DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Một số vấn đề pháp lý xoay quanh vụ Đoàn Văn Vươn

1. Công vụ và thi hành công vụ

Wikipedia tiếng Việt định nghĩa công vụ như sau:

Công vụ là một hoạt động do công chức nhân danh nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân và xã hội.

Một số giáo trình hoặc tài liệu ở Việt Nam hiện nay quan niệm:

 

Công vụ là một loại lao động mang tính quyền lực và pháp lý được thực thi bởi đội ngũ công chức nhằm thực hiện các chính sách của nhà nước trong quá trình quản lý toàn diện các mặt của đời sống xã hội hoặc coi công vụ là một dạng của lao động xã hội chủ yếu do các công chức thực hiện. Hoạt động công vụ được điểu chỉnh bởi ý chí nhà nước nhằm thực hiện các nhiệm vụ, chức năng của nhà nước, phục vụ lợi ích nhà nước và gắn với quyền lực nhà nước, nhân danh nhà nước.

Từ điển Pratique du Francais 1987 định nghĩa rất gọn như sau:

"Công vụ là công việc của công chức"

Khái niệm công vụ có thể khác nhau tùy theo quan niệm của từng quốc gia và bản chất của nhà nước. Tuy nhiên, có thể hiểu một cách khái quát về công vụ như là công việc thực hiện các chức năng của nhà nước dưới sự điều chỉnh của pháp luật. Như vậy, công vụ thể hiện bản chất của nhà nước đó.

Nhà nước ta được xem  là nhà nước "của dân, do dân, vì dân", nên các công việc được gọi là công vụ  khi nó hướng đến mục đích phục vụ nhân dân. Vậy, khi những người được coi là "thi hành công vụ"  làm những việc trái luật, trái với ý chí nhà nước thì những việc đó có được coi là công vụ thật sự? Và việc làm của họ có đúng là thi hành công vụ?

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên bộ trưởng bộ tư pháp từng phát biểu như sau:

Người thi hành công vụ là người đang thực hiện nhiệm vụ công, tức là người đang thực thi quyền lực nhà nước trong các hoạt động quản lý hành chính. Tôi nghĩ pháp luật của chúng ta cũng đã quy định rõ về tội chống người thi hành công vụ. Nếu người thi hành công vụ làm trái pháp luật mà bị cản trở, xâm phạm thì người cản trở, xâm phạm không phải chịu tội chống người thi hành công vụ.

Giáo sư Hoàng Xuân Phú, thành viên viện Toán học cho biết thêm về "công vụ" theo quan niệm của Luật pháp Đức:

 

Bộ luật hình sự của nước Đức được ban hành vào năm 1871, với tội chống người thi hành công vụ được quy định ở điều 113, trong đó viết rõ điều kiện áp dụng là công vụ được thực hiện đúng pháp luật (rechtmäßige Ausübung). Tức là không thể mặc nhiên kết tội này cho người chống lại nếu công vụ được thực hiện sai pháp luật. Điều kiện “thực hiện đúng pháp luật” được duy trì trong điều 113 suốt 98 năm, “sống sót” qua bốn lần chỉnh sửa bộ luật hình sự, kể cả lần chỉnh sửa vào năm 1943 dưới thời phát xít. Đó là một yếu tố pháp lý quan trọng để bảo vệ người dân trước khả năng lạm dụng quyền lực của bộ máy công quyền. Chưa yên tâm với điều kiện đó, năm 1970 các nhà lập pháp Cộng hòa Liên bang Đức đã thay nó bằng một điều khoản rõ ràng hơn, có tác dụng bảo vệ người dân triệt để hơn, đó là:

“Hành động (chống người thi hành công vụ) không thể bị xử phạt theo quy định này (tức là quy định trong điều 113) nếu việc thực hiện công vụ không đúng pháp luật”.

Dù xã hội văn minh đến đâu thì cũng vẫn xảy ra việc người thi hành công vụ vô tình hay cố ý vi phạm pháp luật, khiến người dân phải tự vệ một cách chính đáng. Cho nên, những quy định pháp lý như trong bộ luật hình sự của Đức để bảo vệ người dân trước khả năng công quyền bị lạm dụng là thật sự cần thiết. Ở Việt Nam, khi mà có tình trạng sự tha hóa và tham nhũng làm ô nhiễm bộ máy công quyền thì những quy định để bảo vệ dân oan lại càng bức thiết. Rõ ràng, các nhà lập pháp đang nợ nhân dân việc sửa đổi điều 257 (về tội chống người thi hành công vụ) của Bộ luật hình sự hiện hành, để đáp ứng đòi hỏi cấp bách của cuộc sống.

Trở lại vụ Đoàn Văn Vươn, nếu như xét theo 2 quan điểm của ông Nguyễn Đình Lộc và giáo sư Hoàng Xuân Phú thì không thể xử tội " chống người thi hành công vụ" một số người trong gia đình ông Đoàn Văn Vươn vì Thủ tướng đã kết luận việc thu hồi đất là trái luật. Tuy nhiên, luật Việt Nam dường như chưa có quy định rõ ràng về trường hợp này, vẫn có nhiều quan điểm khác nhau xoay quanh vấn đề này.

  •  8031
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…