DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

IRAC- Nguyên lý mọi luật sư đều cần phải nắm

IRAC được phiên âm tiếng anh là /ˈaɪræk/ (EYE-rak), đây là tên được viết tắt của 4 từ Tiếng Anh đó là: Issue - Relevant Law – Application Facts – Conclusion

Đây là một mô thức được ứng dụng rất nhiều và được ứng dụng làm phương pháp để phân tích và giải quyết các tình huống pháp lý. Các trường đào tạo ngành luật và luật sư ở Mỹ, Anh hay Úc đều được đào tạo phương pháp này để ứng dụng không chỉ trong giải quyết các vấn đề pháp lý mà còn được ứng dụng như một kỹ năng tư duy pháp luật, tìm kiếm luật, ý kiến pháp lý, thư từ pháp lý, hay ứng dụng để nghiên cứu hồ sơ vụ việc.

Trước hết, IRAC có thể được hiểu như sau:

·       I: Issue – Vấn đề

·       R: Relevant Law – Quy định pháp luật liên quan

·       A: Application Facts – Vận dụng luật vào tình huống

·       C: Conclusion – Kết luận

Khi tiếp cận một vấn đề – tình huống từ khách hàng, nhiệm vụ của Luật sư là phải mã hóa được ngôn ngữ thông thường thành các ngôn ngữ pháp lý. Thông tin của khách hàng thường được chuyển tải dưới ngôn ngữ thông dụng của khách hàng đi kèm với những cảm xúc cá nhân của người nói. Do đó, việc mã hóa thành ngôn ngữ pháp lý là điều tối quan trọng để Luật sư có thể tiếp cận vấn đề đúng hướng và hiệu quả nhất. Sau khi đã có được vấn đề pháp lý, Luật sư cần phải tìm được những điểm mấu chốt trong vấn đề pháp lý và tìm được những quy định pháp luật sẽ giúp giải quyết được vấn đề. Từ đó ứng dụng những gì tìm được vào tình huống để tìm ra được giải pháp cho vấn đề. Toàn bộ quy trình nêu trên đều có thể được ứng dụng bằng mô thức IRAC.

Hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn cách ứng dụng mô thức IRAC này:

       1. I: Issue – Vấn đề

Mục đích của phần này đó chính là giải quyết được câu hỏi “Vấn đề pháp lý gì đang được tranh luận là gì?”.

Bẳng cách xác định các sự kiện có ý nghĩa pháp lý, các tính chất pháp lý của vụ việc, các vấn đề cần được giải quyết, các câu hỏi của khách hàng đặt ra, chúng ta có thể xác định được vấn đề cần giải quyết. Thông thường, câu chuyện được khách hàng truyền tải rất dài, rất nhiều tình tiết nhưng Luật Sư chỉ cần tóm lược được tình tiết có ý nghĩa pháp lý.

Thực tế, việc bắt được “vấn đề pháp lý” không phải dễ dàng, Luật sư có thể xác định vấn đề pháp lý sai nếu như không xem xét hết mọi khía cạnh mà khách hàng chuyển tải đến. Hậu quả là các bước tiếp theo (R, A, C) đều không chính xác. Do đó, việc xác định “Vấn đề pháp lý” là rất quan trọng.

Ví dụ: Anh A và chị B yêu nhau và sắp đi đến hôn nhân. Anh A quyết định mua một căn nhà để sau khi kết hôn A và B sẽ về sống chung. Anh A có mượn của mẹ chị B là bà M là 500 triệu để mua căn nhà đó. Tuy nhiên, sau đó A bị tai nạn giao thông và phải nằm bệnh viện rất lâu rồi qua đời. Bà M đòi gia đình anh A phải trả căn nhà đó cho chị B.

Tóm gọn lại sự kiện trên ta chỉ cần quan tâm các vấn đề pháp lý sau:

·       A và B chưa kết hôn;

·       A sở hữu căn nhà;

·       A mượn bà M 500 triệu;

·       A chết;

·       M đòi sở hữu nhà do A để lại.

Tóm lại: Trình bày I là ta đang làm nhiệm vụ trình bày các “Vấn đề pháp lý cần giải quyết”

·       Nêu vấn đề gì đang được tranh luận;

·       Kết nối vấn đề bằng câu hỏi pháp lý; và

·       Sử dụng cấu trúc “Vấn đề có hay không…”.

        2 . R: Relevant Law – Quy định pháp luật liên quan

Ở phần này, nhiệm vụ của Luật sư là trình bày được những quy định pháp luật liên quan để giải quyết “Vấn đề pháp lý”. Cụ thể cần phải đi trả lời các câu hỏi sau:

·       Pháp luật để giải quyết vấn đề trong trường hợp này là gì? Dân sự, hình sự, hành chính hay thương mại, vv.

·       Những thành phần của quy định (Chương, Điều, Khoản, Điểm…)

·       Những ngoại lệ đối với quy định (Ví dụ. Pháp luật Việt Nam trong nhiều Luật, Bộ Luật thường có những điều khoản mở, hay những điều khoản nhằm mục đích dẫn chiếu tới Luật/Bộ Luật khác, mà dễ gặp nhất có lẽ là cụm từ “Những trường hợp pháp luật quy định khác”)

·       Trường hợp này có thể áp dụng tập quán hay không?

·       Có phản biện nào khác đối với vấn đề pháp lý hay không?

Trong một số tài liệu, R ở đây cũng có thể là Rule – các quy tắc pháp luật được áp dụng.

        3.  A: Application Facts – Vận dụng luật vào tình huống

Phần này là phần quan trọng nhất trong giải quyết vấn đề pháp lý, bởi lẽ việc kết nối giữa I và R chính là A, tức là kết nối vấn đề pháp lý, sự kiện pháp lý với quy định pháp luật liên quan để đưa ra được những phân tích cụ thể. Vận dụng luật vào tình huống để chứng minh rằng vì sao dùng điều luật này mà không vận dụng điều luật khác để giải quyết vấn đề.

Tóm lại, khi trình bày A, chúng ta sẽ:

·       Đưa ra bằng chứng và giải thích; và

·       Đưa ra phản biện đối với kết luận của mình

Trong một số tài liệu, A cũng có thể là Analysic – Phân tích tình huống, nhưng nội hàm của nó vẫn là việc vận dụng luật vào tình huống cần giải quyết.

        4.  C: Conclusion – Kết luận

Trình bày phần kết luận, Luật sư sẽ phải trình bày được kết luận của từng vấn đề hoặc đưa ra được kết luận tổng thể. Lưu ý rằng, không có câu trả lời đúng hay sai, chỉ có phân tích và tư duy logic căn cứ trên quy định và sự kiện để hướng đến một kết luận hợp lý.

 

Biến thể của IRAC khi ứng dụng trong thực tiễn:

Khi áp dụng mô thức IRAC trong thực tiễn, tùy thuộc vào từng tình huống pháp lý cụ thể, mô thức IRAC được linh hoạt áp dụng để giải quyết vấn đề pháp lý. Một số biến thể thường xuyên được áp dụng bao gồm:

·       (I) – R – A – C

Biến thể này được áp dụng đối với một vấn đề pháp lý chung, khi đưa ra được R (Quy định luật liên quan) và A (Vận dụng pháp luật) thì có thể đưa ra một C (Kết Luận) – kết luận này được áp dụng do mọi trường hợp liên quan.

·       I – R (A) – C

Biến thể này được ứng dụng trong trường hợp R (Quy định luật liên quan) quá rõ ràng và không nhất thiết phải phân tích để đưa ra kết luận.

·       I – R – A

Thực ra ở biến thể này, không khuyết thiếu đi C (Kết Luận), mà trong quá trình trình bày R hoặc A, chúng ta đã có được C và không cần thiết phải trình bày C lại lần nữa.

 

Nguồn: Thế giới luật

  •  4246
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…