DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Khác biệt trong quy định pháp lý hiện hành về “Mức lãi suất cho vay trong hạn”

Theo quy định của pháp luật hiện hành, có sự quy định không thống nhất về mức lãi suất cho vay trong hạn giữa Bộ luật dân sự 2015 và pháp luật chuyên ngành ngân hàng. Vậy khi xác lập hợp đồng vay dân sự hay hợp đồng tín dụng (HĐTD) chúng ta sẽ tuân thủ quy định về  mức lãi suất như thế nào đối với khoản vay, xác định theo quy định nào mới đúng? Bài viết dưới đây mình sẽ trình bày cụ thể các cụ thể để giải quyết thắc mắc trên.

1. Pháp luật dân sự:

Theo quy định tại BLDS 2015 quy định hạn mức lãi suất tối đa mà các bên được thỏa thuận đã được hạ xuống; đồng thời pháp luật đã mở rộng quyền thỏa thuận cho các bên trong trường hợp hợp đồng cho vay có tính lãi nhưng không xác định lãi cụ thể so với BLDS 2005. Nhận định trên thể hiện rõ qua quy định tại Điều 468 BLDS 2015:

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

So sánh quy định về lãi suất giữa BLDS năm 2005 và BLDS năm 2015 ta có thể nhận định rằng: BLDS năm 2015 quy định luôn mức lãi suất cao nhất được thỏa thuận trong các hợp đồng dân sự vay tài sản là 20%, không còn phụ thuộc vào mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước quy định như quy định tại BLDS 2005:

Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.

Điểm mới tại BLDS 2015 chứng tỏ mức lãi suất theo BLDS năm 2015 cao hơn so với BLDS năm 2005 (vì thường khi khống chế áp dụng bằng mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố thì mức lãi suất vay sẽ bị giới hạn thấp hơn so với khoảng giới hạn bằng chính 20%/năm của hợp đồng vay).

2. Pháp luật chuyên ngành ngân hàng:

Điều đáng nói ở đây là có sự khác biệt giữa pháp luật chuyên ngành ngân hàng và BLDS 2015. Theo quy định pháp luật chuyên ngành tại khoản 1, 2 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định:

1. Tổ chức tín dụng (TCTD) và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa tại khoản 2 Điều này.

2. TCTD và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn:

a) Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;

b) Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại;

c) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;

d) Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;

đ) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao.”

Với quy định trên chứng tỏ rằng pháp luật hiện hành thì đã có sự khác biệt trong việc quy định về hạn mức lãi suất cho vay so với quy định của BLDS 2015. Cụ thể:

Theo pháp luật chuyên ngành: các bên trong hợp đồng tín dụng (HĐTD) được tự do thỏa thuận lãi suất cho vay tùy tình hình về cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng. Tuy nhiên, hạn mức lãi suất vay vẫn bị giới hạn trong mức “lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ” khi đáp ứng một số nhu cầu vốn như đã đề cập ở trên.

Còn theo BLDS năm 2015: thì các bên cũng có quyền thỏa thuận nhưng mức lãi suất cao nhất được thỏa thuận trong các hợp đồng dân sự vay tài sản là 20%/năm của khoản tiền vay, tức mức giới hạn tại BLDS 2015 lại là “20%/năm của khoản tiền vay”.

 

Kết luận: Như vậy, có thể thấy hợp đồng vay tài sản nói chung, hợp đồng tín dụng (HĐTD) nói riêng là một loại giao dịch dân sự. Do đó, việc điều chỉnh quan hệ này phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự và các nguyên tắc về giới hạn thực hiện quyền dân sự được quy định trong BLDS. Quy định về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản là một trong những điển hình của việc cụ thể hóa nguyên tắc giới hạn thực hiện quyền dân sự, theo đó các bên trong hợp đồng vay có thỏa thuận về lãi suất nhưng không được vượt quá mức lãi suất giới hạn luật định. Việc quy định trần lãi suất giúp Nhà nước có thể điều tiết thị trường vay trong trường hợp cần có sự ổn định của kinh tế - xã hội, định hướng chuẩn mực ứng xử trong các quan hệ cho vay, thực hiện chính sách cấm hoặc hạn chế việc cho vay nặng lãi. Nhưng để bảo đảm không biến lãi suất trần trở thành công cụ pháp lý để hành chính hóa quan hệ dân sự, bảo đảm tính linh hoạt phù hợp với các quan hệ vay tài sản đa dạng, có thể được sửa đổi, bổ sung kịp thời để đáp ứng yêu cầu của những biến động về kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, tại khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015 đã quy định mang tính linh hoạt theo hai cơ chế, đó là:

i) Căn cứ vào tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh lãi suất theo đề nghị của Chính phủ;

  ii) Luật khác có liên quan quy định mức lãi suất riêng cho các quan hệ cho vay đặc thù.

Do vậy, trong trường hợp luật có liên quan quy định khác về lãi suất thì sẽ áp dụng lãi suất đó cho quan hệ vay thuộc phạm vi điều chỉnh của luật khác có liên quan (nguyên tắc ưu tiên áp dụng pháp luật chuyên ngành). Quy định này còn được hiểu không chỉ dành riêng cho quan hệ tín dụng của các ngân hàng thương mại mà còn có thể áp dụng cho loại vay đặc thù vay khác như vay chính sách xã hội, vay đầu tư phát triển, vay vàng, ngoại tệ... nếu Nhà nước xét thấy cần điều chỉnh các quan hệ vay này bằng cơ chế lãi suất riêng.

 

  •  2679
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…