DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

“Luật phải sát thực tế, tránh trên trời rơi xuống”

Đó là chia sẻ của đại biểu QH Lê Như Tiến (Phó chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) trước phiên khai mạc kì họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII diễn ra vào sáng nay (20/5).

Trao đổi với PV Infonet.vn, ĐBQH Lê Như Tiến cho biết: “Đây là một kì họp Quốc hội có thời gian khá dài (từ 20/5 đến 26/6) với một khối lượng công việc rất lớn. Kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII lần này thông qua rất nhiều dự luật, cụ thể là thông qua 11 luật, cho ý kiến 15 dự luật khác và cũng xem xét thông qua rất nhiều nghị quyết khác”.

ĐBQH Lê Như Tiến: “Luật phải sát với thực tế, tránh để xảy ra tình trạng từ trên trời rơi xuống”. Ảnh: H.S

Về ý nghĩa của các dự luật sẽ thông qua lần này, ông Tiến cho rằng “rất quan trọng”.

Ông Tiến nói: “Những luật thông qua lần này rất quan trọng. Cho nên tôi thấy rằng để cho chất lượng xây dựng pháp luật được nâng cao ấy, và nhất là để tránh xảy ra tình trạng luật mới được thông qua, thậm chí còn chưa có hiệu lực đã có những bất cập và ý kiến cần phải sửa đổi, khiến cho luật không đi vào cuộc sống, chúng ta cần phải rút kinh nghiệm để làm kĩ càng hơn”.

Về vai trò của các cơ quan chức năng khi xây dựng dự thảo và thông qua các luật, ông Tiến nhận định: “Luật đưa ra Quốc hội phải thể hiện được tính trách nhiệm của mỗi cơ quan, trước hết là cơ quan soạn thảo là Chính phủ và các Bộ ngành.

Chính phủ với vai trò vừa là cơ quan soạn thảo, vừa là cơ quan tham vấn, cần phải hết sức trách nhiệm và phải cân nhắc thật kĩ những vấn đề của đời sống xã hội, phải có những lường trước và dự báo trước những vấn đề mà luật phải điều chỉnh.

Thứ hai là cơ quan thẩm tra, cụ thể là các ban của Quốc hội cũng cần phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình và cao hơn nữa, suy cho cùng còn là trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội – những người sẽ quyết định bấm nút biểu quyết thông qua các luật”.

“Tôi thấy đó chính là vai trò trách nhiệm của rất nhiều các cơ quan, trong đó cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, trách nhiệm của từng vị đại biểu Quốc hội trước mỗi dự thảo luật để tránh xảy ra những bất cập như tôi vừa nói trên. Chứ như thời gian vừa qua, nhiều luật vừa ra đời đã bất cập, có ý kiến cần sửa đổi vì cử tri họ thấy không phù hợp với thực tế cuộc sống, đó là điều rất đáng tiếc”, ông Tiến khẳng định.

Ông Tiến cho biết: “Trong số 11 luật thông qua, 15 luật cho ý kiến và nhiều nghị quyết khác lần này, cũng có một số dự thảo luật được cho là “tế nhị” và đông đảo cử tri cũng như dư luận quan tâm. Ví dụ như Luật Biểu tình, nhưng dự thảo luật này chưa thể đưa vào kì họp Quốc hội lần này vì chuẩn bị chưa đầy đủ, cần có thời gian để chuẩn bị thêm”.

Nhận xét về Luật Trưng cầu dân ý sẽ thông qua trong kì họp Quốc hội lần này, ông Tiến cho rằng: “Theo tôi, bản chất Luật Trưng cầu dân ý có nghĩa là đã khẳng định những vấn đề lớn cần trưng cầu dân ý thì phải lấy ý dân làm chính. Khi đã trưng cầu dân ý rồi thì ý kiến của dân chính là cái mà cơ quan nhà nước phải điều chỉnh lại các chính sách của mình.

Có như thế thì mới cần trưng cầu dân ý. Chứ trưng cầu dân ý mà sau khi trưng cầu xong, xây dựng chính sách xong, nhưng chính sách đó lại không phù hợp với đời sống người dân, lại phải sửa đổi lại thì việc trưng cầu dân ý đó không còn ý nghĩa nữa”.

“Tôi muốn nói đến tầm quan trọng và tính thực chất của trưng cầu dân ý. Luật phải sát với thực tế, tránh để xảy ra tình trạng từ trên trời rơi xuống. Tôi cũng mong muốn luật này sớm được thông qua để khẳng định vai trò và vị trí của nhân dân trong việc quyết định các chính sách”, ông Tiến bày tỏ.

H.Sơn

(Nguồn Infonet.vn)

  •  3236
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…