DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Kinh nghiệm qua giải quyết một số vụ án hình sự

Kinh nghiệm qua giải quyết một số vụ án hình sự

TRẦN VĂN HÙNG (TAQS Khu vực 1 Quân khu 4) - VKSNDTC và VKSNDCC tại Đà Nẵng có một số thông báo rút kinh nghiệm về giải quyết án hình sự qua những vụ án cụ thể. Chúng tôi xin được chia sẻ để bạn đọc cùng tham khảo.

Bản án hình sự sơ thẩm là văn bản tố tụng đặc biệt của Toà án, kết thúc hoạt động xét xử xác định bị cáo có tội hay không có tội quy định trong BLHS, xác định trách nhiệm pháp lý của bị cáo với Nhà nước cụ thể hoá bằng hình phạt quy định trong BLHS, xác định trách nhiệm của bị cáo với bị hại (nếu có) và các thành phần khác cụ thể hoá bằng mức bồi thường thiệt hại quy định trong BLDS. Xuất phát từ vị trí, vai trò của Bản án hình sự đòi hỏi việc ra bản án phải nghiên cứu và đánh giá toàn diện vụ án.

1.Về tình tiết “Có tính chất côn đồ” trong vụ án “Cố ý gây thương tích”. (Thông báo số 15/TB-VC2-V1 của VKSND cấp cao tại Đà Nẵng vụ án Nguyễn Xuân Thi phạm tội: “Cố ý gây thương tích”)

1.1. Nội dung vụ án

Vào khoảng 17 giờ 30 phút ngày 21/10/2014, Nguyễn Xuân Thi đến nhà anh Huỳnh Văn Tâm (Tổ dân phố 4, phường Tân Hòa, thành phố B, tỉnh Đ) để dự tiệc cưới. Tại đây, Thi qua bàn anh Dương Hiển Thành mời anh Thành cùng lên sân khấu nhảy, anh Thành không đồng ý dẫn đến mâu thuẫn, lời qua tiếng lại giữa Thi và Thành nhưng được mọi người can ngăn. Đến khoảng 22 giờ cùng ngày, Thi được anh Võ Ngọc Thành dùng xe máy chở về nhà, khi đi về được khoảng 50m thì Thi xuống xe, đi bộ quay trở lại nhà anh Tâm. Khi đến cổng, thấy anh Dương Hiển Thành từ sân nhà anh Tâm đi ra, Thi xông dùng cả hai tay đấm 02 cái trúng vào vùng mặt anh Thành, làm anh Thành ngã xuống đất rồi Thi bỏ về nhà.

1.2 Bài học kinh nghiệm

Xuất phát từ một mâu thuẫn nhỏ nhặt, đã được mọi người can ngăn và đưa về nhà nhưng bị cáo Nguyễn Xuân Thi vẫn bực tức quay lại dùng tay đánh 02 cái liên tiếp vào mặt anh Dương Hiển Thành dẫn đến đa thương, vỡ xương chính mũi, tỷ lệ thương tật 15%. Hành vi trên của bị cáo thể hiện ý thức coi thường pháp luật, có tính chất côn đồ. Đây là tình tiết định khung hình phạt được quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 104 BLHS 1999. Với tỷ lệ thương tật mà bị cáo gây ra đối với anh Dương Hiển Thành là 15% thì hành vi phạm tội của bị cáo thuộc Khoản 2 Điều 104 BLHS 1999. Bị cáo lại có nhân thân không tốt, trước đó vào năm 2000 đã bị Cơ quan điều tra – Công an huyện K, tỉnh Đ khởi tố, điều tra về tội “Cố ý gây thương tích”, nhưng sau đó bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố hình sự nên đình chỉ điều tra.

2. Các bản án sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” không xem xét về hành vi các bị cáo “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức” là bỏ lọt tội phạm và người phạm tội (Thông báo số 16/TB-VC2-V1 Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng).

2.1 Tóm tắt nội dung các vụ án

Vụ thứ nhất: Cuối năm 2016, Nguyễn Đình Quân thuê 03 xe ô tô của vợ chồng anh Nguyễn Đức Hào, chị H’Luân Buôn Yă để cho người khác thuê lại với giá cao hơn nhằm hưởng chênh lệch. Sau đó Quân nảy sinh ý định chiếm đoạt các xe ô tô đã thuê của vợ chồng anh Hào nên đã bàn bạc với Nguyễn Văn Khánh, Bùi Quốc Định, Lê Công Việt và Hoàng Minh Tuấn làm giả các giấy chứng nhận đăng ký các xe ô tô đã thuê của vợ chồng anh Hào rồi đem cầm cố để chiếm đoạt tiền chia nhau tiêu xài. Ngoài ra Quân còn làm giả giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô của bà Nguyễn Thị Mai mà Quân đang thuê rồi đem cầm cố xe để lấy tiền. Tổng cộng Quân và các đồng phạm đã chiếm đoạt 04 xe ô tô trị giá 1.565.000.000 đồng. Trong đó Nguyễn Văn Khánh, Bùi Quốc Định,  Lê Công Việt tham gia chiếm đoạt 02 xe, trị giá 680.000.000 đồng; Hoàng Minh Tuấn tham gia chiếm đoạt 01 xe, trị giá 350.000.000 đồng.

Vụ thứ hai: Vào khoảng thời gian từ tháng 4/2018 đến tháng 8/2018, Phan Hồng Chuẩn đã thuê của anh Trần Minh Hải 03 xe ô tô mang biển số kiểm soát số: 47A-219.79; 47A-189.67; 47A-070.11 với mục đích sử dụng làm phương tiện đi giới thiệu sản phẩm phân bón trên thị trường thuộc các tỉnh Đ. và L.. Sau đó, Chuẩn nảy sinh ý định chiếm đoạt các xe ô tô trên nên đã lên mạng Internet thuê làm giả giấy chứng nhận đăng ký các xe, các hợp đồng mua bán xe có công chứng chứng thực rồi đem cầm cố lấy tiền để tiêu xài. Tổng cộng Phan Hồng Chuẩn đã chiếm đoạt 03 xe ô tô, trị giá 650.000.000 đồng.

Vụ thứ ba: Trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến tháng 10/2016, bị cáo Lê Thị Hòa đưa ra thông tin gian dối là mình có nhiều mối quan hệ xã hội có thể tác động để xin được việc làm, xin chuyển công tác và xin đi học tại các trường Công an nhân dân nên làm cho nhiều người trên địa bàn các tỉnh tin tưởng giao tiền cho bị cáo. Ngoài ra, quá trình lừa đảo bị cáo Hòa đã làm và sử dụng các loại giấy tờ giả, gồm: 8 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để chuyển nhượng, thế chấp vay tiền; sử dụng 02 giấy chứng minh công an nhân dân giả mang tên Hồ Văn Tri (chồng bị cáo Hòa) để cầm cố vay tiền của 08 cá nhân và 02 Ngân hàng trên địa bàn tỉnh K. chiếm đoạt số tiền 1.865.000.000 đồng. Tổng cộng bị cáo Hòa đã chiếm đoạt tiền của 37 cá nhân và 02 tổ chức ngân hàng với số tiền là: 6.470.000.000 đồng.

2.2 Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính, tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 267 BLHS 1999 (Điều 341 BLHS 2015). Do đó, hành vi của các bị cáo vừa là phương tiện, thủ đoạn phạm tội nhưng còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm độc lập, nên phải truy cứu thêm tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” đối với các bị cáo.

3.Vụ án “Trộm cắp tài sản” vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và áp dụng sai pháp luật. (Thông báo số 04/TB-VC2-V1 VKSND cấp cao tại Đà Nẵng)

3.1 Tóm tắt nội dung vụ án

Khoảng 14 giờ 20 phút ngày 14/6/2018, tại tiệm cầm đồ 284 (địa chỉ số 284 đường Dã Tượng, phường V, thành phố N, tỉnh K), Nguyễn Văn T quan sát thấy không có người trông coi, nên lẻn vào bên trong mở tủ kính, lấy ra 01 điện thoại di động hiệu Iphone 6 của ông Lê Văn Đ. Sau khi lấy được điện thoại, T ra ngoài định bỏ trốn thì bị ông Đ phát hiện và tri hô. Thấy vậy, T vứt điện thoại xuống đất bỏ chạy thì ông Đ đuổi theo bắt giữ được.

3.2 Vấn đề cần rút kinh nghiệm

Các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ căn cứ duy nhất vào lời khai của người thực hiện hành vi phạm tội (không có giấy tờ tùy thân nào) để lập hồ sơ, lý lịch, lập danh chỉ bản mà không tiến hành điều tra, xác minh làm rõ về đặc điểm nhân thân người phạm tội. Khi tra cứu tiền án, tiền sự cũng chỉ căn cứ danh bản mang tên Nguyễn Văn T (do đối tượng tự khai nhưng không đúng) mà không đối chiếu, tra cứu tên chỉ bản (không so sánh dấu vân tay) nên không phát hiện được chính xác họ tên thật người phạm tội.

Căn cứ kết luận giám định trên thì trong vụ án này, cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố và xét xử đối với bị cáo Nguyễn Văn T là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc xác định sự thật vụ án, xác định không đúng nhân thân người phạm tội, chưa xác định chính xác chủ thể của tội phạm. Lẽ ra bị cáo bị khởi tố, truy tố, xét xử trong vụ án là Nguyễn Văn D, việc cơ quan tiến hành tố tụng xác định bị cáo có nhân thân, lý lịch với tên gọi Nguyễn Văn T là không đúng.

Trong vụ án này, Nguyễn Văn D thực hiện hành vi phạm tội trộm cắp tài sản khi chưa được xóa án tích nhưng do cơ quan tiến hành tố tụng xác định không đúng nhân thân, lý lịch người phạm tội, xác định không đúng chủ thể của tội phạm nên áp dụng không đúng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm i “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” và điểm s “người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 và bỏ lọt tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “tái phạm” quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52, chưa điều tra làm rõ hành vi “hành hung để tẩu thoát” để làm căn cứ truy tố, xét xử Nguyễn Văn D theo khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015.

4.Vụ án “Giết người”,  “Cố ý gây thương tích” và “Che giấu tội phạm” (Thông báo số 892/TB-VKS ngày 20/11/2019 Vụ Thực hành quyền công tố và xét xử hình sự (Vụ 7), VKSND tối cao).

4.1 Nội dung vụ án

Khoảng 01 giờ sáng ngày 28/4/2015, Trịnh Bá Tuấn cùng Phan Nhật An, Lê Long Trường cùng một số người nữa đến quán karaoke Jet thuộc ấp H, xã T, huyện C để hát karaoke và uống bia tại phòng số 3. Lúc này, tại phòng số 4, có Trần Minh Hải và một số thanh niên khác. Tại phòng số 5, có Lê Phương Tùng, Liêu Quốc Phụng, Phan Hồng Tâm, Cao Thị Cát Phượng và một số người nữa.

Khoảng 03 giờ sáng cùng ngày, Phụng đi ra ghế đá trước dãy phòng số 4, 5 ngồi thì thấy Hải và An đang đứng nói chuyện. An thấy trên người Phụng có hình xăm nên đến gây sự với Phụng. Phụng bỏ đi vào phòng và nói với Tùng là có người gây sự rồi kêu Tùng đi vào nhà vệ sinh nói chuyện. Lúc này, Hải qua phòng số 3 kêu An và nhóm bạn của An ra tìm Phụng nói chuyện. Khi Tùng và Phụng đi từ nhà vệ sinh ra thì An, Hải, Trường và một số người nữa chặn lại và gây sự (trong đó có Tuấn). Trường dùng tay giật tóc của Phụng, An dùng tay đánh vào đầu của Tùng. Lúc này, Tuấn lấy dao trong túi quần ra đâm một nhát vào vùng bụng trái của Tùng và đâm một nhát vào đùi trái, mào chậu trái của Phụng. Hải vào phòng số 4 lấy hai vỏ chai bia để đánh Tùng, Phụng nhưng do chủ quán là Hà Kim Tuyến can ngăn đuổi nhóm hát phòng số 3 và số 4 ra ngoài nên An, Hải, Trường, Tuấn bỏ đi. Tùng và Phụng vào phòng số 5 thì Tùng ngất xỉu trong phòng và được đưa đi cấp cứu. Đến 09h30 phút cùng ngày, anh Tùng tử vong tại bệnh viện.

4.2 Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Trịnh Bá Tuấn và phía bị hại không có quan hệ, không mâu thuẫn gì với nhau nhưng Tuấn đã sử dụng dao mang sẵn trong người đâm chết anh Tùng và gây thương tích cho anh Phụng; bị cáo phạm nhiều tội cùng một lúc, giết người với tình tiết định khung tăng nặng “có tính chất côn đồ”quy định tại điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS và cố ý gây thương tích với hai tình tiết định khung “dùng hung khí nguy hiểm” và “có tính chất côn đồ” quy định tại điểm n, i Điều 104 BLHS; ngoài ra, bị cáo đã có một bản án kết tội vào năm 2012. Mặc dù gia đình bị hại có đơn xin giảm nhẹ cho bị cáo; gia đình bị cáo đã bồi thường một phần thiệt hại nhưng so với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, không đủ căn cứ để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Hành vi của An, Hải, Trường đủ yếu tố cấu thành tội “Gây rối trật tự công cộng” vì: (1) địa điểm xảy ra vụ án là nơi sinh hoạt đông người (theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ, hoạt động karaoke là dịch vụ văn hóa công cộng, địa điểm có thể là nơi công cộng hoặc khu vực sở hữu tư nhân); (2) hành vi khách quan của An, Hải (trong 02 giai đoạn), Trường (giai đoạn sau) là rất tích cực, gây hỗn loạn, mất trật tự trong khu vực và chỉ dừng lại khi chủ quán là anh Hà Kim Tuyến dùng dao đến can ngăn đuổi đi; (3) hành vi của An, Hải, Trường là nguyên nhân dẫn đến sự việc đánh nhau, trong đó có hành vi giết người, cố ý gây thương tích của Trịnh Bá Tuấn (cụ thể: An gây sự với anh Phụng, dùng tay đánh anh Tùng; Hải là người rủ nhóm của An, Trường, Tuấn đánh anh Tùng và anh Phụng; Trường dùng tay giật tóc anh Phụng) và dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là làm chết một người và gây thương tích cho người khác; (4) các bị cáo Nguyễn Hà Minh Quân và Phạm Ngọc Thuận có hành vi ít nguy hiểm hơn và xảy ra sau so với hành vi của các đối tượng An, Hải, Trường và không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra vụ án nhưng cũng đã bị xét xử về tội “Che giấu tội phạm”.

5.Giải quyết trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự (Thông báo số 894/TB/VKSTC ngày 21/11/2019, VKSND tối cao (Vụ 7))

5.1 Nội dung vụ án và quá trình tố tụng

Trần Thị Bạch H là chủ doanh nghiệp TN, trong quá trình kinh doanh bị thua lỗ. Tháng 08/2009, lợi dụng quan hệ quen biết với một số cán bộ Ngân hàng VA Chi nhánh CT, thông qua hoạt động cho vay, H đã nhận thế chấp quyền sử dụng đất của nhiều người; yêu cầu những người thế chấp ký ủy quyền hoặc chuyển nhượng cho nhiều người khác do H thuê đứng tên để những người này tiếp tục thế chấp vào ngân hàng vay tiền theo yêu cầu của H. Sau khi giải ngân, những người do H thuê đứng tên vay đều phải giao tiền lại cho H sử dụng vào mục đích cá nhân. Sau khi vay được tiền, H viện cớ hoàn tất thủ tục sang tên để mượn lại các GCNQSDĐ; rồi sử dụng các giấy này tiếp tục thế chấp để vay tiền ở nơi khác, chuyển nhượng cho người khác. Ngoài ra, để thực hiện mục đích chiếm đoạt tài sản, H còn làm giả Giấy đăng ký xe ô tô và mang đi cầm cố. Tổng số tiền H đã chiếm đoạt của Ngân hàng VA và các tổ chức, cá nhân khác là 64.259.800.475 đồng và 600 chỉ vàng SJC.

Trần Thị Kim L biết rõ các tài sản thế chấp cho Ngân hàng do H nhận cầm cố, thế chấp của người khác, không phải H nhận chuyển nhượng và H cũng không có quyền định đoạt đối với các tài sản này, nhưng vẫn tích cực giúp sức cho H trong việc chiếm đoạt khoản tiền 4.270.000.000 đồng của Ngân hàng VA và 2 tỷ đồng của ông Trần Văn M.

Nguyễn Minh B, Nguyễn Ngọc Nguyên Kh, Nguyễn Hương G và Châu Thùy D là cán bộ tín dụng thuộc Phòng giao dịch AN và AP của Ngân hàng VA Chi nhánh CT, biết rõ những quy định về nghiệp vụ, tài chính, tín dụng nhưng khi lập các hợp đồng thế chấp, cho vay, đã không thẩm định thực tế nguồn gốc, giá trị tài sản thế chấp, định giá tài sản thế chấp không có căn cứ, nhận tài sản thế chấp khi chưa làm thủ tục sang tên, chưa công chứng việc thế chấp và đăng ký giao dịch đảm bảo, không mua bảo hiểm, cho vay vượt mức quy định, không tra cứu CIC, bất động sản là đất nông nghiệp không có lối vào nhưng vẫn cho giải ngân; đồng thời, cho Trần Thị Bạch H mượn lại tài sản thế chấp khi chưa giải chấp. Các bị cáo này đã vi phạm quy định về cho vạy trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại cho Ngân hàng VA Chi nhánh CT số tiền 45.624.282.545 đồng và 600 chỉ vàng SJC.

Về trách nhiệm dân sự, áp dụng Điều 42; các điều 122, 127, 325, 343, 350, 604, 605, 616, 717, 719 BLDS; các điều 300, 301, 302 Luật Thương mại; các điều 91, 95 Luật Tín dụng, buộc các bị cáo cùng liên đới bồi thường thiệt hại cho Ngân hàng VA, cụ thể như sau: Trần Thị Bạch H phải bồi thường trước và bồi thường toàn bộ vốn lẫn lãi là 107.419.332.077 đồng và 849,838 chỉ vàng SJC; Trần Thị Kim L phải bồi thường trong khoản 4.270.000.000 đồng sau khi H hết khả năng bồi thường; Nguyễn Minh B, Nguyễn Ngọc Nguyên K bồi thường trong khoản 14.324.470.353 đồng và 849,838 chỉ vàng SJC khi H hết khả năng bồi thường; Nguyễn Phương G, Châu Thùy D bồi thường trong khoản 93.094.861.724 đồng sau khi H hết khả năng bồi thường; Nguyễn Phương G phải bồi thường riêng khoản 3.135.000.000 đồng sau khi H hết khả năng bồi thường. Ngoài ra, Trần Thị Bạch H còn phải bồi thường cho các tổ chức, cá nhân khác số tiền 3.810.039.000 đồng.

5.2 Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

+ Không xác định cụ thể phần trách nhiệm dân sự phải bồi thường của các bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

Khoản 1 Điều 42 BLHS năm 1999 quy định: “Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra”. Điều 616 BLDS năm 2005 quy định: “Trong trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại; trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người, nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.”

Trong vụ án này, Trần Thị Bạch H đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng VA với số tiền là 45.624.282.545 đồng và 600 chỉ vàng; trong đó, Trần Thị Kim L giúp sức cho H chiếm đoạt 4.270.000.000 đồng của Ngân hàng VA. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên buộc Trần Thị Kim L phải liên đới cùng Trần Thị Bạch H bồi thường số tiền 4.270.000.000 đồng là đúng. Tuy nhiên, cần căn cứ vào tính chất, mức độ phạm tội của mỗi bị cáo đối với hậu quả gây ra để xác định cụ thể phần bồi thường của từng bị cáo. Việc quyết định Trần Thị Kim L phải bồi thường “sau khi Trần Thị Bạch H hết khả năng bồi thường” là không đúng quy định pháp luật, gây khó khăn cho việc thi hành án.

+ Xác định trách nhiệm bồi thường dân sự không đúng quy định pháp luật

Các bị cáo Nguyễn Minh B, Nguyễn Ngọc Nguyên Kh, Nguyễn Phương G và Châu Thùy D bị kết án về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, không phải là đồng phạm với Trần Thị Bạch H về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, các bị cáo này không có trách nhiệm liên đới cùng H bồi thường số tiền mà H đã chiếm đoạt của Ngân hàng VA.

6.Vi phạm về áp dụng pháp luật trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Thông báo của VKSND cấp cao tại Đà Nẵng vụ án Nguyễn Văn Ch về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”)

6.1 Tóm tắt nội dung vụ án

Do có mối quan hệ quen biết từ trước, ngày 21/9/2015, Nguyễn Văn Ch đến gặp chị Hoàng Thị Y vay số tiền 470.000.000 đồng (bốn trăm bảy mươi triệu đồng) để làm ăn kinh doanh, thời hạn vay là một tháng, lãi suất tính theo lãi suất Ngân hàng (Ch có giấy vay tiền và ký xác nhận). Đến thời hạn trả nợ, Ch lấy lý do làm ăn khó khăn nên chưa có tiền để trả. Ngày 10/12/2015, Ch tiếp tục đến gặp chị Y đưa ra thông tin cần tiền để đáo hạn Ngân hàng nên tiếp tục vay chị Y số tiền 150.000.000 đồng (một trăm năm mươi triệu đồng), Ch hứa sau khi đáo hạn xong Ch sẽ trả lại cho chị Y toàn bộ số tiền 620.000.000 đồng (470.000.000 + 150.000.000 đồng). Tin tưởng Ch nên chị Y tiếp tục cho Ch vay số tiền 150.000.000 đồng (một trăm năm mươi triệu đồng), thời hạn vay là từ ngày 10/12/2015 đến ngày 10/1/2016, lãi suất hai bên thỏa thuận theo lãi suất Ngân hàng (Ch có viết giấy vay tiền và ký xác nhận). Sau khi nhận được tiền vay, Ch đưa cho chị Nguyễn Thị M vay lại vào ngày 11/12/2015. Nhiều lần chị Hoàng Thị Y đến yêu cầu Ch trả tiền nhưng bị cáo không trả và bỏ sang Campuchia để làm ăn, không liên lạc cho chị Y biết.

6.2 Vấn đề cần rút kinh nghiệm

Nguyễn Văn Ch có thực hiện nghĩa vụ trả nợ nhưng không đúng như cam kết đã thỏa thuận ngày 06/11/2017 là có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thông qua hợp đồng vay mượn, nhưng cần phải điều tra làm rõ Nguyễn Văn Ch có thủ đoạn gian dối, bỏ trốn hay có điều kiện về tài sản để trả nhưng dây dưa không trả.

7.Vụ án “Trộm cắp tài sản” và “Cướp tài sản” (Thông báo của VKSND cấp cao tại Đà Nẵng)

7.1 Nội dung vụ án

Trong khoảng thời gian từ ngày 18/10/2015 đến ngày 13/12/2015, Mai Kim Lai, Lê Xuân Đức, Trương Văn Tân, Nguyễn Xuân Tùng Dinh, Phan Thanh Phong, Đoàn Dương Phi, Nguyễn Thanh Tuấn, Nguyễn Đình Ca, Nguyễn Như Quân đã tổ chức, bàn bạc, chuẩn bị hung khí như rựa, mã tấu, bình xịt hơi cay, roi điện, cây gỗ để thực hiện nhiều vụ cướp và trộm cắp tài sản của những người làm vàng trái phép trên địa bàn thôn B, xã T, huyện P, tỉnh Q, cụ thể:

Ngày 18/10/2015, Mai Kim Lai cùng với Lê Văn Đức, Trương Văn Tân, Nguyễn Như Quân đã có hành vi trộm cắp 15 máng ngân trị giá 4.500.000 đồng ở lán trại khai thác vàng trái phép của chị Nguyễn Thị Thanh Vân và ông Hồ Việt Minh bán cho Đinh Ngọc Hiền thu lợi bất chính được 3.000.000 đồng, Lai chia cho Đức 500.000 đồng, Tân 300.000 đồng, Quân 300.000 đồng, số tiền còn lại 1.200.000 đồng Lai tiêu xài cá nhân.

Từ ngày 21/11/2015 đến ngày 13/12/2015, Mai Kim Lai cùng với Nguyễn Xuân Tùng Dinh, Trương Văn Tân, Đoàn Dương Phi, Lê Xuân Đức, Nguyễn Thanh Tuấn, Nguyễn Đình Ca, Phan Thanh Phong liên tiếp thực hiện 04 vụ cướp tài sản cũng tại các lán trại khai thác vàng trái phép của chị Nguyễn Thị Thanh Vân, các anh Nguyễn Hải, Võ Văn Lợi, Phạm Văn Cường tại thôn B, xã T, huyện P.

7.2 Vấn đề cần rút kinh nghiệm

Một là, vi phạm trong việc áp dụng Điều 47 quyết định hình phạt dưới khung: Cần xem xét một cách đầy đủ và toàn diện về nhân thân, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự cũng như vai trò của các bị cáo trong các vụ án mà áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 1999 là không đúng, tuyên phạt mức án dưới khung hình phạt không đúng quy định của pháp luật, phần hình phạt chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm về hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra.

Hai là, vi phạm trong việc cho hưởng án treo: Theo điểm a khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao: “2. Không cho hưởng án treo nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Người phạm tội thuộc đối tượng cần phải nghiêm trị quy định tại khoản 2 Điều 3 của Bộ luật Hình sự bao gồm:… có tổ chức…”. Xét vai trò của bị cáo Nguyễn Đình Ca trong các vụ án có vai trò giúp sức tích cực, phạm tội thuộc trường hợp có tổ chức.

8.Cho hưởng án treo trong quá trình xét xử không phù hợp. (Thông báo VKSND cấp cao tại Đà Nẵng vụ án Hoàng Huy H phạm tội “Vi phạm quy định về điều kiện phương tiện giao thông đường bộ”).

8.1 Nội dung vụ án

Khoảng 14 giờ 30 phút ngày 20/10/2016, Hoàng Huy H điều khiển xe ô tô taxi 7 chỗ biển kiểm soát 75A-059.41 chạy vào ngã tư giao nhau giữa đường Trương Gia Mô với đường Nguyễn Sinh Sắc, thành phố H nhưng không giảm tốc độ, không nhường đường cho xe đi đến từ phía bên phải đường tại nơi giao nhau không có biển báo hiệu, đi theo vòng xuyến nên xe ô tô taxi do bị cáo điều khiển va chạm vào bên trái xe mô tô do chị Huỳnh Thị Kim H điều khiển chạy trên đường Nguyễn Sinh Sắc theo hướng từ đường Hà Huy Giáp đến đường Phạm Văn Đồng làm cho xe mô tô và chị H ngã xuống đường, hậu quả điều trị tại bệnh viện đến ngày 29/10/2016 thì tử vong.

8.2 Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Hành vi phạm tội của bị cáo thuộc trường hợp nghiêm trọng (làm chết 01 người), lỗi hoàn toàn thuộc về bị cáo, do đó, mức án Tòa án cấp phúc thẩm tuyên là chưa đánh giá đúng về tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị cáo; không đáp ứng được công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này đang ngày càng gia tăng; không có tác dụng giáo dục, không đủ tính răn đe và phòng ngừa chung./.

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn).

  •  4544
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…