DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Một số điểm mới đáng chú ý tại Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2017

Tới đây, ngày 01/07/2018 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước (Luật TNBTCNN) 2017 sẽ chính thức có hiệu lực thay thế cho Luật TNBTCNN 2009 trước đây. Theo đó, Luật TNBTCNN 2017 đã có một số nội dung sửa đổi, bổ sung mới đáng chú ý so với luật cũ nhằm thực hiện mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật, đưa pháp luật đi vào cuộc sống và ngày càng phù hợp với thực tiễn xã hội. Cụ thể mình xin giới thiệu đến mọi người một số nội dung mới đáng quan tâm sau:

QUYỀN YÊU CẦU BÔI THƯỜNG

Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2009

Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2017

Điều 4. Quyền yêu cầu bồi thường

1. Người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường giải quyết việc bồi thường khi có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật hoặc có văn bản của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường quy định tại Điều 26 của Luật này.

 

Điều 5. Quyền yêu cầu bồi thường

Những người sau đây có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường:

1. Người bị thiệt hại;

2. Người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại;

3. Người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự;

4. Cá nhân, pháp nhân được những người quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này ủy quyền thực hiện quyền yêu cầu bồi thường.

Ngoài người bị thiệt hại, Luật TNBTCNN 2017 đã bổ sung thêm 04 chủ thể khác cũng có quyền yêu cầu bồi thường sau đây:
(1) Người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết;

(2)Tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại;

(3) Người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự;

(4) Những người có quyền yêu cầu bồi thường theo ủy quyền là cá nhân, pháp nhân được những người đương nhiên có quyền yêu cầu bồi thường ủy quyền thực hiện quyền yêu cầu bồi thường.

 

THỜI HIỆU BỒI THƯỜNG

Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2009

Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2017

Điều 5. Thời hiệu yêu cầu bồi thường

1. Thời hiệu yêu cầu bồi thường quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật này là 02 năm, kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật hoặc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường quy định tại Điều 26 của Luật này.

2. Thời hiệu yêu cầu bồi thường quy định tại khoản 2 Điều 4 của Luật này được xác định theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

3. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, giải quyết vụ án hành chính đã xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ và có thiệt hại thực tế mà việc bồi thường chưa được giải quyết thì thời hiệu yêu cầu bồi thường được áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này.

 

Điều 6. Thời hiệu yêu cầu bồi thường

1. Thời hiệu yêu cầu bồi thường là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 5 của Luật này nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 52 của Luật này và trường hợp yêu cầu phục hồi danh dự.

2. Thời hiệu yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính được xác định theo thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính.

3. Thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường:

a) Khoảng thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự làm cho người có quyền yêu cầu bồi thường quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 5 của Luật này không thể thực hiện được quyền yêu cầu bồi thường;

b) Khoảng thời gian mà người bị thiệt hại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi chưa có người đại diện theo quy định của pháp luật hoặc người đại diện đã chết hoặc không thể tiếp tục là người đại diện cho tới khi có người đại diện mới.

4. Người yêu cầu bồi thường có nghĩa vụ chứng minh khoảng thời gian không tính vào thời hiệu quy định tại khoản 3 Điều này.

Như vậy, Luật TNBTCNN 2017 sửa đổi hoàn toàn quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường như sau:

-Thứ nhất:Tăng thời hiệu yêu cầu bồi thường từ 2 năm lên 3 năm.

Có thể lý giải việc Luật 2017 tăng thời hiệu yêu cầu bồi thường là để bảo đảm phù hợp với quy định tại Điều 588 Bộ luật dân sự 2015 về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường:

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

- Thứ hai: Bổ sung quy định về thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường

-Thứ ba: Trên cơ sở điểm mới thứ ba, Luật TNBTCNN 2017 cũng bổ sung quy định về nghĩa vụ chứng minh của người yêu cầu bồi thường đối với khoảng thời gian không tính vào thời hiệu.

Có thể thấy, việc Luật TNBTCNN 2009 không có quy định về các khoảng thời gian không tính vào thời hiệu là một bất cập lớn vì nó hoàn toàn chưa phù hợp với nội dung Bộ luật dân sự 2005. Bởi, tại Bộ luật dân sự 2005 đã có quy định điều chỉnh về những trường hợp có thời gian sẽ không được tính vào thời hiệu khởi kiện (cụ thể tại Điều 161) nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho những chủ thể có quyền và lợi ích bị xâm phạm, hay nói cách khác nhằm bảo bảo việc đòi lại quyền lợi chính đáng cho những chủ thểcó quyền lợi bị xâm phạm.

Cũng chính bởi vậy, một số Thông tư liên tịch hướng dẫn Luật TNBTCNN 2009 đã phải bổ sung hướng dẫn về các khoảng thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường để bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại mà chúng ta có thể đề cập đến như: Thông tư liên tịch 17/2015/TTLT-BTP-BQP (về hướng dẫn trách nhiệm bồi thường nhà nước trong lĩnh vực thi hành án dân sự), Thông tư liên tịch 18/2015/TTLT-BTP-BTC-TTCP (về hướng dẫn trách nhiệm bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính). Và có thể nói, trên tinh thần các quy định đó thì Luật TNBTCNN 2017 đã kế thừa và ghi nhận trực tiếp trong văn bản về các khoảng thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường.

 

CĂN CỨ XÁC ĐỊNH TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG

Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2009

Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2017

Điều 6. Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường

1. Việc xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án phải có các căn cứ sau đây:

a) Có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường quy định tại các điều 13, 28, 38 và 39 của Luật này;

b) Có thiệt hại thực tế do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra đối với người bị thiệt hại.

2. Việc xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự phải có các căn cứ sau đây:

a) Có bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc các trường hợp được bồi thường quy định tại Điều 26 của Luật này;

b) Có thiệt hại thực tế do người tiến hành tố tụng hình sự gây ra đối với người bị thiệt hại.

3. Nhà nước không bồi thường đối với thiệt hại xảy ra trong các trường hợp sau đây:

a) Do lỗi của người bị thiệt hại;

b) Người bị thiệt hại che dấu chứng cứ, tài liệu hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật trong quá trình giải quyết vụ việc;

c) Do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết.

Điều 7. Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

1. Nhà nước có trách nhiệm bồi thường khi có đủ các căn cứ sau đây:

a) Có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của Luật này;

c) Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.

2. Căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng bao gồm:

a) Có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật này và có yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự giải quyết yêu cầu bồi thường;

b) Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính đã xác định có hành vi trái pháp luật của người bị kiện là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và có yêu cầu bồi thường trước hoặc tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại;

c) Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự đã xác định có hành vi trái pháp luật của bị cáo là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự và có yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Luật TNBTCNN 2017 đã có một số thay đổi lớn trong căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường như sau:

-Thứ nhất: Xóa bỏ hoàn toàn việc phân chia loại căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thành 02 loại: (1) Hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án và (2) Hoạt động trong tố tụng hình sự. Thay vào đó, Luật 2017 chỉ đưa ra một loại căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường chung duy nhất tại khoản 1 Điều 7.

Bên cạnh đó là bổ sung quy định rõ căn cứ “Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại” (điểm c khoản 1 Điều 7). Ý nghĩa của việc bổ sung quy định này là nhằm làm rõ hơn các căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

-Thứ hai: Đưa quy định về trường hợp “Các thiệt hại Nhà nước không bồi thường” thành một điều luật riêng, cụ thể tại Điều 32. Ngoài ra, bổ sung và cụ thể thêm nhiều trường hợp khác Nhà nước sẽ không phải có trách nhiệm bồi thường so với Luật 2009.

Ngoài ra, về nguyên tắc bồi thường, Luật TNBTCNN 2017 còn bổ sung thêm trường hợp:

Trường hợp người bị thiệt hại có một phần lỗi trong việc gây ra thiệt hại thì Nhà nước chỉ bồi thường phần thiệt hại sau khi trừ đi phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của người bị thiệt hại.” (khoản 5 Điều 4).

Có thể thấy rằng, quy định mới này cũng có sự kế thừa và tiếp thu phù hợp với quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại của Bộ luật dân sự 2015, cụ thể được ghi nhận tại khoản 4 Điều 585:

Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.”

 

Mình cũng xin đề cập thêm một số văn bản hướng dẫn cho những mem nào có nhu cầu cần tìm hiểu, nghiên cứu rõ hơn về Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2017:

Nghị định 68/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

+ Thông tư 04/2018/TT-BTP về biểu mẫu trong công tác bồi thường nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

 
  •  1967
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…