DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Hướng dẫn xây dựng thang lương, phụ cấp tại Công ty TNHH 1 thành viên Nhà nước

Thông tư 17/2015/TT-BLĐTBXH vừa được ban hành hướng dẫn việc xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương và chuyển xếp lương với người lao động tại Công ty TNHH 1 thành viên Nhà nước.

Một số nội dung hướng dẫn mới cần được lưu ý như sau:

I. Nguyên tắc thực hiện

- Thang lương, bảng lương được xây dựng dựa trên cơ sở đánh giá mức độ phức tạp công việc của người lao động.

- Khi xây dựng thang lương, bảng lương cần xác định rõ quan hệ giữa mức lương thấp nhất, trung bình và cao nhất để đảm bảo cân đối giữa các loại lao động.

- Căn cứ tổ chức sản xuất, kinh doanh, tổ chức lao động, công ty xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương phù hợp với yêu cầu và tính chất sử dụng người lao động, đảm bảo đúng nguyên tắc quy định tại Điều 7 Nghị định 49/2013/NĐ-CP.

- Việc chuyển xếp lương từ thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định sang thang lương, bảng lương do công ty xây dựng cần căn cứ vào chức danh và công việc của người lao động.

Nếu người lao động có cống hiến, đóng góp nhiều cho công ty thì khi chuyển xếp lương có vướng mắc thì tùy từng trường hợp cụ thể mà giải quyết.

Đồng thời việc chuyển xếp lương phải đảm bảo tính minh bạch, công khai, rõ ràng và báo cáo thống nhất giữa công đoàn cơ sở và cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi thực hiện.

- Khi áp dụng thang lương, bảng lương mới, định kỳ công ty phải rà soát lại, đánh giá, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

II. Hướng dẫn xây dựng thang lương, bảng lương

Có 5 yếu tố cần xác định trước khi xây dựng thang lương, bảng lương:

1. Chức danh nghề, công việc

 

2. Đánh giá độ phức tạp công việc

 

Công ty có thể chọn phương pháp khác để đánh giá độ phức tạp công việc, nhưng phải đảm bảo tương quan giữa độ phức tạp công việc của công ty với khung tại Phụ lục I.

3. Xác định điều kiện lao động

Rà soát, phân loại điều kiện lao động của các chức danh, công việc. Trong đó:

- Đối với chức danh nghề, công việc có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (điều kiện lao động loại IV) hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (điều kiện lao động loại V hay loại VI) thì công ty sử dụng làm cơ sở để xác định mức lương theo điều kiện lao động.

- Đối với chức danh nghề, công việc có yếu tố đặc trưng quy định tại Phụ lục III. ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tâm sinh lý người lao động mà chưa được công nhận là công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì Công ty đề nghị Bộ Lao động và cơ quan có liên quan đánh giá, xác định để bổ sung công nhận nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

-  Đối với chức danh nghề, công việc còn lại thì xác định mức lương theo điều kiện lao động bình thường.

Tùy theo yêu cầu thực tế mà công ty đưa yếu tố điều kiện lao động vào việc xây dựng thang lương, bảng lương hoặc quy định thành chế độ phụ cấp công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

4. Xác định quan hệ mức lương

Mức lương thấp nhất

Mức lương trung bình

Mức lương cao nhất

Áp dụng với công việc có độ phức tạp thấp nhất trong điều kiện lao động bình thường.

Lưu ý: không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định (hệ số 1)

Áp dụng với công việc, chức danh đòi hỏi mức độ phức tạp trung bình.

Chức danh này yêu cầu người lao động tốt nghiệp đại học hoặc tương đương, đã qua thời gian thử việc và xác định trong khoảng 1.5 đến 2.34 lần mức lương thấp nhất, tương ứng bậc 3 và bậc 4 trong thang lương 6 bậc hay 7 bậc của lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh.

Áp dụng với chức danh quản lý hoặc yêu cầu trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ cao nhất trong Công ty.

Căn cứ hệ số lương của viên chức quản lý theo hạng công ty được xếp tại Phụ lục I Nghị định 51/2013/NĐ-CP để so sánh, xác định hệ số lương cao nhất khi xây dựng thang lương, bảng lương, bảo đảm hệ số lương của người lao động thấp hơn viên chức quản lý, trừ một số lao động chuyên môn, kỷ thuật cao, chuyên gia hay nghệ nhân của công ty.

5. Xác định thang lương, bảng lương cần xây dựng

Tùy theo yêu cầu của tổ chức sản xuất, kinh doanh, công ty cần chọn một trong các loại thang lương, bảng lương sau để xây dựng:

- Thang lương của lao động trực tiếp sàn xuất, kinh doanh (áp dụng với chức danh nghề, công việc xác định được tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật theo từng bậc cụ thể)

- Bảng lương của lao động trực tiếp sàn xuất, kinh doanh (áp dụng với chức danh nghề, công việc gắn với tiêu chuẩn chuyên môn, kỹ thuật nhưng không phân chia được theo mức độ phức tạp kỹ thuật theo từng bậc cụ thể)

- Bảng lương của lao động chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, phục vụ. (áp dụng với chức danh gắn với tiêu chuẩn chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ và thời gian tích lũy kinh nghiệm)

- Bảng lương của chuyên gia, nghệ nhân. (áp dụng với chức danh giữ vai trò quan trọng, chi phối đến hiệu quả hoạt động của Tổng Công ty, Tập đoàn kinh tế gắn với tiêu chuẩn chuyên gia, nghệ nhân)

- Bảng lương của lao động quản lý.

Áp dụng với chức danh gắn với tiêu chuẩn, quy mô và độ phức tạp của quản lý, trong đó:

+ Chức danh quản lý là thành viên Hội đồng thành viên (Chủ tịch Công ty), Giám đốc, Tổng Giám đốc. Phó Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng, Kiểm soát viên thì áp dụng bảng lương do Nhà nước quy định tại Phụ lục I Nghị định 51/2013/NĐ-CP.

+ Chức danh Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, công ty xây dựng bảng lương chức vụ hay bảng lương của lao động chuyên môn, kỹ thuật cao, nghiệp vụ, phục vụ và cộng phụ cấp chức vụ.

Sau khi thực hiện 4 yêu cầu trên, Công ty tiến hành xây dựng thang lương, bảng lương như sau:

Thiết kế thang lương, bảng lương với từng lao động, trong đó xác định mức lương, bậc lương như sau:

- Đối với thang lương thì xác định mức lương bậc 1, bội số lương, phân chia số bậc lương phù hợp với bậc phức tạp kỹ thuật nghề, công việc.

Đối với bảng lương thì xác định mức lương bậc 1 và phân chia các bậc theo thâm niên, phù hợp với yêu cầu công việc, khuyến khích người lao động tích lũy kinh nghiệm.

- Các mức lương phải đảm bảo:

 + Mức lương thấp nhất của công việc, chức danh đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

 + Mức lương thấp nhất của công việc hay chức danh đòi hỏi lao động phải qua đào tạo, học nghề cao hơn ít nhất 7% mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

 + Khoảng cách chênh lệch giữa 02 bậc lương liền kề ít nhất bằng 5%.

Đối với trường hợp đưa yếu tố lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm vào để thiết kế thang lương, bảng lương thì mức lương của công việc này cao hơn ít nhất 5%, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc tương đương trong điều kiện lao động bình thường.

- Cân đối, điều chỉnh thang lương, bảng lương trên cơ sở rà soát mức lương của các loại lao động trong hệ thống thang lương, bảng lương. So sánh mức lương với mặt bằng thị trường, có tính đến xu hướng phát triển, điều chỉnh, hoàn thiện và ban hành thang lương, bảng lương để thực hiện.

Các bước xây dựng thang lương, bảng lương cụ thể với từng loại chức danh, công việc (Xem chi tiết Phụ lục II)

III. Hướng dẫn chế độ phụ cấp lương

Phụ cấp lương là khoản để bù đắp các yếu tố điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt tại nơi làm việc, mức độ thu hút…nhưng chưa được tính đủ trong mức lương của thang lương, bảng lương.

Rà soát, đánh giá các yếu tố trên, so sánh với các yếu tố Phụ lục I, trường hợp cao hơn mà chưa được tính trong mức lương, sẽ được quy định thành phụ cấp lương.

Phụ cấp lương được xây dựng theo tỷ lệ % hay mức tuyệt đối tùy thuộc vào thực tế, đặc điểm và tính chất công việc.

Chế độ phụ cấp

Đối tượng áp dụng

Khung quy định

Cách tính

Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Người lao động làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Mức thấp nhất 5% và cao nhất là 10% đối với công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Mức thấp nhất 7% và cao nhất là 15% với công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Được tính trả lương cùng kỳ trả lương hàng tháng.

Làm việc dưới 4 giờ trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được tính ½ ngày,

Trên 4 giờ được tính 1 ngày.

Phụ cấp trách nhiệm

Người lao động làm việc thuộc công tác quản lý (tổ trưởng, tổ phó, đội trưởng, đội phó, quản đốc…)  hay công việc đòi hỏi trách nhiệm cao hơn so với trách nhiệm đã tính mức lương.

Không vượt quá 10% mức lương quy định trong thang lương, bảng lương.

Được tính trả lương cùng kỳ trả lương hàng tháng.

Khi không làm công việc được hưởng phụ cấp trách nhiệm từ 01 tháng trở lên thì không được hưởng phụ cấp trách nhiệm.

Phụ cấp lưu động.

Người lao động phải thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc (thi công, khảo sát, tìm kiếm, thăm dò…)

Không vượt quá 10% mức lương quy định trong thang lương, bảng lương.

Được tính trả lương cùng kỳ trả lương hàng tháng.

Theo số ngày thực tế lao động.

Phụ cấp thu hút

Người lao động làm việc ở vùng kinh tế mới, vùng có điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn…

Không vượt quá  35% mức lương quy định trong thang lương, bảng lương.

Được tính trả lương cùng kỳ trả lương hàng tháng.

Thời gian thực hiện từ 3 đến 5 năm tùy vào điều kiện địa bàn làm việc hoặc công việc được áp dụng.

Phụ cấp khu vực

Người lao động làm việc ở địa bàn mà Nhà nước quy định cán bộ, công chức làm việc tại vùng này được hưởng phụ cấp khu vực theo Thông tư liên tịch 11/2005/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC-UBDT

Tối đa bằng mức tuyệt đối mà cán bộ, công chức trên địa bàn được hưởng.

Được tính trả lương cùng kỳ trả lương hàng tháng.

Khi không làm công việc tại nơi được hưởng phụ cấp khu vực từ 01 tháng trở lên thì không được hưởng phụ cấp khu vực

Phụ cấp chức vụ

Trưởng phòng,Phó Trưởng phòng (ban) trường hợp công ty quy định họ được hưởng lương chuyên môn cộng phụ cấp chức vụ.

Không vượt quá 15% mức lương chuyên môn, nghiệp vụ cao nhất trong bảng lương của lao động chuyên môn, nghiệp vụ,

Được tính trả lương cùng kỳ trả lương hàng tháng.

Khi thôi không giữ chức vụ từ 01 tháng trở lên thì không được hưởng phụ cấp chức vụ.

 

Ngoài các loại phụ cấp trên, còn có thể bổ sung phụ cấp khác như phụ cấp khuyến khích người lao động làm việc đảm bảo thời gian và mức độ lao động, nâng cao kỹ thuật thực hiện công việc và gắn bó lâu dài với công ty hay phụ cấp khác phù hợp với tính chất, đặc điểm công việc.

Chế độ phụ cấp khác phải được báo cáo chủ sở hữu (Nhà nước) xem xét và thống nhất trước khi thực hiện. 

  •  33035
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…