Chào bạn,
Vấn đề bạn hỏi, luật sư Đào Thị Liên - Công ty Luật Tiền Phong xin được tư vấn cho bạn như sau:
1. Sự giống và khác nhau giữa sản xuất sản phầm phần mềm, lập trình máy vi tính xuất bản phần mềm:
Theo Quyết định 337/QĐ-BKH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành quy định nội dung hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam năm 2007, có cụ thể hóa những ngành nghề trên như sau:
- Xuất bản phầm mềm (Mã ngành 5820) bao gồm xuất bản các phầm mềm làm sẵn (không định dạng) như hệ thống điều hành, kinh doanh và các ứng dụng khác, chương trình trò chơi máy vi tính, bao gồm cả tái sản xuất phần mềm; phát hành các phần mềm trọn gói. Hoạt động xuất bản phần mềm không bao gồm việc sản xuất phần mềm nhưng không nhằm để xuất bản và cung cấp trực tuyến phần mềm. Xuất bản có được bản quyền về nội dung (sản phẩm thông tin) và đưa nội dung này ra rộng rãi công chúng bằng cách tham gia vào (hoặc sắp xếp) hoạt động tái bản và phân phối nội dung này dưới nhiều dạng.
- Lập trình máy vi tính (Mã ngành 6201) bao gồm hoạt động viết, sửa, thử nghiệm và trợ giúp các phần mềm theo yêu cầu sử dụng riêng biệt của từng khách hàng, gồm cả lập trình các phầm mềm nhúng.
Theo Biểu cam kết dịch vụ với WTO, về ngành dịch vụ thực hiện phần mềm (mã CPC 842), có quy định “có thể phát triển nhiều chương trình khác nhau để phục vụ cho các ứng dụng cụ thể (phần mềm ứng dụng) và khách hàng có thể lựa chọn sử dụng phần mềm sử dụng được ngay (phần mềm trọn gói), phát triển các phần mềm cụ thể theo các yêu cầu đặc biệt (phần mềm theo yêu cầu khách hàng) hoặc kết hợp cả hai.”
Như vậy, khái niệm sản xuất phần mềm là khái niệm chung, còn việc sản xuất phần mềm cá biệt cho từng khách hàng sẽ được xếp vào nhóm lập trình máy vi tính, còn nếu sản xuất phần mềm phổ biến chung được xếp vào nhóm xuất bản phần mềm.
2. Quyền kinh doanh ngành sản xuất phần mềm, thiết kế website của Công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài theo Biểu cam kết dịch vụ WTO
Theo quy định tại Biểu cam kết dịch vụ WTO, đối với ngành dịch vụ máy tính và các dịch vụ liên quan (bao gồm các dịch vụ thiết kế hệ thống, lập trình, xử lý dữ liệu…), Việt Nam cam kết “Không hạn chế, ngoại trừ: Trong vòng 2 năm kể từ ngày gia nhập WTO, các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài chỉ được cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt nam. Sau 3 năm kể từ khi gia nhập, cho phép thành lập chi nhánh.”
Như vậy, tại thời điểm hiện nay, Công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài không bị hạn chế về quyền kinh doanh ngành nghề sản xuất phần mềm theo Biểu cam kết dịch vụ WTO.
Trên đây là các ý kiến tư vấn của luật sư, hi vọng làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn còn băn khoăn hoặc cần tư vấn thêm, vui lòng điện thoại về tổng đài tư vấn pháp luật của Luật Tiền Phong số 04-1088/4/3 để được trợ giúp.
Thân chúc bạn và công ty sức khỏe và ngày càng phát triển.
Trân trọng./.
Luật sư Đào Liên - Công ty Luật Tiền Phong
Hotline tư vấn miễn phí: 1900 6289
Website: luattienphong.net