DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ quan gì? Có liên quan tới Quân đội không?

Mặt trận Tổ quốc là cơ quan gì

Mặt trận Tổ quốc là cơ quan gì?

Tiếp tục giải đáp những thắc mắc thường gặp của đại đa số người dân, bài viết  này DanLuat sẽ thông tin đến bạn đọc cụ thể, dễ hình dung nhất về “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” và làm rõ "Mặt trận" này có liên quan đến Quân đội hay không?

1. Mặt trận Tổ quốc là cơ quan gì?

Theo Hiến pháp, ở Việt Nam, có 2 loại Tổ chức lớn nhất, bao gồm:

- Tổ chức chính trị: Hiện nay Việt Nam chỉ có 1 tổ chức chính trị duy nhất: Đảng Cộng sản Việt Nam

- Tổ chức xã hội: có nhiều loại khác nhau như tổ chức chính trị - xã hội (Ví dụ: Mặt trận Tổ quốc, công đoàn, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh...), tổ chức xã hội - nghề nghiệp (Vĩ dụ: Đoàn luật sư), tổ chức được thành lập theo dấu hiệu nghề nghiệp, sở thích hoặc dấu hiệu khác (Ví dụ: Hội nhà văn, Hội khuyến học, vv).

Các tổ chức chính trị - xã hội vừa có tính chất của một tổ chức chính trị, vừa có tính chất của một tổ chức xã hội.

Trong đó, Mặt trận Tổ quốc còn có chức năng đặc biệt quan trọng, được nhắc đến tại Điều 9 Hiến pháp 2013:

“1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.”

Hiểu một cách đơn giản, tổ chức này không được thành lập với mục đích điều hành một lĩnh vực trong việc quản lý nhà nước giống như các Bộ, ban ngành và các cơ quan ngang bộ. Đây là một tổ chức đặc biệt gắn kết cả dân tộc, về tất cả mọi mặt từ chính trị - xã hội, nhưng không quản lý, điều hành như Đảng hoặc Chính phủ.

Chính vì vậy, nếu nhiều người vẫn hiểu lầm Quân đội phải liên quan tới “mặt trận” nào đó để chiến đấu thì từ nay có thể bỏ đi suy nghĩ đó được rồi! Đây là một cơ quan độc lập, tuy có quan hệ chặt chẽ với Nhà nước (Điều 7 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015) nhưng không tham gia vào việc điều hành kiểm soát các hoạt động chính trị.

Dù Luật mặt trận có ghi nhận một trong những quyền hạn của Mặt trận là Giám sát, tuy nhiên sự giám sát này chỉ ở phạm vi "trong việc thực hiện chính sách, pháp luật." (Điều 25 Luật Mặt trận)

2. Mặt trận tổ quốc làm những công việc gì?

Tại Điều 3 của Luật Mặt trận, chúng ta có thể thấy cơ bản những công việc của Mặt trận:

- Tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

- Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

- Tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước.

- Thực hiện giám sát và phản biện xã hội.

- Tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước.

- Thực hiện hoạt động đối ngoại nhân dân.

Không đi sâu vào những lĩnh vực mang tính hàn lâm, chức năng dễ nhận thấy nhất của Mặt trận chính là Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Hằng năm, chúng ta thường thấy Mặt trận Tổ quốc xuất hiện trên các bài báo về tuyên truyền, vận động, đôi khi là các hoạt động khen thưởng, tiếp nhận ý kiến từ nhân dân,... tóm gọn lại là các hoạt động mang tính xây dựng tập thể (tập thể này là tập thể toàn bộ các tổ chức, cá nhân, các tầng lớp trong xã hội).

Ngoài ra, trong Luật mặt trận Tổ quốc chia ra các chương để quy định về hoạt động chính của tổ chức này, bao gồm:

- Tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc

- Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân

- Tham gia xây dựng Nhà nước

- Giám sát

- Phản biện xã hội

Như vậy, trên đây là những khái niệm cơ bản và hoạt động phổ biến của Mặt trận Tổ quốc, hy vọng các bạn đã có thể hình dung cụ thể hơn về Tổ chức này!

Nếu còn những thắc mắc, nhầm lẫn trong các khái niệm liên quan đến pháp luật, chính trị xã hội, DanLuat luôn hoan nghênh những câu hỏi từ các bạn!

  •  946
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…