DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Khái quát về hệ thống pháp luật Common Law

Hệ thống pháp luật Common Law được nhắc đến với nhiều tên gọi khác nhau như: Hệ thống pháp luật Anh - Mỹ; hệ thống pháp luật Anglo - saxong; hệ thống pháp luật Thông luật...

1. Nguồn gốc pháp luật

            Lịch sử hình thành và phát triển của hệ thống pháp luật Common law gắn liền với lịch sử Common law của nước Anh. Trước thế kỉ V, nước Anh đã từng bị xâm lược bởi đế quốc La Mã. Trong gần bốn thế kỉ chịu sự cai trị của La Mã, không giống như cách La Mã cai trị các quốc gia châu Âu còn lại, Anh không không bị áp đặt bởi Luật La Mã. Điều này chủ yếu là do nội dung pháp luật dân sự La Mã không phù hợp với bối cảnh kinh tế xã hội của Anh lúc bấy giờ là nền kinh tế hàng đổi hàng. Mặc khác chính nhờ vào các yếu tố địa lý cũng như yếu tố con người (tính bảo thủ) mà sự xâm chiếm này không tác động nhiều đến sự phát triển của hệ thống pháp luật này.

            Nguồn gốc pháp luật chủ yếu dựa trên nền tảng pháp luật Anh cổ (Anglo - Saxong) với những tập quán được hình thành từ sự phát triển của cộng đồng. Như đã đề cập ở trên, cho dù Anh quốc từng bị đế quốc La Mã cai trị nhưng dường như không có dấu vết ảnh hưởng quan trọng của Luật La Mã trong pháp luật Anh. Sau khi La Mã suy tàn, nước Anh chia ra thành nhiều vương quốc nhỏ có các hệ thống pháp luật bao gồm dù ít hay nhiều, các quy định mang tính địa phương.[1] Sau khi một nhà nước chuyên chế thống nhất được hình thành vào giai đoạn đầu của thế kỷ 11, tại Anh sau đó xuất hiện 3 tòa, mà trong một chừng mực nào đó có thẩm quyền chồng chéo: Tòa Tài chính, Tòa Hoàng gia và Tòa chuyên các vụ kiện chung.[2] Với ưu thế về sự hiện đại, tính hiệu quả và nhận được sự ưa chuộng, các thẩm phán Hoàng gia trở thành "thẩm phán lưu động", họ đi khắp đất nước để xét xử các vụ việc nhưng vẫn giữ chỗ ở thường xuyên về mùa đông tại Luân Đôn. Khi đi xét xử lưu động khắp đất nước, các thẩm phán Hoàng gia làm quen với các tập quán pháp khác nhau và mỗi khi gặp nhau tại Luân Đôn họ thường thảo luận với nhau, so sánh các điểm mạnh, điểm yếu của chúng. Dần dà, điều này đưa đến kết quả là các thẩm phán Hoàng gia ngày càng áp dụng thường xuyên hơn các quy định pháp luật giống nhau trên khắp đất nước và thế là "luật Common" ra đời.[3] Các thẩm phán trong quá trình giải quyết các vụ việc của mình chủ yếu dựa trên những tập quán này để giải quyết.[4] Chính họ là những người đã tạo ra common law trong quá trình xét xử lưu động ở các địa phương trên toàn Anh quốc bằng việc thỏa thuận áp dụng thống nhất một số tập quán địa phương được lựa chọn và nâng cấp các tập quán đó lên thành tập quán quốc gia. Tuy nhiên, sau khi common law đã được hình thành, thay vì áp dụng tập quán pháp, các thẩm phán hoàng gia đã áp dụng án lệ trong quá trình xét xử trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc tiền lệ pháp (Rule of Precedent).[5]

            Sau khi hình thành ở Anh quốc, dòng họ common law đã lan sang khắp các châu lục từ châu Phi, châu Mỹ đến châu Úc, châu Á và hình thành nên "hệ thống Common Law". Hệ thống này chủ yếu được mở rộng bằng con đường thuộc địa hóa của Hoàng gia Anh.

2. Hình thức pháp luật

            Các hệ thống pháp luật thuộc hệ thống Common Law ít, nhiều chịu ảnh hưởng của hệ thống pháp luật của Anh và thừa nhận án lệ như nguồn luật chính thống, tức là thừa nhận học thuyết tiền lệ pháp. Học thuyết này chi phối hệ thống luật án lệ theo hướng: các phán quyyết đã tuyên của tòa án cấp trên nói chung có giá trị ràng buộc tòa án cấp dưới trong quá trình xét xử các vụ việc hiện tại[6] (nguyên tắc Stare Decisis).

Hệ thống án lệ này sẽ được phát triển qua các vụ việc được tòa án xét xử. Hệ quả tích cực của nó là làm thành một hệ thống Common law mở, gần gũi với đời sống thực tế, tạo nên tính chủ động sáng tạo, mềm dẻo và linh hoạt trong tư duy pháp luật. Tuy nhiên dù án lệ có thể đã tồn tại trong một khoảng thời gian nhưng những qui phạm tiềm ẩn trong án lệ không còn phù hợp để điều chỉnh các quan hệ trong xã hội vì xã hội thì ngày càng thay đổi, phát triển. Trong vài thập kỉ gần đây, trong các hệ thống pháp luật này, án lệ không còn là nguồn luật duy nhất mà luật thành văn đã ngày càng trở thành nguồn luật quan trọng, thậm chí là nguồn luật quan trọng hàng đầu, đặc biệt đối với những lĩnh vực không có án lệ.[7]

3. Vai trò của làm luật của cơ quan tư pháp

            Thẩm phán trong các hệ thống pháp luật thuộc Common law đóng vai trò quan trọng trong việc sáng tạo và phát triển các quy phạm pháp luật.[8] Nghiên cứu hệ thống pháp luật Anh, cội nguồn của dòng họ common law có thể thấy: Nếu như các bộ luật trong dòng họ civil law chứa đựng những quy phạm và nguyên tắc pháp lí mang tính khái quát cao, có chức năng cung cấp giải pháp pháp lí để giải quyết nhiều vụ việc thì ở Anh chức năng đó lại thuộc về các phán quyết do thẩm phán tuyên. Nếu thẩm phán Anh không muốn áp dụng tiền lệ pháp, anh ta sẽ cố gắng tìm ra những tình tiết của vụ việc để chứng minh cho sự khác biệt giữa vụ việc đó với vụ việc trong tiền lệ pháp hoặc dựa vào luật hoặc dựa vào cả hai yếu tố này trên cơ sở về nguyên tắc, luật thành văn được ưu tiên áp dụng.[9]

4. Mối tương quan giữa luật nội dung và luật hình thức

            Do thủ tục tố tụng mang tính tranh tụng: các bên tham gia vào thủ tục tố tụng được coi là có địa vị pháp lí bình đẳng với nhau, thẩm phán chỉ có vai trò người trung gian phân xử, không tham gia vào quá trình tranh tụng nhưng lại là người đưa ra phán xét cho vụ án. Họ chủ yếu dựa vào sự thật tại tòa do các luât sư nêu. Vì vậy bên nguyên hay bên bị, bên nào muốn thắng kiện thì hoàn toàn dựa vào tài biện hộ của luật sư bên đó. Có thể thấy trong hệ thống Common law, luật hình thức được xem như là xương sống của quá trình xét xử[10] và mang tính chất quyết định hơn so với luật nội dung.

5. Vấn đề phân chia luật công và luật tư

            Nhìn chung hệ thống pháp luật Common law không có sự phân biệt giữa luật công và luật tư, trừ hệ thống pháp luật Anh. Tuy nhiên, sự phân biệt giữa luật công và luật tư ở Anh khác biệt về mục đích so với các nước thuộc hệ thống Civil law là chỉ để nhằm xác định thủ tục tố tụng nào cần áp dụng để giải quyết vụ việc có liên quan.[11] Common law không phân chia thành luật công và luật tư vì các lí do sau đây: (1) Sự phân biệt này ít có ý nghĩa trong thời kì phong kiến ở Anh, giai đoạn đầu của sự phát triển Common law, vì các quyền công và tư được xác định thông qua quyền lợi về tài sản, nhưng không có sự phân biệt giữa sở hữu tài sản và các sơ quan công theo kiểu Civil law; (2) Có một hệ thống tòa án trở thành nơi xem xét các hoạt động lập pháp, hành pháp, kể cả trong tranh chấp tư. Do vậy không có sự phân biệt hoàn toàn về quyền lực theo kiểu Civil law. (3) Các học giả Mỹ ban đầu đã có khuynh hướng lờ đi sự phân biệt đó và xem như không cần thiết cho xu hướng tổng hợp các quyết định phán xử.[12]

6. Mức độ và trình độ pháp điển hóa

            Tập hợp các đạo luật điều chỉnh về cùng một nhóm vấn đề thành các Bộ luật hoặc tập hợp các án lệ vào thành tuyển tập theo thẩm quyền ban hành của Tòa án. Mặc dù không mang tính chất toàn diện sâu rộng và cũng diễn ra hạn chế hơn, ở mức độ thấp hơp so với các nước theo hệ thống Civil Law hay Xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên hoạt động pháp điển hóa ở các nước theo Thông luật, với những ưu thế về kĩ thuật và trình tự thì ngày càng được sử dụng phổ biến.

(Nguồn: Tổng hợp)


[1] Michael Bogdan (1994), Comparative Law, Kluwer Norstedts Juridik Tano, (bản dịch của Lê Hồng Hạnh và Dương Thị Hiền), tr. 78-79.

[2] Michael Bogdan (1994), Comparative Law, Kluwer Norstedts Juridik Tano, (bản dịch của Lê Hồng Hạnh và Dương Thị Hiền), tr. 78-79.

[3] Michael Bogdan (1994), Comparative Law, Kluwer Norstedts Juridik Tano, (bản dịch của Lê Hồng Hạnh và Dương Thị Hiền), tr. 79.

[4] Tập thể tác giả (2017), Tài liệu hướng dẫn học tập Môn Luật so sánh, NXB Lao động, tr. 77.

[5] Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật So sánh, NXB CAND (2012), tr. 195.

[6] Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật So sánh, NXB CAND (2012), tr. 197.

[7] Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật So sánh, NXB CAND (2012), tr. 198.

[8] Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật So sánh, NXB CAND (2012), tr. 198.

[9] Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật So sánh, NXB CAND (2012), tr. 198 -199.

[10] Tập thể tác giả (2017), Tài liệu hướng dẫn học tập Môn Luật so sánh, NXB Lao động, tr. 74.

[11] Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật So sánh, NXB CAND (2012), tr. 200.

[12] Tập thể tác giả (2017), Tài liệu hướng dẫn học tập Môn Luật so sánh, NXB Lao động, tr. 72-73.

 

  •  45922
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…