DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Luật sư đứng ra làm chứng trong giao dịch đất đai: Pháp luật tuyệt đối không công nhận

Luật sư đứng ra làm chứng trong giao dịch đất đai - Minh họa

Luật sư đứng ra làm chứng trong giao dịch đất đai - Minh họa

Hiện nay, không ít trường hợp người dân khi có nhu cầu giao dịch về đất đai (chuyển nhượng QSDĐ) thì lại không đến văn phòng công chứng để làm chứng giấy tờ mà tìm đến các văn phòng luật sư nhờ thực hiện thủ tục này. Cần biết, việc luật sư đứng ra làm chứng thay cho công chứng trong các giao dịch đất đai như trên là hoàn toàn trái luật!

Trước tiên, việc hiểu sai này bắt nguồn từ sự hiểu lầm một điều luật trong Luật Luật sư 2006:

“Điều 30. Hoạt động dịch vụ pháp lý khác của luật sư

1. Dịch vụ pháp lý khác của luật sư bao gồm giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc liên quan đến thủ tục hành chính; giúp đỡ về pháp luật trong trường hợp giải quyết khiếu nại; dịch thuật, xác nhận giấy tờ, các giao dịch và giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật.”

Chính vì cụm từ “xác nhận giấy tờ” mà nhiều người cho rằng việc luật sư đứng ra làm chứng cho các giao dịch đất đai cũng là một hoạt động dịch vụ pháp lý được Nhà nước cho phép.

Tuy nhiên, hiểu như vậy liệu có chính xác hay không?

Để trả lời câu hỏi này, Khoản 2 của điều luật trên nêu rõ:

“2. Khi thực hiện dịch vụ pháp lý khác, luật sư có quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật có liên quan.”

Theo đó, dù luật sư muốn làm chứng cho bất kỳ loại giao dịch hay sự kiện pháp lý nào thì cũng cần phải xem xét quy định của pháp luật liên quan đến giao dịch, sự kiện pháp lý đó.

Như chúng ta đã biết, một số giao dịch, sự kiện như chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà ở, viết di chúc,… cần phải công chứng mới có hiệu lực. Lật lại quy định của Luật Công chứng 2014 thì “công chứng” được quy định là hoạt động của Văn phòng công chứng chứ không hề liên quan đến nghề Luật sư, và các quy định liên quan đến hành nghề Luật sư cũng hoàn toàn tách riêng với nghề Công chứng viên.

Điều này chứng tỏ, nếu xem việc làm chứng của một Luật sư có hiệu lực tương tự việc công chứng thì hoàn toàn không chính xác.

Đối với việc “chứng thực”, quy định về hoạt động này nằm trong Nghị định 23/2015/NĐ-CP, cụ thể là tại Điều 5. Tuy nhiên trong danh sách những cơ quan có thẩm quyền thực hiện chứng thực văn bản, giao dịch, chữ ký,… cũng không hề có nhắc đến văn phòng luật sư.

Như vậy, phải khẳng định dù trong bất kỳ trường hợp nào, văn phòng Luật sư không có chức năng công chứng, chứng thực theo Luật định.

Chúng ta cũng biết rằng, tại Khoản 1, Điều 459 (Bộ luật Dân sự năm 2015) và Điểm a, Khoản 3, Điều 167 (Luật Đất đai năm 2013) quy định, việc chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực và phải đăng ký tại cơ quan đăng ký theo quy định.

Chính vì các lẽ trên, cần hiểu rằng việc văn phòng luật sư đứng ra công chứng, chứng thực cho các giao dịch liên quan đến đất đai, nhà ở hoàn toàn không được pháp luật cho phép. Nếu có tranh chấp xảy ra, người dân sẽ là người phải chịu thiệt thòi!

  •  3754
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…