DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

MÔI TRƯỜNG Ở TĨNH GIA THANH HÓA BỊ THỦNG NÓC

Diễn biến vụ “hành quyết” rừng phòng hộ ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa: Công an vào cuộc điều tra, rừng vẫn bị tàn phá

 Sau khi Báo Người cao tuổi đăng loạt bài phóng sự điều tra về tình trạng đốt, phá rừng phòng hộ tại huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, chủ mưu trực tiếp là ông Nguyễn Hữu Thường, Giám đốc và ông Phan Xuân Phong, Phó Giám đốc Ban Quản lí rừng phòng hộ (QLRPH) Tĩnh Gia, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Công an tỉnh Thanh Hóa điều tra, xác minh nội dung báo nêu, xử lí nghiêm theo pháp luật. Thế nhưng, thực tế rừng phòng hộ Tĩnh Gia tiếp tục bị tàn phá, trong khi Công an tỉnh vẫn tiến hành điều tra…

Điều tra thì mặc điều tra, rừng cây tiếp tục bị phá

Báo Người cao tuổi số 102 (1419) ngày 26/6/2014 đăng bài “Huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa: Thực hiện Dự án trồng keo, người ta “khai tử” diện tích lớn rừng phòng hộ tái sinh”. Tiếp đó trên các số: 146 (1463) ngày 11/9/2014, 147 (1464) ngày 12/9/2014, 148 (1465) ngày 16/9/2014 đăng loạt bài phóng sự điều tra “Huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa: Rừng phòng hộ bị “hành quyết” dân chỉ biết kêu trời”. Dư luận rất hoan nghênh loạt phóng sự điều tra của Báo Người cao tuổi. Ngày 17/9/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Công an tỉnh điều tra, xác minh làm rõ nội dung phản ánh của Báo Người cao tuổi, xử lí nghiêm những tập thể, cá nhân sai phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật. Các cán bộ lão thành, cựu chiến binh và những người dân sống trực tiếp dưới chân núi Lâm Động rất phấn khởi, đợi chờ kết quả điều tra, những kẻ chủ mưu phá hoại rừng sẽ bị xử lí theo pháp luật. Thế nhưng, trong khi Công an tỉnh đang tiến hành điều tra, thì rừng vẫn tiếp tục bị phá hoại.

Dư luận người dân cho rằng, chủ mưu của việc phá rừng phòng hộ Tĩnh Gia là các ông Nguyễn Hữu Thường và Phan Xuân Phong, phải có sự đồng thuận nào để hai ông này mới bạo gan mạnh tay “hành quyết” rừng như thế? Tại sao Dự án JICA lớn như vậy mà nhân dân địa phương không được học tập và trực tiếp tham gia để xóa nghèo? Ban QLRPH Tĩnh Gia phải thuê một lực lượng vài trăm nhân công từ các huyện Lang Chánh, Bá Thước về đốn hạ, thu gom gỗ, củi đem bán?

Ảnh chụp núi Lâm Động tháng 1/2015: Từ chân núi, rừng bị đốt, phá trụi.

Rừng và dân trồng rừng kêu cứu

Một số hộ dân trồng rừng thôn Xuân Nguyên, xã Nguyên Bình viết đơn tố cáo gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi kêu gọi hãy cứu lấy rừng phòng hộ, trả lại quyền lợi cho người trồng rừng theo Dự án 661 (khoanh nuôi tái sinh có trồng dặm) và Dự án 327 đang bị tàn phá. Đơn các hộ dân phản ánh: “Từ khi nhận đất trồng rừng theo dự án, các hộ dân chúng tôi đổ mồ hôi, thậm chí cả máu để trồng nên cánh rừng xanh bạt ngàn đang sử dụng ổn định. Nhờ chương trình này, cuộc sống chúng tôi đỡ khó khăn. Hiện Ban QLRPH Tĩnh Gia do ông Nguyễn Hữu Thường, Giám đốc và ông Phan Xuân Phong, Phó Giám đốc cho xe ủi xẻ rừng làm đường, phá nát rừng trồng Dự án 327 của chúng tôi không bồi thường, hỗ trợ… Xẻ đất rừng đem bán cho các hộ dân làm nghĩa địa với giá cắt cổ. Đào, xẻ rãnh nước từ trên núi chảy vào nhà dân gây xói lở nguy hiểm đến tính mạng các gia đình. Vào mùa mưa lũ, có nguy cơ bị lũ ống, lũ quét. Tổ chức phá đường vào khu mồ mả của dân. Thông đồng với lâm tặc phá rừng, mướn người trên miền ngược về cưa cây, thu bán gỗ, củi; đốt rừng phòng hộ làm ảnh hưởng môi trường sinh thái”. Các hộ dân cho biết, hiện rừng đang tiếp tục bị phá tàn bạo hơn khi báo chưa đăng. Ban QLRPH Tĩnh Gia tiếp tục chặt phá đến khu rừng lim, rừng thông giống (một loại thông quý được nhập từ nước ngoài cần được bảo tồn). Tinh vi hơn, giờ họ cắt cây rừng đốt thành than cho vào bao tải chở đi bán.

Các hộ dân tha thiết mong muốn cơ quan chức năng làm rõ đúng, sai trả lại quyền lợi cho người trồng rừng theo quy định của pháp luật. Đòi hỏi này của người dân là chính đáng. Thứ nhất, các hộ trồng rừng Dự án 327 được hưởng các quyền quy định tại Văn bản số 198-RĐ/TH ngày 11/6/1983 của UBND tỉnh Thanh Hóa, hướng dẫn về giao đất theo Quyết định số 327/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ). Tại mục 2 ghi rõ: “Đối với các tổ chức, cá nhân tham gia dự án: Thủ tục đơn giản, khuyến khích đầu tư sớm vào sản xuất; không phải nộp các lệ phí địa chính, lệ phí đăng kí đất, cấp GCNQSDĐ”. Mục 3 quy định: “Tổ chức việc giao đất ổn định lâu dài cho tổ chức, cá nhân…”.

Bốn hộ: Ông Lê Văn Sơn, ông Lê Văn Thảo, ông Lê Văn Hiền và ông Lê Văn Hồng (đã chết) nhận hợp đồng bảo vệ, khoanh nuôi rừng tái sinh phòng hộ đầu nguồn hồ Hao Hao và hồ Suối Chan (có trồng dặm), theo Dự án 661 từ năm 1999 của Lâm trường Tĩnh Gia (cũ). Các hộ đang chăm sóc, bảo vệ ổn định, bỗng dưng bị ông Nguyễn Hữu Thường và ông Phan Xuân Phong lấy không đất, rừng. Việc lấy đất này không hề có quyết định, không bồi thường, hỗ trợ công chăm sóc, bảo vệ, trồng dặm của các hộ dân suốt 15 năm.

Chức năng của Ban QLRPH Tĩnh Gia là quản lí hành chính nhà nước về rừng phòng hộ. Vậy mà ông Nguyễn Hữu Thường và ông Phan Xuân Phong lợi dụng chức vụ, quyền hạn bán đứng 35ha rừng phòng hộ khoanh nuôi thuộc khoảnh 23, Tiểu khu 666 cho ông Hòa ở xã Quỳnh Vinh, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An và ông Hạnh trông coi động Trường Lâm. Ngoài ra, ông Phong và ông Hà (vôi) thuê người dân tộc thuộc huyện Lang Chánh dùng cưa máy “hành quyết” 80ha cây gỗ dẻ có đường kính 30 – 40cm, phá hàng nghìn héc-ta rừng phòng hộ và 115,8ha rừng khoanh nuôi tái sinh của hộ ông Lê Văn Sơn, ông Lê Văn Thảo, ông Lê Văn Hiền, ông Lê Văn Hồng.

Khi lãnh đạo Ban QLRPH có dấu hiệu “kiểm lâm tặc”?

Đơn các hộ dân cho biết, báo cáo của Ban QLRPH Tĩnh Gia và Đoàn Thanh tra cho rằng, bức ảnh chụp tại điểm cao 560 của Báo Người cao tuổi là ảnh ghép. Các cán bộ lão thành, CCB và những hộ sống ven rừng khẳng định thông tin và ảnh đăng trên Báo Người cao tuổi là chính xác, trung thực. Năm 2010, rừng khu vực Khe Dầu thuộc địa phận xã Xuân Lâm bị cháy thiệt hại 46,16ha rừng thông là rừng sản xuất, nhưng Ban QLRPH Tĩnh Gia báo cáo là rừng tận thu. Tại khu vực Khe Dầu, Nẹ (Tiểu khu 666) thuộc địa phận xã Nguyên Bình, Ban QLRPH Tĩnh Gia báo cáo xử lí thực bì 78ha là không đúng, sự thật đây là rừng khoanh nuôi từ năm 1999 theo Dự án 661, các hộ dân đang chăm sóc, bảo vệ.

Thực tế từ Khe Bộ Đội đến đá Chào Mào (đỉnh cao 560), Nọng Cánh Giang, Nọng Treo Cờ, Khe Phèn, Khe Lim, Khe Bộ Đội bị tàn phá hết. Đơn của các hộ dân khẳng định: “Bức ảnh đăng trên Báo Người cao tuổi, chúng tôi xác định được chụp trên cao điểm 560. Nếu ông Chủ tịch đi ô-tô kiểm tra vào tiết trời nắng ráo, xin dừng tại Quốc lộ 1A, vị trí cầu Dừa nhìn lên phía Tây xem thì rõ rừng bị phá tàn bạo như thế nào? Vậy mà Ban QLRPH Tĩnh Gia và Đoàn thanh tra lại báo cáo sai sự thật?”.

Dư luận Nhân dân, cán bộ lão thành, CCB rất mong Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo và kiểm tra sát sao, trả lại quyền lợi hợp pháp cho các hộ trồng rừng. Đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa giám sát việc điều tra, xác minh của Công an tỉnh, trả lại cuộc sống cho rừng, xử lí những người trong Ban QLRPH Tĩnh Gia.

Trước đó vào ngày 26/12/2008, ông Trịnh Văn Chiến phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký thay chủ tịch UBND tỉnh Mai Văn Ninh Quyết định số: 4252/QĐ-UBND. Cho phép Công ty phát triển và khai thác hạ tầng các khu công nghiệp; Địa chỉ: Lô B, Khu công nghiệp Lễ Môn, TP Thanh Hóa được khai thác cát làm vật liệu san nền trên bãi biển thôn Liên Vinh, xã Tĩnh Hải, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Quyết định này đã gây sạt lở vào các ngày: 03/8, 12/9, 25/9, 29/9 và 02/11/2009 đã cuốn trôi của Công ty Giáo dục Vũ Tấn 37000m2 đất và cây phi lao trên đất ra biển đông. 

Công ty Giáo dục Vũ Tấn gửi đơn khiếu nại, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo. Hội nghị liên ngành do Sở Tài nguyên và môi trường chủ trì cùng với - Sở Xây dựng; Sở Công thương, UBND huyện Tĩnh Gia; Ban quản lý KKTNghi Sơn; UBND xã Tĩnh Hải và Trưởng thôn Liên Vinh đi kiểm tra thực địa về công sở xã Tĩnh Hải lập biên bản. Vụ việc này Giám đốc Công ty Giáo dục Vũ Tấn cũng đã có văn bản đồng thời báo cáo trực tiếp với Đoàn đại biểu Quốc hội do ông Chu Uông Lưu làm trưởng đoàn làm việc tại Thanh Hóa ngày 14/10/2014. Đến nay Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và Phó chủ tịch Quốc Hội vẫn chưa có ý kiến gì, Công ty đang nóng lòng chờ đợi.

Lê Minh Vũ congtygiaoducvutan Thanh Hóa 

 

  •  4067
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…