DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Không hiểu biết pháp luật có phải là trở ngại khách quan?

Chào bạn, thấy bài viết này khá hay, được lấy ra từ một vụ việc thực tế đã và đang xảy ra, do vậy, mình share lại để các bạn cùng thảo luận, đặc biệt dành cho các bạn đang quan tâm đến mảng dân sự, tố tụng dân sự.

Đó là: Thế nào được xem là trở ngại khách quan? Cụ thể trường hợp nào được xem là trở ngại khách quan?

Bởi đây là một trong các yếu tố quan trọng để tính thời hiệu để khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự. Hết thời hiệu thì vụ việc dân sự không được thụ lý giải quyết.

Khái niệm trở ngại khách quan được định nghĩa tại Bộ luật dân sự 2015 như sau:

“Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình;”

Thế nhưng như thế nào là hoàn cảnh khách quan tác động, ví dụ như trường hợp không hiểu biết pháp luật có phải là do hoàn cảnh khách quan tác động, do văn bản pháp luật được ban hành quá nhiều, với khối lượng lớn thông tin nên làm cho người có yêu cầu không thể tìm hiểu hết được quy định pháp luật hay chỉ là yếu tố chủ quan từ bản thân đương sự có yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự không tìm hiểu pháp luật một cách thấu đáo? Mời các bạn cho ý kiến về vấn đề này.

Đại diện kiểm sát TP. Hồ Chí Minh khẳng định: Việc không hiểu biết pháp luật của công dân dẫn đến không thể thực hiện quyền khiếu nại đúng thời hạn luật định suốt 5 năm là trở ngại khách quan.

Ngày 21/9/2017 Tòa án nhân TP. Hồ Chí Minh đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án công dân kiện Quyết định hành chính của Chủ tịch UBND phường 7, quận Bình Thạnh.

Hết thời hiệu khiếu nại vẫn thụ lý giải quyết

Hồ sơ vụ án thể hiện, trong quá trình giải quyết khiếu nại cho bà Phạm Thị Thu Hà, Chủ tịch UBND phường 7 đã liên tiếp ban hành nhiều Quyết định mà theo bà Hồng Loan (trú ở Nơ Trang Long, Phường 7, quận Bình Thạnh) là đã ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình bà Hồng Loan.

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2009 khi UBND phường 7 có văn bản chấp thuận cho bà Hồng Loan dựng cổng rào tạm tại hẻm cụt của gia đình nhằm đảm an ninh trật tự. Trước khi bà Loan được chính quyền ưng thuận cho phép dựng cổng, đơn xin dựng cổng rào của bà Loan cũng được cả khu phố đồng ý trong đó có gia đình bà Phạm Thị Thu Hà.

Suốt hơn 5 năm từ năm 2009 đến đầu 2014, bà Hà mặc dù biết rõ UBND phường 7 cho phép bà Loan dựng cổng rào nhưng không hề có đơn khiếu nại về hành vi hành chính này.

Điều đáng nói, mặc dù biết rõ khiếu nại của bà Phạm Thị Thu Hà là hết thời hiệu. Thế nhưng, tháng 6 năm 2014, Chủ tịch UBND phường 7 – lúc đó là bà Huyền Tôn Nữ Tuyết Hoa đã bất ngờ thụ lý giải quyết đơn khiếu nại hành chính của công dân Phạm Thị Thu Hà, đồng thời liên tiếp ban hành nhiều Quyết định xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng, cũng như danh dự gia đình bà Hồng Loan.

Không hiểu biết pháp luật là trở ngại khách quan?

Tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 5/2017 Hội đồng xét xử TAND quận Bình Thạnh khẳng định: Thời hiệu khiếu nại được quy định tại Điều 9 Luật khiếu nại 2011 là 90 ngày kể từ ngày công dân nhận được Quyết định hành chính hoặc biết được Quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Cũng tại phiên tòa sơ thẩm bà Phạm Thị Thu Hà đã thừa nhận lý do mãi 5 năm sau mới thực hiện quyền khiếu nại là bởi bà Hà không hiểu biết pháp luật. Từ đó Hội đồng xét xử cho rằng: “Việc không hiểu biết của bà Hà…được xem là trở ngại khách quan”, nên khoảng thời gian 5 năm đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 21/9/2017 đại diện Viện kiểm sát nhân TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tái khẳng định: Việc không hiểu biết pháp luật của bà Hà là trở ngại khách quan dẫn đến công dân không thể thực hiện được quyền khiếu nại. Do đó, việc khiếu nại vẫn đúng quy định pháp luật.

Trong khi đó, luật sư Giang Văn Quyết, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Hồng Loan đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm: Nhận định của Tòa án cấp sơ thẩm, của đại diện Viện kiểm sát cấp phúc thẩm là hoàn toàn đi ngược với những giài thích, hướng dẫn về việc xác định thế nào là trở ngại khách quan trong Bộ luật dân sự nói chung và Luật tố tụng hành chính, Luật khiếu nại nói riêng.

“Trở ngại khách quan là những hoàn cảnh khách quan như thiên tai, địch họa, nhu cầu chiến đấu, ốm đau bệnh tật...dẫn đến không thể thực hiện quyền khiếu nại. Việc bà Hà không hiểu biết pháp luật là lỗi của bà Hà chứ không phải là hoàn cảnh khách quan bên ngoài tác động vào”, luật sư Giang Văn Quyết nói.

Cuối phiên tòa phúc thẩm ngày 21/9/2017, nhận định vụ án có tính chất phức tạp nên Hội đồng xét xử đã quyết định nghị án kéo dài. Rất nhiều người tham dự ra về, trên khuôn mặt không khỏi ngỡ ngàng, băn khoăn về cách xác định trở ngại khách quan của phía đại diện Viện kiểm sát. 

 

“Trở ngại khách quan được hiểu là: Những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền hoặc nghĩa vụ của mình.

Trở ngại khách quan chính là những tình huống, hoàn cảnh khách quan, không do con người mong muốn. 

Một người không thể viện dẫn lý do mình không hiểu biết pháp luật để biện minh cho việc không làm một việc hoặc đã thực hiện một hành vi. Nếu công dân nào cũng viện dẫn lý do không hiểu biết pháp luật thì mọi quy định về thời hiệu sẽ không còn ý nghĩa gì nữa”

Luật gia Nguyễn Thị Hằng, Chi hội luật gia Đô Đông.

Theo TCĐNA

 

  •  3173
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…