DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Kinh nghiệm giải quyết các tranh chấp, tố tụng về thuế tại Cục Thuế TP.HCM

Kinh nghiệm giải quyết các tranh chấp, tố tụng về thuế tại Cục Thuế TP.HCM

Theo ông Lê Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh (TP. HCM), tại Cục Thuế TP.HCM các vụ án phát sinh ngày càng nhiều, tính phức tạp ngày càng cao, các tranh chấp dẫn đến khiếu kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính về thuế ngày càng đa dạng, phức tạp.Ông Dương cho hay, các loại án phát sinh tại Cục Thuế TP. HCM gồm có: Án hình sự với các tội danh như sau: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (là tiền hoàn thuế). Tội trốn thuế. Tội tàng trữ, lưu hành các giấy tờ có giá giả (mua bán hoá đơn). Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Án Hành chính bao gồm các khiếu kiện của người nộp thuế về các Quyết định hành chính, hành vi hành chính của người đứng đầu cơ quan quản lý thuế theo qui định tại Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 và các sửa đổi, bổ sung năm 1998, 2006. Án kinh tế phát sinh từ các vụ án phá sản mà doanh nghiệp lập thủ tục phá sản còn nợ tiền thuế chưa được giải quyết. Án dân sự phát sinh từ khi có Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, để xem xét giải quyết việc bồi thường thiệt hại do công chức thuế có hành vi trái pháp luật gây ra cho người nộp thuế trong quá trình thực thi công vụ.

Qua tổng kết công tác tố tụng tại Toà án các cấp do Sở Tư pháp TP.HCM thực hiện hàng năm cho thấy Cục thuế TP.HCM là cơ quan hành chính nhà nước phát sinh án nhiều nhất tại TP.HCM. Hiện nay, bình quân hàng năm phát sinh trên 80 vụ án, trong đó án hành chính chiếm tỉ lệ 85%, hình sự 9%, dân sự 3%, kinh tế 3%. Tỉ lệ thắng kiện trong quá trình tham gia tranh tụng tại toà của cơ quan thuế là 85%.

Trong năm 2010, Phòng Pháp chế của Cục Thuế TP. HCM đã tham gia tư vấn trên 60 vụ án. Trong đó, trực tiếp tham gia tranh tụng tại toà 21 vụ án hành chính và 5 vụ án hình sự. Ngoài ra, để đáp ứng cho yêu cầu tham gia công tác tố tụng trong giai đoạn hiện nay, trong năm 2010, Phòng Pháp chế đã biên soạn tập tài liệu và hướng dẫn trong ngành thuế các chuyên đề sau: Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và công tác quản lý thuế; Quy trình giải quyết bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoá đơn; Quy trình giải quyết hoàn thuế tại các phòng và chi cục thuế; Phối hợp với Trường tổ chức cán bộ TP. HCM và phòng tổ chức cán bộ tổ chức 04 lớp (trên 300 học viên) để đào tạo “Kỹ năng tham gia tố tụng tại toà án các cấp” và “Kỹ năng xử phạt vi phạm pháp luật về thuế trong hoạt động thanh tra, kiểm tra” cho công chức thuế từ lãnh đạo đội trở lên.

Bài học kinh nghiệm

Ông Dương chia sẻ: Qua kết quả xét xử một số vụ án hành chính, một số lỗi thường gặp của đoàn thanh tra, kiểm tra đã dẫn đến bị toà tuyên huỷ quyết định hành chính do vi phạm về hình thức, nội dung theo quy định pháp luật.

Lỗi về hình thức khi ban hành quyết định hành chính: Không thực hiện đầy đủ các quy trình, quy định của pháp luật về việc ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra khi chế tài người nộp thuế. Ví dụ, sau khi có thông báo lần 1, người nộp thuế đã giải trình và cung cấp thông tin tài liệu có liên quan, nhưng cơ quan thuế lại ban hành quyết định kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế mà không thực hiện thông báo lần 2 theo quy định. Hoặc ban hành quyết định kiểm tra trước khi hoàn thuế không dựa trên các căn cứ pháp luật quy định. Ban hành quyết định thanh tra không dựa trên cơ sở kế hoạch thanh tra đã được duyệt hoặc thuộc các trường hợp thanh tra mà không cần lập kế hoạch thanh tra.

Các quyết định thanh tra, kiểm tra; các quyết định xử phạt được ban hành không đúng thẩm quyền, ví dụ, cấp phó được phân công theo cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước, nhưng lại nhờ cấp phó khác ký các hồ sơ thanh tra, kiểm tra khi đi công tác (nhận uỷ quyền thì không được uỷ quyền lại).

Quyết định xử phạt các nội dung đã thanh tra, kiểm tra vượt phạm vi cho phép được ghi nhận trong quyết định thanh tra, kiểm tra.

Quyết định xử phạt đã chế tài không đúng đối tượng vi phạm, ví dụ như pháp nhân vi phạm nhưng lại chế tài cá nhân (lỗi thường gặp). Pháp nhân đã đổi tên, chia tách, sáp nhập tại thời điểm kiểm tra nhưng lại ban hành quyết định xử phạt đối với tên pháp nhân cũ không còn tồn tại. Ghi sai, ghi sót, ghi tắt tên pháp nhân bị chế tài (nhất là các cụm từ: TNHH, CP, SX...).

Phần căn cứ của quyết định ghi thừa, ghi thiếu, ghi không đúng để làm căn cứ xác lập hành vi vi phạm và thực hiện việc chế tài người nộp thuế. Sử dụng không đúng mẫu quyết định xử phạt đã ban hành. Không ghi đầy đủ các nội dung trong quyết định xử phạt.

Tính phù hợp trong việc ban hành quyết định xử phạt, ví dụ như quyết định xử phạt căn cứ vào Biên bản kiểm tra không ghi ngày hoặc tháng hoặc năm hoặc tất cả. Ngày ghi trên Biên bản kiểm tra có sau ngày ban hành quyết định. Ghi nhầm lẫn giữa Biên bản kiểm tra và Biên bản thanh tra. Không căn cứ vào Biên bản kiểm tra hoặc kết luận thanh tra mà căn cứ vào Biên bản làm việc, Tờ trình, Báo cáo kết quả thanh tra…

Không thực hiện đúng thời hạn được quy định trong quy trình thanh tra, kiểm tra hoặc thời hạn, thời hiệu quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Không tống đạt hoặc tống đạt không hợp lệ các văn bản có liên quan đến hoạt động thanh tra, kiểm tra như: Quyết định thanh tra, kiểm tra; Biên bản thanh tra, kiểm tra; Kết luận thanh tra, kiểm tra; Quyết định xử phạt.

Trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, đoàn thanh tra đã làm việc với người không phải là người đại diện theo pháp luật (hoặc uỷ quyền) của doanh nghiệp, nên việc ghi nhận kết quả làm việc trong các Biên bản làm việc; Biên bản xác lập số liệu; Biên bản cung cấp thông tin, tài liệu; các giải trình, các Biên bản thanh tra, kiểm tra sẽ bị vô hiệu.

Ban hành nhiều quyết định thanh tra, kiểm tra; lập nhiều Biên bản thanh tra, kiểm tra, ban hành nhiều Kết luận thanh tra và ban hành nhiều quyết định xử phạt mà không thể hiện được sự kế thừa, sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ theo đúng quy định pháp luật.

Lỗi về nội dung trong các quyết định hành chính: Ghi nhận hành vi vi phạm mà không có tài liệu chứng cứ để chứng minh đó là hành vi vi phạm. Dùng tài liệu, chứng cứ chưa đủ pháp lý để ghi nhận hành vi vi phạm của người nộp thuế, ví dụ tài liệu thu thập không phải là tài liệu gốc hoặc sao y hợp pháp, tài liệu thu thập không liên quan đến hành vi vi phạm, tài liệu thu thập không đúng theo trình tự thủ tục pháp luật quy định. Tài liệu đã được người cung cấp đính chính, huỷ bỏ trong thời hạn mà pháp luật cho phép. Tài liệu cần phải có sự đối chiếu, xác nhận của các cơ quan có liên quan mà Đoàn thanh tra/kiểm tra không thực hiện các phần việc này theo quy định. Tài liệu không được đưa đi giám định theo quy định pháp luật.

Ghi nhận hành vi vi phạm trong Biên bản thanh tra, kiểm tra, vi phạm pháp luật, vi phạm hành chính bằng những “câu, từ” không phù hợp với quy định pháp luật. Ví dụ, không đủ nghĩa, không đủ hoặc dư các “từ, cụm từ” tại một điều, khoản, điểm của văn bản quy phạm pháp luật cụ thể.

Ghi nhận hành vi vi phạm trong Biên bản thanh tra/kiểm tra phù hợp với một điều, khoản, điểm của một văn bản quy phạm pháp luật nhưng tại văn bản đó không có quy định chế tài tương ứng với hành vi vi phạm đã ghi nhận.

Ghi nhận hành vi vi phạm nhưng lại viện dẫn sai điều, khoản, điểm tương ứng trong văn bản quy phạm pháp luật hoặc ghi đúng điều, khoản, điểm nhưng viện dẫn sai văn bản quy phạm pháp luật chứa các điều, khoản, điểm này (kể cả sai tên gọi văn bản, sai số, sai ngày…).

Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật đã bị điều chỉnh, đã hết hiệu lực pháp luật tại thời điểm phát sinh hành vi vi phạm pháp luật.

Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật để xử lý nhẹ hơn nhưng không viện dẫn văn bản quy phạm pháp luật “bắc cầu” (điều 83 luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật).

Truy thu, xử phạt trong trường hợp đã hết thời hiệu truy thu, xử phạt. Toà án tuyên huỷ quyết định xử phạt khi có ý kiến bằng văn bản của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc tình tiết mới phát sinh trong quá trình tố tụng.

Toà án tuyên huỷ quyết định xử phạt vì cơ quan thuế đã áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trái với quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính 2002 và các sửa đổi, hướng dẫn thi hành. Ví dụ áp dụng văn bản là từ quyết định của Thủ tướng trở xuống (Quyết định, Thông tư, văn bản lẻ của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế) để xác định hành vi vi phạm của người nộp thuế.

Toà án tuyên huỷ quyết định xử phạt do áp dụng văn bản quy phạm pháp luật mà văn bản quy phạm pháp luật này có khác biệt với văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn (có thể văn bản quy phạm pháp luật ngoài ngành Thuế).

Toà án tuyên huỷ quyết định xử phạt do hành vi vi phạm được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, mà không chọn được một văn bản quy phạm pháp luật cụ thể theo quy định tại điều 83 - Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (cùng có giá trị pháp lý ngang nhau). Do đó, Toà án sẽ chọn văn bản quy phạm pháp luật theo hướng lợi nhất cho người bị chế tài để làm căn cứ giải quyết vụ án.

Toà án tuyên huỷ quyết định xử phạt do lỗi của người tham gia phiên toà không trình bày, tranh luận thuyết phục được Hội đồng xét xử nhằm bảo vệ tính hợp pháp của quyết định hành chính được ban hành.
Hậu quả pháp lý:

Đối với lỗi hình thức: Toà sẽ tuyên huỷ quyết định xử phạt có vi phạm về mặt hình thức và cơ quan thuế phải ban hành lại quyết định xử phạt cho phù hợp với quy định pháp luật, việc ban hành quyết định mới thường dẫn đến trường hợp hết thời hạn xử phạt mà chỉ còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Toà sẽ tuyên huỷ kết quả thanh tra, kiểm tra, dẫn đến huỷ quyết định xử phạt (trong trường hợp vi phạm thủ tục, quy trình thanh tra, kiểm tra) và cơ quan thuế phải thực hiện lại cuộc thanh tra, kiểm tra theo đúng quy trình, quy định của pháp luật. Khi thực hiện lại cuộc thanh tra, kiểm tra có thể dẫn đến việc hết thời hiệu truy thu, xử phạt và người nộp thuế có điều kiện khắc phục, hợp thức lại các vi phạm của mình.

Toà án sẽ có ấn tượng không tốt đối với cơ quan thuế thông qua các lỗi vi phạm về mặt hình thức. Người nộp thuế có quyền khiếu nại, khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Công chức thi hành công vụ sẽ bị chế tài theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (nếu có hành vi vi phạm); bị xử lý theo quy định của Luật công chức và các quy định của ngành.

Đối với lỗi nội dung: Toà án sẽ tuyên huỷ một phần hoặc toàn bộ quyết định xử phạt. Nhà nước phải bồi thường thiệt hại cho Người nộp thuế nếu họ có yêu cầu bồi thường và các yêu cầu này phù hợp với quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Cơ quan thuế sẽ bị ảnh hưởng về uy tín, khi báo chí đăng tải các thông tin về vụ án bị thua kiện.

Công chức sẽ bị xử lý theo các quy định pháp luật có liên quan nếu có hành vi vi phạm từ các vụ án bị thua kiện. Cơ quan thuế sẽ không hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách.

Khó khăn

Theo ông Dương, hiện nay, Cục Thuế TP.HCM quản lý trên 110.000 doanh nghiệp, mỗi năm ban hành trên 70.000 quyết định xử phạt thông qua kết quả thanh tra, kiểm tra. Do đó, việc phát sinh khiếu nại, khởi kiện với tỉ lệ 80 vụ án trên 70.000 quyết định xử phạt (0,01%) là tất yếu khách quan. Do hệ thống pháp luật trong ngành Thuế hiện nay thường xuyên thay đổi, bổ sung, thay thế và việc ban hành còn nhiều bất cập, chưa thể hiện tính thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật về thuế và tính phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật ngoài ngành có liên quan.

Do trình độ nhận thức pháp luật của doanh nghiệp ngày càng cao, bên cạnh đó, lực lượng luật sư, tổ chức luật sư tại TP.HCM ngày càng lớn mạnh. Vì vậy, việc tư vấn pháp luật về thuế; tư vấn tranh tụng và tham gia tranh tụng của lực lượng này làm tăng phát sinh các vụ khiếu nại, khởi kiện của người nộp thuế.

Do tốc độ phát triển của doanh nghiệp về quy mô, số lượng ngày càng cao và gấp nhiều lần so với tốc độ tăng biên chế công chức trong ngành Thuế. Mặc khác, tính phức tạp ngày càng cao của các quan hệ kinh tế, đẫn đến các quy phạm pháp luật chưa chi phối kịp, từ đó đã phát sinh tình trạng gian lận thuế ngày càng tinh vi. Công chức thuế hiện nay còn gặp nhiều khó khăn trong việc nắm bắt các văn bản quy phạm pháp luật và trang bị các công cụ, phương tiện cần thiết trong quá trình tác nghiệp.

Nhằm khắc phục những khó khăn trên, ông Dương đề nghị Tổng cục Thuế kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền về việc hoàn chỉnh hệ thống pháp luật để từng bước loại bỏ tính bất cập, mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật có liên quan đến thuế. Cần có sự hộ trợ kịp thời từ Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính về các vấn đề chính sách thuế có liên quan đến nội dung vụ án đang được Toà án thụ lý. Khắc phục tình trạng chậm trả lời chính sách thuế cho các cơ quan tiến hành tố tụng, cho cơ quan thuế cấp dưới để làm cơ sở xem xét giải quyết vụ án.

Bên cạnh đó, cần có sự chỉ đạo thường xuyên kịp thời từ Vụ Pháp chế - Tổng cục Thuế đối với các Phòng Pháp chế của cục thuế, để các cục thuế hoàn thành tốt nhiệm vụ pháp chế tại đơn vị mình. Cần có quy chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng (Toà án, Viện kiểm sát, Công an) và các cơ quan có liên quan (Sở Tư pháp, Thi hành án ...) nhằm phối hợp giải quyết các vụ án phát sinh có liên quan đến thuế được nhanh và đúng quy định pháp luật.

Đồng thời, cần có sự quan tâm hơn nữa về việc đào tạo, nâng cao kỹ năng hoạt động thanh tra, kiểm tra của công chức thuế để hạn chế thấp nhất các trường hợp xử lý vi phạm người nộp thuế không đúng quy định pháp luật. Cần có chế độ đãi ngộ về mặt kinh tế, chế độ đào tạo riêng mang tính đặc thù cho công chức thuế làm công tác pháp chế để có đủ trình độ, năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

(K.Hoa)

Nguồn : website thuế.

 

  •  12464
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…