Chào anh phubaba,
Về trường hợp cầm cố tài sản của anh, tôi có ý kiến pháp lý ở hai góc độ là dân sự và hình sự như sau:
Thứ nhất, ở góc độ quan hệ dân sự, anh đã giao dịch với người chưa đủ 18 tuổi (tức là, chưa thành niên); và do đó, giao dịch của anh với người chưa thành niên đó là một giao dịch vô hiệu - không có giá trị ràng buộc các bên phải thực hiện hợp đồng cầm cố.
Để một giao dịch giữa tiệm cầm đồ của anh và khách hàng có hiệu lực, giao dịch đó phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;
b) Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của
pháp luật, không trái đạo đức xã hội; và
c) Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Bộ luật Dân sự hiện hành, người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Do đó, chú nhóc 17 tuổi đó khi đem xe đến cầm tại tiệm của anh thì phải có sự đồng ý của cha mẹ người đó. Hình thức của sự đồng ý này có thể là văn bản đồng ý do cha mẹ của chú nhóc đó lập hoặc cha mẹ đi cùng chú nhóc đến giao dịch tại tiệm của anh.
Chiếc xe không phải là tài sản riêng của chú nhóc, mà là của người chị ruột của người đó; do vậy, mục đích và nội dung giao dịch cầm cố này vừa phạm vào điều cấm của pháp luật (không được sử dụng/định đoạt trái phép tài sản của người khác), vừa trái đạo đức xã hội.
Như vậy, anh thấy rằng giao dịch của anh với người chưa thành niên đó là một giao dịch dân sự vô hiệu.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 137 Bộ luật này, hợp đồng cầm cố tài sản anh ký với chú nhóc đó là không có giá trị pháp lý ràng buộc các bên phải thực hiện những thoả thuận trong đó.
Về cách thức xử lý hợp đồng vô hiệu, theo khoản 2 Điều 137 Bộ luật này, anh phải trả lại vô điều kiện chiếc xe đó về cho chủ sở hữu đích thực của nó; đồng thời chú nhóc và cha mẹ chú nhóc phải hoàn trả cho anh số tiền chú nhóc nhận được từ việc cầm cố sai trái tài sản này.
Ngoài ra, bên nào có lỗi gây thiệt hại (nếu thực tế có thiệt hại) trong quan hệ cầm cố này thì phải bồi thường. Ví dụ như, trong thời gian anh quản lý chiếc xe tại tiệm của anh, chiếc xe bị hư hỏng, mất mát phụ tùng …. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể do một bên hoặc cả hai bên cùng gánh chịu.
Thứ hai, ở góc độ hình sự, việc chú nhóc 17 tuổi đem tài sản của người khác đi cầm cố và việc một người nhận cầm cố tài sản đó có thể mang dấu hiệu của tội hình sự.
Hành vi của chú nhóc có thể so sánh tương ứng với các dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản (Điều 138 Bộ luật Hình sự).
Nếu bên nhận cầm cố (cố tình) không trả lại tài sản cho chủ sở hữu hợp pháp thì hành vi này có dấu hiệu của tội chiếm giữ trái phép tài sản (Điều 141 Bộ luật Hình sự).
Ngoài ra, bên nhận cầm cố tài sản còn có thể rơi vào tình huống đồng phạm giúp sức cho bên cầm cố. Một lỗi khác của bên nhận cầm cố là đã để cho chú nhóc giả mạo chữ ký của người khác để ký vào hợp đồng. Không cần phải nói, việc này là hết sức sai trái. Tuy nhiên, kết quả thế nào liên quan đến khía cạnh hình sự còn tuỳ thuộc vào việc kết luận của bên công an sau khi họ làm việc với các bên liên quan.
Do đó, anh phải trả lại ngay lập tức, vô điều kiện chiếc xe cho người chị đứng tên trên giấy đăng ký xe, và đồng thời yêu cầu gia đình chú nhóc trả lại số tiền tiệm của anh đã đưa cho cậu ấy. Khi trả lại chiếc xe, anh mời người chị đến và giao trả chiếc xe cho cô ấy sau khi đã đối chiếu "đúng chủ đúng vật"; đồng thời, hai bên lập biên bản về việc giao nhận chiếc xe đó.
Trên đây là một số ý kiến của tôi dựa trên những thông tin ít ỏi do anh cung cấp. Nếu có nội dung chưa rõ hay có thắc mắc gì, vui lòng liên lạc với tôi.
Thân chào.
Cập nhật bởi tranquoclegal vào lúc 04/05/2009 16:25:44
Luật sư Trần Đình Bảo Quốc
(Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh)
DĐ: 098 3600737
____________________________________________
CÔNG TY LUẬT TNHH TRẦN QUỐC - QUOC TRAN PLLC
Head Office:
464 Lạc Long Quân
Phường 5, Quận 11
TP. Hồ Chí Minh
Tel: (+84 8) 3975 1734
Fax: (+84 8) 3975 5681
E-mail: quoctranpllc@gmail.com