DanLuat
Chào mừng bạn đến với Dân Luật . Để viết bài Tư vấn, Hỏi Luật Sư, kết nối với Luật sư và chuyên gia, … Bạn vui lòng ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN.
×

Thêm câu phản hồi

Hướng dẫn cách đọc văn bản pháp luật

Bên cạnh việc tìm đến các văn phòng Luật sư hay các Trung tâm trợ giúp pháp lý miễn phí để được tư vấn các vấn đề pháp lý mà mình gặp phải thì nhu cầu tự tìm hiểu các quy định pháp luật của người dân Việt Nam hiện nay là không thể thiếu.

Nhiều người vẫn tâm sự với mình rằng, không học Luật thì làm sao có thể đọc và hiểu được văn bản pháp luật với từ hàng chục đến hàng trăm điều khoản. Đây này, để mình bày cách cho các bạn nhé. Nhưng trước tiên bạn phải chọn văn bản pháp luật mà mình cần đọc đã thì mình mới hướng dẫn tiếp được.

Có 2 loại văn bản pháp luật: 1 – là dạng Luật, Nghị định, Thông tư, còn 2 – là dạng Công văn. Mà về giá trị pháp lý thì tất nhiên là loại 1, còn loại 2 thì không có giá trị pháp lý, chỉ mang tính tham khảo hướng dẫn.

Hướng dẫn cách đọc văn bản pháp luật

Vì vậy, mình chỉ hướng dẫn cách đọc văn bản pháp luật loại 1 thôi nhé. Cái thứ 2 dễ quá nên khỏi.

Thông thường, 1 văn bản pháp luật luôn có 5 nội dung chính mà bạn cần phải đọc.

Trước khi đọc chi tiết văn bản pháp luật bạn phải coi sơ qua mục lục của văn bản để biết nó dài hay ngắn, dài quá thì đọc trước nội dung số 1, 2, 4, 5. Cái số 3 để từ từ đọc. Mà nội dung số 1, 2, 3, 4, 5 là gì vậy? Mời các bạn xem tiếp hướng dẫn.

Nội dung số 1 đó là Phạm vi điều chỉnh – nội dung này thường nằm ở Điều 1 của văn bản, bạn phải đọc hết nội dung này, bởi vì nội dung này sẽ trả lời cho câu hỏi, văn bản mà bạn đang đọc sẽ nói đến cái gì? Những vấn đề nào sẽ được giải quyết ở văn bản này?

Ví dụ 1: Ở Điều 1 Bộ luật lao động 2012 quy định:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Bộ luật lao động quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; quản lý nhà nước về lao động.

=> Nghĩa là Bộ luật lao động 2012 sẽ nói đến các vấn đề liên quan hợp đồng lao động, tiền lương, giờ làm việc, ngày nghỉ và các quy định khác liên quan đến lao động giữa người lao động và doanh nghiệp và tập thể người lao động…

Ví dụ 2: Điều 1 Nghị định 99/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng con dấu có quy định:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về quản lý và sử dụng con dấu của cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan thuộc hệ thống tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, tổ chức phi chính phủ, tổ chức tôn giáo, tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, tổ chức khác được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) và chức danh nhà nước.

2. Nghị định này không điều chỉnh đối với:

a) Quản lý và sử dụng con dấu của doanh nghiệp được đăng ký, hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư;

b) Dấu tiêu đề; dấu ngày, tháng, năm; dấu tiếp nhận công văn; dấu chữ ký.

=> Nghĩa là ngoại trừ các con dấu doanh nghiệp, dấu chữ ký, dấu tiếp nhận công văn, dấu ngày tháng năm và dấu tiêu đề thì Nghị định 99 quy định tất cả các con dấu , bao gồm con dấu sử dụng trong cơ quan nhà nước và các tổ chức khác được thành lập, hoạt động theo quy định pháp luật.

Bạn chỉ cần hiểu sơ nội dung số 1 để biết mình sẽ tiếp tục đọc cái gì là được.

Nội dung số 2 đó là Đối tượng áp dụng – nội dung này thường nằm ở Điều 2 của văn bản, đọc nội dung này sẽ trả lời cho câu hỏi “Ai là người phải áp dụng quy định của văn bản này”?

Ví dụ 3: Điều 2 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có nêu:

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Người có thẩm quyền xử phạt.

3. Cá nhân, tổ chức khác có liên quan.

=> Nghị định 46 chỉ áp dụng cho người hoặc tổ chức tham gia giao thông đường bộ, đường sắt trong phạm vi nước Việt Nam thôi, người có quyền phạt và người có liên quan.

Cũng xin chú thích cái chỗ “người có liên quan”, ví như bạn cho cháu trai 14 tuổi mượn xe máy đi học, trên đường đi học, đứa cháu “lỡ” vượt đèn đỏ thì cháu bạn bị phạt theo Nghị định 46 này, đồng thời, bạn là người có liên quan.

Tiếp là nội dung số 4Hiệu lực thi hànhthường nằm ở Chương cuối cùng của văn bản pháp luật, và hầu như là Điều khoản gần cuối. Đọc nội dung này bạn sẽ biết quy định của văn bản sẽ chính thức được áp dụng khi nào? Nhưng cũng xin lưu ý có 1 số trường hợp đặc biệt đó là ngày có hiệu lực của văn bản là 1 chuyện nhưng 1 số quy định trong văn bản sẽ có hiệu lực trước hoặc sau ngày có hiệu lực của văn bản. Để mình dẫn vài ví dụ cho các bạn:

Ví dụ 4: Điều 5 Nghị định 47/2016/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang nhân dân:

Điều 5. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 7 năm 2016.

Mức lương cơ sở quy định tại Nghị định này được tính hưởng kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2016.

=> Quy định này sẽ được hiểu là ngày 15/7/2016 thì Nghị định 47/2016/NĐ-CP mới có hiệu lực và lúc này mới bắt đầu truy thu lại các khoản lương tính theo mức lương cơ sở mới này từ ngày 01/5/2016.

Ví dụ 4: Điều 80 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt:

Điều 80. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2016.

2. Nghị định này thay thế các Nghị định sau đây:

a) Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt;

b) Nghị định số 107/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

3. Việc áp dụng quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 30 Nghị định này để xử phạt cá nhân, tổ chức vi phạm được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017.

4. Việc áp dụng các quy định về tải trọng trục xe tại Điểm d Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Điểm a Khoản 6 Điều 33 Nghị định này để xử phạt cá nhân, tổ chức vi phạm được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017.

5. Việc áp dụng quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 28 Nghị định này để xử phạt đối với cá nhân, tổ chức trong trường hợp sử dụng xe taxi chở hành khách không có thiết bị in hóa đơn theo quy định được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017.

6. Việc áp dụng quy định tại Điểm l Khoản 3 Điều 5 Nghị định này để xử phạt đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017.

7. Việc áp dụng quy định tại Điểm k, Điểm l Khoản 1 Điều 5 Nghị định này để xử phạt đối với người điều khiển, người được chở trên xe ô tô trong trường hợp người được chở ở hàng ghế phía sau trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

=> Bắt đầu từ Khoản 3, 4, 5, 6, 7 là các điều khoản đề cập đến các quy định sẽ áp dụng xử phạt sau ngày Nghị định 46 có hiệu lực (tức sau ngày 01/8/2016)

Ngoại trừ các quy định tại Khoản 3, 4, 5, 6, 7 thì các quy định còn lại áp dụng từ ngày 01/8/2016.

Xong tới nội dung số 5Điều khoản chuyển tiếp – nội dung này cũng nằm trong nhóm chung với Điều khoản Hiệu lực thi hành, thường nằm sau Hiệu lực thi hành – điều khoản này sẽ trả lời câu hỏi phải xử lý như thế nào khi sự việc do văn bản này quy định xảy ra trước ngày có hiệu lực mà đến sau ngày có hiệu lực mới giải quyết, hoặc là từ khi văn bản được ban hành đến khi có hiệu lực hoặc sau đó, buộc phải làm gì để đáp ứng quy định tại văn bản đó…

Ví dụ 5:  Điều 81 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt:

Điều 81. Điều Khoản chuyển tiếp

Đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét giải quyết thì áp dụng các quy định có lợi cho tổ chức, cá nhân vi phạm.

Đọc quy định này thì bạn phải hiểu là trong thời điểm chuyển giao, nếu bạn vi phạm trước ngày 01/8/2016 mà đến sau ngày 01/8/2016 mới phát hiện thì có thể áp dụng Nghị định 46 hoặc là Nghị định 171, miễn cái nào có lợi cho bạn là được.

Xong hết 4 nội dung quan trọng, giờ đến cái cuối cùng quan trọng hơn đó là nội dung số 3Nội dung chính của văn bản – là nội dung chi tiết của những thứ đã được nêu ở nội dung số 1.

Phần nội dung chính này, bạn nên đọc tiêu đề của Chương trước khi đọc chi tiết từng Điều khoản, phải xem phần Nội dung chính này có mấy Chương, trong Chương có bao nhiêu Mục, các Mục này nói cái gì.

Ví dụ 6: Như Nghị định 46 có 3 Chương nội dung, gồm Chương II quy định xử phạt vi phạm giao thông đường bộ, Chương III xử phạt vi phạm giao thông đường sắt và Chương IV quy định ai có quyền phạt

Từ đó, bạn định hướng được các điều khoản trong từng chương mà mình sẽ đọc như thế nào.

Hết rồi đó, các bạn có thấy dễ không? Mới đầu làm theo các bước này có thể hơi khó nhưng nếu tập dần dần thì không quá khó đâu các bạn. Chúc các bạn sẽ thực hành tốt phương pháp nêu trên nhé.

  •  98998
  •  Cảm ơn
  •  Phản hồi

Chủ đề đang được đánh giá

20 Lượt cảm ơn
câu phản hồi
Click vào bảng để xem hiển thị đầy đủ thông tin

Bạn vui lòng đăng nhập hoặc Đăng ký tại đây để tham gia thảo luận

Loading…