kết sẽ đảm bảo việc làm cho tôi, nhưng ông lại không nhắc đến việc Luật pháp cũng quy định việc đó phải là “việc làm cũ”. Bà Tr cũng khẳng định email ngày 30/5/2016 của phòng nhân sự là vẫn có hiệu lực. Ông T thì yêu cầu tôi “đi làm từ ngày 01/6/2016 tại cửa hàng 30 KL Hạ Long với nghiệp vụ bán hàng. Chi tiết các nhiệm vụ cụ thể sẽ được gửi tới bà Hằng bằng văn bản”. Còn hợp đồng lao động số 2014-03-01.08/HĐLĐ/DJK.NS ký ngày 01/03/2014 giữa tôi với công ty thì quy định rõ: Chức danh chuyên môn: Quản lý cửa hàng; Địa điểm làm việc: Chi nhánh công ty tại 30 KL, Hạ Long, Quảng Ninh. Sau buổi làm việc, tôi tiếp tục làm đơn khiếu nại gửi công ty vì: Từ những chi tiết làm việc trực tiếp với Ban Giám đốc nêu trên, các điều khoản trong Hợp đồng lao động số 2014-03-01.08/HĐLĐ/DJK.NS ký ngày 01/03/2014 và căn cứ quy định của Bộ luật Lao động (Điều 158 có nêu: “Lao động nữ được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau khi nghỉ hết thời gian theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 157 của Bộ luật này; trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.”). Tôi nhận thấy việc phân công của phòng Nhân sự và ông Giám đốc Chi nhánh không đúng với hợp đồng lao động tôi đã ký với công ty và không phù hợp với các quy định hiện hành của Bộ luật Lao động.

- Đến 19:09 ngày 01/06/2016, tôi nhận được email của bà Lê Thị Ngọc L-Phó tổng giám đốc của công ty CP BK (trong khi tôi ký hợp đồng với công ty CP AK) với nội dung: “Ban Lãnh đạo công ty hiểu rằng em tha thiết và quyết liệt với mong muốn trở lại làm việc tại vị trí Quản lý cửa hàng. Cân nhắc trên các lựa chọn và đảm bảo lợi ích tối đa cho nhân sự, BGĐ quyết định sẽ tạo điều kiện để Em trở lại làm việc với vị trí mong muốn.”. Hồi 19:59 cùng ngày thì tôi nhận được email của ông H-Quyền trưởng phòng nhân sự về việc công ty đồng ý để cho tôi trở lại công việc cũ, tuy nhiên lại thông báo thêm cho tôi được biết là sẽ bổ nhiệm bà Bùi Thị Thanh Th (nhân sự thay thế tôi trong thời gian nghỉ thai sản) làm Phó giám đốc Chi nhánh Quảng Ninh; tôi rất vui và cho rằng việc bà Th được thăng chức là chuyện bình thường về công tác bố trí nhân sự.

- Ngày 02/6/2016, ông H-Quyền trưởng phòng nhân sự lại tiếp tục gửi email thông báo về mức lương cứng của tôi là 3.900.000 đồng/tháng thay vì 4.500.000 đồng/tháng như trước khi tôi nghỉ chế độ thai sản. Cũng trong ngày hôm đó tôi đến nơi làm việc đúng giờ quy định để nhận bàn giao và phân công nhiệm vụ trực tiếp từ bà Th- Phó giám đốc Chi nhánh Quảng Ninh như theo thông báo của phòng Nhân sự. Song bà Th trong cả ngày hôm đó vẫn không đưa ra rõ được các nhiệm vụ mà tôi phải thực hiện và có những phần khác biệt so với Bảng mô tả công việc mà tôi được nhận từ phòng Nhân sự vào tối ngày hôm trước 01/6. Tôi đã lập tức có ý kiến với phòng nhân sự để làm rõ các chức năng, nhiệm vụ của mình phải làm, nhưng đến giờ phòng nhân sự vẫn chưa có trả lời chính thức nào cho tôi.

- Ngày 03/6/2016, ông B-Trưởng phòng bán lẻ đại diện công ty xuống làm việc với toàn bộ cửa hàng Quảng Ninh và thông báo về các chức năng, nhiệm vụ của tôi. Trong đó các nhiệm vụ về chỉ tiêu doanh số, tuyển dụng nhân viên và đào tạo được giao cho bà Th mặc dù Bảng mô tả công việc mà tôi được nhận từ phòng Nhân sự lại bao gồm các nhiệm vụ trên; ngoài ra ông B còn thông báo tôi chỉ được sử dụng máy tính trong phòng PR mà không được sử dụng máy tính ở quầy thu ngân như trước cũng như không được sử dụng điện thoại di động trong cửa hàng (điều mà không một quản lý cửa hàng nào trong hệ thống bị áp dụng). Buổi làm việc của ông B kéo dài quá 12:00 cùng ngày, vào cả thời gian nghỉ ăn trưa của nhân viên, chưa kể việc tôi đang nuôi con bú dưới 12 tháng tuổi, cần phải có thời gian đề về nhà cho con bú.

Từ những sự kiện trên, tôi nhận thấy:

Thứ nhất, mặc dù công ty để tôi trở lại làm việc với vị trí cũ song thực chất nội dung bao hàm trong đó đã bị thay đổi, tôi nhận thấy dường như công ty đang cố tình “bóp méo” quy định của Điều 158, Bộ luật Lao động để bố trí công việc cho tôi bằng 1 công việc mới nhưng với cái tên gọi cũ cho song chuyện.

Thứ hai, liên tục tạo sức ép về tinh thần, thu nhập cũng như thời gian đối với tôi để hòng tạo áp lực cho tôi phải tự viết đơn xin nghỉ việc. Trong khi tôi đã gắn bó, cống hiến hết mình với công ty trong suốt hơn 3 năm qua, từ những ngày đầu tiên thành lập của chi nhánh Quảng Ninh.

Vì vậy tôi làm đơn này để tha thiết gửi lời kêu cứu lên các cơ quan chức năng, báo chí và cũng đồng thời là tố giác các hành vị thiếu đạo đức cũng như vi phạm pháp luật nghiêm trọng của công ty Cổ phần AK.

Kính mong các quý cơ quan chức năng, báo chí vào cuộc sớm để làm rõ sự việc, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho tôi cũng như không để cho có thêm những nạn nhân của sự vô cảm và vi phạm pháp luật nào nữa ở công ty Cổ phần AK./.

Trân trọng cảm ơn!

  •  4081
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…