DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Hướng dẫn chi tiết về việc thu, nộp phí thi hành án dân sự

Hiện nay, việc thu, nộp phí thi hành án dân sự được thực hiện theo Thông tư liên tịch 144/2010/TTLT-BTC-BTP . Tuy nhiên, quá trình thực thi, gặp không ít những điểm bất cập, thiếu sót. Vì vậy, Liên Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đã soạn thảo Thông tư liên tịch mới quy định về việc thu, nộp và quản lý phí thi hành án dân sự.

thu nộp phí thi hành án

Dưới đây là một số điểm mới của Thông tư liên tịch này:

1. Mức phí thi hành án dân sự

- Không còn quy định mức trần như Thông tư liên tịch 144/2010/TTLT-BTC-BTP. Theo đó, mức thu phí thi hành án sẽ thực hiện theo Khoản 1, 2 Điều 46 Nghị định 62/2015/NĐ-CP. Cụ thể:

1. Người được thi hành án phải nộp phí thi hành án khi được nhận tiền, tài sản với mức phí sau đây:

a) Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên hai lần mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Nhà nước quy định đến 5.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án là 3% số tiền, giá trị tài sản thực nhận;

b) Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 5.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án là 150.000.000 đồng cộng với 2% của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 5.000.000.000 đồng;

- Đối với vụ việc chia tài sản chung, chia thừa kế; chia tài sản trong ly hôn; vụ việc mà các bên vừa có quyền, vừa có nghĩa vụ đối với tài sản được thi hành án (chỉ cần một trong các bên có đơn yêu cầu thi hành án), người nhận tiền,  tài sản phải nộp phí thi hành án tương ứng với giá trị tài sản thực nhận.

Ví dụ: Tòa án xử ly hôn giữa ông A và bà B, trong phần chia tài sản ly hôn, bà B được nhận nhà trị giá là 500 triệu đồng và phải thanh toán cho ông A 200 triệu đồng. Trong trường hợp này, số phí thi hành án mà các bên phải nộp được tính trên giá trị tài sản thực nhận của từng người, cụ thể như sau:

Số phí thi hành án ông A phải nộp là: 3% x 200 triệu đồng = 6 triệu đồng.

Số phí thi hành án bà B phải nộp là: 3% x (500 - 200) triệu đồng = 9 triệu đồng.

- Đối với trường hợp nhiều người được nhận một tài sản cụ thể hoặc nhận chung một khoản tiền theo bản án, quyết định nhưng có 01 hay 01 số người có yêu cầu thi hành án mà Chấp hành viên đã tổ chức giao tài sản, khoản tiền đó cho người đã  yêu cầu hoặc người đại diện của người đã có yêu cầu để quản lý thì người quản lý đó phải chịu phí thi hành án tính trên toàn bộ giá trị tiền, tài sản thực nhận theo Khoản 1 Điều 46 Nghị định 62/2015/NĐ-CP.

- Đối với trường hợp đương sự đã yêu cầu thi hành án nhưng sau đó có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án thì  tính phí đối với số tiền, tài sản do cơ quan thi hành án dân sự thu, chi trả, tổ chức giao hoặc do đương sự tự thanh toán, giao nhận với nhau như sau:

  + Trường hợp khi chưa hết thời gian tự nguyện thi hành án thì người được thi hành án không phải nộp phí thi hành án.

  + Trường hợp sau khi hết thời gian tự nguyện, trước khi có quyết định cưỡng chế và cơ quan thi hành án dân sự chưa áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án thì người được thi hành án phải nộp ¼ số phí thi hành án.

  + Trường hợp sau khi hết thời gian tự nguyện, đã áp dụng biện pháp bảo đảm nhưng cơ quan thi hành án dân sự chưa ra quyết định cưỡng chế thi hành án thì người được thi hành án phải nộp 1/3 số phí thi hành án.

   + Trường hợp sau khi có quyết định cưỡng chế thi hành án nhưng cơ quan thi hành án chưa cưỡng chế thi hành án  thì người được thi hành án phải nộp 1/2 số phí thi hành án dân sự phải nộp.

   + Trường hợp sau khi có quyết định cưỡng chế thi hành án, cơ quan thi hành án đã thực hiện việc cưỡng chế thi hành án,  thì cơ quan thu 100% mức phí thi hành án dân sự theo Điều 46 Nghị định 62/2015/NĐ-CP.

2. Việc thu, nộp, chi trả phí thi hành án

a. Trường hợp người được thi hành án nhận tiền làm nhiều lần thì số tiền phí thi hành án phải nộp cũng bằng số tiền phí thi hành phải nộp khi được nhận toàn bộ số tiền trong một lần, cơ quan thi hành án được thực hiện như sau:

Ví dụ: Ông A được thi hành án 18 tỷ đồng nhưng ông A được nhận số tiền này trong 06 lần (lần 1 nhận 3 tỷ; lần 2 nhận 4 tỷ; lần 3 nhận 4,5 tỷ; lần 4 nhận 4 tỷ; lần 5 nhận 1.5 tỷ; lần 6 nhận 1 tỷ), số phí thi hành án phải nộp của từng lần theo Khoản 1 Điều 46 Nghị định 62/2015/NĐ-CP được xác định như sau:

- Lần thứ nhất ông A nhận 3 tỷ thì số phí thi hành án lần 1 ông A phải nộp là: 3% X 3 tỷ đồng= 90.000.000 đồng

- Lần thứ hai ông A nhận tiếp 4 tỷ thì số phí thi hành án lần 2 ông A phải nộp là: 3% X 2 tỷ đồng+ 2% X 2 tỷ đồng = 100.000.000  đồng

- Lần thứ ba ông A nhận tiếp 4,5 tỷ đồng thì số phí thi hành án lần 3 ông A phải nộp là: 1% X 3 tỷ đồng + 0,5% X 1,5 tỷ đồng = 37.500.000 đồng

- Lần thứ tư ông A nhận tiếp 4 tỷ đồng thì số phí thi hành án lần 4 ông A phải nộp là: 3,5 tỷ đồng X 0,5 % + 0,01% X 500.000.000đ = 17.550.000 đồng

- Lần thứ năm ông A nhận tiếp 1,5 tỷ đồng thì số phí thi hành án lần 5 ông A phải nộp là: 0,01% X 1,5 tỷ đồng = 150.000 đ

- Lần thứ sáu ông A nhận tiếp 1 tỷ đồng thì số phí thi hành án lần 6 ông A phải nộp là: 0,01% X 1 tỷ đồng = 100.000 đ

Vậy tổng số tiền phí ông A phải nộp sau khi được thi hành án 18 tỷ đồng= tổng số phí 06 lần 245.300.000đ

Tổng số tiền phí phải nộp khi nhận tiền nhiều lần cũng bằng tổng số phí nhận 01 lần theo điểm đ khoản 1 Điều 46 Nghị định 62/2015/NĐ-CP. Cụ thể: 245.000.000đ + 0,01%x (18 tỷ đồng - 15 tỷ đồng)= 245.300.000đ

Đối với trường hợp người được thi hành án nhận tiền làm nhiều lần mà số tiền nhận mỗi lần dưới hai lần mức lương cơ sở nhưng tổng số tiền được nhận nhiều hơn hai lần mức lương cơ sở thì Liên Bộ Tài Chính, Bộ Tư Pháp đang đề xuất 02 phương án:

Một là không phải nộp phí thi hành án.

Hai là vẫn thu phí thi hành án trên tổng số tiền hoặc giá trị tài sản được nhận theo bản án tuyên.

b. Khi yêu cầu thi hành án, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án chưa phải nộp phí thi hành án. Cơ quan thu phí chỉ được thu phí thi hành án khi trả tiền hoặc tài sản được thi hành án cho người được thi hành án, cụ thể như sau:

Trường hợp chi trả tiền

Trường hợp cơ quan thi hành án chi trả tiền bằng tiền mặt thì trừ luôn số phí người được thi hành án phải nộp trên tổng số tiền người được thi hành án nhận, sau đó chỉ chi trả số tiền còn lại cho người được thi hành án sau khi đã trừ số phí phải nộp.

Trường hợp cơ quan thi hành án chi trả tiền bằng hình thức chuyển khoản thì trừ ngay vào số tiền họ được nhận số phí của người được thi hành án phải nộp khi nhận tiền, sau đó chỉ chuyển số tiền người được thi hành án nhận.

Trong trường hợp khi phát sinh khoản tiền lãi do gửi tiết kiệm mà sau đó người được thi hành án được nhận thì người được thi hành án vẫn phải chịu phí thi hành án theo quy định pháp luật.

Trường hợp giao tài sản

Trước khi giao tài sản, cơ quan thu phí có trách nhiệm thông báo cho người được thi hành án về nghĩa vụ nộp phí thi hành án.

Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo thì người được thi hành án phải nộp số phí theo quy định.

Trường hợp cơ quan thi hành án đã giao tài sản mà người được thi hành án không nộp phí thi hành án thì cơ quan thu phí thực hiện theo Khoản 4 Điều 46 Nghị định 62/2015/NĐ-CP.

Trường hợp giao tài sản mà bản án không xác định giá trị hoặc giá trị không còn phù hợp với thời điểm giao tài sản (giá trị chênh lệch quá 20%), thì đề xuất 02 phương án:

Một là, cơ quan thi hành án dân sự thực hiện việc ước tính giá trị tài sản theo giá thị trường tại thời điểm thi hành án để tạm thu phí thi hành án trước khi giao tài sản.

Hai là, Chấp hành viên yêu cầu đương sự thỏa thuận về giá, trường hợp các bên không thỏa thuận được về giá của tài sản thì Chấp hành viên ký hợp đồng với tổ chức thẩm định giá để xác định giá của tài sản.

c. Trường hợp nhầm lẫn về số phí thi hành án:

Bổ sung thêm quy định: “Trường hợp cơ quan thi hành án đã thực hiện việc thu phí thi hành án nhưng sau đó phát hiện người được thi hành án không phải chịu phí thi hành án thì phải làm thủ tục hoàn trả lại số tiền đã thu cho đương sự.”

Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã thu phí nhưng sau đó phải hoàn trả lại đương sự thì số phí hoàn trả cho đương sự được đối trừ trực tiếp với số tiền phí đã thu trong kỳ.

3. Miễn, giảm phí thi hành án

Cần phải xét các đối tượng được miễn, giảm phí thi hành án. Theo Điều 48, các đối tượng sau được miễn, giảm:

1. Người được thi hành án được miễn phí thi hành án trong trường hợp sau đây:

a) Được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng;

b) Thuộc diện neo đơn được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận; thuộc diện tàn tật, ốm đau kéo dài có tóm tắt hồ sơ bệnh án được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ cấp huyện trở lên xác nhận;

c) Người được thi hành án xác minh chính xác sau khi cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án theo quy định tại Khoản 1 Điều 44a Luật Thi hành án dân sự và cơ quan thi hành án dân sự xử lý được tài sản để thi hành án.

2. Người được thi hành án được giảm phí thi hành án như sau:

a) Giảm đến 80% đối với người có khó khăn về kinh tế thuộc chuẩn hộ nghèo quy định tại Khoản 2 Điều 22 Nghị định này và được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc xác nhận;

b) Giảm 30% phí thi hành án tương ứng với số tiền thực nhận từ việc xử lý tài sản của người phải thi hành án mà người được thi hành án xác minh chính xác khi yêu cầu thi hành án và cơ quan thi hành án dân sự xử lý được tài sản để thi hành án mà không phải áp dụng biện pháp cưỡng chế cần huy động lực lượng, trừ trường hợp tài sản đã được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án, Trọng tài thương mại;

c) Giảm 20% phí thi hành án trong trường hợp quy định tại Điểm b Khoản này nếu phải áp dụng biện pháp cưỡng chế cần huy động lực lượng, trừ trường hợp tài sản đã được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án, Trọng tài thương mại.

Để được miễn, giảm phí thi hành án, đương sự phải làm đơn đề nghị được miễn hoặc giảm phí thi hành án (theo mẫu), kèm theo các tài liệu có liên quan (nếu có) nộp cơ quan thu phí. Thủ trưởng cơ quan thu phí nơi nhận đơn xem xét, ra quyết định việc miễn hoặc giảm phí thi hành án

Việc tiến hành xét miễn, giảm phí thi hành án thực hiện đối với từng quyết định thu phí thi hành án, trừ trường hợp người được xét miễn, giảm phí thi hành án thuộc trường hợp người được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị và tài liệu kèm theo của đương sự, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự xem xét, quyết định về việc miễn, giảm phí thi hành án. (trước đây là 15 ngày làm việc).

Xem chi tiết tại Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch 144/2010/TTLT-BTC-BTP.

  •  13829
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

0 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…